WHO: Sinh nhật thời khó khăn

WHO đang bị thách thức rất ghê gớm do dịch bệnh lại bị Mỹ công kích quyết liệt và bị Mỹ ngừng tài trợ.

 

Năm nay Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đón sinh nhật thứ 72 không được thuận lợi và vui vẻ khi dịch bệnh hoành hành khắp thế giới.

Những đóng góp của WHO

Trong quá trình hoạt động từ khi được thành lập đến nay, WHO đã nhiều lần gặp không ít khó khăn, nhưng có lẽ chưa lần nào khó khăn phức tạp như hiện tại, mà lại còn đúng vào dịp sinh nhật. WHO được thành lập ngày 7/4/1948. Sinh nhật năm nay của tổ chức này của LHQ vào thời điểm dịch bệnh viêm phổi cấp do virus SARS-CoV-2 gây ra đã lan rộng khắp thế giới và hoành hành dữ dội. Dịch bệnh này cũng còn bị tổng thống Mỹ Donald Trump dùng làm nguyên cớ chính thức để chính phủ Mỹ ngừng tài trợ cho các hoạt động của WHO. Ông Trump cáo buộc WHO đã xử lý không tốt dịch bệnh này, đã che giấu sự lây lan của dịch bệnh và đã tiếp nhận thông tin được Trung Quốc tô hồng làm thông tin chính thức về dịch bệnh nên dịch bệnh mới có thể lây lan ra khắp thế giới nhanh chóng đến như vậy. Theo số liệu của phía Mỹ, trong kế hoạch tài khoá năm 2020 này, phía Mỹ dự định tài trợ 123 triệu USD cho WHO.

WHO đã đóng vai trò rất quyết định trong việc đảm bảo sức khoẻ và chăm sóc y tế thoả đáng được công nhận là một trong những quyền cơ bản của con người trên thế giới. (Ảnh: KT)

Ý tưởng thành lập WHO đã có cùng với ý tưởng thành lập LHQ. Nhưng cũng phải 3 năm sau chiến tranh thế giới thứ hai thì WHO mới được thành lập. Phòng ngừa đại dịch bệnh và xây dựng hệ thống y tế và chăm sóc sức khoẻ xứng đáng với con người là hai trong số những sứ mệnh lịch sử của WHO. WHO là một trong 18 tổ chức của LHQ, tự chủ về pháp lý, tài chính và tổ chức. WHO hiện có 194 thành viên. Các cơ quan quyền lực của WHO là Hội nghị y tế thế giới tiến hành mỗi năm một lần và Hội đồng điều hành. WHO đóng trụ sở ở Geneve (Thuỵ Sỹ) và có 6 văn phòng khu vực ở Copenhagen (Đan Mạch), Cairo (Ai Cập), Manila (Philipin), New Delhi (Ấn Độ), Washington D.C. (Mỹ) và Brazzaville (Cộng hoà Công gô).

Ở thời chiến tranh lạnh, WHO gặp nhiều khó khăn trong hoạt động như tất cả các tổ chức khác trong hệ thống LHQ. Nhưng cuộc đối đầu về ý thức hệ giữa các bên trên thế giới không ngăn cản được sự hợp tác giữa họ với nhau trên nhiều phương diện của công cuộc phòng ngừa dịch bệnh và đảm bảo chăm sóc sức khoẻ cho người dân. Nhờ thế, WHO đã đạt được rất nhiều thành quả rất quan trọng như xóa sổ dịch đậu mùa hay đẩy lùi dịch bệnh bại liệt ở trẻ em.

Ngay từ năm 1952, WHO đã tổ chức xây dựng hệ thống mạng lưới báo động sớm về dịch cúm do virus gây ra. Nhờ hoạt động hiệu quả của hệ thống mạng lưới cảnh báo sớm này mà dịch cúm năm 1957 và 1968 bùng phát trên thế giới nhưng không lan rộng và gây tai hại như dịch cúm Tây Ban Nha năm 1918.

WHO lại bị Mỹ công kích quyết liệt và bị Mỹ ngừng tài trợ. (Ảnh minh họa: KT)

Nhờ WHO mà quyền của người dân được chăm sóc y tế thoả đáng được LHQ công nhận là một trong những quyền của con người, xác lập sự công nhận này ở trong Tuyên bố Alma - Ata của WHO năm 1978 và trong Hiến chương Ottawa năm 1986. Bước chuyển về chất của WHO ở đó là xác lập sứ mệnh không chỉ ngăn ngừa và xoá sổ đại dịch bệnh trên thế giới mà còn đưa ra nội hàm mới cho khái niệm "Y tế và sức khoẻ", cụ thể là bao gồm phòng ngừa dịch bệnh và bệnh tật, tư vấn y tế, tuyên truyền giải thích về y tế và sức khoẻ, chữa bệnh và xây dựng hệ thống y tế hoạt động hiệu quả ở mọi nơi trên thế giới.

Ảnh hưởng kép từ dịch bệnh

Hiện tại có khoảng 8.000 nhân viên làm việc cho WHO. Ngân sách hoạt động hàng năm của WHO là khoảng 4 tỷ USD, phần lớn do tư nhân đóng góp bởi các nước thành viên đóng góp quá ít cho WHO. Cũng vì các thành viên đóng góp tài chính không đủ cho WHO hoạt động nên WHO phải hợp tác với các tổ chức hoạt động nhân đạo và từ thiện, rồi sau đó với cả các doanh nghiệp. Trong khi không có sự bất đồng quan điểm đáng kể gì về tôn chỉ mục đích của WHO về y tế và sức khoẻ thì cho đến thời điểm hiện tại vẫn còn dai dẳng và sôi động trên thế giới cuộc tranh luận về vấn đề nên xây dựng mô hình hệ thống y tế và chăm sóc sức khoẻ nào, tập trung vào 4 mô hình sau: mô hình hệ thống y tế và chăm sóc sức khoẻ làm dịch vụ sinh lời, mô hình hệ thống y tế và chăm sóc sức khoẻ nhân đạo và từ thiện thuần tuý, mô hình hệ thống y tế và chăm sóc sức khoẻ dành riêng cho từng diện đối tượng nhất định theo phương châm chất lượng tuỳ thuộc vào khả năng tài chính của từng người, và mô hình hệ thống y tế và chăm sóc sức khoẻ do nhà nước quản lý và tài chi.

Cho đến nay, WHO đã có rất nhiều đóng góp rất to lớn và quan trọng vào công cuộc đẩy lùi đại dịch bệnh, chăm sóc sức khoẻ và chữa bệnh cho người dân trên thế giới. WHO đã đóng vai trò rất quyết định trong việc đảm bảo sức khoẻ và chăm sóc y tế thoả đáng được công nhận là một trong những quyền cơ bản của con người trên thế giới.

Hiện tại, WHO đang bị thách thức rất ghê gớm. Dịch bệnh viêm phổi cấp do virus corona chủng mới gây ra vẫn chưa được kiểm soát và đẩy lùi trên thế giới. Thế giới vẫn chưa tìm ra vắc-xin phòng ngừa dịch bệnh này và chưa chế ra được thuốc điều trị đặc hiệu. WHO lại bị Mỹ công kích quyết liệt và bị Mỹ ngừng tài trợ. Thực chất trong chuyện này là chủ ý của ông Trump thông qua WHO nhằm vào Trung Quốc và bằng cách cáo buộc WHO tiếp tay cho Trung Quốc bưng bít thông tin về sự bùng phát của dịch bệnh cũng như cách thức Trung Quốc ứng phó dịch bệnh, cáo buộc Trung Quốc gây ra dịch bệnh và Trung Quốc cùng với WHO xử lý không tốt dịch bệnh khiến cho cả thế giới bị vạ lây. Đài Loan cũng nhân chuyện này liên thủ với Mỹ công kích WHO và Trung Quốc vì Trung Quốc đã phủ quyết cả tư cách quan sát viên ở WHO của Đài Loan hồi năm 2016. Đài Loan bị Trung Quốc ngăn cản tham gia WHO. Ông Trump chủ ý chính là nhằm vào Trung Quốc và vì cho rằng WHO quá thiên vị và quá thân thiện với Trung Quốc nên bây giờ tấn công trực diện vào WHO cũng để gia tăng mức độ công kích Trung Quốc.

Việc Mỹ ngừng tài trợ sẽ thêm khó khăn cho hoạt động của WHO trong tương lai nhưng chắc chắn sẽ không thể làm WHO thay đổi tôn chỉ mục đích và sứ mệnh lịch sử cũng như định hướng hoạt động đã được xác định.

WHO đón sinh nhật năm nay trong bối cảnh tình hình không được thuận lợi và vui vẻ mấy. Nhưng tất cả những cái không hay hoặc không vui kia đều không thể phủ nhận hai điều. Thứ nhất, những đóng góp rất to lớn, rất ý nghĩa và rất quan trọng của WHO cho nhân loại thông qua hoạt động trên lĩnh vực chăm sóc sức khoẻ và y tế cho con người. Thứ hai, hiện tại cũng như trong tương lai, con người trên thế giới vẫn rất cần có WHO. Việc Mỹ ngừng tài trợ cho WHO sẽ gây thêm khó khăn phức tạp cho hoạt động của WHO trong tương lai nhưng chắc chắn sẽ không thể làm WHO thay đổi tôn chỉ mục đích và sứ mệnh lịch sử cũng như định hướng hoạt động đã được xác định của WHO. WHO không phải là một tổ chức hoàn hảo và chắc chắn dịch bệnh hiện tại cũng sẽ để lại cho WHO nhiều bài học quý giá và có thể cả đau đớn nữa. WHO sẽ tự điều chỉnh và thay đổi để tiếp tục phục vụ nhân loại hiện tại cũng như trong tương lai./.

Sa Thảo

 

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận