Chống sa mạc hoá: Hành động ngay cho tương lai

Phục hồi đất có thể đảo ngược tình trạng suy thoái đất, hạn hán, sa mạc hóa; làm tăng hấp thụ carbon và làm chậm biến đổi khí hậu; thúc đẩy sinh kế, giảm nghèo.

 

Tổng Thư ký Antonio Guterres nhấn mạnh: "Chúng ta hãy hành động ngay bây giờ để chống hạn hán cho tương lai của chúng ta".

Từ sự gia tăng nguy cơ sa mạc hoá của “Vựa rau củ của châu Âu”

“Vựa rau củ của châu Âu” là nickname mà báo chí thường dùng để gọi Tây Ban Nha - một trong hai nhà sản xuất rau quả hàng đầu ở châu Âu, cùng với Italia. Nhờ khí hậu thuận lợi, tỷ lệ sản xuất của hai quốc gia này cao hơn các quốc gia khác, đặc biệt là trái cây họ cam quýt, dưa hấu, đào, ớt và cà chua, nho và lê. Mỗi năm, Tây Ban Nha được xem là làm giàu nhờ sản xuất rau quả bởi nông nghiệp đóng góp tới 60 tỷ euro (66 tỷ USD) giá trị xuất khẩu hằng năm của Tây Ban Nha.

Cảnh khô hạn tại Bojonegoro, Đông Java, Indonesia. (Ảnh: AFP/TTXVN)Tuy nhiên, nickname và lượng doanh thu ấy giờ đây bị ảnh hưởng nghiêm trọng khi những năm qua, tình trạng khủng hoảng nguồn nước tại Tây Ban Nha ngày càng diễn tiến một cách đáng quan ngại. Theo kết quả nghiên cứu công bố năm 2022 trên tạp chí Nature Geoscience, tổ chức Hòa bình Xanh (Greenpeace) ước tính, khoảng 75% diện tích Tây Ban Nha có nguy cơ bị sa mạc hóa. Cũng trong năm 2022, các số liệu thống kê cho thấy, các hồ chứa nước tại Tây Ban Nha cạn chỉ còn hơn 40% dung tích. Theo Hội đồng nghiên cứu quốc gia Tây Ban Nha, mức độ suy thoái đất đã tăng gấp 3 lần trong 10 năm qua. Điều này đồng nghĩa rằng đất mất khả năng giữ nước, không thể phục vụ trồng trọt và chăn nuôi. Thậm chí, tháng 6/2005, quốc gia châu Âu này đã xuất hiện nguy cơ sa mạc hoá. Thời điểm đó, Bộ Môi trường Tây Ban Nha công bố, bốn khu vực Andalusia (miền Nam), Murcia và Valencia (miền Đông) cũng như quần đảo Canary (Đông Bắc) đang đứng trước nguy cơ sa mạc hóa "cao hay rất cao".

Hạn hán ở Công viên Quốc gia Currawinya, Queensland, Australia. (Ảnh: carbonbrief.org)Khoảng 700 triệu người có nguy cơ phải di cư vào năm 2030 do sa mạc hóa

Điều đáng quan ngại hơn nữa là nguy cơ sa mạc hoá không chỉ đe doạ mình Tây Ban Nha. Từ lâu, LHQ đã khẳng định hạn hán và sa mạc hóa là vấn đề toàn cầu, ảnh hưởng đến an ninh sinh thái của cả hành tinh. LHQ cũng từng cảnh báo quá trình sa mạc hóa là một trong số những “thách thức môi trường lớn nhất trong thời đại của chúng ta”, ảnh hưởng đến tất cả các lĩnh vực của cuộc sống, đặc biệt là môi trường và sinh kế của người dân.

Cụ thể, Tổ chức Y tế Thế giới cảnh báo hạn hán đang ảnh hưởng đến 56 triệu người trên toàn cầu, 40% dân số bị thiếu nước, khoảng 700 triệu người có nguy cơ phải di cư vào năm 2030. Tần suất và thời gian hạn hán đã tăng 29% kể từ năm 2000 và nếu không có hành động khẩn cấp, hạn hán có thể ảnh hưởng đến hơn 3/4 dân số thế giới vào năm 2050. Còn theo Công ước của LHQ về chống sa mạc hóa (UNCCD), có tới 40% diện tích đất đai trên hành tinh bị suy thoái, ảnh hưởng trực tiếp đến một nửa dân số thế giới và đe dọa khoảng một nửa GDP toàn cầu (44 nghìn tỷ USD). Hạn hán cũng là mối nguy hại nghiêm trọng với gia súc và cây trồng; là một trong những nguyên nhân gây ra 80 - 90% các thảm họa thiên nhiên được ghi nhận trong 10 năm qua.

Tình trạng hạn hán nghiêm trọng ở vùng Sừng châu Phi cũng gây mất an ninh lương thực và tình trạng suy dinh dưỡng tăng vọt ở nhiều khu vực tại Kenya.Trước đó, trong thông điệp đưa ra nhân Ngày thế giới chống sa mạc hóa và hạn hán năm 2021, Tổng thư ký Liên Hợp Quốc António Guterres nêu rõ: “Nhân loại đang tiến hành một cuộc chiến không ngừng nghỉ và tự đánh bại thiên nhiên. Đa dạng sinh học đang suy giảm và nồng độ khí nhà kính đang gia tăng. Từ những hòn đảo xa xôi nhất đến những đỉnh núi cao nhất, ô nhiễm mà chúng ta gây ra ở khắp mọi nơi. Trái đất có thể là đồng minh tốt nhất của chúng ta, nhưng hôm nay nó đang đau đớn. Gây ra bởi biến đổi khí hậu và mở rộng nông nghiệp, thành phố và cơ sở hạ tầng, suy thoái đất đe dọa cuộc sống của 3,2 tỷ người. Nó làm tổn hại đến đa dạng sinh học và thúc đẩy sự xuất hiện của các bệnh truyền nhiễm, chẳng hạn như Covid-19”.

Tới lời kêu gọi khẩn thiết “hành động ngay bây giờ để chống hạn hán cho tương lai"

Tình trạng biến đổi khí hậu ngày càng nghiêm trọng càng ngày càng cho thấy mức độ nguy hại của hạn hán, dẫn tới sa mạc hóa trong nhiều khu vực trên Trái Đất. Vấn đề chống sa mạc hoá, vì thế, ngày càng trở nên cấp thiết với hết thảy các quốc gia.

Một trong những động thái quyết liệt nhất của toàn cầu trong nỗ lực chống sa mạc hoá là việc năm 1977, Hội nghị về sa mạc hóa của Liên Hợp Quốc (UNCOD) đã thông qua một kế hoạch hành động chống sa mạc hóa (PACD). Tháng 6/1992, Công ước Chống sa mạc hóa của LHQ đã được đưa ra tại Hội nghị thượng đỉnh về môi trường và phát triển tại Rio de Janeiro (Brazil). Năm 1994, Đại hội đồng LHQ tuyên bố lấy ngày 17/6 hàng năm để kỷ niệm Ngày thế giới chống sa mạc hóa và hạn hán, đánh dấu ngày thông qua Công ước chống sa mạc hóa (UNCCD).

Tham gia Công ước chống sa mạc hóa, các nước thành viên có nghĩa vụ chính bao gồm: xây dựng một phương pháp đồng bộ nhằm giải quyết các vấn đề về lý học, sinh học, kinh tế - xã hội của quá trình sa mạc hóa; quan tâm đến các nước đang phát triển hiện đang bị ảnh hưởng bởi sự sa mạc và khô hạn, tình trạng buôn bán quốc tế, nợ nước ngoài, để xây dựng một nền kinh tế bền vững; kết hợp chiến lược xoá đói, giảm nghèo với phòng chống sa mạc hóa…

Một hồ chứa nước bị khô cạn tại Tây Ban Nha ngày 26/7/2023. (Ảnh: AFP/TTXVN)Cùng với đó, rất nhiều giải pháp chống sa mạc hoá đã được đưa ra. Mới đây nhất, Ngày Môi trường Thế giới năm 2024 được Chương trình Môi trường Liên Hợp Quốc lựa chọn chủ đề “Phục hồi đất, chống hạn hán và sa mạc hoá,” trong đó phục hồi đất được nhiều nước xem là mục tiêu hàng đầu, là một trong những mục tiêu chính trong Thập kỷ Phục hồi Hệ sinh thái của Liên Hợp quốc (2021-2030). Phục hồi đất có thể đảo ngược tình trạng suy thoái đất, hạn hán và sa mạc hóa; làm tăng hấp thụ carbon và làm chậm biến đổi khí hậu; thúc đẩy sinh kế, giảm nghèo. Chỉ khôi phục 15% đất đai và ngừng chuyển đổi thêm có thể tránh được tới 60% nguy cơ tuyệt chủng. Liên minh châu Âu (EU) cũng phát triển một chiến lược phục hồi đất với nguyên tắc cơ bản: đất khỏe mạnh phải có khả năng chống lại biến đổi khí hậu tốt hơn. Ủy ban châu Âu từng cho biết vào năm 2021: "Khả năng giữ nước cao của đất sẽ hạn chế ảnh hưởng của lũ lụt và giảm tác động tiêu cực của hạn hán".

Lòng sông Salindres tại Pháp khô cạn do hạn hán ngày 17/6/2022. (Ảnh: AFP/ TTXVN)Mỗi giây, diện tích đất tương đương với 4 sân bóng đá bị suy thoái. Tổng diện tích đất bị suy thoái toàn cầu hằng năm khoảng 100 triệu ha… những con số ấy chỉ dừng lại khi những giải pháp được đề ra, nói như người đứng đầu LHQ, phải được thực thi ngay và thực thi một cách quyết liệt và hiệu quả. Nếu không, tới năm 2050, hơn 3/4 dân số thế giới sẽ phải trả cái giá rất đắt bởi hạn hán và sa mạc hoá./.

Ngày Môi trường Thế giới năm 2024 được Chương trình Môi trường Liên Hợp Quốc lựa chọn chủ đề “Phục hồi đất, chống hạn hán và sa mạc hoá,” trong đó phục hồi đất được nhiều nước xem là mục tiêu hàng đầu, là một trong những mục tiêu chính trong Thập kỷ Phục hồi Hệ sinh thái của Liên Hợp quốc (2021-2030). Phục hồi đất có thể đảo ngược tình trạng suy thoái đất, hạn hán và sa mạc hóa; làm tăng hấp thụ carbon và làm chậm biến đổi khí hậu; thúc đẩy sinh kế, giảm nghèo.

Hà Anh

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận