Ùn tắc giao thông, đặc biệt tại các đô thị lớn làm đau đầu các nhà quản lý của Ấn Độ nhiều năm qua. Thu phí được cho là sáng kiến đối phó ùn tắc giao thông với các phương tiện đi vào thành phố giờ cao điểm.
Giải pháp tài chính cho vấn đề ùn tắc
Theo kế hoạch được công bố, sáng kiến này sẽ sử dụng công nghệ thu phí không dừng (Fastag) và công nghệ nhận diện biển số xe tự động (ANPR) để thu tiền của các phương tiện vào thành phố từ các bang lân cận trong giờ cao điểm. Việc thu phí tự động này được đề xuất áp dụng trong các khung giờ cao điểm từ 8-10h sáng và từ 5h30 chiều đến 7h30 tối hằng ngày, tập trung vào 13 điểm giao thông cửa ngõ ra vào thành phố vốn có lưu lượng giao thông lớn. Điều tiết, giảm bớt việc sử dụng phương tiện cá nhân trong những khung giờ này bằng công cụ tài chính, chính quyền New Delhi đặt mục tiêu giảm việc sử dụng xe cá nhân và khuyến khích người dân sử dụng phương tiện công cộng.
Chính sách thu phí ùn tắc giao thông cũng sẽ có các điều khoản miễn trừ. Ví dụ, xe hai bánh và xe điện sẽ không phải chịu phí nhằm thúc đẩy các phương tiện giao thông xanh hơn. Các phương tiện cơ giới đáp ứng tiêu chuẩn khí thải BS6 của Ấn Độ cũng có thể nhận được ưu đãi.
Kế hoạch của thủ đô Ấn Độ học hỏi kinh nghiệm của các thành phố trên thế giới như London, Singapore hay Stockholm, những nơi đã triển khai thành công mô hình này. Qua thực tế, phí ùn tắc giao thông đã giảm đáng kể lưu lượng giao thông và cải thiện chất lượng không khí tại các thành phố này. Các quan chức thủ đô Ấn Độ kỳ vọng, biện pháp này sẽ không chỉ cắt giảm lượng khí thải từ phương tiện giao thông mà còn thúc đẩy nhiều người chuyển sang phương tiện công cộng hoặc sử dụng xe điện. Số tiền thu được từ thu phí ùn tắc giao thông dự kiến sẽ được chính quyền đầu tư và các công trình hạ tầng giao thông mới, tăng cường năng lực giao thông công cộng cũng như các biện pháp can thiệp để giảm ô nhiễm do giao thông gây ra.
Người ta cũng kỳ vọng việc triển khai thu phí ùn tắc tại thủ đô New Delhi cũng sẽ là thử nghiệm đầu tiên để các địa phương khác tại Ấn Độ như thành phố Mumbai, bang Maharashtra và thành phố Bangalore, bang Karnataka- những nơi mà ùn tắc giao thông đã trở thành gánh nặng với người dân, có thể rút ra kinh nghiệm triển khai.
Trong bối cảnh ùn tắc giao thông đang ngày càng nghiêm trọng tại thủ đô New Delhi, chính quyền Ấn Độ đã khởi động việc thu phí ùn tắc giao thông với các phương tiện đi vào thành phố vào giờ cao điểm. Biện pháp đánh phí được thực thi với hy vọng giải quyết được tình trạng tắc nghẽn giao thông và ô nhiễm tại thành phố hơn 30 triệu dân này. |
Vấn đề gây tranh cãi
Đây không phải là lần đầu tiên chính quyền thủ đô của Ấn Độ đưa ra ý tưởng áp dụng phí ùn tắc giao thông. Một kế hoạch tương tự đã được đề xuất vào năm 2018, nhắm vào 21 khu vực cửa ngõ có lưu lượng giao thông cao trên khắp thành phố. Tuy nhiên, kế hoạch khi đó đã bị hủy bỏ do những thách thức về mặt công nghệ, phương án thu phí và đối tượng chịu phí. Xa hơn nữa, vào năm 2009, Thủ hiến Delhi khi đó là Sheila Dikshit, đã đưa ra ý tưởng thu phí xe cá nhân để khuyến khích sử dụng phương tiện giao thông công cộng. Nhưng kế hoạch này sau đó không bao giờ được thực hiện.
Tại một thành phố khác của Ấn Độ là Bangalore, nơi chính quyền cũng đang chật vật giải quyết tình trạng ùn tắc giao thông, biện pháp thu phí phương tiện cũng đã được cân nhắc triển khai. Trong một báo cáo có tựa đề Thập kỷ Karnataka - Lộ trình hướng tới nền kinh tế 1 nghìn tỷ đô la mà chính quyền bang Karnataka công bố tháng 9/2023, người ta tính toán rằng có tới 12 triệu phương tiện đi vào thành phố Bangalore, thủ phủ của bang mỗi ngày và khoảng 12 triệu công dân lãng phí 600 triệu giờ làm việc mỗi năm, cùng với gần 280.000 lít nhiên liệu mỗi giờ do ùn tắc giao thông. “Mục tiêu là khiến người dùng nhận thức được chi phí mà họ gây ra cho nhau khi họ tham gia giao thông vào giờ cao điểm”, báo cáo nhấn mạnh mục tiêu của việc thu phí ùn tắc giao thông. Tuy nhiên, việc đánh vào túi tiền của người dân trong một hoạt động cơ bản của xã hội cũng gây ra phản ứng nhiều chiều.
