Ấn Độ siết chặt quảng cáo rượu: Quản sao cho vừa?

Ấn Độ siết chặt quảng cáo đồ uống có cồn nhằm ngăn chặn việc lách luật, tránh tình trạng cạnh tranh không lành mạnh của ngành công nghiệp này.

Ấn Độ, nơi cấm quảng cáo trực tiếp rượu, có thể sắp áp dụng các quy định toàn diện để cấm các công ty sản xuất đồ uống có cồn quảng cáo thay thế và tài trợ cho các sự kiện. Các hướng dẫn mới nhằm ngăn chặn việc lách luật của ngành công nghiệp này, tránh tình trạng cạnh tranh không lành mạnh và việc kinh doanh có thể gây hiểu lầm cho người tiêu dùng.

Hết thời “lách luật”

Hồi giữa tháng 8/2024, truyền thông Ấn Độ đưa tin chính phủ nước này nhiều khả năng sẽ sớm ban hành quy định mới để siết chặt hơn việc quảng cáo mặt hàng rượu bia, đồ uống có cồn với công chúng. Ấn Độ hiện đã cấm quảng cáo rượu bia trực tiếp, nay sẽ tiến thêm một bước để hạn chế việc quảng cáo gián tiếp, sử dụng người nổi tiếng để đại diện cho các thương hiệu đồ uống có cồn. Trước nay, các doanh nghiệp trong ngành này vẫn thường “lách luật” bằng cách hiển thị các mặt hàng kém hấp dẫn hơn, chẳng hạn như nước, đĩa nhạc hoặc đồ thủy tinh được trang trí bằng logo và màu sắc liên quan đến sản phẩm chính của họ và thường được các ngôi sao điện ảnh Bollywood nổi tiếng quảng bá.

Giờ đây, cơ quan chức năng Ấn Độ có thể phạt các công ty và cấm những người nổi tiếng quảng cáo thuốc lá và rượu; bởi những quảng cáo kiểu này có thể gây hiểu lầm với người tiêu dùng. Quan điểm của cơ quan quản lý Ấn Độ là các nhà sản xuất không được đi “đường vòng” để quảng bá sản phẩm của họ. Không ít ví dụ về các quảng cáo chui và quảng cáo trá hình cho các sản phẩm đồ uống từng xuất hiện tại Ấn Độ. Ví dụ, nhà sản xuất bia Carlsberg giới thiệu nước uống Tuborg tại Ấn Độ bằng quảng cáo có hình ảnh các ngôi sao điện ảnh tại một bữa tiệc khiêu vũ trên sân thượng với khẩu hiệu "Tilt Your World - Hãy làm nghiêng thế giới của bạn", gợi nhớ đến quảng cáo thương hiệu bia cùng tên của hãng này ở những quốc gia khác. Carlsberg còn thêm vào thông điệp: “Uống có trách nhiệm” sau quảng cáo. Rõ ràng, Carlsberg đã sử dụng một loại nước đóng chai để giới thiệu cho sản phẩm bia - mặt hàng chủ lực của mình. Đây là điều mà Ấn Độ đang muốn khoanh vùng và nghiêm cấm.

Hiện, các hãng rượu bia đang trong quá trình tham vấn với chính quyền Ấn Độ về chính sách mới. Tuy nhiên, nhiều khả năng dự thảo quy định mới sẽ không có nhiều thay đổi và sẽ sớm được công bố chính thức. Khi đó, các bên liên quan sẽ phải có trách nhiệm thi hành. Song song với quá trình tham vấn, các doanh nghiệp trong ngành đồ uống có cồn của Ấn Độ đang phải gấp rút cập nhật chiến lược marketing và quảng cáo của mình để thích nghi với quy định mới.

Mảnh đất màu mỡ

Ấn Độ là thị trường rượu lớn thứ 8 thế giới tính theo khối lượng, với doanh thu hàng năm mà Euromonitor ước tính là 45 tỷ đô la. Con số này tiếp tục gia tăng trong những năm tới khi thu nhập của người dân nước này liên tục gia tăng. Theo một nghiên cứu của Liên đoàn các Công ty đồ uống có cồn Ấn Độ, ước tính doanh thu của mặt hàng này trong năm 2023 đã tăng 7-8%. Con số này trùng khớp với một dự báo trước đó rằng tăng trưởng của ngành này tại Ấn Độ sẽ vào khoảng 7% trong giai đoạn 2021 - 2025.

          Năm 2019, người ta ước tính cứ 7 người Ấn Độ trong độ tuổi từ 10 - 75 thì có 1 người sử dụng rượu bia. Ngành công nghiệp đồ uống có cồn tại đất nước đông dân nhất thế giới đóng góp lớn vào thu ngân sách với khoảng 37,5 tỷ USD tiền thuế cho các bang; trực tiếp cung cấp sinh kế cho hơn 5 triệu nông dân và gián tiếp tạo ra việc làm cho gần 2 triệu người khác. Rượu mạnh gồm whisky và rum, cả sản xuất trong nước và nhập khẩu, là phần nổi bật nhất của ngành đồ uống có cồn, chiếm hơn 55% giá trị cũng như đóng góp thuế của ngành đồ uống có cồn. Ngành sản xuất và kinh doanh rượu đã đóng vai trò chính trong việc hỗ trợ nền kinh tế quốc gia Nam Á. Không chỉ tăng trưởng về mặt quy mô, giá trị của thị trường này cũng đã lớn hơn khi người tiêu dùng Ấn Độ cũng dành nhiều tiền hơn cho mỗi sản phẩm rượu bia trong vài năm qua.

Sự gia tăng tiêu thụ rượu bia có thể bắt nguồn từ nhiều yếu tố như: mức thu nhập của người tiêu dùng tăng và dân số tại các đô thị cũng ngày một đông hơn, khả năng tiếp cận với các sản phẩm này cùng việc các quảng cáo rượu bia ngày càng hấp dẫn và tiếp cận người tiêu dùng ngày một dễ dàng.

“Tỷ lệ thâm nhập và tần suất tiêu thụ rượu đang tăng lên cùng với những thay đổi trong sự chấp nhận của xã hội, đô thị hóa, trao quyền cho phụ nữ, thu nhập tăng và các sản phẩm rượu bia mới xuất hiện trên thị trường” - Vinod Giri, Tổng giám đốc Liên đoàn các Công ty đồ uống có cồn Ấn Độ cho biết. Đây được coi là xu hướng tự nhiên khi kinh tế Ấn Độ tiếp tục tăng trưởng mạnh, các bước phát triển về mặt xã hội và kinh tế giúp cho xu hướng tiêu dùng thay đổi. Ngày càng có nhiều người trẻ, đặc biệt là ở các thành phố giao lưu, kết bạn và dành thời gian rảnh tại các nhà hàng, câu lạc bộ, quán rượu và quán bar sau hai năm cô lập do đại dịch gây ra. Với một đất nước nhiều lễ hội như Ấn Độ, các công ty rượu càng có thêm động lực để sản xuất và phân phối nhiều sản phẩm hơn để thúc đẩy doanh số bán hàng và tối đa hóa lợi nhuận.

Quản sao cho hợp lý

Với những ngành kinh tế, những mặt hàng có tính chất đặc biệt như rượu bia hay thuốc lá, quan điểm và cách lựa chọn chính sách như thế nào luôn là một bài toán khó, đặc biệt là với Ấn Độ - quốc gia đông dân nhất thế giới. Bất cứ chính sách quản lý nào cũng phải cân đối giữa nhu cầu của người dân, việc kinh doanh của doanh nghiệp, và lợi ích chung của cả cộng đồng. Về tổng thể, chính quyền Ấn Độ không hề muốn ngăn cản sự tăng trưởng của ngành đồ uống có cồn. Vì đây là tín hiệu tốt cho nền kinh tế, được coi là một nguồn lực đóng góp vào nhu cầu nội địa, tạo ra tăng trưởng.

Tuy nhiên, Hiến pháp Ấn Độ nhìn nhận rượu nghiêm túc hơn. Một trong những Nguyên tắc chỉ đạo về Chính sách nhà nước (DPSP) đề cập rằng: “Nhà nước sẽ nỗ lực cấm tiêu thụ đồ uống có cồn và các loại thuốc gây hại cho sức khỏe, ngoại trừ mục đích y tế”. Mặc dù, DPSP tự thân không có hiệu lực pháp lý, nhưng chúng đặt ra các mục tiêu mà nhà nước nên hướng tới để thiết lập các điều kiện mà người dân có thể sống một cuộc sống tốt đẹp. Do đó, Hiến pháp và theo nghĩa mở rộng, nhà nước Ấn Độ coi rượu là một “điều xấu không mong muốn” cần phải được quản lý.

Ngoài ra, luật pháp Ấn Độ cho phép chính quyền các bang có thể tự áp đặt chính sách với các loại rượu bia, tùy thuộc vào điều kiện thực tế của từng địa phương. Biện pháp quản lý hiệu quả nhất mà Ấn Độ đang áp dụng là thông qua chính sách thuế đối với mặt hàng này, cùng công cụ giấy phép kinh doanh rượu bia, đồ uống có cồn. Và Ấn Độ thực thi rất nghiêm các chính sách này.

Cũng chính vì chính quyền các bang được tự quyết biện pháp điều tiết thị trường rượu bia, nên 5 bang tại nước này đã cấm hoàn toàn việc buôn bán, sử dụng rượu bia công khai. Đó là các bang Bihar, Gujarat, Mizoram, Nagaland, và vùng lãnh thổ liên bang Lakshadweep. Có nhiều lý do để các bang áp dụng việc cấm triệt để này. Ví dụ, bang Bihar cấm việc mua bán và tiêu thụ đồ uống có cồn từ năm 2016 để thực hiện lời hứa của Thủ hiến bang Nitish Kumar với cử tri nữ trong cuộc bầu cử Hội đồng địa phương 1 năm trước đó.

Còn tại bang Gujarat, lệnh cấm rượu bia được áp dụng kể từ khi bang này được thành lập vào năm 1960. Trong 64 năm kể từ khi lệnh cấm có hiệu lực ở Gujarat, chính quyền đã sửa đổi một số điều khoản. Đáng chú ý, vào năm 2009, Thủ hiến Gujarat Narendra Modi - người hiện là Thủ tướng Ấn Độ đã đưa ra hình phạt tử hình đối với những người bán/sản xuất rượu giả nếu sản phẩm của họ gây chết người. Tuy nhiên, Gujarat vẫn giữ chính sách cấp giấy phép bán rượu đặc biệt cho các cơ sở dịch vụ lưu trú cũng như cá nhân./.

Phan Tùng/VOV-New Delhi

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận