Trung Quốc: Tổn thất lớn 'vượt sức tưởng tượng' bởi siêu bão Yagi

Cuộc chiến với Yagi và hoàn lưu của nó vẫn đang hết sức quyết liệt và căng thẳng tại đất nước tỷ dân...

 

Sự tàn phá và tác động của cơn bão này vượt xa sức tưởng tượng và thảm khốc bất thường, gây thiệt hại đáng kể về người và tài sản - đó là nhận định của một quan chức Trung Quốc về cơn bão số 3 vẫn được gọi với cái tên mỹ miều “siêu bão Yagi”.   

Cơn bão dị thường

Được hình thành trên vùng biển ấm áp ở phía đông Philippines tối 1/9, sáng 2/9, vượt qua khu vực phía Bắc đảo Lu-Dông (Philippines) đi vào khu vực phía Đông của Biển Đông trở thành cơn bão số 3 năm 2024, với sức gió duy trì tối đa 234km/h ở gần trung tâm, các cơ quan khí tượng đánh giá bão số 3 (Yagi) được cho là siêu bão mạnh nhất trong nhiều thập kỷ qua, thiết lập nhiều kỷ lục mới, cho đến thời điểm này.

Cụ thể, Yagi được ghi nhận là cơn bão nhiệt đới mạnh thứ hai thế giới tính đến thời điểm hiện tại trong năm nay sau cơn bão Đại Tây Dương cấp 5 có tên Beryl và có thể là cơn bão mạnh nhất năm 2024 ở khu vực Thái Bình Dương đồng thời là cơn bão mạnh nhất trong vòng 30 năm qua.

Trung Quốc nỗ lực khắc phục hậu quả siêu bão Yagi. (Ảnh: Tân Hoa xã)

Chưa hết, cơn bão có cái tên khá đặc biệt (Yagi, có nghĩa là con dê hoặc chòm sao Ma Kết (Capricorn) - cung hoàng đạo thứ 10 của vòng tròn Hoàng Đạo - trong tiếng Nhật) còn được xem có rất nhiều điểm dị thường. Bởi, chỉ sau khoảng 2 ngày, từ cấp 8 bão đã tăng 7 cấp, và đến 10h sáng ngày 5/9, bão số 3 đạt cường độ cực đại cấp siêu bão (cấp 16, giật trên cấp 17). Vùng gió mạnh trên cấp 8 có bán kính khoảng 250km, vùng có gió mạnh trên cấp 10 khoảng 150km, vùng có gió mạnh trên cấp 12 khoảng 80km xung quanh tâm bão.

Đặc biệt nữa là bão số 3 luôn duy trì cấp siêu bão (từ cấp 16 trở lên) cho đến khi vào đến vùng ven biển phía Đông đảo Hải Nam (Trung Quốc) - điều tương đối hiếm gặp đối với các cơn bão trên biển Đông. Ngoài tốc độ gió cực lớn, cơn bão còn mang "hiệu ứng hút" ở tâm của nó khiến mực nước dâng cao lên đến hàng mét ở các vùng ven biển. Khi đến Trung Quốc, Yagi mang theo gió đủ mạnh đủ để lật nhào phương tiện giao thông, bật gốc cây và làm hư hại nghiêm trọng đường sá, cầu cống và các tòa nhà.

Một cửa hàng tiện lợi trên đường Long Côn Nam ở thành phố Hải Khẩu bị thiệt hại nặng nề do siêu bão Yagi. (Ảnh: Chinanews)

Cơn bão mạnh nhất đổ bộ Trung Quốc trong vòng 75 năm

Bởi sức công phá lớn đến thế nên không ngạc nhiên khi Cục Khí tượng Trung Quốc (CMA) ngày 8/9 xác định siêu bão Yagi là cơn bão mùa thu mạnh nhất đổ bộ vào Trung Quốc kể từ năm 1949. Thêm vào đó, như đã nói, sức bền của Yagi cũng vô cùng đáng nể khi Yagi đã giữ trạng thái của một siêu bão tới tận 64 giờ. Và cũng bởi sức công phá, sức bền lớn như vậy nên Yagi đã gây thiệt hại đáng kể, mà như lời các quan chức Trung Quốc là “vượt xa sức tưởng tượng” bất chấp việc nước này đã có sự dự đoán, phòng bị kỹ càng để đối phó với siêu bão này. “Sự tàn phá và ảnh hưởng của cơn bão này ngoài sức tưởng tượng và khác thường. Bão Yagi là cơn bão mạnh nhất đổ bộ vào Trung Quốc sau siêu bão Ramason năm 2014 và cũng là cơn bão mùa Thu mạnh nhất đổ bộ vào Trung Quốc đại lục kể từ khi thành lập nước (năm 1949)” - ông Phiên Thiệu Lập, Giám đốc Sở Quản lý khẩn cấp tỉnh Hải Nam cho biết.

