Trăm năm ý tưởng lớn

Công ước về quyền của trẻ em đến nay mới 30 tuổi nhưng ý tưởng và những nội dung mấu chốt về nó lại có từ cách đây 100 năm.

 

Những dấu mốc quan trọng

Cách đây 30 năm, vào ngày 20/11/1989, Liên hợp quốc (LHQ) thông qua Công ước về quyền của trẻ em. Trong đó, các thành viên của LHQ ràng buộc trách nhiệm của mình vào việc tôn trọng, bảo vệ và thực hiện các quyền của trẻ em. Những quyền này thậm chí còn sâu rộng và bao trùm đến mức trẻ em có thể khởi kiện trước toà án bất cứ ai, cá nhân cũng như tổ chức, không tuân thủ và thực hiện nghiêm chỉnh và đầy đủ các quy định trong Công ước này. Sự ra đời của Công ước LHQ về quyền của trẻ em là một trong những dấu mốc rất quan trọng trong hoạt động của LHQ. Việt Nam là quốc gia đầu tiên ở châu Á và thứ hai trên thế giới phê chuẩn công ước này. Cho tới nay, chỉ có Mỹ và Somalia tuy có ký kết nhưng không phê chuẩn văn kiện này.

Công ước quan trọng và đầy ý nghĩa này của LHQ đến nay mới 30 tuổi nhưng ý tưởng về nó với tư tưởng và những nội dung mấu chốt nhất trong đó lại có từ cách đây 100 năm. Tác giả của ý tưởng ấy là một người phụ nữ ở Anh tên là Eglantyne Jebb. Bà là người đầy tiên nêu ra ý tưởng về chính phủ các quốc gia phải có trách nhiệm đối với cuộc sống và cuộc đời của trẻ em. Bà cũng là người khởi xướng ra phong trào và tổ chức đầu tiên trên thế giới về cứu trợ trẻ em để rồi LHQ có được công ước nói trên.

Eglantyne Jebb sinh năm 1876 ở Anh trong một gia đình khá giả, có 3 chị gái và 2 em gái. Thời ấy ở nước Anh, nhà giàu không cho con cái theo học ở trường mà mời thầy cô giáo về dạy tại nhà. Bố mẹ Eglantyne Jebb thường có những hoạt động từ thiện giúp đỡ người nghèo. Vì thế, ngay từ thời còn nhỏ, Eglantyne Jebb đã tiếp xúc trực tiếp với những người nghèo và gặp khó khăn trong cuộc sống hàng ngày, tận mắt thấy được nỗi cơ cực và gian khổ của nhiều trẻ em. Cô cho rằng "Thế giới này sai" và quyết tâm góp phần làm cho thế giới này trở nên đúng hơn.

Cũng trong thời ấy ở nước Anh, phụ nữ trong các gia đình giàu không đi làm việc để kiếm tiền mà chỉ làm việc gia đình và chăm sóc con cái. Nhưng Eglantyne Jebb vẫn quyết định học sư phạm và trở thành cô giáo. Nhưng rồi cô giáo trẻ này nhanh chóng nhận ra rằng môi trường nghề nghiệp ấy không thích hợp cho mình và học sư phạm là quyết định sai lầm. Cùng với một người chị gái, cô đi du lịch nhiều nước châu Âu vào thời gian cuộc chiến tranh thế giới lần thứ nhất. Hai chị em chứng kiến chiến tranh, đổ nát và tàn phá, chết chóc và tang thương. Điều khiến họ đặc biệt xúc động và suy ngẫm là trẻ em bị ảnh hưởng trực tiếp và nghiêm trọng bởi chiến tranh. Trong cuộc chiến tranh thế giới này, phía Anh đứng về bên đối địch với liên quân của nước Đức. Trở lại nước Anh, hai chị em cô quyết tâm làm việc gì đó và họ lựa chọn việc cứu trợ trẻ em bị ảnh hưởng trực tiếp bởi chiến tranh và bạo lực.

Eglantyne Jebb cho rằng tất cả trẻ em trên thế giới đều có quyền đòi hỏi được ăn no, nghỉ dưỡng, học hành...Ngày 19/5/1919, hai chị em nhà Jebb mời dân chúng ở thủ đô London tới dự một buổi thuyết trình ở Hội trường hoàng gia Albert với chủ đề "Vì hoà bình và hoà giải". Rất nhiều người đến tham dự mang theo sẵn cà chua, trứng thối và hoa quả hỏng với chủ ý sẽ ném lên Eglantyne Jebb khi cô thuyết trình. Họ không đồng tình, không chấp nhận và kiên quyết chống phá quan điểm và chủ ý của Eglantyne Jebb về đóng góp để cứu trợ trẻ em thuộc "phía bên kia". Phía bên kia là kẻ thù của nước Anh và vì thế tại sao người Anh lại nên hay phải đóng góp để cứu trợ những đứa trẻ ở phía kẻ thù.

Về sau, những người tham dự kể lại rằng Eglantyne Jebb bắt đầu bài thuyết trình không được tự tin cho lắm. Bản thân cô gái này không phải là người hoạt ngôn và quen diễn thuyết trước đám đông. Nhưng rồi cô gái này mạnh bạo và tự tin hơn. Thuyết trình của cô giống như câu chuyện tự thuật về nhận thức, chân thực và mộc mạc, đơn giản và sinh động. Cô kết luận bài thuyết trình bằng câu: "Cuộc chiến tranh nào, bất kể theo bản chất nào và với kết cục nào, thì cũng đều là cuộc chiến tranh chống lại trẻ em". Những người tham dự bị thuyết phục thực sự. Họ vứt bỏ hết cà chua, trứng thối và hoa quả hỏng để bỏ tiền ủng hộ việc cứu trợ trẻ em ở châu Âu lục địa và cùng hai chị em nhà Jebb thành lập tổ chức Save the Children - tổ chức quốc gia đầu tiên ở Anh và quốc tế đầu tiên trên thế giới về cứu trợ trẻ em trên khắp thế giới.

Mở ra kỷ nguyên mới cho rất nhiều trẻ em trên thế giới

Ngay từ năm 1919, Eglantyne Jebb đã xác định: "Chỉ có một mục tiêu là cứu trợ được nhiều trẻ em như có thể được. Và chỉ có một nguyên tắc là cứu trợ trẻ em bất kể chúng sinh ra và lớn lên ở đâu, bất kể chúng theo tôn giáo và tín ngưỡng nào". Bốn năm sau, cô lập ra danh sách những yêu cầu, đòi hỏi và khuyến nghị của trẻ em trong "nhân danh trẻ em". Được chia ra thành 5 phần, danh sách này tập hợp những gì mà Eglantyne Jebb cho rằng tất cả trẻ em trên thế giới đều có quyền đòi hỏi có được chẳng hạn như quyền được ăn no, quyền được nghỉ dưỡng, quyền được học hành, quyền không bị bóc lột. Cụm từ "Quyền của trẻ em" lần đầu tiên được nêu ra trong đó.

Sự ra đời của Công ước LHQ và quyền của trẻ em mở ra triển vọng tương lai tốt đẹp cho rất nhiều trẻ em trên thế giới.Ngày ấy chưa có LHQ mà chỉ có Liên đoàn các quốc gia, đóng trụ sở ở thành phố Geneve của Thuỵ Sỹ. Năm 1924, Liên đoàn này cam kết tôn trọng và thực hiện những quyền của trẻ em ấy, nhưng lại chưa có tính ràng buộc bắt buộc đối với tất cả các thành viên. Bản danh mục của Eglantyne Jebb đi vào lịch sử với tên gọi "Tuyên bố Geneve về các quyền của trẻ em". Phải mất thêm 65 năm nữa thì những cam kết ấy mới có được tính chất và hiệu lực ràng buộc đối với tất cả các nước trên thế giới - với sự ra đời của Công ước của LHQ về quyền của trẻ em.

Ý tưởng lớn của Eglantyne Jebb không hẳn đi trước thời đại nhưng đã mở ra một kỷ nguyên mới cho phong trào đấu tranh trên phạm vi toàn thế giới vì nhân quyền nói chung và vì các quyền của trẻ em nói riêng. Việc kiên định thực hiện ý tưởng của người phụ nữ này đã giúp cứu sống rất, rất nhiều trẻ em trên thế giới và đảm bảo cuộc sống yên ổn cũng như mở ra triển vọng tương lai tốt đẹp cho rất nhiều trẻ em trên thế giới. Chỉ cần nhìn lại là nhân loại trên thế gian này cần đến 70 năm để thể thức hoá về phương diện luật pháp quốc tế ý tưởng cao đẹp của Eglantyne Jebb thành Công ước của LHQ về các quyền của trẻ em cũng đủ để thấy cuộc đấu tranh trên phạm vi thế giới vì các quyền của trẻ em cam go và phức tạp như thế nào.

Cả điều này nữa cũng khiến con người trên trái đất phải suy ngẫm. Eglantyne Jebb sinh ra và lớn lên trong nhung lụa nhưng lại dành cả tâm huyết cuộc đời mình cho công cuộc cứu trợ trẻ em gặp khốn khó và nguy hiểm. Khi qua đời ở tuổi 52, người phụ nữ này không có lấy một đứa con trai hay con gái khóc vĩnh biệt bên mộ mình. Những gì bà để lại cho nhân loại và hậu thế là lý tưởng và khát vọng của mình, là tổ chức Save the Children và là những đóng góp quyết định để trẻ em được bảo hộ bởi Công ước của LHQ về các quyền của trẻ em.

Bà Eglantyne Jebb đã cho ra đời Công ước về quyền của trẻ em.

Ý tưởng lớn của Eglantyne Jebb không hẳn đi trước thời đại nhưng đã mở ra một kỷ nguyên mới cho phong trào đấu tranh trên phạm vi toàn thế giới vì nhân quyền nói chung và vì các quyền của trẻ em nói riêng.

 

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận