Tại hội thảo Thúc đẩy kết nối hạ tầng giao thông vùng Đông Nam bộ do tỉnh ủy Bà Rịa - Vũng Tàu phối hợp cùng Cổng thông tin điện tử Chính phủ, báo Tuổi trẻ và Viện Nghiên cứu Phát triển TP.HCM tổ chức ngày 22/11 ở Bà Rịa-Vũng Tàu, nhiều chuyên gia cho rằng, để giải quyết những điểm nghẽn kết nối hạ tầng giao thông vùng Đông Nam bộ, các địa phương, bộ ngành phải thay đổi tư duy, xem đây là nhiệm vụ cấp bách thúc đẩy kinh tế quốc gia phát triển.
Nhiều chuyên gia đánh giá, Đông Nam bộ là vùng kinh tế đứng đầu cả nước về tốc độ tăng trưởng GDP, tuy nhiên sự phát triển tại khu vực này đang có dấu hiệu chững lại so với 3 vùng kinh tế còn lại. Trong đó, hệ thống hạ tầng giao thông vùng Đông Nam bộ chưa đầu tư xứng tầm với tiềm năng, cụ thể là cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu đã được đề xuất 15 năm nhưng đến nay mới lập dự án tiền khả thi.
Theo PGS.TS Trần Đình Thiên, nguyên viện trưởng Viện kinh tế Việt Nam, để tháo được điểm nghẽn về kết nối hạ tầng giao thông vùng Đông Nam bộ, các địa phương phải xem đây là nhiệm vụ cấp bách và là lợi ích quốc gia chứ không thuộc địa phương hay của vùng.
“Phải nhận thức được rằng, Đông Nam bộ là tọa độ quan trọng nhất về mặt kinh tế của đất nước, giúp cho Đông Nam bộ phát triển là giúp cho đất nước tăng được vị thế, tăng được hiệu quả và lôi kéo được cả đất nước phát triển” - PGS.TS Trần Đình Thiên nói.
Các chuyên gia kinh tế của Chính phủ đặt vấn đề, làm sao các vùng kinh tế của cả nước tăng trưởng đồng điều, đảm bảo an sinh xã hội, đảm bảo được nguồn lực. Khi nguồn lực có giới hạn thì nên chọn những vùng nào hiệu quả cao để đầu tư? Và khu vực Đông Nam bộ là nơi được chọn để đầu tư, nhất là hệ thống hạ tầng giao thông.
Theo PGS.TS Trần Hoàng Ngân, Viện trưởng Viện nghiên cứu phát triển TPHCM, các địa phương phải xây dựng và cập nhật dữ liệu chung cho toàn vùng. Quan trọng hơn, để tạo ra cực phát triển trọng điểm thúc đẩy kinh tế cả nước thì việc điều tiết ngân sách của các địa phương trong đầu tư liên kết vùng cũng cần được xem xét.
“Theo tôi mấu chốt là liên kết vùng nhưng cho đến nay chúng ta chưa có thể chế cho hoạt động của vùng. Làm sao mà các địa phương trong vùng cảm thấy hạnh phúc vì được chia sẻ với nhau. Ví dụ, nếu TPHCM vượt thu thì số thu vượt này phải được để lại trong vùng chứ không được điều đi chỗ khác. Cơ chế vùng phải như vậy, phải được san sẻ” - PGS.TS Trần Hoàng Ngân phân tích.
Còn theo TS Trần Du Lịch, thành viên tổ tư vấn kinh tế của Chính Phủ, thời điểm này phải thay đổi tư duy về thể chế nhà nước đối với vùng kinh tế trọng điểm, xem vùng Đông Nam bộ là nơi tạo sức bật cho lợi ích chung nên việc đầu tư tại đây là nhiệm vụ cấp bách.
Bên cạnh đó, các địa phương phải thành lập quỹ đầu tư về giao thông vùng, trong đó có nguồn vốn từ ngân sách, nguồn vốn xã hội, các nhà đầu tư… xem các dự án hạ tầng giao thông là những danh mục cần đầu tư, tránh tình trạng chia ngân sách từng tỉnh, từng địa phương thì không làm được.
“Theo tôi những điểm nghẽn này chúng ta phải có chương trình làm ngay về phát triển hạ tầng giao thông vùng Đông Nam bộ, làm trên tư duy đổi mới, về cách làm. Đặc biệt phải phát huy cho được vai trò của Hội đồng vùng, chúng ta lập ra nhưng chưa có tác dụng. Đồng thời thay đổi phân bố về ngân sách nhất là ngân sách về giao thông” - TS Trần Du Lịch cho biết.
Nhiều chuyên gia về giao thông nhận định, hiện nay việc quy hoạch cơ sở hạ tầng mà trọng tâm là hạ tầng giao thông chưa được đồng bộ giữa các địa phương trong vùng. Cơ sở hạ tầng giao thông những năm qua mặc dù đã có nhiều chuyển biến tích cực, song chưa thể đáp ứng tốc độ phát triển nhanh của vùng, chưa theo kịp tốc độ phát triển kinh tế, đô thị hóa; và hiện nay hệ thống giao thông đang trở thành một trong nhiều nguyên nhân quan trọng kìm hãm sự phát triển không chỉ của vùng mà cả một đất nước./.
Lưu Sơn/VOV-TPHCM