Người kế nhiệm trùm phát xít Đức Hitler

Karl Doenitz tiếp nhận sự ủy thác của Hitler trở thành người kế nhiệm và thành lập chính phủ mới - chính phủ cuối cùng của thời kỳ nhà nước Đức quốc xã.

 

Lẽ ra, Karl Doenitz cũng phải được coi là một nhân vật lịch sử khi là dấu chấm hết của một trong những thời kỳ lịch sử đen tối và tàn bạo nhất ở nước Đức và trên thế giới, nhưng trên thực tế lại được người đời để ý đến rất ít.

Thời kỳ đen tối và tàn bạo nhất của lịch sử nước Đức

Ngày 30/4/1945, trùm phát xít Đức Adolf Hitler cùng người vợ mới cưới Eva Braun tự sát trong hầm ngầm ở thủ đô Berlin của nước Đức. Eva Braun tự sát bằng thuốc độc còn Adolf Hitler tự sát bằng dùng súng lục bắn vào đầu. Cả hai chọn cái chết chứ không chạy trốn khỏi thủ đô như thúc giục của các cộng sự thân cận và để tránh bị Hồng quân Liên Xô bắt sống.

Trước đó một ngày, Hitler sửa đổi cái gọi là Di chúc chính trị, không để cho nguyên soái Hermann Goering làm tổng thống mà để cho nguyên soái hải quân Karl Doenitz kế vị mình trên cương vị này và để cho bộ trưởng phụ trách tuyên truyền Joseph Goebel làm thủ tướng. Ngay ngày hôm sau, Goebel cho đầu độc 6 người con rồi cùng vợ tự sát. Karl Doenitz tiếp nhận sự ủy thác của Hitler trở thành người kế nhiệm và thành lập chính phủ mới. Chính phủ này là chính phủ cuối cùng của thời kỳ nhà nước Đức quốc xã. Nó tồn tại 522 giờ và 27 phút. Lẽ ra, Karl Doenitz cũng phải được coi là một nhân vật lịch sử khi là dấu chấm hết của một trong những thời kỳ lịch sử đen tối và tàn bạo nhất ở nước Đức và trên thế giới, nhưng trên thực tế lại được người đời để ý đến rất ít.

Ngày 30/4/21945, Hồng quân Liên Xô cắm cờ trên nóc nhà Quốc hội Đức ở thủ đô Berlin. Cùng ngày, trùm phát xít Adolf Hitler tự sát. Đô đốc Karl Donitz kế nhiệm vai trò Quốc trưởng và điều hành chính phủ mới tại thành phố Flensburg. (Ảnh: Getty Images)

Karl Doenitz sinh năm 1891 và tham gia Hải quân Đức từ rất sớm, phục vụ trong lực lượng tàu ngầm của Hải quân Đức, có mặt trong cuộc chiến tranh thế giới lần thứ nhất do nước Đức phát động. Hiệp ước Versailles cấm nước Đức vũ trang trở lại và trong thời kỳ nền Cộng hòa Weimar ở nước Đức, tất cả những người trong quân đội Đức không được phép tham gia bất cứ đảng phái chính trị nào và không có quyền bầu cử. Karl Doenitz không tham gia Đảng Quốc xã của Adolf Hitler nhưng lại rất tôn thờ Hitler. Cả sau này, Karl Doenitz cũng không gia nhập Đảng Quốc xã. Tuy nhiên, năm 1944, chính Adolf Hitler đã trao cho Karl Doenitz huy hiệu đảng viên danh dự của Đảng Quốc xã cho Karl Doenitz - khi ấy đã trở thành Đô đốc phó tư lệnh Hải quân Đức. Trên danh nghĩa chính thức thì không nhưng trong thực chất thì người này đâu có khác bất kỳ đảng viên thực thụ nào của đảng này.

Con đường sự nghiệp của người kế nhiệm trùm phát xít Đức Hitler

Con đường công danh sự nghiệp của Karl Doenitz rất suôn sẻ. Sau khi Adolf Hitler lên nắm quyền và xây dựng chế độ độc tài quân sự ở nước Đức, việc vũ trang trở lại được chính quyền Quốc xã thúc đẩy mạnh mẽ. Những người như Karl Doenitz lại được thời. Họ đều chủ trương tăng cường vũ trang và chủ nghĩa dân tộc ở nước Đức. Họ đều tôn sùng Adolf Hitler và thật sự tin tưởng rằng với Adolf Hilter, nước Đức rồi sẽ lại vươn lên hàng đầu thế giới. Karl Doenitz nhanh chóng được trở lại cương vị thuyền trưởng tàu ngầm và sau đấy được thăng cấp làm chỉ huy một biên đội tàu ngầm trong Hải quân Đức. Cứ như thế, Doenitz thăng tiến được đến chức Đô đốc phó tư lệnh hải quân Đức.

Thủy sư đô đốc Karl Donitz. (Ảnh: KT)

Vào thời điểm ấy, giữa Doenitz và Đại đô đốc tư lệnh hải quân Đức Erich Raeder nhiều hơn Doenitz 15 tuổi có sự bất đồng quan điểm không thể khắc phục được về định hướng chiến lược cho việc tổ chức, cơ cấu và phát triển hải quân Đức. Erich Raeder chủ trương chỉ tập trung tăng cường lực lượng tàu chiến, tức là tàu nổi trên mặt nước, trong khi Karl Doenitz lại nhìn nhận thế mạnh quyết định của hải quân Đức là ở tàu ngầm. Sau thời gian chiến tranh một năm rưỡi đầu tiên, thực tiễn cuộc chiến trên biển đã chứng tỏ là định hướng chiến lược của Doenitz đã đúng và của Raeder đã sai. Những chiến hạm được coi là biểu tượng cho ưu thế quân sự áp đảo của hải quân Đức lần lượt bị loại khỏi vòng chiến đấu: Chiến hạm "Hầu tước Spree" bị chìm ở ngoài khơi Montevideo (Nam Mỹ), chiếc chiến hạm "Bluecher" bị chìm trong chiến dịch tấn công chiếm Na Uy, hay chiến hạm Bismarck bị hải quân Anh đánh chìm vào tháng 5/1941. Trong khi đó, những con tàu ngầm của hải quân Đức lại giành về được không ít chiến thắng, gây ra thiệt hại rất to lớn cho quân đội đồng minh. Cũng vì lý do ấy mà Adolf Hitler nhân dịp kỷ niệm 10 năm ngày lên cầm quyền đã phong Karl Doenitz làm đại đô đốc tư lệnh hải quân Đức.

Chuyện này may mắn cho Karl Doenitz như thế nào thì tai hại định mệnh cho chế độ phát xít Đức như thế. Trước đấy, do ngẫu nhiên mà hải quân Ba Lan phát hiện ra một chiếc máy thuộc chủng loại thiết bị mật mã hóa thông tin sản xuất tại nước Đức gửi đến một đối tác ở Ba Lan. Thiết bị này không phải là máy mật mã Enigma mà quân đội Đức sử dụng nhưng cơ chế hoạt động tương tự. Chính quyền Ba Lan giao nó cho quân đội Anh. Tình báo Anh ở Paris (Pháp) thu kiếm được bản thiết kế máy mật mã Enigma của Đức và từ đó có thể chế tạo ra chiếc máy mật mã Enigma như quân đội Đức sử dụng.

Thông báo của chính quyền nước Đức về việc phong cấp nói trên cho Karl Doenitz được gửi đi theo cách mật mã hoá của thiết bị Enigma, nhưng toàn văn thông báo lại được công khai trên báo chí và phát thanh ở nước Đức. Quân đội Anh vì thế dễ dàng lần mò ra được cách giải mã thông tin liên lạc của quân đội Đức. Cũng nhờ đấy mà phía đồng minh đã giáng cho hải quân Đức nhiều đòn tổn hại nặng nề. Việc tìm ra bí mật giải mã của thiết bị mật mã Enigma được coi là một trong những đóng góp quan trọng và quyết định nhất vào thắng lợi của quân đội đồng minh trong cuộc Chiến tranh Thế giới lần thứ 2.

Ở nước Đức ngày nay gần như không còn ai nói gì nữa về người kế nhiệm trùm phát xít Adolf Hitler. Nhưng lòng trung thành của Karl Doenitz với Hitler và quan điểm "chiến tranh đến cùng chứ không đầu hàng" của ông này chắc chắn là những tác nhân quyết định nhất khiến Hitler lựa chọn làm người kế nhiệm mình.

Karl Doenitz không vì những tổn hại nói trên mà thay đổi cách thức thông tin liên lạc trong hải quân của Đức. Lòng trung thành của Doenitz với Hitler và quan điểm "chiến tranh đến cùng chứ không đầu hàng" của ông ta chắc chắn là những tác nhân quyết định nhất khiến Hitler lựa chọn làm người kế nhiệm mình trong bối cảnh tình hình Hitler đã biết những cộng sự thân cận lâu nay khác như Hermann Goering hay Heinrich Himmler đều đã chủ động tìm cách liên lạc với phía bên kia để thoả hiệp, đương nhiên ở sau lưng Hitler.

Lòng trung thành của người kế nhiệm

Ngày 29/4/1945, Hitler chọn Doenitz làm người kế nhiệm. Ngày hôm sau, khi Hitler đã chết, Doenitz được thông báo về quyết định của Hitler nhưng lại không được thông báo về việc Hitler đã chết. Doenitz vẫn còn khẳng định lòng trung thành với Hitler, tuyên bố sẵn sàng đưa binh lính về thủ đô Berlin để giải vây và bảo vệ Hitler. Sau đấy, Doenitz thành lập chính phủ mới với đa phần là các thành viên chính phủ trước đấy. Karl Doenitz ý thức được thảm trạng hiện tại của nhà nước Đức quốc xã nhưng vẫn tin rằng vẫn còn có thể xoay chuyển được tình thế. Ông ta chủ trương hoà hoãn và thoả hiệp với phía đồng minh nhưng kiên quyết chiến tranh đến cùng với Liên Xô. Ngày 8/5/1945, nguyên soái Wilhelm Keitel được Doenitz uỷ quyền ký với quân đội Liên Xô văn bản đầu hàng vô điều kiện. Hai tuần sau, chính phủ của Doenitz cũng không còn nữa.

Tại tòa án quốc tế Nuernberg xét xử các tội phạm chiến tranh, Karl Doenitz bị đưa ra xét xử. Doenitz bị tòa án kết tội gây chiến tranh trên biển với thế giới và bị kết án 10 năm tù. Cả sự buộc tội lẫn bản án đều quá nhẹ so với tội ác thật sự của Karl Doenitz. Doenitz thụ án tù đủ 10 năm rồi được trả tự do, sống ẩn dật ở ngoại ô thành phố Hamburg của nước Đức cho tới khi qua đời vào năm 1980. Đám tang của ông ta được tổ chức như những tang lễ của người dân bình thường chứ không theo nghi thức của quân đội. Ở nước Đức ngày nay gần như không còn ai nói gì nữa về người kế nhiệm trùm phát xít Adolf Hitler./.

Sa Thảo

 

Bình luận

    Chưa có bình luận