Chặn dịch tả lợn châu Phi để đảm bảo nguồn cung dịp Tết

Đăk Lăk đang đẩy mạnh các biện pháp phòng chống dịch, nhằm đảm bảo cung cấp thịt lợn cho thị trường dịp cuối năm và Tết Nguyên Đán.

 

Dịch tả lợn châu phi vẫn là mối đe dọa lớn đối với ngành chăn nuôi Đăk Lăk, khi trong năm, ngành Thú y ghi nhận 133 ổ dịch và gần 1.600 con mắc bệnh. Hiện Đăk Lăk đang đẩy mạnh các biện pháp phòng chống dịch, nhằm đảm bảo cung cấp thịt lợn cho thị trường dịp cuối năm và Tết Nguyên Đán.

Thẫn thờ nhìn vào những dãy chuồng lợn trống không đang được phủ lớp vôi trắng, bà Phạm Thị Lợi, ở tổ dân phố Thống Nhất, thị Trấn Ea Pôk, huyện Cư Mgar, tỉnh Đắk Lắk cho biết, đây là năm thứ 2 liên tiếp, đàn lợn của gia đình bị chết trắng. Bao nhiêu hy vọng vào lứa lợn xuất đi trong dịp Tết đều tan biến.

“Bệnh đến từ 1 lợn nái, ban đầu lợn bỏ ăn và gia đình chích thuốc, sau đó lợn không ăn nữa và chết. Những con lợn khác còn lại cũng có triệu chứng như vậy. Năm ngoái lợn cũng bị như vậy nhưng được nhà nước hỗ trợ chút ít để gia đình mua giống gây lại, giờ lợn lại bệnh chết nên gia đình chưa biết tính sao”, bà Lợi chia sẻ.

Dịch tả lợn châu Phi ở Đắk Lắk đã tạm lắng, song người nuôi vẫn thấp thỏm lo.

Giống như bà Lợi, cơn bão mang tên dịch tả lợn châu phi cũng càn quét toàn bộ 45 con lợn của gia đình anh Nguyễn Hồng Quân, ở buôn Bang, xã Ea Yông, huyện Krông Pách. “Bão dịch” qua đi, để lại thiệt hại cho gia đình anh hơn 130 triệu đồng và bài học về rủi ro trong chăn nuôi nhỏ lẻ.

“Những ngày đầu tiên heo bỏ ăn, dần dần heo lên sốt, người con heo cứ tím dần rồi chết. Ngày đầu tiên chết 8 con, ngày thứ 2 chết 13 con, ngày thứ 4 là chết hết toàn bộ, tổng cộng chết 45 con. Sau đợt dịch này gia đình rút ra kinh nghiệm và sẽ nâng cấp chăn nuôi theo đúng kỹ thuật và xử lý chuồng trại đảm bảo”, anh Quân cho biết.

Huyện Krông Pách là địa phương có số lượng lợn bị tiêu hủy nhiều nhất tỉnh Đăk Lăk trong năm 2020. Chỉ trong 3 tuần của tháng 10, 38 ổ dịch đã xuất hiện ở 7/16 xã, với 487 con lợn bị bệnh và tiêu hủy.

Ông Phạm Bá Bàng, trưởng Trạm Thú y huyện Krông Pách cho biết, trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh, ngành Thú y huyện đã cấp 200 lít thuốc sát trùng và tiêu độc để thực hiện công tác khử khuẩn tại những ổ dịch và vùng lân cận. Đồng thời, đẩy mạnh công tác kiểm tra, giám sát và tuyên truyền, vận động người dân vệ sinh chuồng trại, chăn nuôi an toàn sinh học, thực hiện “5 không” trong phòng chống dịch.

“Trạm thú y huyện đã đang triển khai tổng tiêu độc toàn diện tất cả những khu vực đang bị dịch và cả những khu vực có nguy cơ cao. Trạm thú y đã thành lập 2 đội phản ứng nhanh, xuống trực tiếp theo dõi về tình hình diễn biến của dịch tả lợn châu Phi. Bên cạnh đó, trạm cũng tuyên truyền cho người dân về công tác phòng chống dịch bệnh, trong đó chủ yếu là tiêu độc khử trùng và vệ sinh chuồng trại để hạn chế dịch bệnh lây lan”, ông Bàng cho hay.

Sau nhiều nỗ lực phòng chống, dịch tả lợn châu Phi ở Đắk Lắk đã tạm lắng, nhưng vẫn còn 9 địa phương có dịch bệnh chưa qua 21 ngày. Ông Thuỷ Lệ Vũ, Chi Cục Phó phụ trách Chi cục Chăn nuôi thú y tỉnh Đăk Lăk cho biết, ngay sau khi phát hiện các ổ dịch tả lợn châu phi, Chi cục đã thành lập các đoàn kiểm tra công tác phòng, chống dịch trên địa bàn toàn tỉnh; cấp 2.100 lít hóa chất cho các Trạm thú y để chống dịch.

Chi cục cũng đã chỉ đạo lực lượng thú y cơ sở tiếp tục xuống ổ dịch để kiểm tra và thực hiện công tác phun thuốc tiêu độc, khử trùng toàn bộ khu vực chăn nuôi của các hộ dân và môi trường xung quanh các ổ dịch. Đồng thời tăng cường kiểm soát công tác vận chuyển lợn vào địa phương.

Theo ông Thủy Lệ Vũ, những giải pháp vừa nêu chỉ là biện pháp tình thế cấp bách, còn về lâu dài, muốn ngành chăn nuôi phát triển bền vững thì giải pháp căn cơ nhất chính là chăn nuôi an toàn sinh học.

“Sở Nông nghiệp cũng khuyến cáo các địa phương, nhất là 9 địa phương có dịch chưa qua 21 ngày phải giám sát lợn mắc bệnh và chưa mắc bệnh để nhận định được nguy cơ. Sở cũng đề nghị tất cả lợn phải được giết mổ tại lò giết mổ tập trung có giấy kiểm dịch của cơ quan thú y và được lăn dấu thì mới được đưa ra tiêu thụ. Giải pháp căn cơ nhất là vẫn là tiêu độc khử trùng, thực hiện chăn nuôi an toàn sinh học thì mới hạn chế được dịch lây lan”, ông Vũ thông tin.

Trước những diễn biến phức tạp của dịch tả lợn châu Phi, tỉnh Đắk Lắk cần phải nỗ lực thêm một thời gian nữa mới có thể khống chế được dịch bệnh. Người chăn nuôi trong tỉnh hy vọng, việc phát triển chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học sẽ phát huy tác dụng, tránh được rủi ro và mang đến nhiều lợi ích./.

Theo VOV.VN

 

Bình luận

    Chưa có bình luận