Thế giới đối phó 'đại dịch thuốc lá điện tử' trong thiếu niên

Việc sử dụng rộng rãi thuốc lá điện tử trong thanh thiếu niên đã lên mức báo động và đang hiện hữu một 'bức tranh đáng lo ngại' về việc sử dụng chất gây nghiện.

 

Theo một báo cáo được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) chi nhánh châu Âu công bố hồi tháng 5/2024, việc sử dụng rộng rãi rượu và thuốc lá điện tử trong thanh thiếu niên đã lên đến mức “đáng báo động” và đang hiện hữu một “bức tranh đáng lo ngại” về việc sử dụng chất gây nghiện.

“Đại dịch thuốc lá điện tử”

Đó là cảnh báo Hiệp hội Y khoa Anh (BMA) đưa ra hồi tháng 8/2024. Cũng trong bản báo cáo này, BMA lưu ý việc sử dụng thuốc lá điện tử (TLĐT) ở trẻ em và thanh thiếu niên 11-17 tuổi đã tăng gần 6 lần trong thập kỷ qua. ĐT. Từ thực tế theo BMA là "đại dịch TLĐT đang hoành hành”, BMA khuyến nghị cấm tất cả các hoạt động bán TLĐT dùng một lần và hương vị không phải thuốc lá, cũng như sử dụng hình ảnh, màu sắc và thương hiệu trên bao bì và thiết bị; thúc đẩy các biện pháp hạn chế quảng cáo và tiếp thị cùng với các quy định không trưng bày TLĐT tại các quầy bán lẻ; đồng thời cần đẩy mạnh các chiến dịch giáo dục nhận thức về mối nguy hiểm của TLĐT để giảm sự hấp dẫn của các sản phẩm này, đặc biệt là đối với thanh thiếu niên.

Thuốc lá điện tử chứa hơn 500 loại hóa chất độc hại. (Ảnh: Minh Quyết/TTXVN)Số liệu của Bộ Y tế Australia đưa ra hồi tháng 7/2024 cho biết, sản phẩm TLĐT, đặc biệt là các sản phẩm có nồng độ nicotine cao dùng một lần, hiện trở nên cực kỳ phổ biến ở Australia và tỷ lệ học sinh trung học sử dụng sản phẩm này đã tăng vọt trong những năm gần đây. Trung bình trong giai đoạn năm 2022-2023, cứ 1 trong 3 học sinh trung học tại Australia hút TLĐT. Theo Bộ trưởng Y tế Australia Mark Butler, thực trạng đó cho thấy TLĐT đang là mối nguy hại lớn cho sức khỏe cộng đồng.

Trước đó, tháng 4/2024, Văn phòng của WHO tại khu vực châu Âu cũng đã công bố báo cáo cho thấy một “bức tranh đáng lo ngại” về việc sử dụng chất gây nghiện trong thiếu niên. WHO nhấn mạnh việc sử dụng TLĐT ngày càng tăng trong thiếu niên. Cụ thể, trong năm 2022 có 13% số trẻ em từ 11-15 tuổi đã hút thuốc, khoảng 32% thiếu niên 15 tuổi đã sử dụng TLĐT. “Việc sử dụng các chất có hại rộng rãi ở trẻ em tại nhiều quốc gia thuộc khu vực châu Âu và cả tại các khu vực khác nữa đang là một mối đe dọa nghiêm trọng đối với sức khỏe cộng đồng” - Giám đốc WHO khu vực châu Âu Hans Kluge cho biết.

Tại nhiều nước châu Á, TLĐT cũng đang là thực trạng hết sức đáng quan ngại. Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Nội vụ Thái Lan Anutin Charnvirakul từng tuyên bố: “Chúng ta đã bỏ qua vấn đề này quá lâu. TLĐT đang lan rộng nhanh chóng trong giới trẻ, với số lượng trẻ vị thành niên nghiện TLĐT gia tăng ở mức đáng báo động”.

Anh tuyên bố cấm thuốc lá điện tử dùng một lần. (Ảnh: CNN)Mối nguy hại lớn cho sức khoẻ cộng đồng

Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC) cho biết mối liên hệ giữa các ca tử vong và TLĐT đã sớm được tìm thấy, trong đó vitamin E acetate được coi là thủ phạm chính. Đây là một chất dầu dính thường được thêm vào các sản phẩm TLĐT để làm đặc hoặc loãng hộp chứa chất lỏng của TLĐT. Điều này đặc biệt phổ biến trong các sản phẩm TLĐT có chứa THC, hợp chất tác động đến thần kinh.

Kết quả một nghiên cứu được công bố trên tạp chí Scientific Reports tháng 5/2024 cho thấy các sản phẩm TLĐT (vape) có chứa hơn 500 loại hóa chất độc hại. Theo trưởng nhóm nghiên cứu - Giáo sư hóa học tại RCSI Donal O'Shea, người dân đang đứng trước một làn sóng bệnh mãn tính mới sẽ xuất hiện sau 15 đến 20 năm nữa do phơi nhiễm các chất độc hại từ vape. Trong quá trình gia nhiệt hương liệu lỏng, một số loại vape có hương vị trái cây, như dâu tây, dưa gang và việt quất, sẽ tạo ra hợp chất nguy hiểm dễ bay hơi gọi là carbonyl. Hợp chất này có hại cho sức khỏe con người, góp phần gây ra các bệnh như bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính, bệnh tim mạch và ung thư.

Báo Anh Telegraph ngày 30/4/2024 từng dẫn kết quả nghiên cứu mới cho thấy những người sử dụng vape thường xuyên có lượng chì cao hơn tới 40% và gấp đôi lượng urani trong mẫu nước tiểu so với những người chỉ thỉnh thoảng sử dụng vape.  Đáng chú ý, những người sử dụng vape có vị ngọt, như kẹo hoặc sô cô la thì mức urani trong nước tiểu của họ thậm chí còn cao hơn 90% so với những người sử dụng vape có hương vị tinh dầu menthol hoặc tinh dầu mint. Theo các nghiên cứu, phơi nhiễm chì có thể làm gián đoạn sự phát triển của não và hệ thần kinh trung ương, trong khi ở mức độ thấp hơn, phơi nhiễm chì có thể làm giảm mức độ thông minh, khả năng tập trung và kỹ năng xã hội của trẻ.

Những cây thuốc lá điện tử được bày bán tại các cửa hàng tại Anh. (Ảnh: Timeout)Hoặc biện pháp mạnh hoặc cả xã hội sẽ phải trả giá đắt

Đó là cảnh báo của Giám đốc WHO khu vực châu Âu Hans Kluge trước “đại dịch thuốc lá điện tử”. “Việc một người tham gia các hành vi có nguy cơ cao khi còn ở lứa tuổi thanh thiếu niên có thể hình thành hành vi của họ ở giai đoạn trưởng thành, trong đó việc sử dụng chất kích thích khi còn nhỏ sẽ gây nguy cơ nghiện cao hơn ở thời điểm sau đó. Bản thân họ, cũng như cả xã hội sẽ phải trả giá đắt cho những hậu quả này" - đại diện WHO nhấn mạnh.

Theo ông, cách tốt nhất để giảm cái giá đắt này không gì khác là thái độ quyết liệt với TLĐT. Ông đề xuất các chính phủ cần tăng thuế đối với TLĐT, hạn chế lưu hành và quảng cáo về những sản phẩm này trên thị trường, đồng thời ban hành lệnh cấm các chất tạo hương liệu.

Trước đó, hồi tháng 12/2023, trước những ý kiến coi vape như một sản phẩm thay thế thuốc lá điếu thông thường, WHO đã kêu gọi chính phủ các nước áp dụng chính sách quản lý TLĐT tương tự như với thuốc lá thông thường và cấm tất cả TLĐT có hương liệu.

Từ cảnh báo của WHO, hiện hơn 100 quốc gia trên thế giới đã ban hành quy định về việc sử dụng TLĐT, trong đó nhiều nước đã cấm trong khuôn viên trường học. Bắt đầu từ ngày 1/10/2024, Luật Thuốc lá mới của Malaysia chính thức có hiệu lực nhằm kiểm soát chặt chẽ việc buôn bán, sử dụng và phân phối các sản phẩm thuốc lá. Trước đó, hồi năm 2019, Malaysia đã hoàn tất một đạo luật cấm sử dụng tất cả các sản phẩm hút thuốc, gồm cả TLĐT đối với trẻ vị thành niên và cấm quảng cáo/quảng bá TLĐT. Tại Hong Kong người dân nếu nhập khẩu TLĐT đều có thể bị phạt tới 7 năm tù và phạt 2 triệu HKD (256.000 USD), trong khi người bán và nhà sản xuất có thể bị phạt tù tới 6 tháng.

Hiện hơn 100 quốc gia trên thế giới đã ban hành quy định về việc sử dụng TLĐT, trong đó nhiều nước đã cấm trong khuôn viên trường học. Tại Hong Kong người dân nếu nhập khẩu TLĐT đều có thể bị phạt tới 7 năm tù và phạt 2 triệu HKD (256.000 USD), trong khi người bán và nhà sản xuất có thể bị phạt tù tới 6 tháng.

Ngày 8/4/2024, Văn phòng Ủy ban giáo dục cơ bản (Obec) của Thái Lan đã bắt đầu áp dụng các biện pháp nghiêm ngặt nhằm trấn áp TLĐT trong trường học. Một trong những biện pháp mà Obec đang áp dụng là kiểm tra ba lô, túi xách của học sinh trước khi các em vào lớp học để sàng lọc các đồ vật bất hợp pháp và không phù hợp, bao gồm cả TLĐT. Theo đó, các trường học thuộc Cơ quan quản lý đô thị Bangkok (BMA) phải là khu vực “Không TLĐT”, với các thông điệp hoặc biểu tượng được hiển thị rõ ràng tại lối vào, lối ra và trong khu vực trường học. Chính phủ Thái Lan cũng khẳng định việc ngăn chặn TLĐT là một chính sách quan trọng của chính phủ trước mối lo ngại ngày càng tăng về mức độ nhạy cảm của trẻ em trước những thông điệp quảng cáo tràn lan trên mạng xã hội khuyến khích các em dùng thử loại thuốc lá này.

Một chuyên gia từng cho rằng TLĐT trở nên phổ biến trong giới trẻ một phần là do các sản phẩm này được tiếp thị là khác với thuốc lá thông thường. Hơn nữa, thuốc lá thông thường có hình ảnh cảnh báo về sức khỏe trên đó, nhưng TLĐT không như vậy. Giới trẻ coi TLĐT là an toàn, được xã hội chấp nhận. Vì thế, ngoài việc cấm, việc xem xét lại các chiến dịch thông tin sai lệch về mức độ nguy hiểm củaTLĐT cũng là việc cần phải làm ngay.

Thực tế cho thấy, chưa có nước nào thành công trong việc dùng biện pháp quản lý để ngăn ngừa sự gia tăng tỷ lệ sử dụng các sản phẩm nicotine và thuốc lá mới trong giới trẻ. Tuy nhiên, khó không có nghĩa là không thể, nhất là thực trạng này đang là mối nguy lớn cho sức khoẻ cộng đồng toàn nhân loại./.

Hà Anh

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận