Chỉ sau 2 thập kỷ, từ một nước đến sau còn đầy bỡ ngỡ, đến nay Việt Nam đã thể hiện mình là thành viên đầy năng động, có trách nhiệm, đóng góp tích cực và hiệu quả cho sự phát triển của APEC, được các nền kinh tế thành viên đánh giá cao.
Từ lá đơn lịch sử và Nghị quyết của Bộ Chính trị
Ra đời năm 1989, APEC thời điểm đó (1996-1998) gồm 20 nền kinh tế, chiếm non 1/3 dân số thế giới, ngót nghét 50% GDP và thương mại toàn cầu. Nhận thấy tầm quan trọng của APEC đối với sự phát triển kinh tế của các nước trong khu vực nói chung và của Việt Nam nói riêng, phù hợp với đường lối hội nhập kinh tế quốc tế của Đảng và nhà nước ta, ngày 15/6/1996, Chính phủ Việt Nam đã nộp đơn xin gia nhập APEC. Cũng tháng 11 năm đó, Bộ Chính trị đã ra Nghị quyết về mở rộng và nâng cao hiệu quả công tác kinh tế đối ngoại giai đoạn 1996-2000; trong đó nhấn mạnh nhiệm vụ "tiến hành khẩn trương, vững chắc việc đàm phán hiệp định thương mại với Mỹ, gia nhập APEC và Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO)".
Tình thế trở nên hết sức tích cực, theo hồi ức của Nguyên Đại sứ Việt Nam tại Philipines Trương Triều Dương. Tháng 8/1996, theo yêu cầu của APEC, phía Việt Nam đã gửi cho APEC "Bản ghi nhớ hệ thống chính sách kinh tế thương mại của Việt Nam" (Aide Memoire). Trong thời gian chờ quyết định chính thức kết nạp, ngày 25/4/1997, Việt Nam gửi đơn xin tham gia với tư cách khách mời vào Nhóm Công tác về Xúc tiến Thương mại; Nhóm Công tác về Khoa học và Công nghệ Công nghiệp; và Nhóm Chuyên gia về Hợp tác Kỹ thuật Nông nghiệp của APEC để làm quen và nắm bắt tình hình hoạt động của tổ chức.
Rồi cũng đến một ngày những nỗ lực không mệt mỏi của Việt Nam đã được đền đáp xứng đáng. Ngày 14/11/1998, tại Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao - Kinh tế, APEC đã tuyên bố kết nạp Việt Nam, Nga và Peru. Theo hồi ức của Nguyên Đại sứ Việt Nam tại Philipines Trương Triều Dương, một trong những người thuộc nhóm viết đề án về việc “Việt Nam gia nhập APEC” thì khi APEC công bố kết nạp thêm Nga, Việt Nam, Peru quốc tế đều bất ngờ vì Việt Nam mới chỉ là quan sát viên một năm.
Hai lần đăng cai APEC
Việt Nam - APEC thực sự như một duyên lành. Bởi không chỉ chính thức bước vào “ngôi nhà chung” APEC một cách mau mắn, mà chỉ 8 năm sau khi gia nhập APEC, năm 2006, Việt Nam đã có vinh dự lần đầu tiên đảm nhận vai trò chủ nhà APEC. Vinh dự nhưng cũng rất nhiều chông gai, thách thức, thậm chí đã có những nghi ngại, băn khoăn, cả nhạy cảm từ phía các đối tác quốc tế bởi thực sự Việt Nam chưa từng có kinh nghiệm đăng cai tổ chức một sự kiện đối ngoại lớn đến như vậy.
Tuy nhiên, bằng những nỗ lực đáng ngạc nhiên, Việt Nam đã tổ chức thành công năm APEC 2006 kéo dài trong suốt cả năm 2006 với sự tham dự của hơn 1.000 quan chức cấp cao cùng hơn 100 hoạt động mà đỉnh cao là Tuần lễ Cấp cao APEC vào giữa tháng 11/2006. “Hội nghị năm 2006 của chúng ta đã thành công tốt đẹp trên cả 3 mặt nội dung, lễ tân và cách thức tổ chức; thành công cả trên bình diện đa phương là trong APEC, và song phương là 5 nước có 5 nguyên thủ mà chúng ta mời.
Vai trò chủ nhà của chúng ta trong suốt năm 2006 được các lãnh đạo APEC và bạn bè quốc tế đánh giá rất cao. Họ khâm phục trình độ của chúng ta trong tổ chức, xử lý, điều hành” - Nguyên thứ trưởng thường trực Bộ Ngoại giao, đại sứ Việt Nam tại Mỹ Lê Công Phụng từng chia sẻ.
Chỉ sau đó không đầy một năm, ngày 11/1/2007, Việt Nam chính thức trở thành thành viên WTO. Tháng 10/2007, Việt Nam lần đầu tiên được bầu làm thành viên không thường trực của Hội đồng Bảo an LHQ nhiệm kỳ 2008-2009 với 183/190 phiếu bầu. Khó có thể phủ nhận hai sự kiện đối ngoại nổi bật này không có sự cộng hưởng rất lớn từ thành công của năm APEC 2006.
Lần đăng cai APEC 2017 tiếp tục là một dấu ấn đặc biệt, không chỉ với Việt Nam mà cả APEC. Theo thông lệ, Diễn đàn APEC được tổ chức luân phiên lần lượt tại mỗi nền kinh tế thành viên, theo nguyên tắc nếu năm nay tổ chức ở một nền kinh tế bên bờ Thái Bình Dương, thì năm sau địa điểm tổ chức sẽ là bờ bên kia. Tuy nhiên, một sự “ngoại lệ đáng ngạc nhiên” là Việt Nam chỉ sau 11 năm, đã trở lại là nền kinh tế chủ nhà, đăng cai tổ chức Diễn đàn APEC 2017.
Và không phụ sự tín nhiệm rất cao của bạn bè quốc tế, cộng đồng APEC dành cho Việt Nam, với gần ba năm công tác chuẩn bị được triển khai quyết liệt, bền bỉ và đồng bộ, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo sát sao của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và toàn dân, năm APEC 2017, mà đỉnh cao là Tuần lễ Cấp cao tại Đà Nẵng, đã thành công rực rỡ toàn diện. Từ khâu tổ chức, chủ trì điều hành, đến nội dung, lễ tân, cơ sở vật chất - hậu cần, văn hóa - tuyên truyền, an ninh - y tế và trên mọi mặt về cả đa phương và song phương.
Trong toàn bộ 243 hoạt động mà Việt Nam tổ chức đã có hơn 21.000 đại biểu tham dự, riêng Tuần lễ Cấp cao là khoảng 11.000 người. Những con số này cho thấy sự quan tâm và tình cảm đặc biệt mà các nền kinh tế thành viên APEC và cá nhân các nhà lãnh đạo kinh tế APEC dành cho Việt Nam.
Đến những đóng góp tích cực và vị thế của Việt Nam
20 năm qua, không chỉ tổ chức thành công hai năm APEC, với phương châm hợp tác cùng nhau xây dựng một cộng đồng châu Á - Thái Bình Dương hòa bình, ổn định, phát triển và kết nối thịnh vượng, Việt Nam còn luôn chứng tỏ là một thành viên tích cực, chủ động cùng các thành viên APEC triển khai mạnh mẽ liên kết kinh tế và củng cố hệ thống thương mại đa phương trong khu vực.
Không chỉ tham gia đầy đủ và có trách nhiệm vào nhiều chương trình hợp tác và hành động tập thể của APEC trong các lĩnh vực, đồng thời thực hiện nghiêm túc các cam kết hợp tác của APEC, Việt Nam còn chủ động đưa ra các đề xuất, sáng kiến đóng góp nhằm thúc đẩy thuận lợi hóa thương mại và đầu tư trong khu vực.
Những năm gần đây, ngoài những nội dung kinh tế - thương mại truyền thống, Việt Nam còn tham gia các lĩnh vực hợp tác mới của APEC như an ninh con người, y tế, giáo dục, du lịch, nổi bật là vai trò đồng chủ tịch và phó chủ tịch của Nhóm công tác y tế (2009-2010), Nhóm công tác về đối phó tình trạng khẩn cấp (2012-2013), tổ chức thành công Hội nghị Bộ trưởng APEC lần thứ 6 về phát triển nguồn nhân lực năm 2014.
Việt Nam đã chủ trì và đồng chủ trì triển khai hơn 100 dự án, hoạt động trên nhiều lĩnh vực nhằm thúc đẩy hợp tác trong những vấn đề mới, thiết thực, như chia sẻ kinh nghiệm phát triển và thực hiện mô hình tăng trưởng mới (năm 2014), quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng (năm 2015), thúc đẩy đầu tư hạ tầng cơ sở nhằm bảo đảm an ninh lương thực (năm 2016)…
Đồng thời, với tư cách là một nền kinh tế đang phát triển có một số kinh nghiệm phát triển nhất định, Việt Nam đã đóng góp hiệu quả vào một số lĩnh vực như thủy sản, nông nghiệp, phòng chống dịch cúm gia cầm, dịch bệnh... thông qua việc chia sẻ kinh nghiệm và thông tin với các nền kinh tế khác, nhất là với các nền kinh tế đang phát triển của APEC.
Ngoài lĩnh vực hợp tác cụ thể, Việt Nam cũng tham gia vào một số công tác điều hành chung của APEC như tích cực tham gia các ủy ban chủ chốt hay các nhóm công tác quan trọng, giữ vai trò Giám đốc Điều hành Ban Thư ký APEC quốc tế nhiệm kỳ 2005-2006..../.
Box: Tại các diễn đàn APEC, Việt Nam luôn thể hiện tiếng nói xây dựng, góp phần giải tỏa mâu thuẫn giữa các nền kinh tế trên nhiều lĩnh vực nhạy cảm. Những đóng góp thiết thực và quan trọng của Việt Nam cho APEC trong suốt 20 năm tham gia khiến các thành viên APEC ngày càng tin tưởng và đánh giá cao vai trò của Việt Nam. Những đóng góp đáng kể và quan trọng của Việt Nam trong APEC là sự thể hiện sinh động hình ảnh một Việt Nam đổi mới, mở cửa, hội nhập quốc tế và có vai trò tích cực thúc đẩy xu thế hòa bình, hợp tác trong khu vực. Vị thế Việt Nam trên trường quốc tế, nhờ vậy, ngày càng được củng cố và nâng cao./.