Công chúng Ấn Độ có cái nhìn rất khác nhau đối với loại thuế ùn tắc mới. Với một số nhóm cư dân, chủ yếu là tầng lớp trung lưu, bày tỏ mối quan ngại của họ về chính sách mới này. Một số người cho rằng họ phải chịu gánh nặng tài chính để giải quyết các vấn đề ô nhiễm và giao thông của New Delhi. Việc đặt gánh nặng này lên vai tầng lớp trung lưu được coi là sự bất công. Những người khác đặt câu hỏi liệu loại thuế ùn tắc mới này có thành công hay không, xét đến những thất bại của các nỗ lực trước đó.
Năm 2020, chính quyền New Delhi từng công bố Chính sách Xe điện nhằm mục tiêu trợ cấp, miễn trừ và ưu đãi để thúc đẩy việc sử dụng xe chạy điện (EV). Chính sách này đồng thời hướng tới hạn chế việc sử dụng xe động cơ đốt trong bằng cách đánh thuế ô nhiễm, phí ùn tắc đối với các công ty công nghệ gọi xe, các hãng taxi, cũng như thuế đường bộ bổ sung đối với xe chạy bằng xăng và dầu diesel, đặc biệt là xe hạng sang.
Ngay lập tức, các hãng taxi phản đối với lập luận rằng nhóm xe chạy dịch vụ và taxi chỉ chiếm khoảng 2% tổng số xe lưu thông tại Delhi. Theo báo cáo Khảo sát Kinh tế Delhi, có khoảng 11,4 triệu xe tại thủ đô Ấn Độ, bao gồm khoảng 200.000 xe taxi, vào năm 2018-2019. Bên cạnh đó, khoản phí như vậy phải được tính dựa trên tình trạng tắc nghẽn giao thông tại một khu vực cụ thể, vào một thời điểm cụ thể, chứ không phải nhắm vào một loại xe cụ thể. Việc thu phí theo phân loại xe dễ dẫn tới sai đối tượng và không hạn chế ùn tắc.
Cần giải pháp tổng thể
Bài toán ùn tắc giao thông, đặc biệt là tại các đô thị lớn làm đau đầu các nhà quản lý của Ấn Độ nhiều năm qua. Ngoài thủ đô New Delhi, nhiều thành phố lớn của Ấn Độ đều vật lộn với ùn tắc kéo dài như Mumbai, Bangalore, Ahmedabad, Kolkata, Chennai. Nguyên nhân của ùn tắc giao thông là việc hạ tầng đường xá không thể đáp ứng được tốc độ đô thị hóa. Giao thông công cộng và cách thức quản lý, điều tiết hệ thống giao thông cũng chưa theo kịp nhu cầu đi lại của người dân. Để đối phó với ùn tắc giao thông, Ấn Độ đồng thời áp dụng nhiều giải pháp.
Đầu tiên là việc đầu tư vào hạ tầng giao thông liên bang và trong các đô thị lớn. Công việc này đòi hỏi nguồn vốn đầu tư lớn và thời gian thực hiện dài. Ấn Độ cũng quan tâm đầu tư các hạ tầng giao thông công cộng như đường sắt cao tốc và đường sắt đô thị để có thể đáp ứng nhu cầu đi lại lớn của người dân trong tương lai. Chính phủ Ấn Độ dự kiến chi khoảng 37 tỷ USD trong giai đoạn 2022-2027 cho các dự án đường sắt đô thị trên khắp cả nước. Các khoản đầu tư này không chỉ nâng cao khả năng di chuyển trong đô thị mà còn có thể mở ra tiềm năng kinh tế to lớn; ví dụ như tạo ra hàng nghìn việc làm và mang lại lợi nhuận kinh tế cao gấp 5-7 lần so với chi phí ban đầu. Để tận dụng các khoản đầu tư vào giao thông công cộng và tối đa hóa lợi ích kinh tế cũng như cải thiện chất lượng cuộc sống ở các thành phố, Chính phủ Ấn Độ đã phê duyệt Chính sách Phát triển theo định hướng giao thông công cộng quốc gia (TOD) và Chính sách Đường sắt đô thị vào năm 2017, khuyến khích áp dụng định hướng giao thông công cộng như một chiến lược quản lý tăng trưởng và quy hoạch đô thị quan trọng. Với chính sách quốc gia này và cùng nguồn lực từ trung ương, 27 thành phố của Ấn Độ đang xây dựng hệ thống đường sắt đô thị và nhiều thành phố khác đang xây dựng các hình thức hệ thống giao thông công cộng nhanh dựa trên đường sắt và xe buýt.
Ấn Độ cũng đang ứng dụng các công nghệ tiên tiến vào việc quản lý, phân luồng giao thông tại đô thị. Ví dụ, cảnh sát New Delhi cho lắp đặt các biển báo giao thông có thể thay đổi (VMS), hiển thị dữ liệu giao thông trực tiếp, tại 117 điểm nút dễ ùn tắc. Thành phố cũng sẽ lắp gần 100 camera phát hiện vi phạm đèn đỏ tại các giao lộ. Hoặc Dự án Green Light của Google sử dụng công nghệ AI để giảm lượng khí thải từ xe cộ ở nhiều thành phố. Dự án này giúp giảm ùn tắc bằng cách phân tích dữ liệu từ Google Maps để nắm bắt xu hướng di chuyển của các dòng giao thông ở một khu vực cụ thể. Trên cơ sở đó, hệ thống này sẽ đưa ra khuyến nghị để tối ưu hóa hoạt động của hệ thống đèn giao thông, hoặc điều hướng dòng giao thông thông qua công cụ bản đồ mà các tài xế sử dụng./.
Phan Tùng/VOV-New Delhi