Làn sóng 'Dẹp bỏ Tesla': 'Quýt làm' nên 'cam phải chịu'!

Phong trào 'Dẹp bỏ Tesla' đã bùng nổ khắp nước Mỹ và đang có nguy cơ nhấn chìm cơ nghiệp của tỷ phú Elon Musk vào cơn bĩ cực chưa từng có.

 

Từ ngày 15/2 đến nay, hàng loạt các cuộc biểu tình trong khuôn khổ chiến dịch "Tesla Takedown" (Lật đổ Tesla) đã bùng nổ khắp nước Mỹ và đang có nguy cơ nhấn chìm cơ nghiệp của tỷ phú Elon Musk vào cơn bĩ cực chưa từng có.

Mất đứt hơn 358 tỷ USD chỉ trong tháng 2

Ngày 18/2, Tesla lần đầu tiên ghi nhận doanh số toàn cầu giảm trong năm 2024, tụt 1% so với năm 2023. 1% có lẽ là con số chẳng nên đưa ra để kêu than kể lể nhưng nếu biết rằng nhiều năm nay tại Tesla, gần như toàn tăng tưởng kỷ lục 38% và 40%, thì việc sụt giảm này lại là một cái gì đó hết sức đáng quan ngại.

Nhưng sự quan ngại không dừng ở đó. Tại Mỹ, doanh số Tesla giảm mạnh 16% từ tháng 12/2023 đến tháng 1/2024. Một khảo sát của Morning Consult vào tháng 2/2024 cho thấy 32% người mua xe tại Mỹ khẳng định họ "không cân nhắc" mua Tesla, tăng so với mức 27% vào năm trước và 17% vào năm 2021. Doanh số xe Tesla tại châu Âu đã giảm 45% trong tháng 1 so với cùng kỳ năm trước, trong khi doanh số xe EV nói chung lại tăng vọt hơn 37%, theo Hiệp hội Các nhà sản xuất ô tô châu Âu. Tình hình cũng không khả quan hơn tại nhiều quốc gia khác. Vào tháng 2, doanh số của Tesla giảm mạnh tại Mỹ, Úc, Trung Quốc. Tại Đức, doanh số của hãng sụt giảm tới 76% vào tháng 2 và Ý giảm tới 55%. "Có vẻ như Tesla đang đánh mất lợi thế cạnh tranh cốt lõi khi nhiều đối thủ nhanh chóng lấn sân vào thị phần của họ", David Wagner, nhà quản lý danh mục đầu tư tại Aptus Capital Advisors, nhận định.

Biểu tình phản đối Telsa và Elon Musk tại Mỹ. (Ảnh: KT)Đặc biệt trong tháng 2, mức giảm tổng cộng của cổ phiếu Tesla là 27,59% và giá trị thị trường của công ty này đã bị "bốc hơi" khoảng 358,286 tỷ USD. Tới tháng 3 này, theo ước tính của Forbes, giá trị tài sản ròng của Elon Musk từ ngày 4/3 đã mất đứt 7,1 tỷ USD, xuống còn 347,7 tỷ USD. Cổ phiếu Tesla ngày 4/3 đã xuống đến mức 272 USD là mức giá khi đóng cửa thấp nhất kể từ Ngày bầu cử. Mới đây nhất, cổ phiếu Tesla lao dốc 5,3% trong phiên giao dịch hôm 18/3. Tính từ cuối tháng 12/2024, cổ phiếu Tesla đã mất hơn 44% giá trị, trở thành cổ phiếu giảm mạnh nhất trên chỉ số S&P 500 trong năm nay.

Chìm trong làn sóng bạo lực

Không chỉ chao đảo trong cơn sụt giảm không phanh của cổ phiếu và doanh số bán ra, đế chế Tesla những ngày tháng qua còn bị nhấn chìm trong làn sóng bạo lực, biểu tình khủng khiếp chưa từng có với hãng xe điện này.

Phong trào mang tên "Tesla Takedown" (Lật đổ Tesla) được khởi xướng bởi nam diễn viên và nhà làm phim Hollywood Alex Winter cùng Joan Donovan, phó giáo sư ngành Báo chí và Nghiên cứu Truyền thông mới tại Đại học Boston từ ngày 15/2 đến nay đã nhấn đế chế xe điện vào hàng loạt các cuộc biểu tình. Một trang web có tên “Tesla Takedown” đã liệt kê hơn 50 cuộc biểu tình, dự kiến nhiều cuộc biểu tình khác đã, đang diễn ra vào cuối tháng 3 trên khắp nước Mỹ, cũng như ở Anh, Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha, hơn 70 cuộc khác sẽ được tổ chức từ nay đến cuối tháng 4.

Elon Musk trong một sự kiện ra mắt xe Telsa.Tại các cuộc biểu tình, phần lớn sẽ xuất hiện một số biển báo chế giễu Musk và DOGE - Bộ Hiệu quả Chính phủ của Musk với dòng chữ: "Hãy ngăn chặn Elon Musk và những kẻ xấu xa xung quanh ông ta". "Chúng ta có thể trả thù Musk. Chúng ta có thể gây ra thiệt hại kinh tế trực tiếp cho Tesla bằng cách xuất hiện bên ngoài các phòng trưng bày ở khắp mọi nơi, tẩy chay Tesla và khuyên bảo mọi khách hàng rời đi, bán cổ phiếu của Tesla và bán xe Tesla của họ đi” - một nhân vật tham gia biểu tình tuyên bố. Không chỉ là biểu tình, đã có hàng loạt những hành động đập phá các showroom của hãng này. Ngày 3/3, 7 trạm sạc Tesla tại một trung tâm thương mại ngoại ô Boston đã bị phóng hỏa vào khoảng 1 giờ sáng (theo giờ địa phương). Thậm chí đã ghi nhận vụ nổ súng tại một showroom Tesla làm hư hại 3 chiếc xe, vỡ kính cửa sổ và một viên đạn xuyên qua tường văn phòng, trúng màn hình máy tính.

Biểu tình phản đối Telsa và Elon Musk tại Mỹ. (Ảnh: KT)Lý do của sự nguyền rủa này dành cho Musk là bởi họ cho rằng ông chính là nguyên nhân khiến Tổng thống Trump thúc đẩy cắt giảm chi tiêu cũng như sa thải nhân sự của chính phủ. Đơn cử như DOGE đã đưa ra đề xuất cắt giảm mạnh quy mô của Sở Thuế vụ (IRS), dẫn đến việc giảm gần 20% lực lượng lao động của IRS trước ngày 15/5. Những người phản đối Musk còn cho rằng hành động của ông đã đi ngược lại quyền lực kiểm soát ngân sách liên bang của Quốc hội và rằng ông có nhiều cách để làm giàu cho bản thân.

Tổng thống Mỹ Donald Trump khẳng định bạo lực nhằm vào các đại lý của Tesla sẽ bị coi là khủng bố trong nước và những người gây ra hành động này sẽ "trải qua địa ngục".

Cuộc chiến còn tiếp diễn

Cho tới thời điểm này, những bĩ cực mà đế chế xe điện Tesla phải gánh chịu chưa có dấu hiệu suy giảm. Điều đáng nói là Tesla chưa phản hồi yêu cầu bình luận về các vụ tấn công và biểu tình. Thậm chí vào Chủ nhật mới đây, ông chủ Elon Musk đã đáp trả bằng một thái độ hết sức điềm tĩnh trong một bài đăng trên X: “Xin chân thành cảm ơn tất cả những ai ủng hộ Tesla, bất chấp nhiều cuộc tấn công nhằm vào các cửa hàng và văn phòng của chúng tôi”. Trước đó, trong một bài đăng trên X vào ngày 10/3, khi Tesla chứng kiến giá cổ phiếu có một trong những phiên giảm mạnh nhất trong lịch sử hãng, ông Musk viết: “Trong dài hạn, công ty sẽ ổn thôi”. 

Tổng thống Donald Trump và Elon Musk.Nếu xem sự đáp trả của Elon Musk là “đổ thêm dầu vào lửa” thì phản ứng của đương kim chủ nhân Nhà Trắng có thể xem là dập cháy bằng xăng khi cảnh báo các đối tượng biểu tình  hôm 11/3 vừa qua rằng, sẽ trừng phạt nghiêm khắc những người có hành vi bạo lực chống lại hãng xe điện Tesla, rằng hành động của họ là “đang làm tổn hại một công ty Mỹ vĩ đại”. Thậm chí, Tổng thống Mỹ Donald Trump còn khẳng định bạo lực nhằm vào các đại lý của Tesla sẽ bị coi là khủng bố trong nước và những người gây ra hành động này sẽ "trải qua địa ngục". Người phát ngôn Nhà Trắng Harrison Fields cũng tuyên bố: "Những hành động bạo lực liên tục và tàn bạo nhắm vào Tesla của các nhà hoạt động cực tả không khác gì khủng bố trong nước".

Từ việc tài trợ tranh cử thành công trong cuộc đua vào Nhà Trắng của ông Donald Trump, rồi trở thành cánh tay đắc lực của tân tổng thống, nhiều người cho rằng con đường kinh doanh cũng như hoan lộ của ông Elon Musk sẽ tiếp tục được mở rộng. Tuy nhiên, với những gì đã và đang diễn ra, rõ ràng hành trình tại Nhà Trắng của ông chủ hãng Tesla đã không hoàn toàn là hoa hồng, thậm chí đầy chông gay, thách thức, thậm chí đã có những hệ luỵ khôn lường với chính đế chế mà vị tỷ phú này dày công tạo dựng. Những phản ứng, bất bình về những kế hoạch của ông Elon Musk, như việc ông Musk tiết lộ đang có hơn 100 người làm việc trong bộ DOGE, được cử tới gần như mọi cơ quan trong Chính phủ và việc này sẽ giúp tiết kiệm được 1 nghìn tỷ USD. Với họ, con số cắt giảm chi phí mà ông Musk đưa ra là hoàn toàn… bốc đồng.

Người xưa có câu “quýt làm cam chịu”. Điều này hẳn không sai trong trường hợp của tỷ phú Elon Musk và hãng Tesla. Không thể phủ nhận, thương hiệu Tesla đang bị ảnh hưởng tiêu cực rất lớn từ việc ông Musk tham gia chính trường và giữ vai trò lớn trong chính quyền Trump 2.0. /.

Hà Anh

 

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận