Kết quả của chiến dịch trấn áp hoạt động lừa đảo trực tuyến xuyên quốc gia mà chính phủ Thái Lan và Myanmar tiến hành gần đây đang khiến dư luận chấn động. Tuy nhiên, đây mới là phần nổi của tảng băng chìm chứa đựng nhiều thách thức nan giải từ vấn nạn lừa đảo trực tuyến đang khiến nhiều quốc gia, trong đó có khu vực Đông Nam Á hết sức quan ngại.
Những số phận bi thảm nơi “địa ngục trần gian”
Hãng thông tấn Kyodo ngày 25/2 dẫn các nguồn tin an ninh của Thái Lan cho biết khoảng 7.000 công dân nước ngoài đã được giải cứu khỏi các băng nhóm lừa đảo ở Myanmar. Thông tin ban đầu cho thấy những người này bị ép buộc làm việc cho các nhóm lừa đảo qua điện thoại, hoạt động chủ yếu tại khu vực biên giới Myanmar - Thái Lan.
Trước đó mấy ngày, ngày 21/2, Chính quyền Thái Lan cảnh báo rằng hàng chục nghìn người có thể đang bị giam giữ trong các khu phức hợp lừa đảo bất hợp pháp tại Myanmar, đặc biệt là khu vực giáp biên giới Thái Lan. Tướng Thatchai Pitaneelaboot - Giám đốc Trung tâm Chống Buôn người Thái Lan, cho biết, có khoảng 30 - 40 băng nhóm tội phạm Trung Quốc đang vận hành các khu phức hợp này. Số lượng người bị giam giữ có thể dao động từ 30.000 - 50.000, thậm chí lên tới 100.000 người, trong đó phần lớn là công dân Trung Quốc. Cũng theo Giám đốc Trung tâm Chống Buôn người Thái Lan, các trung tâm này do các băng nhóm tội phạm điều hành, chuyên các chiêu trò buôn người và lừa đảo xuyên quốc gia.
Trước đó nữa, vụ mất tích gây chấn động của nam diễn viên Trung Quốc Wang Xing sau đó bị đưa qua biên giới và buộc làm việc trong khu phức hợp chính xác là trung tâm lừa đảo tại Myanmar, đã khiến vấn nạn buôn người và lừa đảo xuyên quốc gia trở nên “nóng” hơn bao giờ hết.
Điều đáng quan ngại, theo Liên Hợp Quốc, cho tới nay có hàng trăm nghìn người đã bị buôn bán vào khu vực Đông Nam Á, đặc biệt là Myanmar, Campuchia và Lào, từ các chiêu trò tuyển dụng giả mạo. Ước tính những tổ chức lừa đảo tại các quốc gia này đã thu về khoản lợi nhuận khổng lồ lên tới 63,9 tỷ USD mỗi năm. Đáng quan ngại hơn nữa là hàng nghìn nạn nhân bất hạnh này đã phải trải qua những ngày “sống không ra sống” trong những nơi mà theo họ chẳng khác nào “địa ngục trần gian”.
Chia sẻ với truyền thông sau khi được giải thoát khỏi các trung tâm lừa đảo vùng biên giới, phần lớn nạn nhân trong số khoảng 7.000 người đã cho biết, họ phải chịu đựng bạo lực, như bị đánh đập, tra tấn bằng điện và quản thúc nghiêm ngặt, ép buộc họ phải làm việc. Trong đó, sự “ép buộc phải làm việc” mới thực sự là hãi hùng với nhiều người. Theo đó, ngay sau khi “lọt” vào “cái ổ nhền nhện” này, các nạn nhân sẽ bị buộc phải làm công việc “việc nhẹ lương cao” đó là lừa đảo hẹn hò trực tuyến, gian lận tiền điện tử, lừa đảo mua sắm, cùng nhiều hình thức khác. Hàng ngày, họ bị giam trong phòng và buộc phải lên mạng tìm kiếm con mồi trên thế giới trực tuyến. Nếu không hoàn thành chỉ tiêu (thường là phải lừa được ít nhất 10.000 USD mỗi tháng), làm việc cầm chừng, thì đương nhiên, họ sẽ phải gánh chịu đủ đòn bạo lực như đánh đập, chích điện hay bò trên nền đá cho đến khi đầu gối và tay bật máu. Bị buộc phải làm việc đến kiệt sức không lương tới 15-18 giờ mỗi ngày nhưng các nạn nhân chỉ được ăn cơm trắng và rau, bị ốm không được chăm sóc y tế. Nhiều người trong cơn quẫn bách đã nảy ra ý định trốn chạy nhưng tỷ lệ thành công gần như rất ít ỏi.
Tinh vi những cái bẫy
Liên tiếp đưa được hàng trăm nghìn con người vào những cái bẫy thì chiêu thức của bọn tội phạm đương nhiên là hết sức tinh vi. Nhiều khu phức hợp, casino, khách sạn mọc lên, nhưng ẩn sau vẻ hào nhoáng là hoạt động tội phạm tinh vi.
Theo điều tra của báo chí nước ngoài, các băng nhóm tội phạm thường đánh mạnh vào lòng tham của con người, hứa hẹn mức lương cao, chỗ làm việc hấp dẫn, rồi ra sức quảng cáo trên mạng xã hội. Khi nạn nhân đồng ý, chúng sẽ cung cấp vé máy bay và hướng dẫn di chuyển đến các quốc gia như Myanmar, Campuchia hoặc Lào. Các hình thức lừa đảo phổ biến bao gồm: Lừa đảo tình cảm: Bằng cách giả danh những người giàu có trên mạng, lừa nạn nhân chuyển tiền hoặc đầu tư vào các dự án giả mạo. Đầu tư tài chính ảo: Dụ dỗ nạn nhân đầu tư vào các sàn giao dịch tiền điện tử hoặc chứng khoán giả mạo. Chiêu trò đánh bạc trực tuyến: Dẫn dụ con bạc vào các nền tảng cờ bạc giả, nơi họ luôn thua cuộc.
Tuy nhiên, trên thực tế, theo nhiều chuyên gia, vấn đề lớn nhất của những cái bẫy ghê sợ này không phải là sự tinh vi của các chiêu trò mà chính là do lòng tham, sự ham muốn, mơ mộng về cái gọi là “việc nhẹ lương cao ở nước ngoài”. Họ không đủ tỉnh táo để nhận thức được rằng đó hoàn toàn chỉ dừng lại ở những lời hứa hẹn.
Theo Liên Hợp Quốc, cho tới nay có hàng trăm nghìn người đã bị buôn bán vào khu vực Đông Nam Á, đặc biệt là Myanmar, Campuchia và Lào, từ các chiêu trò tuyển dụng giả mạo. Ước tính những tổ chức lừa đảo tại các quốc gia này đã thu về khoản lợi nhuận không lồ lên tới 63,9 tỷ USD mỗi năm. Đáng quan ngại hơn nữa là hàng nghìn nạn nhân bất hạnh này đã phải trải qua những ngày “sống không ra sống” trong những nơi mà theo họ chẳng khác nào “địa ngục trần gian”.
|
Cuộc chiến nan giải
Trở lại ước tính của Viện Hòa bình Mỹ (USIP), rằng những tổ chức lừa đảo này mang lại lợi nhuận lên tới 63,9 tỷ USD mỗi năm. Lợi nhuận khổng lồ, việc đánh bẫy lại khá dễ dàng nên vấn nạn lừa đảo xuyên biên giới những năm qua càng có cơ hội bành trướng, nhất là tại khu vực Đông Nam Á.
Trước sự nhức nhối của vấn nạn này, nhiều nước đã có những động thái ngăn chặn. Đơn cử như Thái Lan, gần đây đã cắt điện, internet cung cấp cho một số khu vực biên giới ở Myanmar nhằm triệt tiêu các khu phức hợp lừa đảo. Nhiều quốc gia cũng đã tiến hành trục xuất người nước ngoài tham gia vào các hoạt động lừa đảo. Theo truyền thông Myanmar, kể từ tháng 10/2023, nước này đã trục xuất hơn 55.000 người nước ngoài tham gia vào các hoạt động lừa đảo.
.jpg)
Dù vậy, như quan ngại của bà Tita Sanglee, Viện Nghiên cứu Đông Nam Á - Yusof Ishak (ISEAS), rất khó để xóa bỏ hoàn toàn các hoạt động lừa đảo. Giáo sư dự bị Mark S. Cogan tại Đại học Kansai Gaidai (Nhật Bản), cũng cho rằng cuộc chiến này là rất khó bởi bọn tội phạm sẽ luôn thay đổi để phù hợp với tình hình. Nghị sĩ Rangsiman Rome, Chủ tịch Ủy ban An ninh Quốc gia và Các vấn đề Biên giới của quốc hội Thái Lan cũng cho rằng, đế chế lừa đảo vẫn tồn tại, chúng ta mới chỉ làm chúng rung chuyển.
Chưa kể, như đã nói, nhiều trường hợp trong các trung tâm lừa đảo là nạn nhân của buôn người, nhưng cũng có một số trường hợp lại làm việc tự nguyện, bị thu hút bởi thu nhập béo bở kiểu “việc nhẹ lương cao”.
Giới quan sát cho rằng để giải quyết vấn nạn buôn người và hoạt động lừa đảo trực tuyến, điều quan trọng nhất là sự quyết liệt và gay gắt hơn nữa. Như lý giải của một nghị sĩ Thái Lan, chính quyền Thái Lan hành động chưa đủ quyết liệt để xử lý những kẻ đứng đầu trung tâm lừa đảo bởi có một số quan chức tiếp tay cho nhóm tội phạm này mở rộng hoạt động. Vì thế, bên cạnh thúc đẩy hoạt động hành pháp, các nước cần kết hợp với xử lý tình trạng tham nhũng, đối phó với tình trạng tội phạm cấu kết với các quan chức địa phương để hoạt động. Như lời Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Quốc phòng Thái Lan Phumtham Wechayachai, đây là loại hình tội phạm xuyên quốc gia và ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống của người dân nhiều nước nên cần tiến hành triệt phá có hệ thống chứ không chỉ đơn thuần bắt giữ các tội phạm./.
Hà Anh