Mở ra kỷ nguyên mới cho ngành hàng không
Trong thế giới hàng không có nhiều chủng loại máy bay được đặt cho những biệt danh rất đặc biệt, dành cho máy bay quân sự lẫn dân sự. Chẳng hạn như loại máy bay ném bom chiến lược Tu-160 của Nga được gọi là "Con thiên nga trắng", loại B-52 của Mỹ được đặt cho tên "Pháo đài bay", hay loại máy bay siêu nhanh Concord do Anh và Pháp hợp tác sản xuất được đặt tên là "Con chim trắng". Những tên gọi hay biệt danh trở thành những biểu tượng trong ngành hàng không. Nhưng có lẽ đặc biệt nhất và cũng biểu trưng nhất thì phải kể đến biệt danh "Nữ hoàng trên không" và biệt danh này được dành cho loại máy bay Boeing 747 của hãng Boeing (Mỹ). Nữ hoàng này cất cánh bay lần đầu tiên ngày 9/2/1969 ở Seattle (Mỹ), nơi đóng trụ sở của hãng Boeing. Ngày 12/2 năm sau đó, chuyến bay thương mại đầu tiên với Boeing 747 được hãng hàng không Pan American của Mỹ thực hiện từ New York (Mỹ) sang thủ đô London nước Anh. Máy bay Boeing 747 làm nên cuộc cách mạng lớn trong ngành hàng không và chuyến bay này của hãng Pan American mở ra một kỷ nguyên mới cho vận chuyển hàng không và du lịch trên thế giới.
Cùng với sự ra đời của máy bay Boeing 747 là sự ra đời của khái niệm "Jumbo", tạm dịch là Máy bay lớn hay Máy bay khoang rộng. Theo thời gian, máy bay Boeing 747 được cải tiến thành nhiều loại khác nhau phục vụ cho nhiều mục đích cụ thể và đặc biệt khác nhau. Ở thời điểm chào đời đầu năm 1969, Boeing 747 có chiều dài 70,51m, sải cánh 59,64m, chiều cao 19,33m. Trọng lượng tối đa của nó là 322 tấn. Nó có thể đạt được độ cao bay tới 13.500m với tốc độ tối đa 895km/h và bay xa 9.800km không cần phải dừng giữa chừng để tiếp nhiên liệu. Ở thời điểm xuất hiện lần đầu tiên, Boeing 747 là chiếc máy bay lớn nhất thế giới. Nhiều kỷ lục của nó sau nhiều năm mới bị phá vỡ.
Từ cuộc cách mạng Boeing 747
Cho tới nay đã có 1.548 chiếc Jumbo Boeing 747 được chế tạo, cung ứng cho khách hàng và đưa vào sử dụng. Nhưng nổi tiếng nhất là hai chiếc Boeing 747 với biệt danh Không lực 1 dành cho tổng thống Mỹ và Không lực 2 dành cho phó tổng thống Mỹ.
Trước khi có loại Boeing 747 này, trong cả ngành công nghiệp chế tạo máy bay lẫn dịch vụ vận chuyển hàng không vốn chỉ có những loại máy bay nhỏ, chuyên chở tối đa chỉ có trên dưới 200 hành khách, bay đường dài phải dừng giữa đường ở đâu đó để tiếp nhiên liệu, trong khoang máy bay có hai dãy ghế ngồi và lối đi ở giữa cũng như chỉ có một tầng ghế hành khách. Thời đấy, đi máy bay còn được coi là xa xỉ bởi không chỉ rất đắt mà còn công suất chuyên chở khách và hàng hoá của các hãng không lớn. Đi máy bay chưa trở thành phương thức đi du lịch phổ biến. Nói theo cách khác, đi máy bay không phải dành cho đông đảo người dân. Máy bay Boeing 747 giải quyết đồng thời tất cả những vấn đề ấy.
Với việc áp dụng thành quả phát triển mới của khoa học, kỹ thuật và công nghệ, hãng Boeing với loại máy bay Boeing 747 đã có được sản phẩm giúp bay được xa hơn, nhanh hơn mà chuyên chở được nhiều người hay hàng hoá hơn và đồng thời lại tiết kiệm được nhiên liệu. Rẻ hơn và tiện ích hơn là hiệu ứng mang tính chất cách mạng của Boeing 747 trong ngành hàng không. Chân trời mới được mở ra cho ngành công nghiệp chế tạo máy bay và dịch vụ vận chuyển hàng không, cho tiêu dùng của con người và cho ngành du lịch ở khắp mọi nơi trên thế giới, cho rất nhiều ứng dụng trong nghiên cứu khoa học và thiên nhiên, cho quân sự và dân sự. Những ứng dụng và tiện ích, những thành quả phát triển mới của ngành hàng không và du lịch cũng như đóng góp thiết thực của ngành hàng không và du lịch mà hiện tại con người coi là đương nhiên hay không có gì là khó hiểu đều có gốc rễ từ cuộc cách mạng do Boeing 747 khởi xướng cách đây nửa thế kỷ. Ngày nay, loại máy bay này bị chìm lẫn trong muôn vàn loại máy bay khác. Đa số người sử dụng nó không quan tâm và hay biết gì về nguồn gốc ra đời của nó.
Lịch sử lưu danh Nữ hoàng Boeing 747
Cách đây hơn nửa thế kỷ, hãng Boeing có ý định nghiên cứu và chế tạo loại máy bay có những đặc tính mới mang tính cách mạng như Boeing 747, nhưng không nhằm để phục vụ hàng không dân dụng mà để phục vụ cho quân đội Mỹ, tranh giành những đơn đặt hàng đầy béo bở của quân đội Mỹ. Để có khoang hàng rộng hơn, Boeing đã thiết kế cho loại 747 này có chỗ nhô cao hơn ở phần đầu máy bay làm khoang ngồi cho kíp lái. Về sau, hình ảnh này trở thành đặc trưng cho tất cả các loại Jumbo của Boeing. Nhưng rồi Bộ Quốc phòng Mỹ lại quyết định lựa chọn loại máy bay vận tải cỡ lớn Galaxy của hãng Lockheed chủ yếu bởi loại máy bay này thiết kế có cả cửa mở ở đầu và đuôi máy bay để chất hàng hoá lên máy bay và bốc dỡ hàng hoá xuống. Chủ tịch hãng Boeing khi ấy là William Allen đã định từ bỏ ý định chế tạo Jumbo Boeing 747. Loại máy bay này được chào đời nhờ một người khác tên là Juan Trippe, khi ấy là chủ tịch hãng hàng không PanAm, viết tắt của Pan American. William Allen nói với Juan Trippe: "If you buy it, I build it", có nghĩa là: “Nếu anh mua nó, tôi sẽ chế tạo nó”. PanAm đặt ngay 25 chiếc Boeing 747. Đó là năm 1966. Boeing đã chế tạo ra máy bay 747 này trong thời gian chỉ có 28 tháng - ngắn chưa từng thấy trước đấy cũng như sau này đối với việc nghiên cứu, thiết kế, chế tạo, thử nghiệm và đưa vào sử dụng những loại máy bay phản lực hiện đại. Boeing 747 không chỉ đặc biệt ở đoạn nhô cao hơn ở phần đầu trên thân máy bay là trong khoang có 3 dãy ghế với 2 lối đi giúp có thể vận chuyển được gấp đôi số lượng hành khách so với trước đấy. Thiết kế đẹp, nhiều tiện ích bên trong và đặc biệt là đưa lại cơ hội cho người không thuộc diện lắm tiền nhiều của cũng có thể đi được máy bay, đi được xa hơn và nhanh chóng hơn - nó được tôn vinh là Nữ hoàng trên không chính vì thế. Cho tới nay, trong thế giới hàng không vẫn không có vua và cũng chẳng có nữ hoàng nào khác ngoài Boeing 747.
Nhưng cũng giống như trong nhân thế, chẳng có Nữ hoàng nào trẻ đẹp và uy quyền được mãi. Cuộc cách mạng mà Boeing 747 đã mở ra cho ngành hàng không theo thời gian đã đưa lại những kết quả và thành quả mới khiến cho chính nó bị dần lu mờ. Cuộc cạnh tranh ngày càng thêm khốc liệt và không khoan nhượng. Khẩu vị của khách hàng đã thay đổi cơ bản. Trên những tuyến đường dài, xu thế phát triển trong ngành công nghiệp chế tạo máy bay là những thế hệ máy bay mới nhỏ, tiết kiệm nhiên liệu, không gây ô nhiễm môi trường, tích hợp nhiều tiện ích và công năng mới, vươn được tới cả những vùng miền xa xôi hơn chứ không chỉ nhằm đến những trung tâm với sân bay lớn. Thời thịnh trị của Nữ hoàng trên không đã qua. Kết cục ấy xem ra không thể tránh khỏi. Dù vậy, nữ hoàng này đã có được vị trí xứng đáng và chưa thấy ai có thể thay thế được trong lịch sử ngành hàng không trên thế giới.
Thiết kế đẹp, nhiều tiện ích bên trong và đặc biệt là đưa lại cơ hội cho người không thuộc diện lắm tiền nhiều của cũng có thể đi được máy bay, đi được xa hơn và nhanh chóng hơn - nó được tôn vinh là Nữ hoàng trên không chính vì thế. Cho tới nay, trong thế giới hàng không vẫn không có vua và cũng chẳng có nữ hoàng nào khác ngoài Boeing 747. |