Rầm rộ 'làn sóng' cấm TikTok: Cần quyết tâm đủ mạnh

Liệu sẽ có một ngày TikTok sẽ hết đất sống, bị tẩy chay, 'cấm cửa' và xoá bỏ hết sạch sự hiện diện trên toàn cầu?

 

Albania vừa là một cái tên tiếp theo trong danh sách những quốc gia tuyên bố đưa ra lệnh cấm với mạng xã hội TikTok. Liệu sẽ có một ngày TikTok sẽ hết đất sống, bị tẩy chay, “cấm cửa” và xoá bỏ hết sạch sự hiện diện trên toàn cầu? Câu trả lời là hoàn toàn có thể nếu các quốc gia có quyết tâm đủ mạnh.

“TikTok không có quyền yêu cầu Albania phải giải thích”

Đó là tuyên bố của Thủ tướng Albania Edi Rama trước những phản ứng của lãnh đạo TikTok về quyết định từ ngày 21/12, Chính phủ nước này sẽ cấm mạng xã hội TikTok trong ít nhất 1 năm kể từ năm 2025. “Trong một năm, chúng tôi sẽ cấm TikTok hoàn toàn đối với tất cả mọi người. Sẽ không có TikTok ở Albania”, Thủ tướng Albania cho biết. Lệnh cấm nhắm đến việc tăng cường an toàn trong trường học, sau khi một thiếu niên 14 tuổi bị bạn học đâm chết vào tháng 11 sau vụ cãi vã trên mạng xã hội và sau sự việc, nhiều học sinh đã đăng tải video trên TikTok để bày tỏ… sự ủng hộ với kẻ gây án. Với lệnh cấm này, Albania trở thành quốc gia châu Âu đầu tiên ban hành lệnh cấm hoàn toàn TikTok.

Chính phủ và các tòa án tại Pakistan đã nhiều lần chặn ứng dụng TikTok. (Ảnh: KT)Trong khi phía TikTok bày tỏ cái gọi là “nghi vấn về việc có liên đới tới vụ việc” và “cần lời giải thích rõ ràng” từ Albania thì người đứng đầu chính phủ Albania đã gay gắt thẳng thừng chỉ trích TikTok cũng như các mạng xã hội như “một kẻ côn đồ của khu phố” kích động bạo lực và gây ảnh hưởng tiêu cực đến giới trẻ. "Vấn đề ngày nay không phải là con em chúng ta, mà chính là chúng ta, là xã hội này và là những nền tảng như TikTok đã chiếm lấy tâm trí con trẻ" - Thủ tướng Edi Rama chỉ rõ.

“Việc khẳng định rằng vụ sát hại nam thiếu niên không liên quan tới TikTok cho thấy sự thiếu nhận thức về mức độ nguy hiểm mà TikTok đang gây ra cho thanh thiếu niên hiện nay” - Thủ tướng Albania gay gắt nhấn mạnh. “TikTok không có quyền yêu cầu Albania phải giải thích. Quyết định này thuộc về người dân Albania chứ không phải TikTok”.

Theo người đứng đầu Chính phủ Albania, chính sự thiếu nhận thức ấy mới là lý do lớn nhất thôi thúc các quốc gia như Albania phải nhanh chóng có trách nhiệm giải quyết mối đe doạ TikTok. “Nếu TikTok không bảo vệ trẻ em Albania thì Albania  sẽ tự bảo vệ con em mình” - Thủ tướng nước này tuyên bố.

Cũng theo ông Edi Rama, không chỉ cấm, quốc gia này sẽ cho triển khai các chương trình giáo dục và hỗ trợ phụ huynh để bảo vệ trẻ em khỏi những mặt trái của thế giới ảo.

Mạng xã hội TikTok được ra mắt phiên bản quốc tế lần đầu tiên vào tháng 9/2016 và nhanh chóng trở thành một trong những nền tảng mạng xã hội có lượng người dùng lớn nhất thế giới. Chỉ sau hơn 4 năm, TikTok đã hoàn thành mục tiêu về số người dùng, điều mà Facebook và Instagram phải làm trong 10 năm. Với hơn 1 tỷ người dùng hoạt động hàng tháng trên toàn cầu, được dịch sang 39 ngôn ngữ khác nhau, TikTok đang thu hút người dùng mới với tốc độ nhanh hơn đáng kể so với bất kỳ nền tảng truyền thông xã hội lớn nào khác trên thế giới.

Quốc gia đông dân nhất thế giới: Rất ổn khi không có TikTok

Năm 2024 là năm thứ 4 TikTok bị cấm hoàn toàn tại Ấn Độ. Giờ đây khi được hỏi người dân Ấn Độ hoàn toàn tỏ ra không mặn mà với việc đưa nền tảng này trở lại. Sự không mặn mà này đến cả với những người chuyên sáng tạo nội dung vốn từng bị hẫng hụt khi TikTok bị cấm tại quốc gia này. “Sẽ luôn có ứng dụng để thay thế. Giới trẻ, đặc biệt là Gen Z, không ngại thử cái mới. Đó là bản chất của người làm mạng xã hội. Hôm nay là một xu hướng, ngày mai lại xu hướng khác. Thế nên ai cũng sẽ phải thích nghi với mọi loại nền tảng" - một nhà sáng tạo nội dung trên mạng xã hội tại nước này cho biết.

"Lệnh cấm Tiktok đã dẫn đến việc tạo ra một cơ hội tỷ đô la. Một cộng đồng người dùng 200 triệu người cần một nơi để sinh hoạt", một nhà sáng tạo nội dung tại Ấn Độ chia sẻ thêm. Theo một nhà sáng tạo nội dung, những người sáng tạo nội dung Ấn Độ đã nhanh chóng chuyển tất cả nội dung cũ mà họ đã quay cho TikTok sang Instagram Reels và YouTube Shorts. Còn theo công ty tư vấn Oxford Economics, người phát ngôn của Google, cho biết hệ sinh thái sáng tạo YouTube đã đóng góp khoảng 2 tỷ USD cho nền kinh tế Ấn Độ vào năm 2022. Các ứng dụng từ nhiều công ty trong nước như MX Taka Tak và Moj cũng bắt đầu trở nên phổ biến và thu hút đầu tư.

“Cuộc sống rất ok” khi không có TikTok của người dùng mạng xã hội Ấn Độ là minh chứng cho câu nói kinh điển “không gì là không thể thay thế”, ngay cả với ông vua mạng xã hội như TikTok.

Tháng 6/2020, sau cuộc đụng độ bạo lực ở biên giới Ấn Độ - Trung Quốc khiến ít nhất 20 binh sĩ Ấn Độ thiệt mạng, chính quyền New Delhi ra quyết định cấm TikTok và một số ứng dụng nổi tiếng khác của Trung Quốc. Ở thời điểm đó, TikTok đã cực kỳ phổ biến, thậm chí nhiều người dân Ấn Độ trở nên cuồng, nghiện nặng ứng dụng này từ việc tìm kiếm một phương pháp giải thoát họ khỏi áp lực của cách ly nghiêm ngặt vì Covid-19.

CEO TikTok Châu Thụ Tư điều trần tại Ủy ban Tư pháp Thượng viện Mỹ hồi tháng 1. (Ảnh: KT)Cần quyết tâm đủ mạnh

Có thể nói tới thời điểm này, vòng vây “điều tra, giám sát và cấm cửa” ngày càng siết chặt với TikTok. Ngoài Ấn Độ, hàng loạt quốc gia khác như: Afghanistan, Iran, Kyrgyzstan, Nepal và Somalia đã cấm cửa hoàn toàn TikTok. Chính quyền Taliban ở Afghanistan và Jordani cũng cấm TikTok vì cho rằng nền tảng này không phù hợp với luật Hồi giáo. Indonesia và Pakistan cũng từng cấm TikTok với những lý do là có nội dung không phù hợp. Hồi tháng 11 vừa qua, Australia đã cấm người dưới 16 tuổi truy cập mọi mạng xã hội, bao gồm cả TikTok.

Canada, Đan Mạch, Bỉ, New Zealand, Pháp, Hà Lan, Vương quốc Anh, và một số tổ chức của Liên minh châu Âu (EU) như Nghị viện châu Âu (EC) đã cấm sử dụng TikTok trên các thiết bị chính thức do chính phủ cấp. Cơ quan này đồng thời yêu cầu những nhân viên đã cài đặt ứng dụng này phải xóa khỏi thiết bị càng sớm càng tốt. Pháp thậm chí còn yêu cầu các nhân viên của chính phủ gỡ bỏ Twitter, Instagram và một số ứng dụng khác trên điện thoại vì vấn đề bảo mật. Hồi tháng 8, TikTok đã buộc phải loại bỏ một tính năng trong phiên bản phụ TikTok Lite ở Pháp và Tây Ban Nha khi EU cáo buộc tính năng này có khả năng gây nghiện.

Chính phủ Mỹ từ năm 2020 bắt đầu cân nhắc việc cấm TikTok theo chỉ đạo của tổng thống lúc đó là ông Donald Trump do lo ngại ảnh hưởng an ninh quốc gia. Vào tháng 4 năm nay, Mỹ thông qua luật buộc ByteDance phải thoái vốn khỏi TikTok trước ngày 19/1/2025 hoặc sẽ bị cấm, với cáo buộc ứng dụng này cho phép Trung Quốc tiếp cận dữ liệu người dùng Mỹ.

Tuy nhiên, trong khi đó, có những quốc gia như Nepal đã dỡ bỏ lệnh cấm TikTok “vì TikTok đã đồng ý tuân thủ các chỉ thị của Chính phủ Nepal đối với các hoạt động truyền thông xã hội sau khi đăng ký hoạt động tại quốc gia Nam Á này”. Trước đó, tháng 11/2023, Chính phủ Nepal đã áp đặt lệnh cấm đối với TikTok do lo ngại về các thông tin không phù hợp, trong bối cảnh hơn 1.600 vụ tội phạm mạng liên quan TikTok đã được ghi nhận tại nước này trong hơn 4 năm trước khi lệnh cấm được ban hành.

Chính phủ nhiều quốc gia lại đang lo ngại TikTok bị sử dụng như một công cụ gián điệp, có thể thu thập thông tin, sở thích và thói quen người dùng. Chưa kể còn là những tác động tiêu cực tới giới trẻ với những hệ lụy khôn lường từ thế giới ảo. Tuy nhiên, có loại trừ được mối nguy ấy không, khi bên cạnh đó sẽ phải đối mặt tới những câu hỏi liên quan tới quyền tự do ngôn luận, tiếp cận thông tin. Vì thế, để có thể “cấm cửa” được TikTok, cần sự quyết tâm đủ mạnh từ các quốc gia./.

Hà Anh

 

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận