Hội nghị An ninh Munich (MSC) diễn ra từ ngày 14 - 16/2 tại Munich, thủ phủ của bang Bavaria, miền Nam nước Đức được nhìn nhận là bước ngoặt quan trọng trong quan hệ xuyên Đại Tây Dương. Theo đó, mối quan hệ đồng minh lâu đời này đang bước vào giai đoạn mới đầy thách thức với những vết rạn khó tránh trong một thế giới đa cực.
Nơi hoá giải
Hội nghị An ninh Munich (MSC) là một trong những diễn đàn an ninh quốc tế quan trọng nhất thế giới, được tổ chức thường niên từ năm 1963. Trải qua hơn 60 năm, diễn đàn này đã trở thành diễn đàn độc lập quan trọng nhất để trao đổi quan điểm giữa các nhà quyết định chính sách an ninh quốc tế. Mỗi năm, hội nghị này thu hút khoảng 350 người đứng đầu từ hơn 70 quốc gia trên khắp thế giới để tham gia vào cuộc tranh luận chuyên sâu về các thách thức an ninh hiện tại và tương lai. Sau thời kỳ “chiến tranh lạnh” kết thúc, Hội nghị đã có những thay đổi căn bản, theo đó, thành phần đại biểu được mở rộng; các bên tham gia hội nghị coi trọng bàn thảo nhiều vấn đề liên quan tới an ninh toàn cầu; đối thoại, hợp tác để đối phó với những thách thức, nguy cơ, bảo vệ môi trường hòa bình, ổn định và xử lý những vấn đề nảy sinh trong quan hệ quốc tế,…
Sau hơn nửa thế kỷ, qua hơn 60 kỳ tổ chức, Hội nghị An ninh Munich đã góp phần tích cực trong việc hóa giải nhiều xung đột, mâu thuẫn, tạo dựng và bảo vệ môi trường an ninh quốc tế. Thậm chí, MSC nhiều năm qua đã là Diễn đàn rất uy tín về các vấn đề an ninh toàn cầu và là thước đo quan trọng của quan hệ xuyên Đại Tây Dương.
Khi đồng minh dần trở thành… người lạ
Không phải đến tận bây giờ, mà cách đây chừng 5, 6 năm, Hội nghị An ninh Munich đã là nơi chứng kiến những mâu thuẫn, vết nứt rạn về các vấn đề an ninh ngày càng lộ rõ giữa các nước, thậm chí giữa những quốc gia một thời từng được coi là đồng minh.
Như tại Hội nghị An ninh Munich 2019 đã từng chứng kiến màn tranh luận gay gắt giữa Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence và Thủ tướng nước chủ nhà - bà Angela Merkel. Khi đó, Phó Tổng thống Mỹ đã phê phán các đồng minh EU đã làm nhiều việc gây “tổn hại” đến an ninh, lợi ích và vai trò lãnh đạo thế giới của Mỹ, nhất là việc EU phớt lờ lệnh trừng phạt của Mỹ đối với Iran, hay việc EU phản đối Mỹ rút khỏi Hiệp ước Các lực lượng hạt nhân tầm trung (INF) đã ký với Nga năm 1987 còn Thủ tướng Đức kịch liệt phản đối quyết định của Mỹ đơn phương rút khỏi Thỏa thuận hạt nhân…
Mới đây nhất, Hội nghị An ninh Munich lần thứ 60 (MSC 60) năm 2024 với chủ đề "Hòa bình thông qua đối thoại" đã kết thúc mà không đạt được kết quả mang tính đột phá nào. Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres trong bài phát biểu tại hội nghị đã nói rằng, cơ chế quản trị toàn cầu theo mô hình hiện nay đang làm gia tăng tình trạng chia rẽ. Thế giới đang đối mặt với những thách thức hiện hữu nhưng cộng đồng quốc tế lại bị phân tán và chia rẽ sâu sắc nhất trong 75 năm qua.
Tại kỳ MSC năm nay, ngay khi tiếng chuông khai mạc chưa rung lên, các nhà quan sát đã bày tỏ sự lo ngại lớn khi mối quan hệ Âu - Mỹ đang đứng trước nhiều bão táp hơn bao giờ hết. Bởi, chỉ một tháng sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump nhậm chức, chính quyền mới đã có những động thái gây lo ngại như áp đặt thuế quan đối với nhiều quốc gia, bao gồm cả các đồng minh châu Âu, thậm chí còn có những phát ngôn về việc kiểm soát lãnh thổ của các đồng minh như Canada và Đan Mạch. Sự vắng mặt của ông Donald Trump càng như “đổ thêm dầu vào lửa”, cho thấy ông chủ Nhà Trắng xem nhẹ châu Âu và hội nghị khó lòng đạt được các cam kết, thỏa thuận để giải quyết các vấn đề được xem là thách thức an ninh toàn cầu hiện nay. Cùng với đó, việc Washington cho biết sẽ không ủng hộ mong muốn gia nhập NATO của Ukraine đã gây thất vọng lớn cho các đồng minh phương Tây của Mỹ ở châu Âu, đẩy châu Âu vào thế bế tắc trong giải quyết xung đột giữa Ukraine và Nga. Đã vậy, trước thềm Hội nghị, phó Tổng thống Mỹ JD Vance - người sẽ thừa lệnh Tổng thống tham dự Hội nghị lên tiếng tuyên bố rằng, châu Âu đang đối mặt với cuộc khủng hoảng lòng tin vào các thể chế dân chủ - một cuộc khủng hoảng từ bên trong.


Chương trình chính của hội nghị năm nay bắt đầu với trọng tâm là các thách thức an ninh toàn cầu, trong đó có quản trị toàn cầu và an ninh khí hậu. Tiếp đó là các cuộc tranh luận về tình trạng trật tự quốc tế cũng như các cuộc xung đột và khủng hoảng khu vực, tương lai của quan hệ đối tác xuyên Đại Tây Dương.
Thành công của Hội nghị đến thời điểm này vẫn là câu hỏi ngỏ. Nhất là trong bối cảnh các quốc gia châu Âu đang hết sức bất bình về những phản ứng từ Nhà Trắng, như lời Bộ trưởng Quốc phòng Đức Boris Pistorius: "Tôi không thể bỏ qua những gì tôi vừa nghe. Chúng tôi đấu tranh cho quyền được chống lại chúng tôi của bạn. Nền dân chủ này đã bị phó tổng thống Mỹ đặt dấu hỏi. Không chỉ riêng Đức mà cả châu Âu nói chung. Và nếu tôi hiểu đúng thì ông ấy so sánh các điều kiện ở châu Âu với các chế độ độc tài... Điều này là không thể chấp nhận được".
Hội nghị An ninh Munich (MSC) - một trong những diễn đàn an ninh quốc tế thường niên quan trọng nhất thế giới, hơn 60 năm qua vẫn được đánh giá là thước đo quan trọng của quan hệ xuyên Đại Tây Dương. |
Hội nghị An ninh Munich lần thứ 61 rõ ràng đang là tấm hàn thử biểu cho mối quan hệ đồng minh lâu dài giữa Mỹ và châu Âu. Không ai biết mối quan hệ này sẽ đi về đâu, liệu đồng minh người quen có trở thành người xa lạ, châu Âu liệu có dũng cảm rời bỏ Mỹ, tự bảo vệ an ninh và tìm ra hướng đi mới cho tương lai của mình? Hay rốt cuộc cũng sẽ như lời Tổng thống Đức Frank-Walter Steinmeier: Điều chắc chắn là chính quyền Mỹ mới có một thế giới quan khác với chúng ta. Chúng ta không thể thay đổi điều đó. Chúng ta phải chấp nhận nó. Và chúng ta phải đối phó với những sự thay đổi này. Nhưng tôi tin rằng sự hợp tác, quan hệ đối tác và liên minh giữa chúng ta luôn bền vững. Điều này sẽ giúp châu Âu và đối tác cùng nhau giải quyết những xung đột, thách thức ở cả hiện tại và trong tương lai./.
Hà Anh