Tại hội nghị trực tuyến giữa Bộ NN&PTNT và Tổng cục Hải quan Trung Quốc diễn ra ngày 8/12 về giải pháp thúc đẩy thương mại nông sản giữa 2 nước, Bộ NN&PTNT cho biết, Trung Quốc hiện là thị trường nhập khẩu nông sản lớn thứ 2 của Việt Nam, với kim ngạch ước đạt 9,2 tỷ USD, chiếm 24,6% thị phần. Trong bối cảnh dịch Covid 19 tiếp tục tác động tiêu cực và kéo dài, việc tháo gỡ các điểm nghẽn từ thị trường này sẽ tạo đà để xuất khẩu nông sản năm nay đạt kết quả khả quan hơn.
Về Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) vừa qua, tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường và Tổng cục trưởng Tổng cục hải quan Trung Quốc Nghê Nhạc Phong nhất trí cao về việc tiếp tục phối hợp để thúc đẩy quan hệ hợp tác kinh tế, thương mại giữa 2 nước trong thời gian tới. Bộ NN&PTNT sẽ tích cực phối hợp với các bộ, ngành để triển khai các bước sau ký kết Nghị định.
Tại hội nghị, hai bên đã ký kết trực tuyến Nghị định thư xuất khẩu thạch đen của Việt Nam sang Trung Quốc. Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường đánh giá cao nỗ lực của Tổng cục Hải quan Trung Quốc và các đơn vị liên quan, đã tích cực hỗ trợ thúc đẩy ký trực tuyến Nghị định thư về xuất khẩu thạch đen của Việt Nam, cũng như tiến hành đánh giá, thẩm định trực tuyến đối với sản phẩm tổ yến của Việt Nam chuẩn bị xuất khẩu sang thị trường này. Đồng thời mong muốn, phía Trung Quốc sớm công nhận và mở cửa thị trường đối với khoai lang, sầu riêng, bưởi và chanh leo.
Với sản phẩm sữa, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường đề nghị phía Trung Quốc tiếp tục ưu tiên xem xét cấp phép thêm một số nhà máy trong số 11 nhà máy đủ điều kiện xuất khẩu sữa sang Trung Quốc đã được Việt Nam gửi hồ sơ. Đối với các sản phẩm thủy sản, đề nghị phía Trung Quốc xem xét bổ sung thêm 54 doanh nghiệp chế biến thủy sản vào danh mục được phép xuất khẩu vào Trung Quốc.
Nhấn mạnh đến tác động tiêu cực của dịch Covid 19, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho rằng, việc tiếp tục công nhận nông sản giữa hai bên sẽ thúc đẩy thương mại 2 chiều nhất là nông sản, bởi nông sản của Việt Nam và Trung quốc mang tính bổ trợ cho nhau.
Nhất trí cao với việc 2 bên sẽ cùng tăng cường kiểm soát thương mại biên giới về kỹ thuật, kiểm dịch động vật, thực vật để đảm bảo thông quan hàng hóa, đảm bảo an toàn sức khỏe con người, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho biết, những yêu cầu của phía bạn về tăng cường kiểm soát thương mại nông sản biên giới là yêu cầu chung và không cứ Trung Quốc. Các mặt hàng xuất khẩu nông sản dứt khoát phải đảm bảo tiêu chuẩn, quy chuẩn và đúng theo yêu cầu quốc tế đối với từng nhóm thị trường.
“Muốn phát triển bền vững và đẩy nhanh xuất khẩu cần đẩy mạnh sản xuất theo chuỗi có kiểm soát căn cơ. Đây là yêu cầu tất yếu không do phía bạn đề ra mà tự mình phải đặt ra tiêu chuẩn, quy chuẩn để tạo ra sản phẩm nông sản phục vụ 100 triệu dân trong nước nông sản cũng phải sạch. Đây là điểm rất yếu mà phải tập trung bằng cách đẩy nhanh hơn tái cơ cấu nông nghiệp theo hướng sản xuất theo chuỗi có tiêu chuẩn, quy chuẩn quốc tế thì mới đảm bảo được mục tiêu sản xuất bền vững”, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường khẳng định.
Trước những đề nghị của Việt Nam, Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Trung Quốc Nghê Nhạc Phong cho biết, hai bên đã có nhiều kết quả tích cực trong đánh giá rủi ro đối với sản phẩm khoai lang và sầu riêng, khâu còn lại là đánh giá thực địa, nhưng do dịch Covid-19 nên Trung Quốc chưa thể cử chuyên gia sang Việt Nam kiểm tra, đánh giá. Về bưởi và chanh leo, Trung Quốc đã thông báo về đánh giá rủi ro, mong Việt Nam sớm phản hồi. Về sản phẩm tổ yến của Việt Nam, Trung Quốc đã hoàn thiện hồ sơ đánh giá rủi ro.
“Phía Trung Quốc coi trọng việc xuất khẩu tổ yến của Việt Nam sang Trung Quốc. Hiện nay phía Trung Quốc đã hoàn thiện thẩm định hồ sơ đánh giá rủi ro về tổ yến của Việt Nam. Phía Việt Nam đề ra triển khai thẩm định về hệ thống quản lý an toàn của tổ yến cũng như đăng ký doanh nghiệp để tổ yến của Việt Nam qua hình thức thẩm định bằng Nghị định thư và qua hình thức trực tuyến. Trung Quốc giữ thái độ cởi mở và hai bên có thể trao đổi về các điều kiện kỹ thuật cụ thể, chi tiết để thúc đẩy xuất khẩu tổ yến sang thị trường Trung Quốc”, ông Nghê Nhạc Phong cho biết.
Đối với đề nghị cấp phép thêm một số nhà máy sữa cũng như doanh nghiệp thủy sản và các sản phẩm thủy sản được xuất khẩu sang Trung Quốc, ông Nghê Nhạc Phong cho biết, Trung Quốc đang thẩm định hồ sơ theo quy trình, thời gian tới dự kiến sẽ có một số doanh nghiệp được xuất khẩu các sản phẩm này sang Trung Quốc.
Cũng tại hội nghị, hai bên nhất trí cao về việc các cơ quan liên quan của hai nước thiết lập đường dây nóng, kịp thời xử lý những vướng mắc về thương mại nông sản, đáp ứng nhu cầu phát triển nông nghiệp giữa hai bên./.
Minh Long/VOV1