Việt Nam hiện đã ký kết 14 Hiệp định thương mại tự do (FTA) khu vực và song phương (trong đó đang thực thi 13 FTA), đã kết thúc đàm phán 01 và đang đàm phán 2 Hiệp định với các đối tác khác. Trong số các FTA này, có 2 FTA thế hệ mới là CPTPP và EVFTA. Ý tưởng xây dựng Cổng thông tin điện tử về các hiệp định thương mại tự do (FTAP) xuất phát từ mong muốn giúp doanh nghiệp và người dân tận dụng tối đa cơ hội mà các FTA mang lại. Với mong muốn đó, Bộ Công Thương đã tham khảo mô hình Cổng thông tin điện tử về FTA của Ốt-xtrây-li-a và đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ cho xây dựng một Cổng thông tin điện tử dành cho các FTA của Việt Nam với sự hỗ trợ của các tổ chức và đối tác có quan tâm.
Với sự hợp tác của Ngân hàng thế giới và sự hỗ trợ của Chính phủ Ốt-xtrây-li-a, FTAP được thiết kế cho phép bất cứ cá nhân hay doanh nghiệp nào quan tâm đến các cam kết FTA có thể ngồi một chỗ tiếp cận được hướng dẫn trực tuyến một cách chi tiết, rõ ràng và đơn giản nhất có thể, thay vì phải tự tìm tòi hoặc liên hệ nhiều cơ quan, đơn vị khác nhau để có được thông tin mình cần. Cổng thông tin này sẽ là một công cụ tra cứu các cam kết FTA và các thông tin liên quan một cách thông minh, tiên tiến, có ý nghĩa rất lớn trong việc giúp cộng đồng doanh nghiệp và người dân tận dụng tối đa cơ hội từ các FTA mà Việt Nam đã tham gia, gửi đi thông điệp quan trọng về quyết tâm của Chính phủ Việt Nam trong việc thực thi các FTA một cách hiệu quả nhất, đặc biệt trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 và sự phát triển của Công nghệ 4.0.
Cổng thông tin điện tử về FTA của Việt Nam sẽ cung cấp công cụ tra cứu trực tuyến thông minh cho cộng đồng doanh nghiệp và các đối tượng quan tâm đối với cam kết của tất cả các FTA mà Việt Nam tham gia, tập trung trước mắt là CPTPP và FVFTA.
Phát biểu tại buổi lễ, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cho biết, FTAP với giao diện thân thiện, khoa học, tạo sự thuận lợi và tiện ích cho người sử dụng, sẽ là địa chỉ cung cấp công cụ tra cứu trực tuyến thông minh cho cộng đồng doanh nghiệp và các đối tượng quan tâm đối với cam kết của tất cả các FTA mà Việt Nam tham gia, bao gồm các cam kết về thuế, quy tắc xuất xứ, dịch vụ và đầu tư, cũng như các thông tin thiết yếu khác cho quá trình giao thương của doanh nghiệp như tình hình thị trường, các quy định về xuất nhập khẩu, phát triển bền vững v.v.
Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho rằng, Cổng thông tin điện tử về các Hiệp định thương mại tự do ra đời và chính thức đi vào hoạt động gửi đi thông điệp quan trọng về quyết tâm của Chính phủ Việt Nam trong việc đưa các FTA, đặc biệt là các FTA thế hệ mới đến gần hơn với doanh nghiệp và người dân. Ngoài ra, việc hoàn tất FTAP cũng thể hiện sự phối hợp hiệu quả giữa Chính phủ Việt Nam với Ngân hàng thế giới và Chính phủ Ốt-xtrây-lia trong quá trình hội nhập kinh tế của Việt Nam.
Trong tương lai, Bộ Công Thương, Chính phủ Ốt-xtrây-li-a và Ngân hàng Thế giới sẽ tiếp tục hợp tác để phát triển Cổng thông tin này trở thành địa chỉ cung cấp thông tin hữu ích và đáng tin cậy cho doanh nghiệp và người dân, góp phần nâng cao hiệu quả thực thi các FTA của Việt Nam trong thời gian tới.