Tòa nhà cao tầng ở thành phố Hải Khẩu bị siêu bão Yagi tàn phá. (Ảnh: Cnr.cn)Cụ thể, theo thống kê chưa đầy đủ, giới chức Trung Quốc ghi nhận 4 người thiệt mạng và 95 người bị thương tại Hải Nam - một trong những địa phương chịu ảnh hưởng nặng nề của bão Yagi. 26 tuyến đường trục quốc gia, tỉnh lộ và 103 tuyến đường cao tốc khác, với tổng chiều dài hơn 400km, đã bị hư hại, hơn 400 căn nhà bị phá hủy và 32.000 nhà khác hư hại. Bão gây thiệt hại 11,9 tỷ nhân dân tệ (khoảng 1,67 tỷ USD) cho ngành nông, ngư nghiệp tỉnh Hải Nam, trong đó hơn nửa là thiệt hại về ngành đánh bắt cá. Siêu bãoYagi còn khiến hơn 167.000 cây xanh bị đổ ngã và hơn 56.000ha hoa màu bị ảnh hưởng, gây thiệt hại kinh tế hơn 26 tỉ nhân dân tệ, chưa kể tại nhiều địa phương bị ảnh hưởng siêu bão của Trung Quốc như Quảng Đông hàng trăm nghìn người đã phải di dời. Hai thành phố Hải Khẩu và Văn Xương, nơi cơn bão trực tiếp đổ bộ, gây thiệt hại nặng nề nhất, dự kiến lên đến 60 tỷ nhân dân tệ (gần 8,5 tỷ USD).

Ngay sau những thiệt hại nặng nề, Trung Quốc đã vào cuộc, nỗ lực khắc phục hậu quả siêu bão. Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình đã chỉ đạo tăng cường hoạt động khắc phục hậu quả sau bão. Trong chỉ thị được ban hành ngày 7/9, Chủ tịch Tập Cận Bình ra lệnh huy động các nỗ lực cứu hộ, xử lý tốt việc di dời và tái định cư những người bị ảnh hưởng, ngăn ngừa thảm họa thứ cấp và giảm thiểu thương vong. Nhà lãnh đạo Trung Quốc cũng thúc giục nhanh chóng sửa chữa cơ sở hạ tầng bị hư hại, bao gồm hệ thống giao thông, điện và thông tin liên lạc, nhấn mạnh cần phải tích cực tái thiết sau thảm họa để khôi phục lại trật tự bình thường sớm nhất có thể.

Một cây to bật gốc nằm trên đường cản trở giao thông. (Ảnh: Chinanews)

Thực hiện chỉ đạo của Chủ tịch Tập Cận Bình, Ủy ban Cải cách và Phát triển Quốc gia Trung Quốc phân bổ tương đương hơn 28 triệu USD hỗ trợ các tỉnh Hải Nam và Quảng Đông khắc phục hậu quả. Bộ Tài chính và Quản lý khẩn cấp Trung Quốc cũng phân bổ tương đương 38 triệu USD, hỗ trợ Hải Nam, Quảng Đông, Quảng Tây và Vân Nam phòng chống bão lũ và cứu trợ thiên tai. Khoản tiền này sẽ được sử dụng để khẩn trương sửa chữa cơ sở hạ tầng bị hư hại, đồng thời tạo điều kiện khôi phục nhanh chóng điều kiện sống và làm việc bình thường của người dân. Cơ quan cung cấp điện cũng đã lập một đội khẩn cấp gồm hàng ngàn thành viên để bắt tay vào việc sửa chữa cung cấp điện trở lại cho dân.

Do ảnh hưởng của hoàn lưu bão Yagi gây mưa lớn, mực nước ở sông Hồng, sông Nam Khê (sông Nậm Thi ở Việt Nam) trên địa bàn tỉnh Vân Nam đã dâng nhanh, khiến 6 xã và thị trấn của huyện Hà Khẩu xảy ra lũ lụt. Số liệu thống kê sơ bộ đến chiều ngày 9/9 cho thấy, mưa lũ đã gây thiệt hại kinh tế trực tiếp cho huyện này lên tới gần 20 triệu nhân dân tệ (2,8 triệu USD). Hà Khẩu đã phải sơ tán 2.130 người dân, nhưng chưa ghi nhận thiệt hại về người.

Bão Yagi đã đi qua nhưng hoàn lưu của nó thì vẫn chưa kết thúc, thậm chí còn hiện hữu những yếu tố khôn lường. Theo đó, Bộ Tài nguyên nước Trung Quốc đang cảnh báo mực nước tại một số con sông ở các tỉnh Quảng Tây và Vân Nam có thể vượt mức báo động. Bộ này cũng dự báo mưa vừa và mưa to sẽ tiếp tục trút xuống các khu vực phía nam và phía tây của tỉnh Quảng Tây. Mực nước sông Châu Giang và các nhánh của nó sẽ vượt quá mức cảnh báo do lượng mưa lớn. Trong khi đó, những thiệt hại nặng nề đến cơ sở hạ tầng giao thông, sạt lở đất ở nhiều khu vực vẫn chưa khắc phục hết… Cuộc chiến với Yagi và hoàn lưu của nó vẫn đang hết sức quyết liệt và căng thẳng tại đất nước tỷ dân./.

Hà Anh

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận