80 năm - Huyền thoại về cuộc đổ bộ vô tiền khoáng hậu trong lịch sử

Chiến dịch đổ bộ D-Day với số lượng khổng lồ binh sĩ và khí tài đã được xem là cuộc đổ bộ lớn nhất trong lịch sử, đậm màu huyền thoại.

 

Cách đây tròn 80 năm, ngày 6/6/1944, quân đội Đồng minh đã mở màn chiến dịch giải phóng Tây Âu trong giai đoạn cuối Thế chiến thứ II bằng cuộc đổ bộ đánh chiếm bãi biển Normady (Pháp). Cuộc đổ bộ với số lượng khổng lồ binh sĩ và khí tài đã được xem là cuộc đổ bộ lớn nhất trong lịch sử, đậm màu huyền thoại.

Khi 3 cường quốc đạt được thoả thuận mở mặt trận thứ 2 trên đất Pháp

Từ ngày 28/11 - 1/12/1943 tại thủ đô Tehran của Iran đã diễn ra hội nghị giữa nguyên thủ3 cường quốc lúc bấy giờ là Nguyên soái, Chủ tịch Ủy ban Quốc phòng Nhà nước Liên Xô Joseph Stalin, Tổng thống Mỹ Franklin Roosevelt và Thủ tướng Anh Winston Churchill. Đây là cuộc họp thu hút sự quan tâm đặc biệt thời điểm đó bởi đây là lần đầu tiên, 3 quốc gia này đã gạt bỏ những ý kiến khác biệt để ngồi lại với nhau cùng thoả thuận nhiều vấn đề. Diễn ra tại Tehran và giữa ba cường quốc nên Hội nghị đáng nhớ này còn được gọi là Hội nghị Tam cường hay Hội nghị Tehran. Một trong những vấn đề quan trọng đạt được tại hội nghị là ra Tuyên bố chung thống nhất hành động để đẩy nhanh sự sụp đổ của chủ nghĩa phát xít, giảm bớt thương vong cho quân đội, dân thường, kết thúc Chiến tranh Thế giới thứ hai, duy trì hòa bình bền vững thời hậu chiến. 

Tướng Dwight D. Eisenhower, tổng tư lệnh tối cao quân đội Đồng minh, dặn dò các binh sĩ nhảy dù trước giờ xuất kích.Một kết quả quan trọng khác đạt được tại Hội nghị Tam cường 1943 là 3 cường quốc rốt cuộc cũng đạt được nhất trí sau rất nhiều sức ép của Stalin, về việc mở mặt trận thứ hai, vốn được Mỹ và Anh hứa hẹn từ năm 1942 nhưng sau đó lại tìm cớ trì hoãn bởi cả Mỹ và Anh đều muốn né tránh chiến tranh lớn với Đức. Đến thời điểm năm 1943, sau khi quân Đức thất bại thảm hại tại Stalingrad và Kursk, Hồng quân Liên Xô chuyển sang phản công chiến lược, Anh, Mỹ nhận thấy rằng không thể không phối hợp tác chiến với Hồng quân nếu như không muốn bị mất phần quyền lợi sau chiến tranh, nên họ khẳng định sẽ mở mặt trận thứ hai “trong thời gian sớm nhất”.

Chỉ có điểm khác là lần này hội nghị quyết định mặt trận thứ hai sẽ mở trên đất Pháp. Trước đó, phía Anh đề xuất mặt trận thứ hai sẽ mở từ phía bán đảo Balkans với dụng ý vừa tránh đối đầu trực diện với quân Đức, vừa muốn đánh chiếm các nước Đông và Nam Âu trước khi Hồng quân Liên Xô kịp đến, tất nhiên, phía Liên Xô kiên quyết bác bỏ đề nghị này và yêu cầu Anh, Mỹ phải mở mặt trận thứ hai tại Tây Âu.

Ngày 6/6/1944, phe Đồng minh đã tiến hành chiến dịch mang mật danh Neptune hoặc Overlord, và thường được gọi là D-Day. (Ảnh: NPR)Tại hội nghị Tehran, trước những lý lẽ và thái độ cương quyết của Stalin, hai nhà lãnh đạo Anh, Mỹ cũng hứa với lãnh đạo Liên Xô rằng thời gian mở mặt trận thứ hai ở Tây Âu, cụ thể là tại Pháp với khung thời gian được ấn định là không muộn hơn tháng 5/1944. Chiến dịch đổ bộ D-Day theo đó cũng được quyết định là vào nửa đầu năm 1944.

3 năm chuẩn bị kỳ công

Cũng từ những kết quả đạt được tại Hội nghị Tam cường tại thủ đô Tehran mà có nhiều tài liệu cho rằng Phe Đồng minh chuẩn bị kế hoạch cho cuộc đổ bộ từ đầu năm 1943 khi cục diện chiến trường ở mặt trận phía tây phe phát xít Đức chuyển biến theo hướng bất lợi. Từ phía nam, phe Đồng minh tiến sát đến Italia. Từ phía đông, Liên Xô chiến thắng trong cuộc chiến tiêu hao và giờ chuyển sang thế tấn công.

Lính Mỹ tại bãi biển Omaha, gần Vierville sur Mer trong cuộc đổ bộ Normandy (D-Day) ngày 6/6/2014.Tuy nhiên, lại có nhiều tài liệu cho rằng quân đồng minh đã vạch ra những kế hoạch đổ bộ đầu tiên từ năm 1941 và mất tới ngót 3 năm chuẩn bị kỳ công về nhân tại, vật lực cùng kế hoạch chi tiết cho cuộc đổ bộ này. Mãi tới năm 1944, kế hoạch đổ bộ mới được phê chuẩn. Sau khi được phê chuẩn, kế hoạch triển khai cuộc đổ bộ được khẩn trương thực hiện. Điểm đổ bộ được xác định là bãi biển Normandy, Pháp. Tướng Mỹ D. Eisenhower được cử làm Tư lệnh tối cao lực lượng Đồng minh. Ngay cả trong câu chuyện nhân sự của kế hoạch đổ bộ này cũng nhuốm màu huyền thoại với nhiều thực hư xen kẽ. Đơn cử như việc người Mỹ đóng góp lực lượng quân nhân và các vũ khí, khí tài quy mô nhất nhưng Anh mới là người nắm giữ vai trò lãnh đạo trong cuộc đổ bộ. Bằng chứng là tuy lãnh đạo tối cao của quân Đồng minh là tướng Mỹ Dwight D. Eisenhower nhưng phó chỉ huy tối cao là đại tướng không quân Arthur Tedder cùng 3 chỉ huy quân vụ đều là người Anh.

Cú lừa táo bạo

Chuẩn bị công phu, kỳ công, nhưng theo nhiều tài liệu, cuộc đổ bộ của quân đồng minh ngày 6/6/1944 sẽ khó lòng thành công nếu không thực hiện được trót lọt “phi vụ đánh lạc hướng” Đức quốc xã đầy táo bạo năm ấy.

Theo đó, quân Đồng minh đã mở một chiến dịch tung hỏa mù, làm cho Bộ Chỉ huy Đức tin rằng mặt trận sẽ được mở ở Pas de Calais, nơi bắt đầu con đường ngắn nhất dẫn tới Berlin. Cũng phải nói thêm rằng, để tung được đòn hoả mù, lừa được hệ thống tình báo khôn ngoan, lọc lõi của Đức quốc xã thực sự là một kỳ công. Năm 1944, Juan Pujol Garcia được tình báo Anh giao thực hiện một nhiệm vụ vô cùng quan trọng. Để quân Đức quốc xã tin rằng việc đổ bộ vào Normady chỉ nhằm nghi binh, mà thực chất quân Đồng minh sẽ đổ bộ tại một khu vực ở Pas de Calais, Juan Pujol Garcia và các đồng sự đã phải “giương đông kích tây”, trong đó có hơn 500 bức điện được trao đi đổi lại giữa Juan Pujol Garcia và bộ phận tiếp nhận thông tin của tình báo Đức quốc xã ở Madrid. Theo đó, Juan Pujol Garcia liên tục báo cáo rằng các cuộc đổ bộ lên bãi biển Normandy chỉ là hành động nghi binh.

Binh sĩ Đức quốc xã đầu hàng Phe Đồng minh sau thất bại ở Normandy.Rốt cuộc, tình báo Đức quốc xã và thậm chí cả Bộ Chỉ huy tối cao quân đội phát xít Đức cũng hoàn toàn tin vào những tin tức giả mà Juan Pujol Garcia và mạng lưới điệp viên ảo của ông cung cấp. “Nếu lực lượng phát xít Đức đang tập trung ở Pas de Calais tham chiến trong tháng 6 và 7/1944, thì hẳn chúng ta đã thất bại. Đóng góp của Juan Pujol Garcia ngang với cả một sư đoàn. Ông ấy đã cứu được vô số mạng người” - tướng Mỹ Dwight Eisenhower, Chỉ huy chiến dịch đổ bộ đã ca ngợi Juan Pujol Garcia.

Và cuộc đổ bộ đẫm máu

Cuộc đổ bộ D-Day bắt đầu từ đêm ngày 5 rạng sáng ngày 6/6/1944. Trong đêm tối, 11.590 máy bay quân Đồng Minh thực hiện 14674 phi vụ để đưa lính dù Mỹ, Anh nhảy xuống trận địa sâu bên trong phòng tuyến Đức hòng chiếm những vị trí quan trọng và cắt đứt đường liên lạc của phát xít. Thực ra, ban đầu, phe Đồng minh dự định mở màn cuộc đổ bộ vào ngày 5/6/1944, nhưng tướng Eisenhower đã quyết định lùi giờ G thêm 24 tiếng vì thời tiết bất lợi.

Hội nghị giữa lãnh đạo ba cường quốc thế giới Mỹ, Liên Xô và Anh diễn ra từ ngày 28/11 đến 1/12/1943 tại Tehran đã ra Tuyên bố chung thống nhất hành động để kết thúc Chiến tranh thế giới thứ hai và duy trì hòa bình bền vững thời hậu chiến. Và chính quyết định này đã dẫn tới Chiến dịch D-Day. (Ảnh: Topwar.ru)Chuẩn bị kỹ lưỡng, lực lượng khổng lồ, có yếu tố bất ngờ nhưng cuộc đổ bộ vẫn không hề dễ dàng, nếu không muốn nói là đẫm máu khi Lực lượng phòng thủ của quân đội Đức quốc xã mạnh hơn rất nhiều so với dự kiến, chống cự quyết liệt,với chiến thuật đeo bám, gây thương vong rất lớn cho phe Đồng minh.

Đức quốc xã còn xây dựng một hệ thống phòng thủ kiên cố dọc bờ biển, còn gọi là Bức tường Đại Tây Dương, trong đó có "Những chiếc cổng Bỉ" (những bức tường sắt cao gần 4m), những "Cứ điểm Czech" (các trụ tam giác bằng gỗ và thép cao gần 2m được nhồi đầy mìn và đạn pháo - số vũ khí này bị nước che khuất khi thủy triều lên cao), những cọc chĩa ba được bao bằng dây thép gai; những cọc gỗ nhọn đầu kết đầy mìn nhằm ngăn chặn cuộc xâm nhập. Bờ biển với các vách đá cao, kết hợp với chướng ngại vật trên bãi biển, hàng rào thép gai, hàng triệu quả mìn, lô cốt, trụ súng máy, những công sự vững chắc với những trụ bê tông kiên cố đã gây thương vong nặng cho quân đội Mỹ. Tới tận lúc đó, quân Mỹ mới nhận ra rằng họ phải chiến đấu nhằm xuyên thủng "hàng rào phòng vệ" Normandy trên một khu vực chằng chịt những chiến hào và những bãi mìn mai phục chìm sâu dưới nước.

Mãi cuối tháng 8/1944, sau những giằng co từng chút một, chiến dịch đổ bộ mới kết thúc, phe Đồng minh tiến công vào sâu trong đất liền.

Tính chung cả trận đánh Normandy, hơn 226.000 người thuộc phe Đồng minh thiệt mạng, bị thương hoặc mất tích; hơn 4.100 máy bay và 4.000 xe tăng, thiết giáp bị phá hủy. Không chỉ có các chiến binh bị thương vong, mà có tới 15.000 - 20.000 người Pháp thiệt mạng, hàng nghìn người phải bỏ nhà lánh nạn.

Chiến dịch Overlord được đánh giá là thành công khi đẩy lùi được phát xít Đức khỏi bờ biển Pháp, tạo ra vị trí tập kết lực lượng và bàn đạp để phe Đồng minh phản công tại Tây Âu, phối hợp với Hồng quân Liên Xô nhằm tiêu diệt quân đội Đức Quốc xã. Chưa đầy một năm sau cuộc đổ bộ quy mô lớn nhất trong lịch sử lên Normandy, Đức quốc xã bị đánh bại, châu Âu được giải phóng hoàn toàn.

Normandy từ đó đi vào lịch sử như một địa điểm của chiến dịch đổ bộ quy mô lớn nhất trong lịch sử nhân loại (D-Day), nơi hằng năm đón nhiều lãnh đạo thế giới cùng hàng vạn cựu chiến binh và du khách về dự lễ kỷ niệm sự kiện này, cùng nhắc nhớ về giá trị của hoà bình./.

Hà Anh

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận