Những hiểu nhầm về đất hiếm

Đất hiếm trở thành một trong những 'vũ khí' công hiệu nhất của Trung Quốc để đáp trả sự gây hấn của Mỹ hoặc để gây áp lực đối với Mỹ.

 

Đất hiếm có thể là “vũ khí” được Trung Quốc dùng để đối phó Mỹ trong bối cảnh căng thẳng quan hệ thương mại giữa hai nước hiện nay. Cái tên gọi này gây hiểu nhầm bởi nó thật ra không hề hiếm trên thế giới. Nhưng sự thật đúng là thứ không hiếm lại trở thành đồ hiếm.

Thứ không hiếm thành đồ hiếm

Đất hiếm là tên gọi chung cho 17kim loại có ở rất nhiều nước trên thế giới. Nếu như trong thế giới và xã hội hiện đại ngày nay, rất nhiều đồ điện tử đã trở nên không còn có thể thiếu được nữa đối với con người mà con số những loại hàng hoá này có thể lên đến hàng ngàn thì đất hiếm lại không thể thiếu được trong chính hàng trăm, hàng ngàn sản phẩm điện tử ấy. Điện thoại di động thông minh, thiết bị điện tử các loại từ to đến nhỏ, trong các máy tính và ô tô, tên lửa, tàu vũ trụ, thiết bị điện gió hay lọc dầu... đều có hàm lượng tuy chỉ nhỏ, thậm chí rất nhỏ nhưng không thể thiếu nguyên liệu đất hiếm.

Việc khai thác đất hiếm đòi hỏi phải có quy trình công nghệ rất cao (ảnh: KT)Thiếu đất hiếm thì rất nhiều ngành công nghiệp sẽ bị trì trệ, từ sản xuất xăng dầu cho tới điện tử viễn thông, vận tải cho tới nghiên cứu chinh phục vũ trụ. Năm ngoái, Mỹ nhập khẩu 18.500 tấn đất hiếm, tổng cộng trị giá có 162,8 triệu USD. Nhưng nếu như không có số đất hiếm này thì nước Mỹ không thể duy trì được vị thế nền kinh tế lớn nhất thế giới và tiềm lực quân sự mạnh nhất thế giới. Nghịch lý thứ hai ở đất hiếm chính là chỗ ấy, đúng hệt như câu ngạn ngữ ở phương Đông: "Đừng chê em bé mà sầu". Ba phần tư nhập khẩu đất hiếm của Mỹ có xuất xứ từ Trung Quốc. Chính vì thế mà người ta cho rằng đất hiếm trở thành một trong những “vũ khí” công hiệu nhất của Trung Quốc để đáp trả sự gây hấn của Mỹ hoặc để gây áp lực đối với Mỹ. Như hiện tại chẳng hạn.

Ảnh hưởng tới môi trường trong việc khai thác

Kim loại vốn không hề hiếm trên thế giới mà trở thành đồ hiếm bởi việc khai thác và tinh lọc ra chúng rất tốn kém, phức tạp và cầu kỳ về kỹ thuật cũng như vì việc khai thác và tinh lọc này gây ô nhiễm môi trường ghê gớm. Mỗi dòng kim loại cần có công nghệ và thiết bị riêng và phải tinh lọc ở ngay tại nơi khai thác ra nó, sử dụng đến nhiều loại hoá chất độc hại đối với con người và môi trường sinh thái. Chỉ riêng hệ thống thiết bị kỹ thuật và công nghệ để tinh lọc đất hiếm thường đã tiêu tốn 1 tỷ USD.

Đất hiếm có thể là “vũ khí” được Trung Quốc dùng để đối phó Mỹ trong bối cảnh căng thẳng quan hệ thương mại giữa hai nước hiện nay (ảnh: KT). Chi phí tốn kém như thế, công lao động cao như thế và ô nhiễm môi trường như thế nên rất nhiều quốc gia trên thế giới cho dù có nguồn trữ lượng đất hiếm dồi dào cũng không đầu tư vào khai thác và xuất khẩu đất hiếm. Cũng chính vì thế mà Trung Quốc trở thành quốc gia sản xuất ra nhiều đất hiếm nhất trên thế giới, đáp ứng ước tính tới 90% nhu cầu về đất hiếm trên khắp thế giới hiện tại.

Lâu nay, nước Mỹ không có chiến lược tự chủ về đất hiếm mà nhập khẩu. Ở vùng mỏ Mountain Pass ở bang California của Mỹ hiện có mỏ khai thác đất hiếm duy nhất của Mỹ, nhưng cũng chỉ khai thác ra thôi chứ rồi tất cả đều lại được chuyển sang xử lý tiếp ở Trung Quốc và ngay cả mỏ này hiện cũng đã thuộc một phần sở hữu của một tập đoàn Trung Quốc.

Ví dụ rõ nét nhất về việc Trung Quốc dùng đất hiếm làm công cụ để xử lý quan hệ quốc tế như thế nào là chuyện giữa Trung Quốc và Nhật Bản năm 2010. Hồi ấy xảy ra va chạm giữa tàu chiến của Trung Quốc với tàu tuần tra của Nhật Bản ở vùng biển mà Trung Quốc tranh chấp chủ quyền với Nhật Bản. Trung Quốc tung đòn hạn chế cung ứng đất hiếm cho Nhật Bản. Nhật Bản thấm đòn và liệu tính xa. Nước này đầu tư vào khai thác đất hiếm ở Australia và vào một cơ sở tinh lọc đất hiếm ở Malaysia. Hiện tại, Nhật Bản không còn lệ thuộc vào nguồn cung ứng đất hiếm từ Trung Quốc nữa - nhưng cũng phải mất đến ít nhất 7 năm. Ngay đến cả Mỹ nếu ngay từ bây giờ muốn tự chủ về nguồn cung ứng đất hiếm, tức là không nhập khẩu đất hiếm từ bất cứ đâu bên ngoài nước Mỹ nữa thì cũng phải mất thời gian ít nhất 5 năm và tốn rất nhiều tiền đầu tư.

Tranh luận về chủ đề đất hiếm

Vì đất hiếm quan trọng đến thế và bất cứ khi nào cũng có thể được sử dụng làm vũ khí trong quan hệ giữa các quốc gia nên chuyện tự chủ về đất hiếm mang tầm chiến lược đối với những nền kinh tế tăng trưởng và tạo giá trị gia tăng nhờ sử dụng đất hiếm. Đa dạng hoá nguồn cung ứng là một cách. Nghiên cứu tìm ra vật liệu thay thế đất hiếm là cách khác. Sử dụng tiết kiệm đất hiếm hay dự trữ đất hiếm như dự trữ dầu mỏ và đất hiếm cũng là những cách thức khác. Nhưng điều không tránh khỏi là đều rất tốn kém và mất nhiều thời gian. Vì thế, những cách thức nhằm tự chủ cung ứng đất hiếm thường chỉ thấy ở những quốc gia có quan hệ trắc trở với chính quốc gia cung ứng đất hiếm - như Nhật Bản với Trung Quốc.

Chuyện tự chủ về cung ứng đất hiểm nghe có vẻ rất hợp lý về chính trị, nhưng không hẳn cũng hợp lý về kinh tế. Đất hiếm có thể trở thành vũ khí nhưng công dụng cũng chỉ có được trong thời gian nhất định chứ không phải mãi mãi. Nước xuất khẩu đất hiếm như Trung Quốc cũng có nhu cầu xuất khẩu đất hiếm nên không sử dụng công cụ và vũ khí này một cách vội vã và bừa bãi.

Đối với Mỹ, Trung Quốc có nhiều cách đáp trả việc bị Mỹ xung khắc thương mại nói riêng và cạnh tranh chiến lược trên mọi phương diện quan hệ song phương nói chung. Sử dụng đất hiếm là một cách có thể Trung Quốc không bỏ qua và sẽ sử dụng khi thật cần thiết nhưng chắc chắn không phải là loại vũ khí được coi là chiến lược hay phương cách lâu dài xử lý quan hệ với Mỹ. Nguyên nhân chính nằm ở chỗ Trung Quốc có đối sách này thì Mỹ lại có biện pháp khác và chừng nào còn chưa thoát được ra khỏi cái vòng luẩn quẩn giữa trả đũa và đáp trả thì cả hai bên đều bị thiệt hại nhiều hơn cái lợi thu về và cái lợi trước mắt không thể bù đắp được cho cái thiệt hại về lâu dài. Đối với những đối tác khác thì vũ khí này của Trung Quốc có thể phát huy tác dụng cao hơn rất nhiều. Hơn nữa, Mỹ và Trung Quốc bây giờ hục hặc nhau thế thôi chứ rồi cuối cũng vẫn sẽ phải đi vào thoả hiệp với nhau. Cuộc chơi giữa Mỹ và Trung Quốc khác biệt cơ bản cuộc chơi giữa Trung Quốc và Nhật Bản.

Chuyện đất hiếm lại trở nên thời sự bởi xung khắc lợi ích và bất đồng quan điểm giữa Mỹ và Trung Quốc hiện tại còn khiến sôi động cuộc tranh luận trên khắp thế giới về tự chủ đến đâu và tham gia phân công lao động quốc tế đến đâu trong thế giới hiện đại dưới tác động của toàn cầu hoá và hội nhập quốc tế, về thương mại tự do và chính trị hoá thương mại như thế nào để không chỉ có mỗi đất hiếm vốn không hiếm trở thành hàng hiếm mà cả những sản phẩm và hàng hoá khác nữa không bị biến thành vũ khí và công cụ trong bất hoà chính trị giữa các quốc gia và đối tác trên thế giới.

Sử dụng đất hiếm là một cách có thể Trung Quốc không bỏ qua và sẽ sử dụng khi thật cần thiết nhưng chắc chắn không phải là loại vũ khí được coi là chiến lược hay phương cách lâu dài xử lý quan hệ với Mỹ.

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận