Trước bối cảnh thị trường du lịch quốc tế đóng băng do ảnh hưởng của Covid-19, Việt Nam nỗ lực khai thác thị trường nội địa và tiếp tục triển khai nhiều biện pháp chống dịch.
Tổn thất nặng nề vì Covid-19
Trong báo cáo tổng kết hoạt động du lịch tại Hội nghị Du lịch toàn quốc năm 2020 diễn ra mới đây, ông Nguyễn Văn Hùng, Thứ trưởng Bộ VH-TT&DL cho biết, giai đoạn 2015 - 2019, du lịch Việt Nam có sự phát triển vượt bậc. Năm 2019 Việt Nam đón trên 18 triệu lượt khách quốc tế, 85 triệu lượt khách nội địa, doanh thu đạt trên 32 tỷ USD, đóng góp trực tiếp 9,3% GDP và lan tỏa tới gần 18% GDP. Tổ chức Du lịch thế giới xếp Việt Nam đứng thứ 6 trong 10 quốc gia có tốc độ tăng trưởng du lịch nhanh nhất thế giới. Việt Nam được bình chọn là điểm đến du lịch hàng đầu châu Á hai năm liên tiếp, điểm đến văn hóa hàng đầu châu Á, điểm đến ẩm thực hàng đầu châu Á và nhiều giải thưởng danh giá khác.
Tuy nhiên, ngành du lịch không tránh khỏi tổn thất nặng nề khi đại dịch Covid-19 bùng phát toàn cầu. Từ tháng 3/2020, Việt Nam dừng đón khách quốc tế, chỉ còn hoạt động du lịch nội địa. Lượng khách quốc tế cả năm 2020 ước chỉ đạt 3,7 triệu lượt, giảm 80%; khách nội địa đến hết tháng 11/2020 ước đạt 49 triệu lượt, giảm 37,6% so với cùng kỳ năm 2019; khoảng 40 - 60% lao động bị mất việc làm hoặc cắt giảm ngày công; 95% doanh nghiệp lữ hành quốc tế ngừng hoạt động; nhiều khách sạn phải đóng cửa, công suất sử dụng phòng có thời điểm chỉ đạt từ 10 - 15%; tổng thu du lịch cả nước thiệt hại lên tới 530 nghìn tỉ đồng (tương đương 23 tỷ USD).
“Dù Việt Nam đã sớm xây dựng và thực hiện chiến lược, kế hoạch phòng chống dịch Covid-19 một cách toàn diện theo các kịch bản ứng phó được chuẩn bị kỹ lưỡng, trở thành điểm sáng về an toàn phòng dịch trên toàn thế giới nhưng ngành du lịch Việt Nam vẫn bị tổn thất nặng nề, đòi hỏi toàn ngành phải có biện pháp ứng phó kịp thời, phải có sự đánh giá lại, tư duy lại về cách làm du lịch, đồng thời xây dựng kế hoạch phục hồi và phát triển trong thời gian tới”. Thứ trưởng Bộ VH-TT&DL nhận định.
Tăng cường liên kết tiểu ngành
Bàn về giải pháp khôi phục thị trường du lịch, các ý kiến tham luận tại hội nghị cho rằng, bên cạnh việc chuyển hướng sang thu hút khách nội địa, giải pháp tối ưu lúc này là cần có chiến lược cụ thể, tăng cường các mối liên kết để có sức mạnh vực dậy ngành du lịch
Theo ông Nguyễn Quốc Kỳ, Chủ tich HĐQT Vietravel, công tác quản lý nhà nước trong ngành chưa phát huy được hiệu quả, môi trường du lịch thiếu tính bền vững do an toàn vệ sinh thực phẩm không cao, ý thức người dân không tạo được niềm tin cho du khách, đặc biệt là du khách quốc tế. Mặc dù được xác định là ngành kinh tế mũi nhọn, du lịch chưa thể phát triển tương xứng với tiềm năng, thế mạnh và kỳ vọng của xã hội.
“Cơ sở vật chất cho lưu trú tăng nhanh nhưng đa phần là bất động sản du lịch như tại Phú Quốc, Phan Thiết, Nha Trang, Lào Cai... phá vỡ quy hoạch điểm đến trọng điểm là du lịch và lãng phí nguồn tài nguyên. Ngành dịch vụ thiếu hẳn mảng khai thác kinh tế đêm, lữ hành tại Việt Nam với hơn 90% là doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ, các doanh nghiệp lớn đủ sức khai thác thị trường quốc tế rất ít, không quá 20 doanh nghiệp, tính kết nối tiểu ngành khác kém, chuỗi giá trị sản phẩm không thể cạnh tranh với các nước trong khu vực”, ông Nguyễn Quốc Kỳ nêu rõ.
“Du lịch cần coi đợt dịch này là thời gian nghỉ cần thiết để đánh giá lại toàn ngành, từ đó đưa ra những giải pháp đầu tư hiệu quả và hợp lý. Đây là giai đoạn rất khó khăn, chúng ta cần nắm tay nhau cùng hành động để vượt qua thử thách, trước mắt là vượt qua khủng hoảng của dịch Covid-19, sau đó là có kế hoạch cho sự phát triển sau này”, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh.
4 nhóm giải pháp
Tại hội nghị, Bộ VH-TT&DL đề xuất và xin ý kiến tham luận về 4 nhóm vấn đề. Một là, cơ cấu lại thị trường khách du lịch theo hướng bền vững, hiệu quả nhằm vào thị trường chất lượng cao, lưu trú dài ngày, chi tiêu cao, cơ cấu thị trường theo phân đoạn nhu cầu. Hai là, phát triển sản phẩm, dịch vụ mới, liên kết đa dạng hóa và nâng cao chất lượng sản phẩm phù hợp với từng phân đoạn thị trường. Ba là, đẩy mạnh hợp tác công tư, liên kết vùng giữa các địa phương, điểm đến. Bốn là, chuyển đổi số trong phát triển du lịch, đặc biệt trong nghiên cứu thị trường, cơ sở dữ liệu và xúc tiến, quảng bá du lịch.
Bộ VH-TT&DL cho rằng, quá trình chuyển đổi số trong phát triển du lịch, đặc biệt là trong quản lý, kinh doanh, trong nghiên cứu thị trường, trong tiếp thị và bán sản phẩm du lịch là yêu cầu mang tính chất “sống còn”. Bên cạnh kết quả đã đạt được, việc chuyển đổi số trong du lịch thời gian qua còn một số hạn chế như: Nhận thức về chuyển đổi số tại một số địa phương, doanh nghiệp chưa được triển khai thường xuyên; chưa hình thành được hệ thống cơ sở dữ liệu điện tử liên thông và có thể được chia sẻ, phục vụ hoạt động du lịch; việc nghiên cứu thị trường và số hóa cơ sở dữ liệu về thị trường chưa theo kịp yêu cầu và xu thế đồng bộ; nguồn lực đầu tư cho marketing điện tử, thương mại điện tử còn quá ít.
Do đó, ngành du lịch thời gian tới cần xây dựng đề án chuyển đổi số, tăng đầu tư cho hoạt động e-marketing cũng như tiếp tục đẩy mạnh hợp tác với các hãng công nghệ lớn trên thế giới để có thể cập nhật và ứng dụng các công nghệ mới nhất phục vụ phát triển du lịch./.