Bước vào năm mới 2025, trong rất nhiều mối quan ngại mà thế giới đang và sẽ phải đối mặt có mối quan ngại trước sự gia tăng của nhiều dịch bệnh liên quan đến virus khá nguy hiểm như virus gây viêm phổi ở người HMPV, virus cúm gia cầm H5N1 hoặc norovirus.
Các báo cáo gần đây về HMPV - virus gây viêm phổi ở người tại Trung Quốc và một số nước, đang khiến người dân toàn cầu hết sức lo ngại về một làn sóng Covid-19 thứ hai khi cho tới thời điểm hiện tại vẫn chưa có vaccine hoặc phương pháp điều trị khả thi.
Khi các ca nhiễm HMPV gia tăng mạnh mẽ
Theo những thông tin mới nhất được công bố từ Trung tâm Phòng ngừa và Kiểm soát Dịch bệnh Trung Quốc (CDC), số lượng ca nhiễm trùng đường hô hấp cấp tính ở nước này đang có xu hướng tăng cao, với sự gia tăng đáng kể các ca cúm và số ca nhiễm virus Human Metapneumovirus - HMPV.
Cụ thể, ngày 2/1 CDC Trung Quốc cho biết trong tuần từ 23 - 29/12/2024, số ca mắc bệnh đường hô hấp đã tăng đáng kể so với đợt tăng trước đó trong tuần từ 16 - 22/12/2024. Đặc biệt số ca nhiễm ở trẻ em từ 14 tuổi trở xuống đã tăng đột biến ở các tỉnh phía Bắc của nước này. CDC Trung Quốc cho biết giới chức đang triển khai hệ thống giám sát “bệnh viêm phổi không rõ nguồn gốc” nhằm kiểm soát tình hình và xác minh các trường hợp nghi nhiễm.
Đảng quan ngại là trên mạng xã hội, các bức ảnh và video về tình trạng bệnh viện quá tải, với hàng dài người xếp hàng chờ khám, đã lan truyền rộng rãi. Thậm chí, một số trang thông tin điện tử nước ngoài đưa tin về một đợt bùng phát dịch bệnh xảy ra tại Trung Quốc với nhiều trường hợp mắc bệnh do virus HMPV và nhận định dịch bệnh lây lan nhanh với triệu chứng tương tự như cúm, Covid-19, đồng thời lo ngại về một cuộc khủng hoảng y tế khác sau Covid-19.
Điều khiến dư luận thế giới hoang mang hơn là những thông tin về các ca nhiễm virus HMPV đã không chỉ xuất hiện tại Trung Quốc mà còn nhiều quốc gia khác. Theo dữ liệu từ Ủy ban Kiểm soát Vệ sinh và Dịch tễ học Kazakhstan, kể từ tháng 10/2024 đến nay, 30 người đã được xác định nhiễm HMPV tại nước này. Ngày 6/1, Bộ Y tế Ấn Độ ghi nhận thêm 2 trường hợp nhiễm virus HMPV tại bang cực Nam Tamil Nadu, nâng tổng số ca nhiễm HMPV trên cả nước lên 5 người. Ngày 7/1, Bộ trưởng Y tế Indonesia Budi Gunadi Sadikin xác nhận nước này đã phát hiện các ca nhiễm virus HMPV. Trước đó, người phát ngôn Bộ Y tế Widyawati cũng kêu gọi người dân thực hiện các biện pháp phòng ngừa để giảm nguy cơ lây lan. Chính phủ Indonesia đang tăng cường giám sát tại các điểm nhập cảnh và các biện pháp cách ly đối với du khách quốc tế có dấu hiệu mắc bệnh giống cúm. Bộ Y tế Malaysia đã báo cáo 327 trường hợp nhiễm HMPV trong năm 2024, tăng 45% so với 225 trường hợp năm 2023.
Virus HMPV nguy hiểm đến đâu?
Trước những hoang mang, quan ngại về virus cúm mới này, các cơ quan chức năng Trung Quốc khẳng định dịch bệnh vẫn đang diễn biến theo quy luật thông thường và chưa có dấu hiệu đáng lo ngại. CDC Trung Quốc cũng bác bỏ thông tin bệnh viện quá tải và nguy cơ bùng phát đại dịch Covid-19 thứ hai. Còn phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Mao Ninh thì cho biết: Các ca bệnh dường như ít nghiêm trọng hơn và lây lan với quy mô nhỏ hơn so với năm trước.
Cơ quan có tiếng nói lớn nhất về các vấn đề y tế toàn cầu - Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ngày 7/1, đã có thông tin chính thức về virus HMPV. Theo đó, WHO khẳng định đây không phải là loại virus mới mà đã được phát hiện lần đầu tiên vào năm 2001. Vì thế, theo WHO, sự gia tăng số ca nhiễm trùng trong đó có virus HMPV qua đường hô hấp cấp tính ở Trung Quốc và nhiều quốc gia Bắc bán cầu trong những tuần gần đây đã được dự báo trước và không có yếu tố nào bất thường.
Về phần các chuyên gia cũng đang đánh giá thấp về virus HMPV, rằng virus này khó có thể trở thành đại dịch như Covid-19. Tiến sĩ Jacqueline Stephens - giảng viên cao cấp về sức khỏe cộng đồng tại Đại học Flinders ở Australia - cho rằng các triệu chứng của HMPV tương tự cảm lạnh hoặc cúm và HMPV là một trong số nhiều loại virus thường được gộp chung vào định nghĩa “cảm lạnh thông thường”, có thể khiến chúng ta mệt mỏi trong vài ngày, nhưng sẽ khỏe lại ngay.
Về mối quan tâm lớn nhất: virus HMPV liệu có thể là một Covid-19 thứ hai hay không, bước đầu một số chuyên gia cho rằng khác với Covid-19, HMPV đã tồn tại trong nhiều thập niên và dân số toàn cầu hiện phần nào đã có miễn dịch cộng đồng. “Chúng ta không nhất thiết phải lo ngại về một đại dịch HMPV nhưng vẫn cần chú ý tới số ca bệnh gia tăng về tác động của loại virus này” - Giáo sư Paul Griffin, Giám đốc khoa bệnh truyền nhiễm tại Mater Health Services ở Brisbane (Úc) nhấn mạnh.
Giải pháp phòng tránh
Tới thời điểm hiện tại, virus HMPV được xác định là một loại virus gây bệnh về đường hô hấp với các triệu chứng tương tự cúm - như ho, sốt, nghẹt mũi và khó thở. Trong trường hợp nghiêm trọng, virus này có thể dẫn đến các biến chứng như viêm phổi và viêm phế quản. HMPV có thể ảnh hưởng đến mọi lứa tuổi, đặc biệt là trẻ nhỏ, người già và những người có hệ miễn dịch yếu. Giống như các bệnh về đường hô hấp khác gồm Covid-19 và cúm, virus HMPV lây lan qua tiếp xúc gần, hắt hơi, ho hoặc chạm vào các vật dụng nhiễm virus. Thời gian ủ bệnh từ 3 đến 6 ngày, và HMPV thường hoạt động mạnh vào cuối mùa đông và mùa xuân ở các khu vực ôn đới.
Ngày 7/1, Sở Y tế TP.HCM cho biết HMPV không phải là virus mới, từng được phát hiện là một trong những tác nhân gây viêm hô hấp ở trẻ em trong các năm 2023 và 2024, chiếm tỷ lệ thấp (12,5% ở trẻ em) so với các tác nhân khác như rhinovirus (44,6%), virus hô hấp hợp bào RSV (41,1%), cúm A (25%). Tuy nhiên, Sở Y tế khuyến cáo người dân không chủ quan trước những diễn biến có thể xảy ra, việc thực hiện các biện pháp phòng dịch theo khuyến cáo của ngành y tế là điều quan trọng.
|
Dù tạm thời được cho là gây ra bệnh nghiêm trọng nhưng các chuyên gia cũng đặc biệt lưu ý là không giống như Covid-19, căn bệnh đã có vaccine và phương pháp điều trị bằng thuốc kháng virus như Paxlovid, thì hiện tại vẫn chưa có liệu pháp kháng virus cụ thể nào để điều trị HMPV và chưa có vaccine để ngăn ngừa căn bệnh này.
Vì thế, WHO cũng như phần đa các chuyên gia đều cho rằng, tới thời điểm này, phòng tránh vẫn là giải pháp khả dĩ nhất hiện nay. WHO khuyến cáo người dân tại các quốc gia đang trong giai đoạn mùa đông thực hiện các biện pháp phòng bệnh cơ bản để ngăn chặn sự lây lan và giảm thiểu các rủi ro do các bệnh lây qua đường hô hấp gây ra, nhất là đối với nhóm dễ bị tổn thương. Trường hợp triệu chứng nhẹ nên ở nhà, nghỉ ngơi, giữ sức khỏe để tránh lây lan cho người khác. Nhóm nguy cơ cao hoặc trường hợp triệu chứng nặng cần đến các cơ sở y tế để tư vấn, điều trị kịp thời. Người dân cần cân nhắc việc đeo khẩu trang ở những nơi đông người, khu vực thông khí kém; che miệng khi ho và hắt hơi bằng khăn giấy; thực hiện việc rửa tay thường xuyên và tiêm vaccine theo hướng dẫn của cơ quan y tế.
Giáo sư Paul Griffin - Giám đốc khoa bệnh truyền nhiễm tại Mater Health Services ở Brisbane (Úc) cho rằng, công chúng có thể áp dụng những kinh nghiệm từ đại dịch để giảm lây lan. “Tôi chắc chắn không đề xuất các hạn chế nghiêm trọng như thời Covid-19 nhưng ở nhà, che miệng khi ho và hắt hơi, hay vệ sinh tay rất quan trọng trong mùa đông”, Giáo sư Paul Griffin nhấn mạnh.
Tiến sĩ Khoo tại Trường Y Duke - NUS thì khuyến cáo, rửa tay kỹ lưỡng và đeo khẩu trang, đặc biệt là ở những nơi đông người, rất có giá trị trong việc đối phó với HMPV.
Đặc biệt, WHO cũng khuyến cáo các quốc gia thành viên duy trì giám sát các tác nhân gây bệnh qua đường hô hấp phù hợp với bối cảnh của từng quốc gia và khuyến cáo không áp đặt bất kỳ hạn chế nào về giao thương, đi lại liên quan đến các xu hướng của các bệnh đường hô hấp cấp tính hiện nay.
Không chỉ với HMPV, trước sự gia tăng của các căn bệnh do virus hiện nay như: virus cúm gia cầm H5N1 hoặc norovirus, các chuyên gia cũng cho rằng phòng ngừa để tránh việc dịch bệnh lây lan rộng là điều tối cần thiết nhất và rằng, đối với các loại virus đường hô hấp theo mùa, việc tiêm vaccine, đeo khẩu trang, vệ sinh tay… là rất quan trọng.
Thế giới đang bước vào năm 2025 với rất nhiều những âu lo, thách thức về nhiều mặt, và sự gia tăng mạnh mẽ ngay từ những ngày đầu năm của những dịch bệnh như HMPV đang đẩy toàn cầu vào những âu lo mới. Tuy nhiên, với những trải nghiệm đáng giá từ dịch bệnh Covid-19, nhân loại có thể nuôi niềm tin rằng những mối âu lo ấy hoàn toàn có thể được vượt qua./.
Hà Anh