Tổ chức hoạt động gắn với thị trường
Theo thống kê của Liên minh Hợp tác xã (HTX) Việt Nam, đến cuối năm 2020, cả nước có 26.040 HTX, 100 liên hiệp HTX và 119.000 tổ hợp tác (THT), thu hút 8,1 triệu thành viên, chủ yếu là đại diện hộ cá thể, cá nhân ở địa bàn nông thôn tham gia, tác động trực tiếp đến đời sống, thu nhập và sức mua của gần 30 triệu người. HTX, liên hiệp HTX, THT sản xuất và cung ứng cho thị trường từ 18% - 32% hàng lương thực, thực phẩm và nhiều mặt hàng tiêu dùng khác, góp phần vào ổn định giá cả thị trường và kiềm chế lạm phát.
Liên minh HTX nhiều địa phương thể hiện được vai trò cầu nối trong việc thiết lập quan hệ hợp tác, nâng chất hoạt động cho khu vực kinh tế hợp tác, HTX cả về số lượng lẫn chất lượng. Cụ thể, Liên minh HTX TP Cần Thơ đã tư vấn cho HTX tiếp cận các nguồn vốn; hỗ trợ các HTX vận hành có hiệu quả dịch vụ đầu vào và đầu ra; tổ chức nhiều chương trình hội chợ, xúc tiến thương mại dành cho các HTX; nâng cao kỹ năng đàm phán và liên kết với doanh nghiệp ký kết hợp đồng tiêu thụ, từng bước hình thành các chuỗi giá trị hàng hóa, nông sản trên địa bàn thành phố.
HTX Khiết Tâm ở xã Thạnh Lợi, huyện Vĩnh Thạnh, Cần Thơ đã vận động 161 nhà nông trồng lúa nhỏ lẻ vào HTX canh tác lúa theo hướng tập trung, tham gia vào dự án “Dự án cạnh tranh nông nghiệp” do Ngân hàng Thế giới tài trợ xây kho lưu trữ 1.000 tấn, lò sấy lúa 50 tấn/mẻ, cung cấp máy gặt đập liên hợp, máy san ủi đất bằng tia laser, máy cuốn rơm… HTX Khiết Tâm còn sản xuất trên 600 tấn lúa giống xác nhận/vụ để cung cấp cho Viện Lúa ÐBSCL và Tập đoàn Lộc Trời… Lúa của HTX Khiết Tâm được các đối tác, doanh nghiệp thu mua cao hơn từ 500-700 đồng/kg và thu nhập của thành viên trong HTX cao hơn vài triệu đồng/ha so với nhà nông trồng lúa bên ngoài.
Còn tại tỉnh Đắk Nông, một trong những nhiệm vụ quan trọng được thực hiện trong 5 năm qua là đẩy mạnh công tác tuyên truyền, biên soạn tài liệu hướng dẫn thực hiện Luật HTX 2012, hướng dẫn thành lập, tổ chức lại hoạt động HTX, lồng ghép chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới. Từ đó xây dựng, liên kết chuỗi giá trị trên 27 HTX, số còn lại đã tham gia vào một số phân khúc của chuỗi; một số HTX có chứng nhận tiêu chuẩn hàng hóa và cấp giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, Fairtrade, tiêu oganic, hữu cơ; nhiều HTX được UBND tỉnh cấp giấy chứng nhận sản phẩn OCOP thuộc Chương trình mỗi xã một sản phẩm tỉnh Đắk Nông, đợt 1 năm 2020 với nhiều sản phẩm cà phê, hồ tiêu, mắc ca, ca cao.
Đến cuối năm 2020, có hơn 96% các HTX đã chuyển đổi, tổ chức lại hoạt động theo mô hình HTX kiểu mới, phù hợp với Luật HTX năm 2012. Tỷ lệ HTX hoạt động hiệu quả đạt 59% (tăng 3 lần so với năm 2015). Đến nay, cả nước có 1.292 HTX nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất; 3.220 HTX sản xuất gắn với chuỗi giá trị, tăng 6,8 lần so với năm 2015.
|
Từng bước giải cơn khát vốn
Khó khăn lớn nhất của các HTX là quy mô nhỏ, nguồn vốn ít, khó đáp ứng được các yêu cầu của các ngân hàng để tiếp cận nguồn vốn. Vì vậy, một trong những nhiệm vụ trọng tâm của hệ thống liên minh HTX 5 năm qua chính là hỗ trợ các thành viên tiếp cận nguồn vốn vay.
Tại tỉnh Thanh Hóa, 45 HTX được hỗ trợ vay vốn từ Quỹ hỗ trợ phát triển HTX, với tổng nguồn vốn gần 19 tỷ đồng. Nguồn vốn vay ưu đãi được các HTX tập trung phát triển sản xuất, kinh doanh, đổi mới công nghệ kỹ thuật, mở rộng quy mô sản xuất và thị trường tiêu thụ sản phẩm. Ví dụ như HTX nông nghiệp Quảng Phú (Thọ Xuân) năm 2020 được vay 500 triệu đồng từ Quỹ hỗ trợ phát triển HTX với lãi suất ưu đãi 0,54%, thời hạn trả nợ phân kỳ 5 năm. Có thêm vốn, HTX đã đầu tư mua thêm máy làm đất, đáp ứng tốt hơn nhu cầu sản xuất của các hộ thành viên và nông dân trên địa bàn. Năm 2020, doanh thu của HTX ước đạt 13 tỷ đồng, tạo việc làm ổn định cho 13 lao động thường xuyên.
Tương tự, HTX thủ công mỹ nghệ xuất khẩu Trung Kiên, xã Hoằng Trung (Hoằng Hóa), mỗi tháng gia công khoảng 170.000 chiếc túi siêu thị, doanh thu đạt 170 triệu đồng và đang tạo việc làm thường xuyên cho gần 100 lao động, với thu nhập từ 3 - 9 triệu đồng/tháng. Mới đây, HTX đã được vay 200 triệu đồng từ Quỹ hỗ trợ phát triển HTX. Tuy số vốn còn hạn chế, nhưng đã giúp HTX bước đầu giải quyết được khó khăn, đáp ứng nhu cầu mở rộng sản xuất, tạo thêm việc làm cho người lao động.
Vùng trồng quế của huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái, mỗi năm đưa ra thị trường khoảng 7.000 tấn vỏ quế khô, 280 tấn tinh dầu quế, 40.000m3 gỗ quế, thu về khoảng 395 tỷ đồng. Ông Trần Văn Kiên - Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Giám đốc hợp tác xã dịch vụ Nông lâm nghiệp tổng hợp Công Tâm (thôn Giáp Con, xã Viễn Sơn, huyện Văn Yên) - cho biết: Nhờ có phần vốn vay từ Quỹ Phát triển HTX, HTX đầu tư mở rộng sản xuất. Nếu như có thể vay thêm vốn đề đầu tư công nghệ chế biến tinh đối với sản phẩm tinh dầu quế, gỗ quế thì giá trị xuất khẩu quế có thể tăng gấp 4 lần.
Nhờ có phần vốn hỗ trợ từ Quỹ, HTX Kiến Thuận, huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái đã áp dụng Quy trình sản xuất, công nghệ, từ khâu trồng, chăm sóc, thu hoạch đến chế biến đóng gói chè xuất khẩu, theo mô hình: sản xuất chè tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm.
Theo ông Nguyễn Mạnh Cường - Phó chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam - khi nhu cầu vốn cho Quỹ Hỗ trợ phát triển hợp tác xã được đáp ứng thì cơ hội tiếp cận vốn của các HTX sẽ gia tăng rất nhiều: "Không có kênh nào khác cho vay HTX hiệu quả bằng Quỹ Hỗ trợ phát triển HTX Việt Nam. Cũng phải nói thêm rằng Quỹ này do Liên minh HTX Việt Nam quản lý, liên minh có đại diện từ trung ương đến địa phương. Không ai hiểu HTX bằng chúng tôi, không ai sâu sát bằng chúng tôi nên khi chúng tôi cho các HTX vay sẽ hiệu quả hơn và kiểm soát tốt hơn".
Nâng cao mục tiêu phát triển
Khó khăn của hệ thống Liên minh HTX và các thành viên là nhiều HTX có quy mô nhỏ, khả năng cạnh tranh thấp, những yếu kém kéo dài chưa khắc phục được như: Vốn ít, trình độ quản lý hạn chế, sản xuất kinh doanh chủ yếu tự phát, nhỏ lẻ, công nghệ lạc hậu, chưa có thương hiệu, nhãn hiệu, tiêu chuẩn hàng hóa, đăng ký chất lượng, do đó sản phẩm khó đáp ứng thị trường, khó đưa hàng hóa, sản phẩm vào trong các siêu thị, cung cấp nguyên liệu cho các nhà máy chế biến. Việc tiếp cận nguồn vốn với các ngân hàng thương mại và các tổ chức tín dụng gặp khó khăn vì không có tài sản bảo đảm, thiếu vốn hoạt động, mở rộng quy mô sản xuất, đổi mới công nghệ…
Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam Nguyễn Ngọc Bảo cho biết, trong giai đoạn 2021 - 2025, khu vực kinh tế tập thể, HTX tiếp tục đặt mục tiêu phát triển nhanh, hiệu quả và bền vững; đa dạng về loại hình, hình thức hợp tác trong các ngành nghề, lĩnh vực, thành phần kinh tế và địa bàn, nhất là khu vực nông nghiệp, nông dân và nông thôn, phù hợp với điều kiện của các địa phương; đẩy mạnh thu hút hộ cá thể tham gia HTX, THT, phát triển cả số lượng, qui mô, chất lượng và hiệu quả; HTX, liên hiệp HTX và THT sản xuất, kinh doanh gắn với chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị, góp phần tích cực vào phát triển kinh tế - xã hội bền vững, bảo đảm an sinh xã hội, giữ gìn bản sắc văn hóa và bảo vệ môi trường; củng cố, đổi mới tổ chức và hoạt động của hệ thống Liên minh HTX Việt Nam, nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động; tăng cường trách nhiệm với vai trò nòng cốt trong phát triển kinh tế tập thể, HTX; đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của thành viên...
Thực hiện kết luận số 78-KL/TW ngày 10/6/2020 của Ban Bí thư về tổ chức Đại hội Liên minh Hợp tác xã (HTX) Việt Nam và cấp tỉnh nhiệm kỳ 2020 - 2025, từ tháng 6 đến tháng 10/2020, Liên minh HTX các tỉnh, thành phố đã tổ chức thành công Đại hội nhiệm kỳ 2020 - 2025. Đại hội đại biểu toàn quốc Liên minh HTX Việt Nam lần thứ 6, nhiệm kỳ 2020 - 2025 được tổ chức trong 02 ngày 21 - 22/12/2020. Trong thời gian diễn ra Đại hội, Liên minh HTX Việt Nam tổ chức Triển lãm thành tựu phát triển kinh tế tập thể, HTX và hoạt động của hệ thống Liên minh HTX Việt Nam giai đoạn 2016 - 2020 |