Thiếu tướng An ninh kể chuyện hậu trường bảo vệ Tổng thống Bill Clinton thăm VN

Chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Bill Clinton đặt ra nhiều thách thức cho lực lượng an ninh, song đã chứng minh cho Mỹ thấy một Việt Nam rất đặc biệt.

 

Chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Mỹ Clinton diễn ra từ 16 – 19/11/2000. Đây là lần đầu tiên người đứng đầu Nhà Trắng đương nhiệm đến thăm Việt Nam sau khi chiến tranh Việt Nam kết thúc và 5 năm sau khi hai nước bình thường hóa quan hệ.

VTC News có cuộc trò chuyện với Thiếu tướng Đặng Trọng Huy, nguyên Phó Ban Quản lý Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, nguyên Phó Tư lệnh Bộ Tư lệnh Cảnh vệ, để nghe ông kể về những câu chuyện thú vị, đáng nhớ về chuyến thăm được đánh giá là có ý nghĩa rất to lớn, mở ra chương mới trong quan hệ giữa 2 nước.

Yêu cầu chưa có tiền lệ

- Ông Bill Clinton trở thành Tổng thống Mỹ đầu tiên thăm Việt Nam kể từ khi hai nước bình thường hóa quan hệ năm 1995. Đây là sự kiện rất đặc biệt, không chỉ trong quan hệ đối ngoại mà còn cả trong công tác đảm bảo an ninh?

Trong quan hệ Việt - Mỹ, ông Bill Clinton là Tổng thống đầu tiên đến thăm Việt Nam (vào tháng 11/2000) sau khi hai nước bình thường hóa quan hệ. Trước đó, ngày 11/7/1995, chính Tổng thống Bill Clinton tuyên bố bình thường hóa quan hệ ngoại giao giữa hai nước, gác lại quá khứ và mở ra một chương mới trong lịch sử hai quốc gia cựu thù.

Có thể nói, chuyến thăm của ông Bill Clinton sang Việt Nam có ý nghĩa lịch sử. Chuyến thăm này mở ra một trang mới trong quan hệ giữa hai nước, đánh dấu từ mối quan hệ “thù địch” chuyển sang hòa bình, hợp tác cùng phát triển.

Khi ông Bill Clinton sang thăm Việt Nam, Chính phủ cũng như lực lượng an ninh Việt Nam xác định đây là sự kiện đặc biệt quan trọng, có ý nghĩa to lớn trong quan hệ hai nước. Do đó, không chỉ người Việt Nam mà lực lượng an ninh nước ta cũng muốn được một lần chứng kiến Tổng thống Mỹ đến Việt Nam.

- Trước tính chất và ý nghĩa đặc biệt của chuyến thăm, công tác chuẩn bị tiếp đón nói chung cũng như công tác đảm bảo an ninh nói riêng đã được lên kế hoạch rất chi tiết?

Theo chương trình, Mỹ cho biết Tổng thống Bill Clinton sẽ sang thăm Việt Nam vào tháng 11/2000, song chưa xác định thời gian cụ thể. Tuy nhiên, từ tháng 5/2000, Đại sứ quán Mỹ tại Việt Nam thông qua Vụ Lễ tân - Bộ Ngoại giao thông báo với Bộ Công an, trong đó có Bộ Tư lệnh Cảnh vệ về công tác chuẩn bị đón tiếp các đoàn tiền trạm của Mỹ sang làm việc với Việt Nam về các vấn đề an ninh.

Lúc đó, tôi là Trưởng phòng Tham mưu thuộc Bộ Tư lệnh Cảnh vệ, được Tư lệnh Bộ Tư lệnh Cảnh vệ Lê Văn Kính giao nhiệm vụ tiếp nhận, xử lý các thông tin trao đổi từ Vụ Lễ tân - Bộ Ngoại giao. Đồng thời sắp xếp, tiếp các đoàn tiền trạm liên quan đến đảm bảo an ninh cho đoàn Tổng thống Bill Clinton sang thăm Việt Nam.

Bộ Tư lệnh Cảnh vệ phối hợp chặt chẽ cùng Vụ Lễ tân - Bộ Ngoại giao trong việc tiếp đón, làm việc với các đoàn tiền trạm của Mỹ. Nội dung các cuộc làm việc chủ yếu tập trung làm rõ các vấn đề liên quan đến công tác an ninh cho đoàn Tổng thống Mỹ trong thời gian ở Việt Nam.

Trong đó, bộ phận an ninh Mỹ đặt ra các câu hỏi về các vấn đề, tình huống, đề nghị lực lượng an ninh Việt Nam làm rõ. Trong quá trình làm việc, chúng ta lần lượt trả lời từng vấn đề thắc mắc của Mỹ, qua đó, thống nhất phương án phối hợp trong công tác đảm bảo an ninh cho đoàn Tổng thống Mỹ thăm Việt Nam.

Bộ Tư lệnh Cảnh vệ là đơn vị được Bộ Công an giao chủ trì trong công tác bảo vệ đoàn Mỹ. Do đó, Bộ Tư lệnh Cảnh vệ có nhiệm vụ phối hợp cũng các lực lượng khác, lên kế hoạch, phương án tổng thể cho việc đảm bảo an ninh chuyến thăm. Trong đó xây dựng các phương án bảo vệ, phân công nhiệm vụ cụ thể, chế độ thỉnh thị, báo cáo…

- Trước khi bắt đầu chuyến thăm của ông Bill Clinton sang Việt Nam, lực lượng an ninh Mỹ đã đưa ra những yêu cầu rất cao?

Khác với các nước khác, tháp tùng Tổng thống Mỹ đến Việt Nam là đoàn tùy tùng gồm rất nhiều thành phần, trong đó có lực lượng an ninh bảo vệ tổng thống, an ninh Bộ Ngoại giao, an ninh Không quân, an ninh Hải quân Mỹ...

Đây là điều rất mới đối với lực lượng Cảnh vệ của Việt Nam. Trước đó, có rất nhiều nguyên thủ các nước đến Việt Nam, song họ không mang theo nhiều lực lượng như vậy.

Mỹ đưa ra rất nhiều yêu cầu rất khắt khe đối với Việt Nam. Trước hết, họ yêu cầu chặng đường di chuyển của Tổng thống từ sân bay Nội Bài đến khách sạn phải có trực thăng bay phía trên để tháp tùng.

Tiếp đó, Mỹ yêu cầu quá trình Tổng thống Bill Clinton di chuyển đến những nơi như Phủ Chủ tịch, Văn phòng Trung ương Đảng… đều phải có trực thăng, bố trí lính bắn tỉa cũng như nhiều lực lượng khác đi theo. Họ cũng yêu cầu mang 30 khẩu súng ngắn, và cơ số khẩu súng tiểu liên.

Ngoài ra, Mỹ cũng yêu cầu Việt Nam phải cấm đường từ 4 đến 5 tiếng đồng hồ trên các tuyến đường theo hành trình chuyến thăm của Tổng thống Bill Clionton tại Việt Nam.

Trong các cuộc làm việc giữa các đoàn tiền trạm của Mỹ với ta, lực lượng an ninh Mỹ luôn nhấn mạnh, đề nghị Việt Nam thực thi các yêu cầu của Mỹ trong đảm bảo an ninh, an toàn cho chuyến thăm của tổng thống. Còn nếu ta không đồng ý, không chấp nhận các yêu cầu của Mỹ thì họ sẽ đề xuất với ông Bill Clinton do không đảm bảo yếu tố về mặt an ninh nên sẽ không sang thăm Việt Nam.

Có thể nói, cá nhân tôi cũng như lực lượng đảm bảo an ninh của Việt Nam trong chuyến thăm của ông Bill Clinton hết sức bất ngờ trước các yêu cầu của Mỹ, đây những yêu cầu chưa có tiền lệ. Trước đó, chúng tôi cũng đã đón tiếp rất nhiều đoàn nguyên thủ của các nước sang thăm Việt Nam, song chưa có an ninh nước nào đưa ra những đề nghị như vậy.

Chủ tịch nước Trần Đức Lương tiếp đón Tổng thống Bill Clinton tháng 11/2000.Cuộc đấu trí căng go

- Trước các yêu cầu chưa có tiền lệ từ Mỹ, để thuyết phục họ yên tâm, đặt niềm tin vào việc đảm bảo an ninh chuyến thăm của Việt Nam là điều rất khó khăn?

Những yêu cầu của Mỹ trong đảm bảo an ninh chuyến thăm của ông Bill Clinton là những vấn đề trong quan hệ, thông lệ quốc tế. Nếu như thực hiện theo yêu cầu của họ thì sẽ là phá lệ, không được phép. Còn nếu không đồng ý với các đề nghị thì họ cho rằng ta không đảm bảo an ninh, chuyến thăm có thể không diễn ra.

Các vấn đề này vượt quá thẩm quyền của Bộ Tư lệnh Cảnh vệ. Do đó, chúng tôi phải báo cáo, tham mưu, đề xuất phương án để Lãnh đạo Bộ Công an cho ý kiến chỉ đạo, đồng thời trao đổi Bộ Ngoại giao để xem xét cách thức giải quyết hài hòa, vừa đảm bảo an ninh vừa đảm bảo vấn đề trong thông lệ quốc tế về ngoại giao.

Sau đó, lãnh đạo Bộ Công an nhất trí với xuất của Bộ Tư lệnh Cảnh vệ theo hướng, những vấn đề nào có thể giải quyết được trong phạm vi của ta thì có thể giải quyết, còn những vấn đề thuộc về nguyên tắc thì không thể giải quyết.

Theo đó, chúng ta vừa cương quyết, vừa mềm dẻo trong xử lý từng yêu cầu mà lực lượng an ninh Mỹ đặt ra. Về quan điểm, trong các buổi làm việc với đoàn tiền trạm của họ, chúng ta khẳng định, Việt Nam đã có phương án, cam kết đảm bảo an ninh, an toàn tuyệt đối cho chuyến thăm của ông Bill Clinton.

Về vấn đề đưa trực thăng vào, di chuyển trên các hành trình đi và đến của ông Bill Clinton ở Việt Nam, Bộ Công an thống nhất với Bộ Ngoại giao, đồng ý để Mỹ lắp ráp các các bộ phận trực thăng sau khi được chở bằng máy bay lớn sang Việt Nam và sẽ nằm chờ ở sân bay Nội Bài. Chỉ khi nào có yêu cầu cần phải giải cứu, trong trường hợp khẩn cấp, đặc biệt thì Việt Nam sẽ cho phép sử dụng.

Việt Nam không đồng ý cho phép trực thăng Mỹ bay trên không phận thuộc phạm vi chủ quyền của nước ta. Ở Mỹ, cũng không cho phép các nước khác làm điều đó, do vậy chúng ta kiên quyết từ chối đề nghị này của phía Mỹ.

Trước lập luận từ phía Việt Nam, lực lượng an ninh Mỹ cuối cùng cũng nhất trí để máy bay trực thăng chờ sẵn ở sân bay Nội Bài và có vấn đề gì khẩn cấp, được lệnh thì họ sẽ điều động trực thăng để xử lý.

Theo quy định, đoàn nguyên thủ các nước sang Việt Nam chỉ được mang 5 khẩu súng ngắn, chứa một băng gồm 8 viên đạn. Tuy nhiên, Mỹ yêu cầu không chỉ súng ngắn mà còn cả tiểu liên.

Chúng tôi phải báo cáo Lãnh đạo Bộ Công an cho ý kiến, có thể cho họ mang súng vào theo yêu cầu, nhưng việc sử dụng súng ở đâu, lúc nào là do ta quyết định.

Kiên quyết không cho mang súng tiểu liên vào những địa điểm thuộc quyền kiểm soát nghiêm ngặt của Việt Nam như Phủ Chủ tịch, Văn phòng Trung ương Đảng…

Sau đó, lực lượng an ninh Mỹ có tham khảo sứ quán Mỹ tại Việt Nam, nhất trí với phương án mà ta đề ra. Theo đó, đến đâu, đưa lực lượng cảnh vệ Mỹ chốt địa điểm nào, mang cái gì thì phải theo sự sắp xếp, bố trí của Việt Nam. Ví dụ, khi vào Phủ Chủ tịch, ta chỉ cho 5 cảnh vệ Mỹ có súng ngắn đi vào, còn số cảnh vệ mang súng tiểu liên thì được yêu cầu ngồi chờ trên xe, ở bên ngoài.

Về số lượng súng, Mỹ đề xuất mang 30 khẩu ngắn, nhưng Bộ Công an chỉ cho phép mang 10 khẩu. Súng tiểu liên họ đề nghị mang vào rất nhiều song ta chỉ đồng ý giải quyết 1/3 (ví dụ họ đề nghị 45 khẩu, ta chỉ cho 15 khẩu).

Trên thực tế, số súng tiểu liên của Mỹ mang đến nhưng bị vô hiệu hóa bởi việc sử dụng như thế nào là do mình quy định và hoàn toàn kiểm soát. Tại các địa điểm nhạy cảm, họ đề nghị bố trí lính bắn tỉa, chúng ta đều từ chối, khẳng định Việt Nam đã có phương án đảm bảo an ninh tại những nơi đó, không cần có sự tham gia của lính bắn tỉa Mỹ.

Ngoài ra, phía Mỹ cũng yêu cầu gắt gao việc đề nghị xem súng bắn tỉa của Việt Nam, lịch sử bắn tỉa của Việt Nam, nhưng chúng ta trả lời rằng Việt Nam sẽ chịu trách nhiệm và làm tốt công tác đó.

Quá trình làm việc với đoàn tiền trạm của Mỹ, chúng ta nhấn mạnh, Việt Nam là đất nước yêu chuộng hòa bình, người dân Việt Nam rất mến khách. Nếu cảnh vệ Mỹ mang súng tiểu liên tháp tùng Tổng thống là điều rất phản cảm. Chuyến thăm của ông Bill Clinton sang Việt Nam sẽ không còn nhiều ý nghĩa nếu Mỹ làm như vậy.

Đồng thời, với số lượng đoàn tùy tùng đông, nhiều thành phần, đoàn tiền trạm của Mỹ, phục vụ chuyến thăm của Tổng thống Bill Clinton đến Việt Nam cũng làm việc theo một trình tự ngoài các dự kiến ban đầu của chúng ta.

Các hoạt động của đoàn Mỹ trong chuyến thăm Việt Nam thuộc chủ quyền lãnh thổ nước ta. Do đó, việc trực thăng Mỹ bay trên không phận Việt Nam sẽ gợi nhớ lại nỗi đau chiến tranh khi máy bay Mỹ oanh tạc, bắn phá trên bầu trời Việt Nam. Điều đó sẽ gây sự phản cảm lớn cho người Việt.

Trước những lập luận rất “có tình, có lý” của Việt Nam, cuối cùng lực lượng an ninh Mỹ nhất trí với các phương án mà ta đưa ra.

Có thể nói, để thuyết phục Mỹ từ việc đưa ra các yêu cầu chưa có tiền lệ cho đến hoàn toàn đồng ý với phương án của ta là cuộc đấu trí căng go, vừa kiên quyết vừa khéo léo của ta. Thành quả đó là nhờ vào sự phối hợp nhịp nhàng, chặt chẽ giữa Bộ Tư lệnh Cảnh vệ - Bộ Công an và Vụ Lễ tân - Bộ Ngoại giao.

- Những yêu cầu của Mỹ xuất phát từ lý do nào, thưa ông?

Khi làm việc, ta cũng đặt vấn đề tại sao lực lương an ninh Mỹ lại đặt ra những yêu cầu như vậy. Họ giải thích, ở Mỹ có đạo luật bảo đảm an ninh cho tổng thống, quy định việc bảo vệ cho tổng thống khi hoạt động ở trong nước và ở nước ngoài.

Lực lượng an ninh Mỹ cũng cho biết, họ không chỉ đặt ra yêu cầu này khi đoàn Tổng thống Mỹ sang thăm Việt Nam. Các đề nghị đó được nêu khi Tổng thống Mỹ đến bất kỳ quốc gia nào.

Bên cạnh đó, lực lượng an ninh Mỹ cũng đặt vấn đề, bày tỏ lo sợ những người dân Việt Nam có thân nhân hy sinh trong cuộc chiến chống Mỹ còn mang tư tưởng thù hận, có các hoạt động quá khích khi đoàn Tổng thống Bill Clinton sang thăm Việt Nam.

Họ lập luận rằng, Mỹ đã gây ra cuộc chiến tranh tại Việt Nam, khiến hàng triệu người thiệt mạng. Do đó, không loại trừ khả năng những người này sẽ có những phản ứng thái quá khi Tổng thống Mỹ đến Việt Nam.

Tuy nhiên, chúng ta khẳng định, Việt Nam là dân tộc yêu chuộng hòa bình, người Việt Nam rất thân thiện và hiếu khách. Trong lịch sử, Mỹ không phải là nước duy nhất có chiến tranh với Việt Nam, trước đó có Pháp.... Một khi đã gác lại quá khứ, hướng đến tương lai thì chúng tôi khẳng định, người dân Việt Nam, trong đó có nhiều người có bố, mẹ, con cháu hy sinh trong chiến tranh… sẵn sàng cởi mở, chào đón Tổng thống Mỹ.

Mỹ cũng đặt câu hỏi, dựa vào đâu mà ta khẳng định như vậy. Chúng ta lấy ví dụ tiếp đón, đảm bảo an ninh, an toàn cho chuyến thăm của Tổng thống Pháp Francois Mitterand đến Việt Nam năm 1993 để giải thích cho phía Mỹ hiểu. Lúc đó, Tổng thống Francois Mitterand cũng lần đầu thăm Việt Nam và Pháp cũng là “cựu thù” của Việt Nam.

Quá trình sang thăm, làm việc tại Việt Nam, Tổng thống Francois Mitterand có rất nhiều hoạt động. Trong đó, ông Francois Mitterand đi dạo phố Hàng Bông, trò chuyện với người đạp xích lô rất vui vẻ, thân mật như những người đã quen nhau từ trước.

Làm việc với đoàn tiền trạm Mỹ, ta bày tỏ lập trường để lực lượng an ninh Mỹ hiểu rằng đi nước nào không biết, nhưng khi sang Việt Nam đề nghị đoàn Mỹ tuân theo quy định của Việt Nam.

Chúng ta nhấn mạnh, Việt Nam có trách nhiệm đảm bảo an ninh cho đoàn Mỹ khi sang thăm. Và ta muốn phối hợp chặt chẽ với Mỹ, lập kênh thông tin, phối hợp về mặt đảm bảo an ninh trong suốt chuyến thăm.

Tuy nhiên, trong thời gian ở Việt Nam, chính bản thân ông Bill Clinton phá lệ. Khi đi bộ, Tổng thống Mỹ chủ động bắt tay người dân Việt Nam. Lực lượng an ninh Mỹ không thể ngờ đến những tình huống đó.

Tuy nhiên, tất cả đều đã được ta lên phương án bảo vệ. Tất cả những nơi Tổng thống Mỹ đến chúng ta đã lên phương án, không có vấn đề gì xảy ra.

Việt Nam rất đặc biệt

- Nhiều yêu cầu đặt ra của Mỹ đối với an ninh Việt Nam là chưa có tiền lệ, có rất nhiều cái mới. Công tác đảm bảo an ninh trong chuyến thăm của ông Bill Clinton đến Việt Nam đối mặt với rất nhiều thách thức. Vậy đâu là khó khăn, thách thức lớn nhất đối với lực lượng an ninh Việt Nam, thưa ông?

Khi chuyến thăm diễn ra, chúng tôi không ngờ dân mình lại nồng nhiệt chào đón Tổng thống Mỹ như vậy. Khi hai nước mới bước vào giai đoạn bình thường hóa, dư âm của cuộc chiến vẫn còn, thế nhưng, ông Bill Clinton đi đến đâu thì người dân mình bày tỏ thiện cảm, chào đón rất niềm nở.

Điều này thể hiện sự hiếu khách của người Việt đối với chính khách quốc tế nói chung và với cá nhân ông Bill Clinton nói riêng. Có người còn bảo ông Bill Clinton đẹp trai nên muốn một lần được chứng kiến, bắt tay, ôm hôn…

Tuy nhiên, đối với những người làm công tác bảo đảm an ninh cho Tổng thống Bill Clinton cũng như đoàn Mỹ, tinh thần nồng nhiệt tiếp đón đó lại là thử thách cực lớn. Nếu một người nào ôm hôm, bày tỏ tình cảm, thái độ quá khích, thì rất nguy hiểm.

Đáng chú ý, người dân Việt Nam niềm nở chào đón ông Bill Clinton là số người tự phát, không có tổ chức, do đó, rất khó khăn trong công tác quản lý. Tất cả những hành động bắt tay, ôm hôn…, thậm chí đến thăm Văn Miếu, ông Bill Clinton còn thò tay qua ban công, bắt tay người dân. Điều này gây lo ngại cho lực lượng an ninh của Mỹ.

Trong khi đó, lực lượng an ninh Việt Nam tự tin để khẳng định rằng không vấn đề gì, bởi vì chúng ta đã có phương án dự phòng. Hành động của người Việt xuất phát từ tình cảm chân thành, sự hiếu khách đối với chính khách nước ngoài.

Tổng thống Mỹ Bill Clinton vào một nhà hàng tại phố Hàng Bông (Hình ảnh chụp vào sáng 18/11/2000 - Ảnh tư liệu)

- Kết thúc chuyến thăm, chúng ta đã đảm bảo an toàn cho đoàn Mỹ như những gì đã khẳng định, cam kết trước khi chuyến thăm diễn ra. Vậy phía Mỹ đã nhận xét, đánh giá thế nào về công tác đảm bảo an ninh của Việt Nam, thưa ông?

Mỹ đánh giá rất cao về công tác đảm bảo an ninh của Việt Nam, họ cho rằng Việt Nam rất đặc biệt. Phái đoàn Mỹ cho biết, khi tổng thống nước này đến đâu thì các nước phải tuân theo yêu cầu họ đặt ra. Tuy nhiên, Việt Nam là rất khác biệt, đảm bảo an ninh, an toàn cho chuyến thăm mà không làm như vậy.

Mỹ không hiểu Việt Nam huy động bao nhiêu người để bảo vệ an ninh cho chuyến thăm. Họ càng ngạc nhiên khi biết được trong số những người già, tóc bạc phơ tham gia công tác bảo đảm an ninh cho chuyến thăm Tổng thống Mỹ có những người từng là cựu binh, từng tham gia cuộc chiến tranh chống Mỹ. Điều đó càng khiến cho an ninh Mỹ rất yên tâm và luôn cho rằng Việt Nam rất đặc biệt.

Quá trình ở Việt Nam, ông Bill Clinton đi đến đâu cũng được người dân Việt Nam vẫy tay, chào đón nồng nhiệt. Phái đoàn Mỹ bị choáng ngợp trước không khí đón tiếp của người Việt dành cho ông Bill Clinton. Sau hai ngày đầu tiên, họ cho biết rất yên tâm trước công tác đảm bảo an ninh cho Tổng thống Mỹ.

Trước đó, Mỹ yêu cầu trên đường Tổng thống Bill Clinton đi từ sân bay về khách sạn, hàng quán hai bên đường phải đóng cửa. Còn trên các tuyến phố Tổng thống Mỹ đi qua, họ cũng yêu cầu phải cấm đường trước đó 4 đến 5 tiếng đồng hồ.

Trước các yêu cầu này của Mỹ, chúng ta giải thích rằng, người Việt Nam còn rất nhiều hoạt động, đi làm, đưa đón con đi học. Nếu Mỹ yêu cầu cấm đường như vậy thì sẽ gây khó khăn cho các hoạt động hàng ngày của người dân.

Và điều này sẽ làm mất đi thiện cảm trong cách nhìn nhận người dân Việt Nam về chuyến thăm hàn gắn quan hệ hai nước, mở ra chương mới trong hợp tác song phương.

Tất cả những gì đã diễn ra trong chuyến thăm của ông Bill Clinton đến Việt Nam khiến cho lực lượng an ninh Mỹ rất yên tâm, có cách nhìn, đánh giá rất khác so với ban đầu.

An ninh Mỹ cho biết, họ đã bảo vệ nhiều đời Tổng thống Mỹ, đi thăm nhiều nước nhưng chưa bao giờ thấy một nước nào như Việt Nam. Họ không phân biệt được đâu là cảnh sát, đâu là lực lượng an ninh, đâu là dân.

Thành công trong công tác đảm bảo an ninh cho chuyến thăm của ông Bill Clinton đã tạo được sự tin tưởng đối với lực lượng an ninh Phủ Tổng thống Mỹ sau này.

Khi lực lượng cảnh vệ Việt Nam tháp tùng nguyên thủ nước ta sang Mỹ, có những trường hợp mà lực lượng an ninh Mỹ chưa từng giải quyết cho các nước, song họ đã đặc cách để giải quyết cho phía Việt Nam. An ninh Mỹ rất nguyên tắc, cứng nhắc nhưng họ cũng rất uyển chuyển, sẵn sàng giải quyết các yêu cầu phía Việt Nam.

- Điều ông ấn tượng nhất trong công tác đảm bảo an ninh cho chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Bill Clinton?

Kỷ niệm mà tôi thấy ấn tượng sâu sắc nhất là trước khi đến Việt Nam, phía Mỹ đặt ra yêu cầu rất khắt khe. Tuy nhiên, đến khi kết thúc chuyến thăm, lực lượng an ninh Mỹ có nhận xét rằng, đất nước Việt Nam hết sức đặc biệt. Đặc biệt trong ngoại giao, trong lễ tân và nhất là trong công tác an ninh.

Trong đời người làm công tác cảnh vệ, vui sướng nhất là cả một “chiến dịch” đảm bảo an ninh cho đoàn Mỹ thăm Việt Nam, đến khi kết thúc cả hai bên bắt tay, hứng khởi và phía Mỹ bày tỏ cảm ơn Việt Nam.

Sau này, khi tháp tùng Chủ tịch Nguyễn Minh Triết sang thăm Mỹ năm 2013, tôi gặp lại những người từng tháp tùng ông Bill Clinton thăm Việt Nam năm 2000, họ vẫn nhắc lại một Việt Nam rất đặc biệt.

Đây thực sự là kỷ niệm đáng nhớ trong cuộc đời làm công tác bảo đảm an ninh cho nguyên thủ nước ngoài thăm Việt Nam của tôi. Trước đó, tôi cũng xây dựng phương án bảo vệ nhiều đoàn nguyên thủ, nhưng việc bảo vệ, đón tiếp Tổng thống Mỹ là thử thách rất lớn đối với chúng tôi.

Tất cả những vấn đề họ đặt ra, chúng tôi rất bất ngờ và bỡ ngỡ. Quá trình làm việc, nhận được sự chỉ đạo sát sao của lãnh đạo Bộ Công an, sự phối hợp chặt chẽ với Bộ Ngoại giao cũng như tìm được tiếng nói chung với lực lượng an ninh của Mỹ, mọi nhiệm vụ đã được hoàn tất.

Rõ ràng, việc giải quyết hài hòa, linh hoạt, để vừa giúp quan hệ hai nước ngày càng tốt lên vừa đảm bảo an ninh cho chuyến thăm có ý nghĩa to lớn. Cách nhìn của người Mỹ đối với Việt Nam đã khác đi rất nhiều so với trước đây.

Điều này diễn ra trong bối cảnh, giai đoạn chuyển từ thù địch, đối đầu đến hòa bình giữa hai nước chưa được bao nhiêu, trong khi có nhiều thông tin chưa có sự kiểm chứng.

- Chuyến thăm của ông Bill Clinton đến Việt Nam đã để lại rất nhiều kinh nghiệm quý báu cho lực lượng cảnh vệ Việt Nam trong công tác bảo vệ các đoàn tổng thống Mỹ đến Việt Nam sau này?

Trong công tác bảo vệ nguyên thủ các nước thăm Việt Nam, chúng ta thường đi theo các thông lệ có từ trước. Tuy nhiên, chuyến thăm của Tổng thống Mỹ Bill Clinton đi ngược lại với các thông lệ đó.

Do đó, chúng ta cần phải nắm được tất cả các thông tin về đối tác nêu ra, nắm các quy định, luật lệ của họ. Ví dụ, một số có sắc lệnh bảo vệ tổng thống, ở Mỹ nó còn ở mức cao hơn, đó là luật.

Chúng ta cần linh hoạt trong thực hiện công tác đảm bảo an ninh cho chuyến thăm của nguyên thủ các nước. Không được cứng nhắc, lấy thông lệ quốc tế để áp dụng cho mọi trường hợp mà cần phải mềm dẻo, khéo léo để xử lý đối với từng trường hợp cụ thể. Trong đó, cần căn cứ vào điều kiện, hoàn cảnh, đặt yêu cầu chính trị lên trên hết, sau đó mới đến đảm bảo an ninh.

Bên cạnh đó, công tác phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị liên quan như Bộ Công an, Bộ Ngoại giao, TP.Hà Nội, TP.HCM… trong đón tiếp đoàn đoàn cần thống nhất, chặt chẽ và thông suốt.

Một trong những kinh nghiệm quý trong công tác đảm bảo an ninh cho đoàn nguyên thủ các nước đó là phải lấy dân làm gốc, hiểu được dân, tranh thủ sự đồng tình của dân và xây dựng thế trận an ninh nhân dân vững chắc. Chúng ta sống trong môi trường an ninh nhân dân, nếu không được lòng dân thì rất khó khăn trong thực hiện nhiệm vụ.

Ngoài ra, công tác phối hợp thông tin giữa lực lượng an ninh của các nước và an ninh Việt Nam phải thông suốt, kịp thời.

Trong chuyến thăm Việt Nam của ông Bill Clinton, có sự kiện phát sinh, đó là khi đoàn xe tháp tùng Tổng thống Mỹ đang đi trên phố Kim Mã thì có hai người đàn ông đi xe máy cùng chiều, mang theo cái túi, trong đó có đựng vật dụng giống súng. Lực lượng an ninh Mỹ, phát hiện báo cho an ninh Việt Nam.

Sau đó, chúng ta nhanh chóng xác minh, đó là hai ông đi câu cá, gấp cần câu giống hình dáng của súng nên lực lượng an ninh Mỹ nghi ngờ.

Ta đã chụp hình, gửi cho họ để chứng minh đó không phải là súng mà là cần câu. Bởi vì lực lượng an ninh Mỹ có quyền bắn nếu nghi ngờ người khác mang súng, có nguy cơ đe dọa cho Tổng thống Mỹ.

- Xin cảm ơn ông!

KÔNG ANH (Thực hiện)

 

Bình luận

    Chưa có bình luận