“Mỗi mất mát càng cho thấy sự cần thiết phải ngăn chặn bạo lực, bảo vệ những người dễ bị tổn thương nhất và nỗ lực hết mình chấm dứt các cuộc xung đột” - đó là nhấn mạnh của Tổng thư ký LHQ António Guterres tại lễ kỷ niệm 76 năm Ngày truyền thống Lực lượng gìn giữ hoà bình LHQ hồi cuối tháng 5/2024.
Tuy nhiên, trên thực tế, những mất mát tổn thương mà trẻ em, phụ nữ phải gánh chịu tại các cuộc xung đột, không những chưa được giảm thiểu mà còn tiếp tục diễn tiến ngày càng đáng quan ngại hơn thế. Nói như một chuyên gia LHQ, “nếu chúng ta không đứng lên và đòi hỏi thay đổi, hậu quả sẽ còn kéo dài”.
Những câu chuyện thắt lòng
Những ngày tháng 10/2024, bên trong Khoa Chăm sóc tích cực cho trẻ sơ sinh tại một bệnh viện ở thủ đô Beirut của Lebanon, ông Nicolas Baaklini - bác sĩ sản phụ khoa, 61 tuổi - đang theo dõi sức khỏe cho một bé gái trong lồng ấp. Ông cho biết bé gái này và em trai song sinh bị sinh non từ một người mẹ phải di dời khỏi miền Nam Beirut do các vụ không kích.
“Trước khi xung đột bùng phát, con bé hay đứng trước gương chải tóc, nhờ tôi buộc tóc kiểu này, kiểu kia. Vậy mà giờ đây, vào mỗi buổi sáng, tôi chỉ còn thấy cảnh con gái mình vừa ôm chiếc gương vừa gào khóc” - đó là những thổ lộ trong nước mắt của bà Tabeel - mẹ của cô bé 8 tuổi Sama.
Chiến sự thảm khốc kéo dài tại Gaza đã biến Sama từ cô bé chỉ quen nói cười, vui đùa, chải tóc, soi gương giờ trở nên rúm ró trong cơn bấn loạn, sợ người lạ, dễ hốt hoảng, mái tóc suôn mượt ngày nào thậm chí giờ đây rụng gần hết bởi sang chấn tâm lý của bom rơi, đạn nổ, loạn lạc. Việc duy nhất mà cô bé Sama giờ hay làm mỗi ngày không phải là soi gương chải tóc, buộc tóc cho mình mà là ngồi thẫn thờ thắt bím tóc cho búp bê, ngồi một mình trong vô định bởi cô bé cũng chẳng còn muốn chơi với lũ bạn, vốn cứ chế giễu mái đầu trọc của em. Thỉnh thoảng, bất chợt, Sama lại làm lòng bà Tabeel thắt loại vì đau đớn khi em gào khóc thét lên: “Mẹ ơi, con muốn chết”.
“Vào ngày 8/3, ở đây không có Ngày Quốc tế Phụ nữ. Nói đúng hơn, chúng tôi không còn là phụ nữ. Với chúng tôi, cuộc sống như chấm dứt kể từ sau ngày 7/10/2023 (ngày xung đột tại Gaza xảy đến)”; “Chúng tôi không thể làm bất cứ điều gì, chúng tôi không có gì cả: Không nước, không điện, không gas, không thức ăn. Chúng tôi đang phải chịu đựng mọi thứ ở mức độ tồi tệ nhất có thể, phải gánh vác mọi việc” - đó là trải lòng của Iman Zakout, Aya Al-Madhoun - hai người phụ nữ Palestine tại Gaza với báo giới hồi dịp Quốc tế Phụ nữ 8/3/2024. Với cả hai người phụ nữ này, “mong ước lớn nhất trong Ngày Quốc tế Phụ nữ là chiến tranh không lặp lại".
Bang Manipur, Ấn Độ những ngày tháng 7/2023. Người phụ nữ tên Mary sống trong cảnh tức tưởi khi suốt 2 tháng qua, kể từ ngày cô con gái 18 tuổi của cô bị xâm hại, cô vẫn không thể, không dám bảo cảnh sát. Hồi tháng 5, con gái cô bị nhóm người lạ mặt bắt cóc, hãm hiếp tập thể suốt một đêm ròng rồi sáng hôm sau, bị ném lại trước cửa nhà trong tình trạng bị đánh đập dã man. “Những kẻ tấn công đe doạ sẽ giết con gái tôi nếu để lộ mọi chuyện” - Mary uất ức lý giải về lý do vì sao cả hai mẹ con cô phải im lặng. Nơi hai mẹ con người phụ nữ bất hạnh này đang ở là trại trú ẩn họ buộc phải nương náu kể từ khi xung đột sắc tộc bùng phát giữa cộng đồng người Meitei và Kuki ở Manipur, bang đông bắc Ấn Độ.
Đó chỉ là vài ba, trong vô số những câu chuyện rất đỗi đau lòng đang xảy đến tại khắp các vùng đất đang diễn ra xung đột, chiến sự trên thế giới này.
"Phụ nữ vẫn phải trả giá cho những cuộc chiến tranh của đàn ông"
Không phải vô cớ, Giám đốc điều hành của UN Women (Hội đồng Chấp hành Cơ quan LHQ về Bình đẳng giới và Trao quyền cho Phụ nữ), Sima Bahous đưa ra nhận định đầy chua chát ấy. Và không chỉ phụ nữ, những trẻ thơ vô tội cũng đang phải trả những cái giá rất đắt bởi các cuộc xung đột, chiến tranh. Những con số được LHQ đưa ra trong bản cáo báo cuối tháng 10 vừa qua minh chứng rõ cho điều đó. Cụ thể, hiện có khoảng 612 triệu phụ nữ và trẻ em gái trên thế giới bị ảnh hưởng bởi chiến tranh, tăng 50% so với thập kỷ trước đó. Tỷ lệ phụ nữ thiệt mạng trong các cuộc xung đột vũ trang đã tăng gấp đôi vào năm 2023 so với một năm trước đó.
Trong số đó, đau lòng nhất là những phụ nữ đang mang thai. Theo ước tính mới đây của tổ chức quốc tế CARE, 40% trường hợp mang thai tại Gaza phải đối mặt với nguy cơ tử vong cao bởi bệnh tật lây lan, nạn đói rình rập, mức độ thiếu máu cao đến mức nguy cơ băng huyết sau sinh, dịch vụ chăm sóc trước khi sinh gần như không tồn tại, ngày càng có nhiều phụ nữ sinh con bên ngoài các cơ sở y tế - trong các trại tị nạn, thậm chí trên đường phố - hơn là trong các bệnh viện
Các trường hợp bạo lực tình dục liên quan đến xung đột cao hơn 50% và số trẻ em gái bị ảnh hưởng bởi các vi phạm nghiêm trọng trong các cuộc xung đột đã tăng 35%; cứ hai phụ nữ và trẻ em gái trong bối cảnh xung đột thì có một người phải đối mặt với tình trạng mất an ninh lương thực từ trung bình đến nghiêm trọng, 61% tổng số ca tử vong ở bà mẹ tập trung tại 35 quốc gia bị xung đột.
Còn theo UN Women, mỗi ngày có 500 phụ nữ và trẻ em gái ở các quốc gia bị ảnh hưởng bởi xung đột đã tử vong do các biến chứng liên quan đến thai kỳ và sinh nở. Tại Gaza, đến cuối năm 2023, hầu hết sản phụ đều không được chăm sóc y tế. Tại Sudan, hầu hết các nạn nhân của bạo lực tình dục đều không thể tiếp cận dịch vụ chăm sóc y tế trong 72 giờ đầu tiên sau khi bị cưỡng hiếp, bao gồm cả biện pháp tránh thai khẩn cấp.
Hồi tháng 11/2023, báo cáo của Quỹ Nhi đồng LHQ cho biết hiện có khoảng 400 triệu trẻ em trên toàn cầu, tức là cứ 5 trẻ em thì có 1 trẻ đang sống trong xung đột hoặc phải chạy trốn khỏi các khu vực xung đột bạo lực. Trong số đó, rất nhiều trẻ em đang bị thương, bị giết hoặc bị xâm hại tình dục, thậm chí còn bị các nhóm vũ bị bắt đi lính.
|
Trên đây không phải là những con số cảnh báo đầu tiên, và chắc chắn không là những con số cảnh báo cuối cùng khi xung đột, chiến sự vẫn kéo dài dai dẳng và diễn tiến tại rất nhiều khu vực trên thế giới.
“Nếu chúng ta không đứng lên và đòi hỏi thay đổi, hậu quả sẽ còn kéo dài”
Đó là cảnh báo của Giám đốc điều hành UN Women Sima Bahous trước thực trạng nhức nhối và quá ư đau lòng của phụ nữ, trẻ em trong các cuộc xung đột, chiến tranh hiện nay. Còn Tổng thư ký LHQ António Guterres tuyên bố, “Mỗi mất mát càng cho thấy sự cần thiết phải ngăn chặn bạo lực, bảo vệ những người dễ bị tổn thương nhất và nỗ lực hết mình chấm dứt các cuộc xung đột”.
Tuy nhiên, thay đổi như thế nào, ngăn chặn bạo lực, chấm dứt các cuộc xung đột bằng giải pháp như thế nào thì cả người đứng đầu lẫn các quan chức cao cấp của LHQ đều chưa thể và không thể đưa ra. Nhất là trong bối cảnh, nói như ông Volker Turk - Cao ủy Nhân quyền của LHQ, các bên xung đột đang ngày càng vượt quá ranh giới có thể chấp nhận được cũng như khuôn khổ luật pháp, sự coi thường trắng trợn các luật quốc tế ngày càng trở nên phổ biến và rõ ràng rằng, sự thiếu quan tâm đến tiếng nói của phụ nữ trong quá trình tìm kiếm hòa bình là điều không thể chối bỏ. Những nỗi sợ hãi của hàng triệu phụ nữ và trẻ em gái ở Afghanistan bị tước đoạt quyền được giáo dục và tương lai; nỗi khổ sở của những người phụ nữ ở Gaza; thảm kịch nạn nhân bạo lực tình dục của những phụ nữ ở Sudan và những nơi khác… đã, đang không hề được lắng nghe, quan tâm, cảm thấu.
Những năm gần đây, các phái bộ gìn giữ hòa bình của LHQ ở nhiều nước - lực lượng vốn được thiết lập nhằm bảo vệ người dân, tạo điều kiện triển khai công tác nhân đạo, thúc đẩy bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ lại bị thu hẹp hoặc phải chấm dứt sứ mệnh… Phát biểu tại nhiều sự kiện của LHQ mới đây, nhiều nước cho rằng, bảo vệ phụ nữ và trẻ em gái khỏi bạo lực nên được xem là ưu tiên hàng đầu. Nhưng với những gì đang diễn ra, rõ ràng mọi sự đang hết sức mịt mù. Giám đốc điều hành UN Women khẳng định, một tương lai mà phụ nữ phải hứng chịu xung đột và bạo lực, bị gạt ra ngoài tiến trình hòa bình là điều không thể chấp nhận. Nhưng chua chát là, thế giới đang buộc phải chấp nhận thực trạng đau xót đó./.
Hà Anh