Ngay trong tháng đầu tiên của năm mới 2025, nước Mỹ nói riêng và thế giới nói chung đã phải đối mặt với thảm hoạ cháy rừng khủng khiếp ở Los Angeles, như nhìn nhận của Tổng thống đắc cử Donald Trump, “tồi tệ hơn một cuộc tấn công hạt nhân”. Một lần nữa, “biến đổi khí hậu” được chỉ mặt đặt tên là nguyên nhân hàng đầu gây nên thảm hoạ.
Đợt cháy gây thiệt hại lớn nhất trong lịch sử Mỹ
Theo các nhà quan sát và các tổ chức dự báo, hỏa hoạn tại hạt Los Angeles (bang California), bùng phát và lan rộng ở Pacific Palisades, vùng ngoại ô Los Angeles từ ngày 7/1 có thể trở thành đợt cháy gây thiệt hại lớn nhất trong lịch sử Mỹ với con số ước tính hơn 200 tỷ USD.
Cụ thể, theo ước tính mới nhất của dịch vụ dự báo AccuWeather, các vụ cháy rừng đã gây thiệt hại từ 250 tỷ đến 275 tỷ USD, bao gồm thiệt hại từ tài sản bị phá hủy, từ hoạt động kinh tế bị gián đoạn và chi phí chữa cháy. Khoảng 16.200ha đã bị thiêu rụi - gấp khoảng 3 lần diện tích của Manhattan và hơn 12.000 công trình bị phá huỷ, nhiều khu dân cư đã bị san phẳng, trong đó có những khu vực nhà riêng trị giá hàng triệu USD của giới thượng lưu và những người nổi tiếng ở Mỹ.
Tuy nhiên, đây không phải là thiệt hại cuối cùng bởi nhiều khả năng gió Santa Ana khô, nóng với sức gió giật có thể lên đến 120km/giờ hoàn toàn có thể quay trở lại, và nếu quay trở lại, thì mối nguy thực sự không thể lường hết được. Thêm vào đó, đáng quan ngại, theo các cơ quan chức năng, đến nay lính cứu hỏa chỉ mới kiểm soát được 14% phạm vi cháy, còn đám cháy Eaton xuất phát từ sườn đồi San Gabriel phía đông TP Los Angeles trước khi càn quét những cộng đồng trên diện tích 57km2 và phía cứu hỏa mới kiểm soát được 33%.
Những sự mất mát về người cũng khốc liệt không kém. Theo các cơ quan chức năng Mỹ, hỏa hoạn tại hạt Los Angeles đã cướp đi ít nhất 24 sinh mạng và dự đoán số người chết sẽ còn tăng khi các đội cứu hộ sử dụng chó nghiệp vụ tiếp tục tìm kiếm trong đống đổ nát.
Tôi tin rằng thiệt hại còn lớn hơn cả khi bị tấn công bằng vũ khí hạt nhân. Tôi chưa bao giờ thấy điều gì giống như vậy. Hàng dặm dài những ngôi nhà bị cháy thành tro. Không còn gì đứng vững”, ông Trump thốt lên với báo chí. Còn nhà kinh tế học Abiel Reinhart tại J.P. Morgan thì nhận định: "Các vụ cháy rừng ở Los Angeles đang trở thành thảm họa khí hậu tốn kém nhất trong lịch sử Mỹ, do quy mô vụ cháy lớn và bất động sản bị tàn phá có giá trị cao". Nhà kinh tế học Abiel Reinhart cũng không quên cảnh báo rằng trong ngắn hạn, các vụ cháy rừng sẽ tác động nhỏ đến tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội (GDP), việc làm và lạm phát của Mỹ. Chi phí tái thiết Los Angeles trở về nguyên trạng cũng được ước tính sẽ là con số hàng chục tỷ USD.
Thảm họa cháy rừng ở Los Angeles còn phủ bóng lên công tác chuẩn bị cho Thế vận hội Olympic 2028. “Tình hình rõ ràng là nghiêm trọng. Với viễn cảnh biến đổi khí hậu đáng kể, cần phải tự hỏi liệu những gì đang diễn ra hiện nay có thể lặp lại, thậm chí trong thời gian diễn ra Olympic” - một chuyên gia đặt ra câu hỏi đầy quan ngại.
Tại cuộc họp báo diễn ra hôm 14/1, bà Kristin Crowley, chỉ huy lực lượng cứu hoả Los Angeles cảnh báo người dân, mặc dù các đám cháy đã được kiểm soát tốt hơn, nhưng mối nguy hiểm vẫn chưa qua. Lực lượng cứu hoả vẫn đang trong trạng thái báo động đỏ trước sự quay lại của gió Santa Ana khô, nóng với sức gió giật có thể lên đến 120km/giờ.
|
Khi biến đổi khí hậu bị chỉ mặt đặt tên
Ngay sau khi thảm họa xảy ra, rất nhiều giả thuyết về nguyên nhân khiến cháy rừng lan rộng ở Los Angeles đã được đưa ra.
Gió Santa Ana đã được xem là một trong những nguyên nhân nhân gây ra và làm trầm trọng hơn thảm hoạ cháy rừng. Loại gió này thường xuất hiện vào mùa thu nhưng đôi khi cũng ập tới vào các mùa khác trong năm. Đúng như cái tên được gọi - “gió quái”, “gió đỏ”, với tính chất khô, nóng và đặc biệt là vô cùng mạnh (tốc độ gió Santa Ana thường từ 60 - 80 dặm/giờ (95-130km/h), nhưng trong các điều kiện thời tiết khiến gió Santa Ana hoạt động mạnh mẽ nhất, gió có thể giật lên tới 100 dặm/giờ (160km/h)), loại gió này hoàn toàn như “xăng đổ vào lửa”, khiến các vụ cháy lan nhanh hơn, mạnh hơn. Chưa kể, sức mạnh của Gió Santa Ana có thể cản trở hoạt động chữa cháy, gây khó khăn cho hoạt động của máy bay, phương tiện cứu hoả, hoạt động sơ tán, làm đổ cây, tăng nguy cơ bị thương với lực lượng cứu hộ.
Nguy hiểm hơn nữa, theo các chuyên gia, Gió Santa Ana có thể thổi tàn lửa từ đám cháy hiện có vào khu vực chưa cháy và gây ra đám cháy mới. Cụ thể, nhiều nghiên cứu cho biết, độ ẩm cực thấp của Santa Ana khiến cây cối khô héo và cực kì dễ bắt lửa và làm bùng lên thành đám cháy lớn. Tính chất giật từng cơn của loại gió kì quái này càng làm cho hướng lan của đám cháy trở nên khó lường hơn.
Thực ra, theo các chuyên gia khí hậu, gió Santa Ana không phải là hiện tượng gì mới mẻ tại Mỹ, thậm chí đã quá quen thuộc. Theo thống kê, thông thường, có khoảng 10 đến 25 sự kiện gió Santa Ana xảy ra hàng năm ở Mỹ. Một đợt gió này thường kéo dài từ 1 đến 7 ngày, đôi khi lâu hơn và gây nên những hệ lụy lớn. Tuy nhiên, điều đáng nói nhất về đợt gió Santa Ana lần này là kéo dài lâu hơn với sức gió cao hơn, khủng khiếp hơn xưa nay khá nhiều lần, như cảnh báo, có thể lên tới 120km/h - một tốc độ có thể coi là mang tính chất hung thần, hủy diệt.
Điều gì đã khiến “quái gió” Santa Ana ngày càng trở nên mạnh đột biến và khác thường đến vậy? Câu trả lời, không gì khác, theo các chuyên gia chính là bởi thực trạng biến đổi khí hậu ngày càng tồi tệ. “Cháy rừng ở nam California diễn ra vào tháng 1, thời điểm đáng lẽ là mùa mưa, là điều vô cùng bất thường, tương tự là các cơn bão Helene và Milton càn quét hồi tháng 10. Đây là minh chứng cho thấy thời tiết cực đoan đang ngày càng khắc nghiệt và khó lường hơn” - tờ New York Times nhận định.
Trở lại nguyên nhân gây nên những đợt “gió quái”. Theo các nhà khoa học, gió Santa Ana là những cơn gió Đông Bắc khô và ấm thổi từ sâu trong đất liền phía Nam California về phía bờ biển. Gió Santa Ana xuất hiện khi các vùng áp suất cao rộng lớn hình thành trên vùng Đại Bồn địa ở phía Tây nước Mỹ. Bình thường, gió Santa Ana thường thổi qua bang này từ tháng 9 đến tháng 5 hàng năm nhưng năm nay, biến đổi khí hậu, sự nóng lên của bầu khí quyển đã khiến gió Santa Ana năm nay xuất hiện muộn hơn. “Băng ở Bắc Cực tan chảy tạo ra những thay đổi trong dòng khí quyển - yếu tố góp phần tạo nên gió Santa Ana”, một nhà khoa học phân tích.
Năm 2025 được dự đoán sẽ là 1 trong 3 năm có thời tiết nóng nhất. Nhiệt độ trung bình toàn cầu năm 2025 sẽ cao hơn từ 1,29 - 1,53 độ C so với trước thời kỳ công nghiệp hóa. Sự gia tăng khí thải nhà kính, chủ yếu từ hoạt động đốt nhiên liệu hóa thạch của con người, đã khiến xu hướng nóng lên toàn cầu không có dấu hiệu chậm lại.
Và khi toàn cầu còn nóng lên, thì không có gì đảm bảo những hiện tượng thời tiết bất thường như sự mạnh lên của gió Santa Ana sẽ không tiếp tục xảy ra? Và con người sẽ tiếp tục là nạn nhân cho chính những gì mình đang gây ra. Một bài học không mới nhưng cũng không bao giờ cũ./.
Hà Anh