'Hùm xám đường số 4' và chuyện treo cờ đỏ sao vàng lên kỳ đài Huế

Chàng lính trẻ 26 tuổi Đặng Văn Việt sau này trở thành một viên tướng khiến quân giặc kinh hồn bạt vía, đặt cho biệt danh là 'Hùm xám đường số 4'.

 

“Tôi đứng ngoài hàng ra lệnh “kéo cờ”, cờ đỏ sao vàng được từ từ kéo lên đỉnh cao của cột cờ, đồng thời cờ quẻ ly cũng từ từ hạ xuống. Chúng tôi nhìn theo, tim mình như sôi sục, rất bồi hồi phấn khởi, tự hào vì cờ đỏ sao vàng, lá cờ cách mạng đã tung bay trên kỳ đài Huế”… Đó là hồi ức của một người lính, người từng khiến quân giặc bạt vía kinh hồn đặt cho biệt danh “Hùm xám đường số 4” và cũng con người ấy, trong những ngày tổng khởi nghĩa trên đất cố đô, đã vinh dự được giao trọng trách treo lá cờ đỏ sao vàng trước cửa Ngọ Môn, kinh thành Huế.

Tổng khởi nghĩa trên đất cố đô

Cùng với Hà Nội, Sài Gòn, Huế được xem là một “trọng điểm” của cuộc Cách mạng tháng Tám bởi nơi đây là “Thủ đô phong kiến”, đầu não của chính quyền bù nhìn cả nước, nơi đóng quân và bộ máy tối cao của cố vấn Nhật. Khí thế tổng khởi nghĩa nơi đất cố đô ngày ấy, được ví như “triều dâng, thác đổ” đến mức nhà thơ cách mạng Tố Hữu ngày đó có những câu thơ hừng hực tinh thần tranh đấu: “Tháng Tám vùng lên Huế của ta/Quảng, Phong ơi! Hương Thuỷ, Hương Trà/Phú Vang, Phú Lộc đò lên Huế/Đỏ ngập dòng sông rộn tiếng ca”.

Giây phút Bảo Đại- vị vua cuối cùng của triều Nguyễn quyết định thoái vị. (Ảnh: KT)

Không khí Tổng khởi nghĩa tại Huế bắt đầu thực sự “nóng” kể từ tháng 3/1945 khi Trung ương Đảng ra Chỉ thị “Nhật - Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta”. Tỉnh ủy Thừa Thiên-Huế khi đó đã chủ động quyết định thời cơ khởi nghĩa, xúc tiến công tác chuẩn bị khởi nghĩa vũ trang, chủ động vận động nội các của Chính phủ Trần Trọng Kim từ chức, cô lập những phần tử phản động, phát động toàn dân khởi nghĩa giành chính quyền trong toàn tỉnh.

Ngày 15/8/1945, phát xít Nhật đầu hàng Đồng Minh. Thường vụ Tỉnh ủy Thừa Thiên-Huế triệu tập Hội nghị Cán bộ toàn tỉnh, thông qua kế hoạch khởi nghĩa vũ trang giành chính quyền. Do những đặc điểm chính trị phức tạp ở Huế, là trung tâm cai trị của phát xít Nhật ở Trung bộ và là kinh đô của triều đình phong kiến nhà Nguyễn, cũng là địa bàn quan trọng giành thắng lợi quyết định cho Tổng khởi nghĩa trên toàn quốc, nên ngay từ thời điểm đó, Đảng, Bác Hồ đã chủ trương “tiếp viện” cho Huế. Ngày 20/8/1945, Đoàn cán bộ Trung ương gồm các đồng chí: Tố Hữu, Hồ Tùng Mậu, Nguyễn Duy Trinh đến Huế tham gia chỉ đạo khởi nghĩa. Ngày 20/8/1945, Uỷ ban khởi nghĩa Thừa Thiên-Huế được thành lập.

Khi mọi việc đã sẵn sàng, bầu không khí tổng khởi nghĩa bắt đầu bùng nổ. Ngày 22/8, quần chúng nhân dân đã vùng lên biểu tình, chiếm lĩnh hầu hết các cơ quan, công sở và doanh trại lính bảo an. Tối 22/8, Ủy ban Khởi nghĩa Thừa Thiên-Huế gửi tối hậu thư yêu cầu vua Bảo Đại phải thoái vị. Ngày 23/8, chính phủ Trần Trọng Kim tổ chức một cuộc mít tinh lớn mừng việc Nhật trả quyền cai trị Nam kỳ cho triều đình Huế. Tương kế tựu kế, hàng vạn nhân dân Thừa Thiên-Huế đã biến cuộc mít tinh thành cuộc mít tinh biểu dương lực lượng, giành chính quyền.

Tổng khởi nghĩa tại Huế.

Ngày 29/8/1945, phái đoàn Chính phủ cách mạng lâm thời gồm Trần Huy Liệu, Nguyễn Lương Bằng, Cù Huy Cận đến Huế để tiếp nhận sự thoái vị của vua Bảo Đại.

Chiều ngày 30/8/1945, lễ thoái vị của vua Bảo Đại - vị vua cuối cùng của triều đại phong kiến cuối cùng ở Việt Nam đã được tổ chức tại lầu Ngọ Môn trong Kinh thành, đánh dấu sự cáo chung của chế độ phong kiến. Chính quyền chính thức về tay nhân dân.

“Hùm xám đường số 4” và mật báo bất ngờ

Được vinh dự hòa mình trong những tháng ngày hào hùng ấy của đất cố đô, hơn nữa, được góp sức mình vào một nhiệm vụ lịch sử “một đi không trở lại” có một người lính, thời điểm tháng 8/1945 ấy, còn rất trẻ. Người lính ấy là Đặng Văn Việt. Điều đặc biệt là Đặng Văn Việt không phải là người xứ Huế mà là một chàng trai Nghệ An được tuyển vào ngôi trường rất đặc biệt thời bấy giờ: Trường Thanh niên tiền tuyến Huế. Đặc biệt bởi ngôi trường ấy chỉ tổ chức được đúng một khóa học vỏn vẹn hơn 40 học viên trong vòng hai tháng. Đặc biệt là hơn 40 học viên sau khi được đào tạo từ ngôi trường bí mật ấy đều trở thành những cán bộ, sĩ quan tướng lĩnh cao cấp của quân đội.

Thời điểm ấy, Đặng Văn Việt mới chỉ 26 tuổi. Sáng 20/8/1945, người lính trẻ nhận được mật báo đến một địa điểm ở gần đền Nam Giao gặp đồng chí Trần Hữu Dực, khi ấy là Thường vụ Tỉnh ủy Thừa Thiên-Huế. Tại đây, Đặng Văn Việt được trao cho một lá cờ đỏ sao vàng to bằng cả gian nhà cùng yêu cầu treo lên ngọn Kỳ Đài Huế với lời dặn: “Hôm sau phải xong nhiệm vụ”.

Khó có thể nói hết những lo âu trong lòng chàng lính trẻ lúc ấy. Làm thế nào để treo lên kỳ đài lá cờ cách mạng khi chính quyền vẫn nằm trong tay quân Nhật và triều đình nhà Nguyễn? Câu hỏi đó cứ quấn lấy tâm trí Đặng Văn Việt.

Khó nhưng là nhiệm vụ thì vẫn cứ phải hoàn thành, dù có phải hy sinh- thấu hiểu điều đó, sáng 21/8/1945, Đặng Văn Việt cùng một đồng đội được giao hỗ trợ, mang lá cờ dài 50m, rộng 23m đặt sau xe đạp đẩy tới khu vực Kỳ Đài. Đúng 9h sáng, hai người lính leo lên bậc thang chính của Kỳ Đài thực thi nhiệm vụ. Và chính đến thời điểm đó, mọi dự cảm của Đặng Văn Việt đã không hề thừa.

Vừa bước lên kỳ đài, một tiểu đội 12 lính cận vệ nhà Nguyễn mang súng chĩa thẳng vào hai người. Cách đó không xa, 120 lính khác nằm rạp dọc thành cửa Ngọ Môn cầm súng đã lên đạn, chỉ chờ hiệu lệnh là bấm cò. Giật mình nhưng bản lĩnh người lính đã khiến Đặng Văn Việt ngay lập tức trấn tĩnh, quay lại nhìn đội trưởng đội cận vệ hoàng gia Bảo Đại với giọng đanh thép: “Theo lệnh Uỷ ban Khởi nghĩa Cách mạng, chúng tôi có nhiệm vụ treo cờ đỏ sao vàng lên cột cờ lớn kinh đô Huế. Các anh có nhiệm vụ giúp tôi hoàn thành nhiệm vụ”. Nghe vậy, viên đội trưởng liền yêu cầu lính không được bắn và cho người vào báo với Bảo Đại hoàng đế. Nhưng có một “chi tiết hậu trường” mà mãi sau đó gần chục ngày, tại lễ thoái vị của Vua Bảo Đại, Đặng Văn Việt mới biết tới. Hôm đó, một lãnh binh đội cận vệ hoàng gia đến cạnh Đặng Văn Việt và nói: “Hôm trước, các ngài làm lễ hạ cờ và treo cờ, tôi được lệnh triển khai 120 lính khố vàng nằm dọc theo thành cửa Ngọ Môn, chĩa súng vào hai ông và xin phép vua Bảo Đại cho bóp cò nổ súng. Nhà Vua thét lên và bảo “Chớ, chớ! Việt Minh đấy, các ngươi mà nổ súng thì trẫm là người chết trước đó!”. Nhờ vậy, mà Đặng Văn Việt và đồng đội mới có ngày trở về.

Trung tá Đặng Văn Việt.

Chàng lính trẻ 26 tuổi Đặng Văn Việt dũng cảm của những ngày tổng khởi nghĩa như sóng trào tại Huế những ngày tháng 8/1945 đó sau này lại trở thành một viên tướng khiến quân giặc kinh hồn bạt vía, đặt cho biệt danh là “Hùm xám đường số 4”.

Tới lúc đó, Đặng Văn Việt thở phào như trút được gánh nặng. Nghe lời người lính báo lại, ông Việt trút được nỗi lo, quay sang nói với viên đội trưởng, cho sáu người lính xuống rước cờ lên. “Tôi đứng ngoài hàng ra lệnh “kéo cờ”, cờ đỏ sao vàng được từ từ kéo lên đỉnh cao của cột cờ, đồng thời cờ quẻ ly cũng từ từ hạ xuống. Chúng tôi nhìn theo, tim mình như sôi sục, rất bồi hồi phấn khởi, tự hào vì cờ đỏ sao vàng lá cờ cách mạng đã tung bay trên kỳ đài Huế. Nhân dân Huế và vùng xung quanh đều nhìn lá cờ rộng hơn 120m2 tung bay trên cột cờ cao, hào hứng phấn khởi hô lên: “Cờ đỏ sao vàng! Cách mạng đã về! Việt Nam ta độc lập rồi!”. Sau khi treo cờ xong, tôi ra lệnh cho lính không ai được hạ cờ nếu không có lệnh của Việt Minh. Tôi đạp xe ra về còn ngoái cổ lại, thấy lá cờ vẫn tung bay rợp cả bầu trời, chưa bao giờ lòng tôi hồi hộp, phấn khởi bằng lúc bấy giờ” - Đặng Văn Việt nhớ lại cảm xúc khi đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.

Sẽ rất ít ai biết được rằng chàng lính trẻ 26 tuổi dũng cảm của những ngày tổng khởi nghĩa như sóng trào tại Huế những ngày tháng 8/1945 đó sau này lại trở thành một viên tướng khiến quân giặc kinh hồn bạt vía, đặt cho biệt danh là “Hùm xám đường số 4” với những trận đánh vang lừng, bất khả chiến bại trên đường số 4 - con đường dài 340km xuyên suốt từ Đông Bắc qua Cao - Bắc - Lạng. Trung đoàn 174 (Đoàn Cao Bắc Lạng) mà Trung tá Đặng Văn Việt là Trung đoàn trưởng là một trong hai Trung đoàn chủ lực đầu tiên của quân đội ta. Ngay từ những trận đánh đầu tiên, Trung đoàn đã ra quân đánh thắng. Và có số liệu thống kê rằng, trong 120 trận đánh của ông khắp các vùng Tây Bắc, Đông Bắc và đồng bằng Bắc bộ, trung đoàn trưởng Đặng Văn Việt chỉ thua bốn trận. Đại tướng, bộ trưởng Bộ Quốc phòng Pháp Bigeard từng thú nhận với chính trung đoàn trưởng Đặng Văn Việt rằng: “Ông đánh thế thì tôi thua là đúng. Các ông đánh trận như thần”. Còn Đại tướng Võ Nguyên Giáp thì không tiếc lời khen ngợi Trung đoàn trưởng của mình: “Sáng tạo về quân sự. Vững vàng về chính trị. Đã đánh là thắng”.

Nhưng với người lính Đặng Văn Việt, được là một phần của lịch sử, được góp mình vào trong niềm vui chung của dân tộc, đó thực sự là điều khiến ông vui nhất, ghi nhớ nhất, hơn mọi tấm huân huy chương, hơn mọi sự công nhận, vinh danh./.

Hà Anh

 

 

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận