Nhật Bản: Trầm kha nghịch lý tiền lương

Lạm phát tại Nhật Bản những tháng đầu năm 2024 được coi là có dấu hiệu chậm lại tuy nhiên vẫn ở mức cao so với nhiều quốc gia.

 

Lương cơ sở liên tục tăng nhưng đồng lương thực lãnh liên tục giảm, trong khi đó lạm phát chưa bao giờ hết đeo bám… là những nghịch lý, là căn bệnh “trầm kha” mà người làm công ăn lương tại Nhật Bản phải gánh chịu trong suốt nhiều thập kỷ qua. Thậm chí, “căn bệnh” này được xem là “trói tay” Chính phủ trong việc triển khai các biện pháp kích cầu tăng trưởng, phục hồi kinh tế và gây ra nhiều khó khăn hơn trong việc bảo đảm an sinh xã hội.

Mức tăng lương cao nhất trong hơn 3 thập kỷ vẫn chưa vượt qua được… lạm phát

Ngày 8/7/2024, Chính phủ Nhật Bản cho biết tiền lương thực tế trong tháng 5 của người dân nước này đã giảm 1,4% so với một năm trước đó. Đây là mức giảm kéo dài đến tháng thứ 26 liên tiếp, do mức tăng lương cao nhất trong hơn 3 thập kỷ vẫn chưa vượt qua được… lạm phát.

Đáng chú ý, cách đây ít lâu, ngày 15/3/2024, Liên đoàn Công đoàn Nhật Bản (Rengo) thông báo các công ty lớn nhất nước này đã nhất trí tăng 5,28% lương cho người lao động, đây là mức tăng cao nhất trong 33 năm. Chủ tịch Rengo Yoshino Tomoko phát biểu trong một cuộc họp báo rằng bất bình đẳng thu nhập gia tăng, lạm phát và khủng hoảng lao động là một trong những yếu tố đằng sau mức tăng lương lớn như trên. Chính phủ của Thủ tướng Kishda Fumio được cho là đang nỗ lực thúc đẩy các công ty tăng lương để giúp kinh tế thoát khỏi tình trạng giảm phát và chấm dứt tình trạng tăng lương vốn vẫn ở mức thấp hơn so với mức trung bình của các nước thành viên khác trong Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD).

Lạm phát tại Nhật liên tục tăng mạnh kể từ năm 1982. (Ảnh: Bloomberg)Tuy nhiên, điều trớ trêu là mức tăng lương cho người lao động tăng tháng thứ 26 liên tiếp và cao nhất trong hơn 3 thập kỷ qua nhưng vẫn không đủ để bắt kịp lạm phát. Mới đây nhất, Bộ Nội vụ Nhật Bản cho biết, tỷ lệ lạm phát của Nhật Bản trong tháng 4/2024 đã giảm từ 2,6% xuống còn 2,2%, tiến gần sát mức mục tiêu 2% của Ngân hàng trung ương Nhật Bản (BOJ), tuy nhiên, trên thực tế tiền lương thực tế vẫn giảm do lương tăng chưa đủ bù lạm phát.

Theo số liệu được Bộ Lao động Nhật Bản công bố, tiền lương thực tế ở Nhật Bản trong tháng 3/2024 sau khi trừ đi lạm phát giảm 2,5% so với cùng kỳ năm ngoái, đánh dấu năm giảm thứ hai liên tiếp. Năm 2023, tiền lương thực tế ở Nhật Bản giảm 2,5%, mức giảm tính trên cơ sở năm mạnh nhất kể từ thập niên 1990. Cũng trong năm 2023, Chính phủ Nhật Bản cho biết chỉ số giá tiêu dùng lõi (CPI) ở nước này tăng 3,1% so với năm trước đó, đánh dấu mức tăng cao nhất kể từ năm 1982, do chi phí thực phẩm tăng và đồng Yen yếu hơn khiến hàng nhập khẩu đắt hơn.

Tiền lương thực tế ở Nhật Bản liên tục giảm mạnh. (Ảnh: AFP)Người dân ngày càng thắt chặt chi tiêu

Chi phí sinh hoạt tăng quá cao, đồng lương không theo kịp lạm phát, vì thế phương cách duy nhất mà người làm công ăn lương tại đất nước Mặt trời mọc có thể làm là thắt chặt hầu bao của mình. Theo số liệu của Văn phòng nội các Nhật Bản công bố hôm 16/5/2024, GDP thực của Nhật Bản trong quý 1/2024 suy giảm 0,5% so với quý trước đó. Tiêu dùng cá nhân (chiếm hơn 50% nền kinh tế), giảm 7% so với quý cuối năm ngoái, đánh dấu mức giảm hàng quý lần thứ tư liên tiếp.

"Lương của tôi đang giảm. Vì thế, tôi phải dừng mua quần áo và ăn ngoài để tiết kiệm tiền", Risa Shinkawa - một chuyên viên làm đẹp 32 tuổi cho biết. "Tôi sẽ ăn ở nhà để tiết kiệm tiền và sống lành mạnh", Momoka Nakano - một người trẻ Nhật Bản chia sẻ.

Trước đó, năm 2023, trong một cuộc khảo sát của dịch vụ cho vay xã hội Lendex có trụ sở tại Tokyo, gần một nửa số người làm công ăn lương ở độ tuổi từ 20 đến 50 chia sẻ, họ chi ít hơn 500 yen mỗi ngày cho bữa trưa. Một cuộc khảo sát khác của đơn vị cung cấp dịch vụ thanh toán Edenred tại Nhật Bản cho thấy, khoảng 40% nam và nữ nhân viên văn phòng đã siết chặt chi phí ăn trưa, trong khi gần 70% cho biết họ đã không chọn món ăn yêu thích của mình chỉ vì tiết kiệm tiền. Năm 2022, theo một nghiên cứu được thực hiện bởi công ty Bảo hiểm Nhân thọ Sumitomo, hơn 87% trong số 5.005 người được phỏng vấn nói rằng giá cả tăng cao đã ảnh hưởng đến tài chính gia đình họ ở một mức độ nào đó, để đối mặt với áp lực tiền bạc, 42,6% cho biết đang bớt mua sắm thực phẩm, hơn 36% hạn chế chi tiêu cho các hoạt động du lịch và giải trí, hơn 21% đàn ông cho biết họ tiêu tiền ít hơn mỗi khi ra đường, 30% phụ nữ mua ít quần áo hơn, cũng như giảm chi tiêu cho mỹ phẩm và các sản phẩm làm đẹp khác, 16% số người được hỏi nói rằng họ phải cho các con nghỉ học thêm, và hơn 22% giảm tần suất học thêm của con.

“Giá tăng, đặc biệt là đối với nhu yếu phẩm hàng ngày đã làm nguội lạnh tâm lý người tiêu dùng”, Hiroshi Miyazaki - nhà nghiên cứu cấp cao của Viện nghiên cứu Itochu nhìn nhận trước xu hướng ngày càng dè dặt chi tiêu của người dân Nhật Bản.

Ngày 8/7/2024, Chính phủ Nhật Bản cho biết tiền lương thực tế trong tháng 5 của người dân nước này đã giảm 1,4% so với một năm trước đó. Đây là mức giảm kéo dài đến tháng thứ 26 liên tiếp, do mức tăng lương cao nhất trong hơn 3 thập kỷ vẫn chưa vượt qua được… lạm phát.

Bệnh trầm kha khó chữa

Lạm phát tại Nhật Bản những tháng đầu năm 2024 được coi là có dấu hiệu chậm lại tuy nhiên vẫn ở mức cao so với nhiều quốc gia. Tính riêng tháng 12/2023, lạm phát lõi là 2,3%, giảm so với 2,5% tháng 11. Như vậy, tốc độ này đã vượt qua mục tiêu 2% của Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) trong 21 tháng liên tiếp. "Câu hỏi hiện tại là liệu tiêu dùng có thể tăng tốc để giá tiếp tục đi lên hay không. Tiêu dùng yếu sẽ kéo tụt lạm phát, khiến mục tiêu duy trì 2% khó khăn hơn trong năm nay", Yoshiki Shinke - nhà kinh tế học tại Viện nghiên cứu Dai-ichi Life nhận định.

Câu hỏi của nhà kinh tế học Yoshiki Shinke là câu hỏi không dễ có câu trả lời ngay lúc này với Nhật Bản, nếu không muốn nói là còn quá khó. Việc Nhật Bản đang là quốc gia có tốc độ già hóa nhanh nhất thế giới, với dân số giảm 0,5% mỗi năm và tỷ lệ dân số trên 65 tuổi ở nước này hiện là 30% cũng thêm một gánh nặng đối với tăng trưởng kinh tế và ngân sách quốc gia nước này.

Ngày 2/3/2024, Hạ viện Nhật Bản đã thông qua dự thảo ngân sách 112.570 tỷ yen (750 tỷ USD) cho năm tài chính tiếp theo bắt đầu vào tháng 4/2024 với nhiều mục tiêu, trong đó có giúp các hộ gia đình đối phó với lạm phát và hỗ trợ các nỗ lực phục hồi ở những khu vực bị xảy ra động đất vào ngày đầu năm mới. Đây cũng là ngân sách lớn thứ hai từ trước đến nay của đất nước, chỉ thấp hơn ngân sách 114.380 tỷ yen được trình trong năm tài chính 2023.

Gói ngân sách này được kỳ vọng tạo thêm động lực phát triển mới cho nền kinh tế của đất nước Mặt trời mọc, khởi đầu của những cải cách quan trọng nhằm tạo động lực mới để kinh tế Nhật Bản hùng cường trở lại. Và, điều quan trọng nhất là để câu chuyện mang đậm màu sắc nghịch lý: lương không ngừng tăng nhưng hầu bao liên tục bị thu hẹp, chi phí ngày càng phải thắt chặt sẽ không còn tái diễn với người dân Nhật Bản./.

Hà Anh

 

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận