Công khai thông tin người nộp thuế được khoanh, xóa nợ
Theo báo cáo tổng hợp mới nhất của Tổng cục Thuế, tính đến hết ngày 2/11, đã có 49/63 cục thuế ban hành quyết định khoanh nợ với số tiền thuế nợ được khoanh là 9.907 tỷ đồng, bằng 62% nhiệm vụ Tổng cục Thuế giao.
Trong đó, Cục Thuế Hà Nội đã khoanh được 3.301 tỷ đồng, Cục Thuế TPHCM khoanh 2.167 tỷ đồng nợ thuế; Cục Thuế Hải Phòng khoanh nợ 537 tỷ đồng...
Hiện ngành Thuế xử lý nợ thuế theo Nghị quyết số 94/2019/QH14 về khoanh nợ tiền thuế, xóa nợ tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp đối với người nộp thuế không còn khả năng nộp ngân sách nhà nước. Thông tư 69/2020/TT-BTC của Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện Nghị quyết 94 của Quốc hội về xử lý nợ thuế đã được ban hành với quy trình, thủ tục xử lý nợ rõ ràng, đầy đủ. Thông tư này quy định về việc khoanh nợ tiền thuế, xóa nợ tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp (được hiểu là không xóa nợ gốc).
Theo đại diện Tổng cục Thuế, việc xử lý nợ phải đảm bảo chặt chẽ, đúng đối tượng, đáp ứng các điều kiện quy định về hồ sơ, thủ tục liên quan đến nhiều đối tượng nộp thuế đã chết, mất tích, mất năng lực hành vi dân sự, giải thể, phá sản...
Đặc biệt, trong quy trình xử lý nợ thuế, chậm nhất là 3 ngày làm việc kể từ ngày ban hành, quyết định khoanh/xóa nợ phải được nhập vào ứng dụng quản lý thuế để theo dõi và gửi bản sao cho các bộ phận có liên quan hạch toán và điều chỉnh lại số tiền chậm nộp, tiền phạt chậm nộp trên ứng dụng (nếu có). Đây cũng là thời gian tối đa để hoàn thành đăng tải các quyết định khoanh nợ, xóa nợ trong thời gian 30 ngày trên trang thông tin điện tử của cục thuế, hoặc cục hải quan; hay cấp cao hơn là cổng thông tin của Tổng cục Thuế, Tổng cục Hải quan.
PGS. TS. Đinh Trọng Thịnh, Giảng viên cấp cao Học viện Tài chính cho rằng, việc công khai thông tin người nộp thuế được khoanh, xóa nợ là điều cần thiết và quan trọng, thể hiện sự công bằng, minh bạch trong công tác xử lý nợ thuế. Trước đây, khi vấn đề khoanh nợ, xóa nợ thuế được đặt ra đã có không ít ý kiến lo ngại về việc sẽ xuất hiện trường hợp doanh nghiệp lợi dụng chính sách này để lẩn tránh nghĩa vụ với ngân sách nhà nước. Thậm chí còn có người lo sợ rằng sẽ có sự "móc ngoặc" giữa cơ quan Thuế với doanh nghiệp để trục lợi chính sách. Tuy nhiên, Bộ Tài chính đã quy định rất rõ ràng, cụ thể về việc công khai thông tin liên quan đến đối tượng được xử lý nợ thuế. Cộng đồng doanh nghiệp cũng như người dân có thể dễ dàng theo dõi, giám sát cũng như phần nào thẩm định được tính công bằng của mỗi quyết định.
"Khi quyết định xóa tiền phạt chậm nộp của Công ty A vừa được ban hành và công khai tới người dân thì những thông tin liên quan đến địa chỉ, mã số thuế, số tiền được xóa cũng rõ ràng. Nếu như doanh nghiệp đó vẫn đang "sống khỏe" thì không khó để người dân cũng như doanh nghiệp trên địa bàn đó phát hiện ra và báo cáo với cơ quan Thuế hay chính quyền địa phương cũng như phản ánh tới các cơ quan báo chí", ông Thịnh nêu ý kiến.
Không có chuyện DN đóng cửa là được xóa nợ thuế
Đáng chú ý, để hạn chế tiêu cực trong quá trình thực hiện, tránh thất thoát ngân sách nhà nước, Nghị quyết số 94 và Thông tư số 69 đã quy định rõ về nguyên tắc xóa nợ, thẩm quyền xóa nợ thuế, điều kiện xử lý nợ, trách nhiệm của các cơ quan liên quan trong thực thi công vụ. Trong đó, nguyên tắc xử lý nợ phải đảm bảo tuân thủ quy định pháp luật, đúng đối tượng, đúng thẩm quyền và đảm bảo điều kiện quy định hồ sơ, quy trình, thủ tục và chịu trách nhiệm của cá nhân có liên quan theo quy định của pháp luật; công khai, minh bạch việc xử lý nợ, đảm bảo việc kiểm tra, giám sát của các cơ quan có thẩm quyền, giám sát của người dân. Đồng thời, việc xử lý nợ nhằm tạo điều kiện tháo gỡ khó khăn cho người nộp thuế, nhưng phải phòng ngừa và ngăn chặn việc lợi dụng chính sách để trục lợi và cố tình chây ỳ, nợ thuế.
Luật sư Hà Huy Phong, Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho biết, theo quy định, khi chủ doanh nghiệp đã được ghi vào “sổ đen” là đã được xóa nợ thuế, nhưng sau đó lại thành lập doanh nghiệp mới thì ngay lập tức chủ doanh nghiệp này sẽ bị truy cứu trách nhiệm về việc đang còn nợ đọng tiền thuế.
“Doanh nghiệp rơi vào hoàn cảnh khó khăn, hoàn toàn có thể tạm dừng hoạt động, nộp hồ sơ xin giải thể, thậm chí bị ra quyết định thu hồi giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, nhưng sau đó, vẫn có khả năng quay lại hoạt động bình thường. Nếu quay lại hoạt động, thì tư cách người nộp thuế vẫn còn tồn tại và sẽ không thuộc trường hợp được xóa nợ thuế", Luật sư Hà Huy Phong cho biết thêm.
Theo nhận định của nhiều chuyên gia về thuế, việc xóa nợ thuế được quản lý chặt chẽ, không có chuyện doanh nghiệp chỉ tuyên bố đóng cửa là được xóa nợ thuế. Cụ thể, các trường hợp đã được xóa tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp, nếu cơ quan có thẩm quyền, cơ quan quản lý thuế phát hiện việc xóa nợ không đúng quy định hoặc người nộp thuế (là tổ chức hoặc cá nhân kinh doanh) đã được xóa nợ khi quay lại sản xuất, kinh doanh hoặc thành lập cơ sở sản xuất, kinh doanh mới thì phải hủy quyết định xóa nợ, khoanh nợ (nếu có) và nộp vào ngân sách khoản nợ đã được khoanh, xóa./.
Diệp Diệp/VOV.VN