25 năm - Có một sự ngạc nhiên mang tên Việt Nam!

Hành trình 25 năm, Việt Nam có một sự ngạc nhiên thú vị trong mắt các nước thành viên ASEAN cũng như cộng đồng quốc tế.

 

Với Hiệp hội các nước Đông Nam Á (ASEAN), đất nước hình chữ S đã có dấu mốc thật đáng nhớ. Năm 2020, đúng vào năm đánh dấu tròn một phần tư thế kỷ gia nhập ngôi nhà chung của khu vực, Việt Nam lần thứ 2 vinh dự đảm nhiệm trọng trách Chủ tịch ASEAN.

Hành trình 25 năm, vượt qua những bỡ ngỡ, khác biệt ban đầu để hội nhập nhanh chóng, trở thành thành viên chủ động, tích cực, có trách nhiệm, được tin cậy và vì nể, Việt Nam đã là một sự ngạc nhiên thú vị trong mắt các nước thành viên ASEAN cũng như cộng đồng quốc tế.

Từ “người đến sau” đầy bỡ ngỡ 25 năm trước

Tháng 7/2020 tới sẽ là tròn 25 năm Việt Nam chính thức trở thành thành viên ASEAN. 25 năm dài đấy nhưng cũng như một cái chớp mắt. Trong ký ức của những người từng tham gia vào quá trình đàm phán để Việt Nam gia nhập ASEAN, mọi việc ngỡ như mới chỉ ngày hôm qua và những khó khăn, rào cản phải vượt qua những ngày đó thật không ít.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tham dự Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 34 tại Thái Lan (Ảnh: VGP)Những năm đầu 1990, dù đón nhận thông tin Việt Nam muốn gia nhập Hiệp hội một cách khá thiện chí nhưng thực sự nhiều nước thành viên ASEAN vẫn không giấu nổi những băn khoăn và cả đôi chút hoài nghi. Theo ông Đỗ Ngọc Sơn, nguyên Vụ trưởng Vụ ASEAN, một trong những người theo đuổi đàm phán từ khi Việt Nam là quan sát viên của ASEAN năm 1992, vào thời điểm năm 1967, 5 nước Thái Lan, Philippines, Singapore, Malaysia và Indonesia thành lập ASEAN nhằm tự bảo vệ mình khỏi sự cạnh tranh giữa Mỹ, Liên Xô và Trung Quốc. Họ không muốn dính líu đến chiến tranh Đông Dương. Hoài nghi lớn nhất của các nước với Việt Nam là sự "bành trướng chủ nghĩa cộng sản" xuống Đông Nam Á, do Liên Xô đứng đầu và Trung Quốc hỗ trợ.

Với ông Đỗ Ngọc Sơn, không thể quên hành trình đàm phán nhiều thách thức gần 3 thập kỷ trước. Trong ký ức của ông Sơn, ngay cả khi chỉ còn khoảng 3 ngày nữa là đến phiên họp kết nạp Việt Nam vào ASEAN, sự cố vẫn xảy ra thách thức kinh nghiệm, bản lĩnh của những người làm ngoại giao Việt Nam. Chuyện là thời điểm đó một thành viên ASEAN bất ngờ nêu ra vấn đề thuyền nhân Việt Nam trong khi trước đó vấn đề này đã được ASEAN thảo và đi đến thống nhất.

25 năm gia nhập ASEAN, Việt Nam đã trở thành một thành viên được nể trọng (Ảnh: Reuters)"Thành viên đó muốn thử xem Việt Nam có thực sự quan tâm đến quan điểm chung của Hiệp hội hay không. Biết được điều này, Việt Nam đã nêu rõ những điểm không nhất trí và những điểm có thể đồng tình. Chúng ta kiên quyết bảo vệ lập trường của mình, thậm chí đặt cả vấn đề nếu phải thay đổi quan điểm sẽ ảnh hưởng đến việc gia nhập ASEAN", ông Sơn nhớ lại. Cuối cùng ASEAN không ra tuyên bố về thuyền nhân Việt Nam, đồng thời ra tuyên bố chung về Nam Tư, có sự hài hoà quan điểm của các bên và việc kết nạp Việt Nam sau đó vẫn được tiến hành như đã định.

Về phía Việt Nam, thời điểm đó cũng không phải dễ dàng. Cách đây gần 5 năm, trong bài viết nhân dịp kỷ niệm 20 năm Việt Nam gia nhập ASEAN (28/7/1995 - 28/7/2015), Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh đã chia sẻ: Nhìn lại bối cảnh trong nước và quốc tế đầu những năm 1990, chúng ta mới thấy hết quyết tâm và bản lĩnh của Lãnh đạo Đảng và Nhà nước khi phải vượt qua khó khăn để quyết định gia nhập ASEAN. Ít ai có thể hình dung được một Việt Nam đã từng trăn trở với suy nghĩ “hòa nhập” hay sẽ bị “hòa tan” 20 năm trước đây lại có thể đóng vai trò chủ động, tích cực trong ASEAN như hiện nay.

Khi đã trở thành thành viên chính thức của ASEAN, những thử thách đối với Việt Nam chưa phải là hết. Là “người đến sau” khi Hiệp hội đã ra đời đã được đến 28 năm, khi đã có 6 thành viên (trong đó 5 thành viên sáng lập là Indonesia, Malaysia, Philippines, Thái Lan và Singapore từ năm 1967 và Brunei được kết nạp năm 1984), Việt Nam khó tránh khỏi những bỡ ngỡ, chập chững ban đầu.

Đến vị thế một trong những thành viên chủ động, tích cực và trách nhiệm

Khó khăn, thử thách là không ít nhưng với sự thiện chí, nỗ lực vượt qua những rào cản về thế chế chính trị, văn hóa, tôn giáo, ngôn ngữ, khoảng cách về phát triển… chỉ 3 năm sau ngày gia nhập, trước bối cảnh sức mạnh của Hiệp hội giảm sút khi khu vực lâm vào cuộc khủng hoảng tài chính nghiêm trọng năm 1997, Việt Nam đã tổ chức thành công Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 6 tại Hà Nội (12/1998) với những kết quả quan trọng, trong đó có Chương trình Hành động Hà Nội, góp phần định hướng phát triển của Hiệp hội, giúp ASEAN vượt qua khủng hoảng tài chính khu vực, tăng cường đoàn kết, đưa các quốc gia thành viên xích lại gần nhau, đẩy mạnh hợp tác, khôi phục vị thế ASEAN và định hướng cho sự phát triển nhằm hiện thực hóa viễn cảnh của Tầm nhìn 2020.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhận búa Chủ tịch ASEAN từ Thủ tướng Thái Lan Prayuth Chan-o-cha (Ảnh: TTXVN)Việt Nam cũng đã phát huy vai trò là cầu nối tích cực tăng cường quan hệ giữa ASEAN với các đối tác, kể cả việc góp phần tháo gỡ một số vướng mắc, giúp nâng tầm quan hệ giữa các bên, được cả ASEAN và các nước đối thoại đánh giá cao. Đồng thời, Việt Nam có những đóng góp tích cực nhằm giữ vững vai trò chủ đạo của ASEAN tại các tiến trình hợp tác khu vực do ASEAN khởi xướng. Việt Nam đã hoàn thành tốt vai trò Chủ tịch Ủy ban thường trực ASEAN (năm 2000-2001), tổ chức thành công Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 17 và đặc biệt là Việt Nam đã hoàn thành xuất sắc vai trò Chủ tịch ASEAN (năm 2010) với những kết quả thực chất, góp phần thúc đẩy “văn hóa thực thi” và cụ thể hoá một bước quan trọng mục tiêu hình thành Cộng đồng ASEAN 2015, nâng cao vai trò, vị thế quốc tế của Hiệp hội, thúc đẩy mở rộng và thể chế hóa khuôn khổ quan hệ của ASEAN với các nước lớn và các đối tác quan trọng.

Việt Nam cũng nằm trong nhóm nước đi đầu về việc thực hiện các biện pháp xây dựng Cộng đồng Kinh tế ASEAN, đạt tỷ lệ ấn tượng 93,5% so với mức trung bình 90,5% của các nước ASEAN.

Trong bối cảnh ASEAN thời gian gần đây đứng trước nhiều khó khăn, thách thức liên quan đến sự cạnh tranh của các nước lớn, sự khác biệt trong nhận thức, lợi ích và ứng xử, Việt Nam đã nỗ lực củng cố đoàn kết, thống nhất vai trò của ASEAN trong các vấn đề khu vực, trong xử lý những thách thức an ninh truyền thống và phi truyền thống, cũng như những vấn đề nảy sinh trong quan hệ với các đối tác; đồng thời thúc đẩy hợp tác thực tiễn trong các cơ chế, diễn đàn khu vực quan trọng do ASEAN khởi xướng và dẫn dắt như EAS, ADMM+…

Trong vấn đề Biển Đông, Việt Nam tiếp tục chủ động trao đổi và phối hợp với các nước nhằm tạo dựng đồng thuận trong ASEAN và giữa ASEAN với đối tác về vai trò của ASEAN và lợi ích chung của tất cả các nước nhằm duy trì hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn hàng hải và hàng không ở Biển Đông; thúc đẩy đưa vấn đề Biển Đông vào văn kiện các hội nghị, diễn đàn ASEAN với những nội dung tích cực; nhấn mạnh thực hiện đầy đủ và hiệu quả Tuyên bố của các bên về ứng xử tại Biển Đông (DOC) và sớm hoàn tất Bộ quy tắc ứng xử tại Biển Đông (COC).

Sự hội nhập mạnh mẽ, những đóng góp đáng kể, sự chủ động, tích cực, sáng tạo… trong mọi hoạt động, tất cả đã “nâng tầm” vị thế Việt Nam trong mắt các nước thành viên ASEAN.

Trách nhiệm lớn, cơ hội lớn hay phép thử cho sự trưởng thành của Việt Nam

ASEAN giờ đây đã ngấp nghé tuổi 53 - cái tuổi của sự ổn định, chín chắn, vững chắc. Tuy nhiên, bối cảnh thay đổi của đời sống chính trị khu vực và thế giới đang đặt ra cho ASEAN những thách thức rất lớn như phải giữ vững "đoàn kết trong đa dạng", tình trạng căng thẳng trong quan hệ thương mại giữa các nước và sự gia tăng của các biện pháp bảo hộ, trật tự phân cực từ tranh chấp địa chính trị giữa Mỹ và Trung Quốc hay việc ASEAN chưa đáp ứng được những kỳ vọng to lớn mà mọi người dành cho tổ chức này…

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại phiên khai mạc Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 34 (Ảnh: TTXVN)Vì thế, việc đảm nhiệm trọng trách Chủ tịch ASEAN 2020 là vinh dự nhưng  cũng là thử thách rất lớn với Việt Nam. Tuy nhiên, theo Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, Tổng Thư ký Ủy ban Quốc gia ASEAN 2020 Nguyễn Quốc Dũng, việc đảm nhận cương vị Chủ tịch ASEAN năm 2020 là cơ hội Việt Nam thể hiện vai trò chủ nhà, là phép thử cho sự trưởng thành, đồng thời là dịp quảng bá đất nước để khu vực và thế giới hiểu hơn về Việt Nam.

Phát biểu trong lễ ra mắt Ủy ban Quốc gia ASEAN 2020 tại Hà Nội cuối năm ngoái, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định việc Việt Nam đảm nhận Chủ tịch ASEAN 2020 vừa là trách nhiệm, nghĩa vụ của một quốc gia thành viên, vừa là cơ hội lớn để đóng góp vào công việc chung, vì mục tiêu lợi ích chung của ASEAN cũng như nâng cao vị thế của mình.

“Việt Nam là nền kinh tế năng động và cởi mở trong ASEAN. Việt Nam đã tổ chức thành công nhiều sự kiện quốc tế quan trọng, và mới đây nhất là Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều Tiên. Tôi tin rằng Việt Nam có rất nhiều kinh nghiệm để dẫn dắt ASEAN và trở thành tấm gương cho các nước khác. Tôi kỳ vọng Việt Nam sẽ là một Chủ tịch ASEAN chuyên nghiệp, tận tâm và nhiều khát vọng” - niềm tin của Đại sứ Na Uy tại ASEAN Morten Hoglund có lẽ là cảm xúc chung nhất của cộng đồng quốc tế và khu vực dành cho Việt Nam lúc này.

Và nhất định, Việt Nam sẽ xứng đáng với niềm tin ấy. Người Việt Nam đã vẫn có câu “lửa thử vàng gian nan thử sức” - vàng đã qua thử lửa, chắc chắn là “vàng mười”.

 

Bình luận

    Chưa có bình luận