Chuỗi cung ứng lạnh mới đáp ứng được 30-35%
Được đánh giá là tiềm năng nhưng thị phần dịch vụ logistics Việt Nam hiện nay chủ yếu vẫn do các doanh nghiệp lớn của nước ngoài nắm giữ. Các doanh nghiệp logistics Việt Nam chủ yếu ở quy mô nhỏ, tới 90% doanh nghiệp khi đăng ký có vốn dưới 10 tỷ đồng, 1% có mức vốn trên 100 tỷ đồng, 1% có mức vốn từ 50 đến 100 tỷ đồng, 3% có mức vốn từ 20 đến 50 tỷ đồng, và 5% có mức vốn từ 10 đến 20 tỷ đồng. Có tới 50% số doanh nghiệp trong lĩnh vực logistics đăng ký ở loại hình Công ty TNHH một thành viên.
Bên cạnh đó là chuỗi logistics phục vụ hàng đông lạnh mới đáp ứng được 30-35% yêu cầu do quy hoạch kho lạnh chưa đồng bộ và bị xé nhỏ bởi những nhà cung cấp dịch vụ vừa và nhỏ tại địa phương. Tính đến tháng 12/2019, cả nước có 48 kho lạnh với công suất 600.000 pallets. Trong đó miền Nam có 36 kho lạnh với công suất 526.364 pallets. Miền Trung có 1 kho lạnh với công suất 21.000 pallets và miền Bắc có 11 kho lạnh với công suất 54.780 pallets. Khoảng 80% kho lạnh được lấp đầy. Về xe lạnh, cả nước có hơn 700 xe lạnh và 450 toa xe lửa chuyên chở container chở hàng lạnh. Trong đó, chỉ riêng Công ty Ratraco hiện có 300 container lạnh, vận chuyển đa phương thức container lạnh trong nước và quá cảnh Trung Quốc đi nước thứ ba.
Theo thống kê của công ty nghiên cứu Armstrong & Associates (Hoa Kỳ), chi phí dịch vụ logistics tại Việt Nam tương đương 20,9% GDP, cao hơn nhiều so với các nước trong khu vực như Trung Quốc, Malaysia, Philippines, Thái Lan và Singapore, cao gần gấp hai lần so với các nước phát triển và cao hơn mức bình quân toàn cầu là 14%.
Ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho biết, chi phí logistic hiện nay ở Việt Nam được đánh giá là cao hơn so với mặt bằng chung của thế giới. Trong bối cảnh nước ta đang hội nhập sâu rộng, chi phí logistic cao là điểm nghẽn, là yếu tố gây cản trở, làm suy giảm năng lực cạnh tranh của DN. Bởi bên cạnh yếu tố như chất lượng hàng hóa, mở cửa thị trường…thì logistic là một phần quan trọng trong năng lực cạnh tranh.
Chuyển đổi số, hướng ra cho logistics
Các chuyên gia cho rằng, để tháo gỡ các “điểm nghẽn” cho ngành logistics cần chuyển đổi số để cắt giảm chi phí. Ứng dụng trí tuệ nhân tạo nhằm hình thành nền tảng số tích hợp công nghệ hiện có về logistics như hệ thống quản lý vận tải, cảng biển, kho bãi nhằm kéo giảm chi phí.
Đại diện Hiệp hội DN dịch vụ logistics Việt Nam cho biết, trước áp lực của dịch bệnh cùng một số thay đổi của thị trường, ngành logistics đã có những nỗ lực đáng kể trong hoạt động chuyển đổi số khi mảng dịch vụ đều bước đầu sử dụng các công cụ điện tử, thiết bị công nghệ vào quá trình cung cấp dịch vụ cho khách hàng.
Một số DN lớn đã áp dụng thành công giải pháp công nghệ mang lại hiệu quả cho dịch vụ logistics, giảm đáng kể chi phí liên quan. Chẳng hạn, cảng điện tử (ePort) và lệnh giao hàng điện tử (eDO) tại Tân Cảng Sài Gòn; ứng dụng giải pháp tổng thể trong dịch vụ logistics tại Công ty T&M Forwarding. Hay như ở Cảng Hải Phòng từ ngày 10/11/2019, đã chính thức sử dụng hóa đơn điện tử thay cho hóa đơn giấy trong việc bán hàng hóa và cung ứng dịch vụ. Việc sử dụng hóa đơn điện tử giúp khách hàng rút ngắn hơn 90% thời gian thanh toán và giúp đơn vị quản lý tiết kiệm đến 80% chi phí cho mỗi hóa đơn. Cảng vụ Thành phố Hồ Chí Minh đã nâng cấp thủ tục hành chính cho tàu thuyền ra vào cảng lên cấp độ 4, tàu thuyền ra vào chỉ cần điền và gửi trực tuyến các mẫu văn bản đến cơ quan quản lý hành chính Nhà nước.
Trên thực tế đây mới chỉ là số ít các doanh nghiệp áp dụng và áp dụng công nghệ số. Bởi, theo khảo sát năm 2018 của Hiệp hội DN dịch vụ logistics Việt Nam cho thấy, mức độ ứng dụng khoa học công nghệ tại Việt Nam chưa cao, đa phần là các giải pháp đơn lẻ. Khoảng 40% các ứng dụng công nghệ thông tin hiện đang được sử dụng tại các DN logistics là ứng dụng cơ bản, như quản lý giao nhận quốc tế, quản lý kho hàng, quản lý vận tải, trao đổi dữ liệu điện tử và khai báo hải quan. Chưa có nhiều DN ứng dụng các giải pháp có tính tích hợp cao.
Để vượt qua “điểm nút” chi phí logistics đã tồn tại lâu nay, nhiều chuyên gia cho rằng, cần tăng cường áp dụng các thành tựu của Cách mạng công nghệ 4.0 trong dịch vụ logistics, giảm thiểu thời gian lưu kho và sản xuất, giúp nhận diện nhanh chóng thông tin lô hàng, đẩy nhanh tốc độ xử lý đơn hàng, tiết kiệm chi phí...
Phát biểu tại Diễn đàn Logistics Việt Nam 2020, ông Đào Trọng Khoa, Phó Chủ tịch Hiệp hội DN dịch vụ logistics Việt Nam đã lấy ví dụ một số khoản phụ phí tại cảng Hải Phòng. Cụ thể, hàng nhập/xuất 125-128 USD, vệ sinh container 25-35/USD, cân bằng Cont 125-245 USD, lấy lệnh giao hàng nhập 40 USD/chuyến, kẹp chì container hàng xuất 12 USD/ container... Tổng cộng khoảng 350 USD-500 USD cho một TEU/FEU. Những chi phí đó làm giảm đáng kể khả năng cạnh tranh hàng hóa của các doanh nghiệp Việt Nam.
|
Tại Diễn đàn Logistics Việt Nam 2020, Bí thư Thành uỷ Hà Nội Vương Đình Huệ đã đưa ra các nội dung gợi mở về giải pháp nhằm cắt giảm chi phí và phát triển dịch vụ logistics Việt Nam trên cơ sở chuyển đổi số. Theo đó, để vượt qua “điểm nút” chi phí logistics đã tồn tại lâu nay, các DN logistics cần tăng cường áp dụng các thành tựu của Cách mạng công nghệ 4.0 trong các dịch vụ logistics như: ứng dụng công nghệ blockchain trong quản lý chuỗi cung ứng hàng hóa; ứng dụng công nghệ in 3D nhằm giảm thiểu thời gian lưu kho và sản xuất; sử dụng hệ thống quản lý vận tải, kết hợp công nghệ điện toán đám mây và định vị vệ tinh cho phép doanh nghiệp truy xuất vị trí hàng hóa, quản lý phương tiện vận chuyển tại các khu vực hẻo lánh hoặc trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt; ứng dụng công nghệ thực tế ảo và thực tế tăng cường giúp nhận diện nhanh chóng thông tin lô hàng, từ đó đẩy nhanh tốc độ xử lý đơn hàng.
Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam:
Logistics giống như “những chiếc bánh xe” của “cỗ xe” nền kinh tế đang vận hành không ngừng nghỉ. Không nền kinh tế nào có thể chuyển mình về phía trước nếu thiếu lực đẩy từ hoạt động logistics. Khi Việt Nam đang tiến trên “đại lộ” hội nhập quốc tế, chúng ta cần nhiều yếu tố để “cỗ xe” kinh tế nhanh hơn, mạnh hơn và bền vững hơn. Một trong số đó chính là ngành logistics phát triển và có chi phí cạnh tranh quốc tế. Dù logistics của Việt Nam có nhiều điểm sáng trong thời gian gần đây, nhưng vẫn còn rất nhiều thách thức. Thách thức lớn nhất chính là chi phí dịch vụ logistics còn cao.
Ông Trần Việt Huy, Giám đốc Công ty Cổ phần Vận tải và dịch vụ hàng hải (TRASAS):
Năm 2020, dịch Covid-19 ảnh hưởng tiêu cực tới ngành logistics, đơn cử, tại TRASAS doanh số sụt giảm hơn 20%, lợi nhuận giảm tới 30%. Để vượt qua khó khăn, công ty đã phải xây dựng những kế hoạch khác nhau, cung cấp dịch vụ và áp lực cắt giảm chi phí, giảm chi phí đối với khách hàng. Đặc biệt, TRASAS đã tận dụng chuyển đổi số, kinh tế số vào quản lý, điều hành. Đưa phần mềm vào quản lý đã giảm chi phí trực tiếp và gián tiếp cho DN và khách hàng. Để áp dụng kinh tế số vào quản lý thì DN phải đầu tư, đào tạo và đặc biệt là dám làm, tự động hoá nhiều hơn, đầu tư hệ thống kho hiện đại, hệ thống kho bãi hàng nguy hiểm (như hoá chất) tại KCN ở Đồng Nai dự kiến cuối tháng 12/2020 sẽ đi vào vận hành.