APEC: Hành trình 35 năm và tham vọng đầu tàu

Tròn 35 năm trước, cũng vào tháng 11/1989, Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) được thành lập.

 

Sau hơn 3 thập kỷ, APEC tiếp tục khẳng định vị thế là cơ chế hợp tác kinh tế liên khu vực hàng đầu với nội dung hợp tác đa dạng và toàn diện. APEC đang nuôi tham vọng hướng mạnh đến “Tăng trưởng” để tiếp tục là đầu tàu và động lực tăng trưởng của khu vực và thế giới.

Từ mục tiêu đón đầu 35 năm về trước

Những ngày này (từ 9 - 16/11/2024) tại thành phố Lima (Peru), diễn ra Tuần lễ Cấp cao Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) 2024. Tuần lễ cấp cao lần này cũng như APEC 2024 nhằm đúng vào năm Diễn đàn tròn 35 năm thành lập. Tròn 35 năm trước, cũng vào tháng 11/1989, Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) được thành lập.

Thời điểm năm 1989 là thời điểm toàn cầu hóa đang diễn ra hết sức mạnh mẽ, các quốc gia, khu vực ngày càng tăng tính phụ thuộc lẫn nhau, nhu cầu đẩy mạnh và mở rộng hợp tác kinh tế ngày càng lớn. Từ nhu cầu ấy, xu hướng liên kết kinh tế phát triển mạnh mẽ, nhất là ở châu Âu với việc EU đẩy mạnh liên kết nội khối và châu Mỹ với sự ra đời của Khu vực mậu dịch tự do Bắc Mỹ (NAFTA) gồm Mỹ, Canada và Mexico.

Nhiều nền kinh tế khu vực châu Á - Thái Bình Dương khao khát việc được đứng chung trong một cơ chế hợp tác để đẩy mạnh tự do hóa, thuận lợi hoá thương mại và đầu tư; thúc đẩy tăng trưởng và phát triển bền vững. Và mong ước này đã trở thành hiện thực vào tháng 11/1989, khi Bộ trưởng Ngoại giao và Kinh tế của 12 nền kinh tế nằm hai bên bờ Thái Bình Dương gồm Hoa Kỳ, Australia, New Zealand, Nhật Bản, Hàn Quốc, Canada, Brunei, Malaysia, Philippines, Singapore, Thái Lan và Indonesia đã nhóm họp tại Thủ đô Canberra (Australia) và ra quyết định chính thức thành lập APEC. APEC thời điểm đó là Diễn đàn kinh tế đa phương ở cấp bộ trưởng.

Việt Nam là một trong số ít thành viên đã hai lần đảm nhiệm thành công vai trò chủ nhà APEC, vào các năm 2006 và 2017. Trong ảnh: Phiên họp kín thứ nhất với chủ đề “Tăng trưởng sáng tạo, phát triển bao trùm và việc làm bền vững trong kỷ nguyên số”, trong khuôn khổ Hội nghị các Nhà lãnh đạo Kinh tế APEC lần thứ 25, diễn ra tại Đà Nẵng (2017). (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)Tới năm 1993, khi nhiều nền kinh tế, trong đó có Hoa Kỳ thấy rằng đã đến lúc cần phải nâng các cuộc họp tại APEC lên tầm cấp cao với sự tham gia của các nhà lãnh đạo thành viên nhằm đưa ra tầm nhìn chiến lược và định hướng hợp tác trong khu vực, cơ chế Hội nghị các nhà lãnh đạo kinh tế APEC - còn gọi là Hội nghị Cấp cao APEC - được thiết lập và Hội nghị thường niên của diễn đàn bắt đầu được tổ chức với sự tham dự của người đứng đầu nền kinh tế đó hoặc người đại diện cho người đứng đầu, theo đó cũng được đổi tên thành "Hội nghị các nhà lãnh đạo các nền kinh tế APEC".

Đến nay, sau 35 năm, APEC đã có 21 nền kinh tế thành viên, trong đó, có các nền kinh tế lớn nhất thế giới (Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản…), 9 thành viên Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) cùng với nhiều nền kinh tế mới nổi, phát triển năng động.chiếm hơn 38% dân số thế giới, 62% tổng sản phẩm quốc nội toàn cầu (GDP) và 48% thương mại quốc tế. APEC đã thúc đẩy hiệu quả hội nhập thương mại và đầu tư tại khu vực kinh tế năng động nhất thế giới và đặc biệt, APEC cũng là nơi thử nghiệm các thông lệ và sáng kiến tốt nhất, khuyến khích thương mại và đầu tư tự do, góp phần vào tăng trưởng kinh tế bền vững của các thành viên.

Phiên họp Hội nghị Bộ trưởng APEC lần thứ 10 tại Kuala Lumpur (Malaysia), ngày 14/11/1998. Tại phiên khai mạc hội nghị, Việt Nam, Nga, Peru đã được kết nạp vào APEC, đưa tổng số thành viên APEC lên 21. (Ảnh: Thế Thuần/TTXVN)Để APEC tiếp tục là đầu tàu và động lực tăng trưởng

Một điều đặc biệt là APEC đã tạm ngừng kết nạp thành viên mới trong vòng 10 năm qua với lý do để ổn định và củng cố tổ chức, cho dù hiện nay, nhiều nền kinh tế có nguyện vọng gia nhập APEC. Chỉ điều này cũng đã là minh chứng cho thấy APEC luôn nhận thức rất rõ việc cần luôn giữ vững và củng cố vị thế của mình trong một thế giới không ngừng biến động phức tạp và khó lường, cùng mối đe doạ cạnh tranh từ sự ra đời của hàng loạt các tổ chức, diễn đàn kinh tế khác.

Năm 2024 này, đúng năm bản lề APEC tròn 35 năm thành lập và khi thế giới chứng kiến xu hướng phân mảnh và chủ nghĩa bảo hộ gia tăng, cùng những dấu hiệu rõ rệt của khủng hoảng khí hậu, từ rất sớm APEC đã đề ra chiến lược cho giai đoạn mới, trong đó tập trung triển khai các chiến lược, chương trình hợp tác lớn, như Chương trình nghị sự tăng cường về cải cách cơ cấu đến năm 2025, Lộ trình cạnh tranh dịch vụ đến năm 2025, Kế hoạch kết nối tổng thể đến năm 2025, Chương trình nghị sự phát triển bao trùm về kinh tế, tài chính, xã hội đến năm 2030...

Đặc biệt, APEC đã xác định tầm nhìn về phát triển kinh tế cân bằng, bền vững và bao trùm hơn. Đó cũng là lý do vì sao chủ đề “Trao quyền. Bao trùm. Tăng trưởng” được lựa chọn cho năm APEC 2024, trong đó, “Trao quyền” là nâng cao năng lực và tạo cơ hội cho mọi thành phần xã hội tham gia vào các hoạt động kinh tế-xã hội. “Bao trùm” là mọi người dân đều được tham gia và hưởng lợi từ quá trình đổi mới, chuyển đổi số và tăng trưởng kinh tế. Và cuối cùng, các hoạt động kinh tế, thương mại, đầu tư cũng như hợp tác APEC đều hướng đến “Tăng trưởng”, để APEC tiếp tục là đầu tàu và động lực tăng trưởng của khu vực và thế giới.

Chủ tịch nước Lương Cường đến sân bay quốc tế Jorge Chávez ở thủ đô Lima. (Ảnh: TTXVN)Việt Nam: Đóng góp tích cực, chủ động cho Diễn đàn APEC

Nhận thấy tầm quan trọng của APEC đối với chính sách đối ngoại cũng như sự phát triển trong tương lai của Việt Nam, ngày 15/6/1996, Việt Nam đã gửi đơn bày tỏ nguyện vọng gia nhập APEC. Ngày 14/11/1998, Hội nghị liên Bộ trưởng Ngoại giao và Kinh tế APEC lần thứ 10 đã kết nạp Việt Nam cùng với Nga và Peru.

Từ đó đến nay, với việc tròn 26 năm trở thành thành viên chính thức của APEC, APEC đã là một trong số các diễn đàn đa phương đem lại những lợi ích thiết thực nhất cho Việt Nam. Đặc biệt, APEC đã trở thành một động lực quan trọng hỗ trợ cho tiến trình cải cách, tái cơ cấu kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng và đưa hội nhập kinh tế của Việt Nam lên tầm toàn cầu với việc gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) sau này.

Việc tham gia APEC cũng đã góp phần quan trọng nâng cao vị thế quốc tế của Việt Nam khi Việt Nam có vai trò, tiếng nói bình đẳng với nhiều nền kinh tế hàng đầu thế giới trong việc xây dựng, định hình các luật lệ, quy tắc về kinh tế, thương mại khu vực; thúc đẩy quan hệ song phương, góp phần tạo lợi ích dài hạn và đưa quan hệ với các đối tác, trong đó có nhiều đối tác lớn, quan trọng có ý nghĩa chiến lược, đi vào chiều sâu, thực chất và hiệu quả.

Về phần mình, trên tư cách là nền kinh tế thành viên, Việt Nam đã để lại nhiều dấu ấn đậm nét trong hợp tác APEC, và luôn được đánh giá là thành viên có nhiều đóng góp tích cực, có trách nhiệm và hiệu quả vào việc hiện thực hóa các mục tiêu, tầm nhìn hợp tác của APEC cũng như nâng cao vai trò của Diễn đàn. Như nguyên Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Gia Khiêm từng khẳng định: Sự tham gia hợp tác trong APEC của Việt Nam là “một con đường hai chiều. Bên cạnh lợi ích đạt được, chúng ta còn chủ động và tích cực gánh vác trách nhiệm của một thành viên, đóng góp vào việc giải quyết những thách thức đang đặt ra cho APEC….”.

Sự tích cực, chủ động, trách nhiệm ấy được thể hiện qua nhiều khía cạnh. Nổi bật là việc Việt Nam là một trong số ít thành viên đã hai lần đảm nhiệm thành công vai trò chủ nhà APEC, vào các năm 2006 và 2017; Việt Nam là một trong những thành viên tích cực nhất trong đề xuất các sáng kiến và dự án, với hơn 150 dự án trên nhiều lĩnh vực… Có thể nói, Việt Nam đã góp phần làm cho các nội dung hợp tác APEC ngày càng phong phú và toàn diện, đưa APEC thích ứng với những biến chuyển của tình hình quốc tế và bắt kịp những xu hướng phát triển mới của thời đại, khẳng định vai trò không thể thiếu của APEC trong việc thúc đẩy tăng trưởng và liên kết kinh tế ở châu Á - Thái Bình Dương và trên toàn cầu. Việc Chủ tịch nước tham gia Tuần lễ Cấp cao APEC 2024, đúng vào dịp kỷ niệm 35 năm thành lập Diễn đàn, tiếp tục khẳng định đóng góp tích cực, trách nhiệm của Việt Nam vào việc giải quyết các vấn đề khu vực và toàn cầu, đặc biệt là thúc đẩy tiến trình liên kết kinh tế quốc tế, tạo động lực mới cho tăng trưởng của khu vực. Điều này càng thực sự có ý nghĩa khi dự kiến Việt Nam sẽ đăng cai tổ chức Năm APEC 2027./.

Hà Anh

 

 

 

 

 

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận