Những 'cú hích' để Thọ Xuân trở thành trung tâm kinh tế động lực của tỉnh Thanh Hóa: Bài 1: Phát triển nông nghiệp công nghệ cao bền vững

  • 31/12/2020 12:04:57
  • Vân Hồng
  • Kinh tế
  • 0

Phấn đấu đến năm 2025 trở thành một trong những huyện dẫn đầu của tỉnh về phát triển kinh tế - xã hội, đến năm 2030 trở thành thị xã, huyện Thọ Xuân tiếp tục phát huy truyền thống văn hoá, lịch sử và cách mạng, tranh thủ thời cơ vận hội mới, đẩy mạnh thu hút đầu tư, phát triển kinh tế nhanh và bền vững theo cấu trúc hai vành đai phát triển, ba vùng kinh tế động lực và bốn trụ cột tăng trưởng.

 

Mạnh dạn chuyển đổi mô hình, gặt hái thành công...

Đẩy mạnh phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao (CNC), quy mô lớn theo chuỗi giá trị, nâng cao chất lượng xây dựng nông thôn mới được xác định là 1 trong 4 trụ cột tăng trưởng góp phần thay đổi bức tranh kinh tế - xã hội của huyện Thọ Xuân giai đoạn 2020 - 2025. Theo lời giới thiệu của ông Nguyễn Hữu Dũng, Phó Chủ tịch UBND huyện Thọ Xuân, chúng tôi tìm đến mô hình nuôi gà lông màu ứng dụng CNC với quy trình khép kín của ông Trịnh Ngọc Tới tại xã Xuân Minh.

Mô hình nuôi gà lông màu ứng dụng  CNC với quy trình khép kín của ông Trịnh Ngọc Tới tại xã Xuân Minh đem lại hiệu quả kinh tế cao, tạo công ăn việc làm ổn định cho lao động địa phương...

Gia đình anh Tới hiện thuê 16.2ha đất của UBND xã Xuân Minh để sản xuất nông nghiệp. Vài năm đầu, khi chuyển đổi mô hình từ trồng cây ngô, lạc, khoai sang trồng mía cho thu nhập tương đối ổn định, bởi thời điểm đó, giá mua mía cao, chi phí nhân công thấp. Nhưng vài năm trở lại đây, nhà máy đường Lam Sơn thu mua mía với giá thấp, đòi hỏi chất lượng mía cao, chi phí nhân công tăng vọt, nên thu nhập từ cây mía chẳng đáng là bao.

Cái khó ló cái khôn, sau nhiều ngày lặn lội tìm hiểu, học hỏi kinh nghiệm từ các trang trại chăn nuôi, cùng với sự khích lệ động viên của chính quyền địa phương về xu thế phát triển CNC, đến năm 2019, anh Tới mạnh dạn chuyển đổi 6ha đất trồng mía sang làm trang trại chăn nuôi gà lông màu theo quy trình khép kín, an toàn sinh học với đệm lót vi sinh, máng ăn tự động. Để đạt được hiệu quả cao, anh Tới liên kết với doanh nghiệp trong việc đầu tư con giống, thức ăn, chuyển giao công nghệ chăn nuôi ứng dụng CNC.

Mặc dù mới đi vào hoạt động được hơn 1 năm, thế nhưng ngay từ năm đầu anh Tới đã cung cấp ra thị trường 40 - 50 vạn con gà, sau khi trừ chi phí, lợi nhuận thu về gần 1 tỷ đồng, tạo công ăn việc làm ổn định cho 13 - 15 lao động địa phương, với mức thu nhập dao động 5 - 7 triệu đồng/tháng.

Chia sẻ bước đầu thành công trong chăn nuôi gà ứng dụng CNC với quy trình khép kín, anh Tới hồ hởi :“Từ khi chuyển đổi mô hình nuôi gà lông màu theo mô hình khép kín, an toàn sinh học thì kinh tế gia đình từng bước ổn định. Trong thời gian tới, tôi dự định mở rộng quy mô trang trại để chăn nuôi dê và lợn giống ngoại nhập”.

Theo tìm hiểu của phóng viên, mô hình của gia đình anh Tới chỉ là một trong rất nhiều các mô hình NN CNC tại huyện Thọ Xuân phát triển trong thời gian qua. Hiện nay, trên địa bàn huyện Thọ Xuân có 25 trang trại chăn nuôi lợn ngoại ứng dụng CNC với diện tích 33.000m2; 45 trang trại chăn nuôi gà ứng dụng đệm lót sinh học, chuồng kín với diện tích 39.625 m2, trong đó 33 trang trại liên kết bao tiêu sản phẩm với doanh nghiệp. Hằng năm thu nhập đạt 500 - 700 triệu đồng/trang trại, có trang trại cho thu nhập 01 tỷ đồng; Tỷ lệ giá trị sản phẩm ngành chăn nuôi ứng dụng CNC năm 2020 chiếm 45,8% giá trị sản phẩm của ngành.

Một trong những mô hình tiêu biểu trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng của Thọ Lâm là trang trại trồng dưa kim hoàng hậu công nghệ cao của Công ty cổ phần phát triển công nghệ cao Điền Trạch

Bên cạnh đó, nhiều mô hình trồng trọt ứng dụng CNC trên địa bàn huyện phát triển và được nhân rộng. Cụ thể như: Mô hình sản xuất hoa, rau, quả trong nhà màng, nhà lưới theo công nghệ Isarel với tổng diện tích 37,04ha; mô hình mạ khay cấy máy; mô hình trồng cây ăn quả theo tiêu chuẩn VietGAP...

Cùng với đó, thu hút đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp đạt kết quả tích cực, nhiều dự án đã và đang được triển khai thực hiện với tổng kinh phí đầu tư dự kiến trên 500 tỷ đồng. Hiện có 08 doanh nghiệp đầu tư sản xuất nông nghiệp ứng dụng CNC lĩnh vực trồng trọt; có 35 mô hình sản xuất NN CNC, tập trung. Các mô hình này đã đem lại hiệu quả kinh tế cao cho các hộ sản xuất, trung bình 01 ha sản xuất dưa vàng trong nhà màng, nhà lưới cho lợi nhuận từ 600 - 800 triệu đồng, cao gấp 30 - 40 lần so với trồng lúa và mía; 01 ha trồng cây ăn quả có múi cho lợi nhuận từ 300 - 500 triệu đồng, cao gấp 20 lần so với trồng lúa và mía. Tỷ lệ giá trị sản phẩm nông nghiệp ứng dụng CNC năm 2020 chiếm 31% giá trị sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn huyện. Có 03 doanh nghiệp đầu tư vào chăn nuôi, trong đó Công ty cổ phần Nông sản Phú Gia Thanh Hóa đã đầu tư và phát triển chăn nuôi gà quy mô 80.000 con gà giống tại xã Xuân Phú và đang từng bước mở rộng các hệ thống chăn nuôi gà thịt liên kết chế biến, xuất khẩu tại các xã Xuân Trường, Thuận Minh; còn lại 02 doanh nghiệp đang hoàn thiện các thủ tục đất đai theo quy định.

Ông Nguyễn Hữu Dũng, Phó Chủ tịch huyện Thọ Xuân cho biết, để khuyến khích phát triển các vùng trang trại tập trung từng bước xây dựng các mô hình nông nghiệp ứng dụng CNC, quy mô lớn theo chuỗi giá trị, UBND huyện Thọ Xuân đã ban hành nhiều cơ chế hỗ trợ các chủ trang trại tích tụ đất đai. Đến nay, toàn huyện đã tích tụ được 1.869ha với sự tham gia của 12 doanh nghiệp và 9 hợp tác xã.

“Bên cạnh đó, UBND tỉnh Thanh Hóa, UBND huyện Thọ Xuân đầu tư 14,5 tỷ đồng để xây dựng cơ sở hạ tầng như đường giao thông, đường điện các khu trang trại tập trung tại các xã Xuân Phú, Xuân Trường, Xuân Hòa, Nam Giang, Xuân Hồng, Trường Xuân... Nhờ đó, đã tạo động lực thu hút các chủ trang trại tham gia đầu tư, mở rộng sản xuất. Một số vùng sản xuất hàng hóa gắn với xây dựng thương hiệu sản phẩm đã hình thành và phát triển” - ông Dũng cho hay.

“Gỡ khó” để phát triển bền vững

Mặc dù bước đầu đạt được kết quả khả quan nhưng theo đánh giá tại Dự thảo Chương trình Phát triển nông nghiệp quy mô lớn, ứng dụng CNC, theo chuỗi giá trị và nâng cao chất lượng xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025 của Huyện ủy Thọ Xuân, phát triển nông nghiệp ứng dụng CNC của huyện chưa đạt như kỳ vọng, chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế của huyện đó là: Chưa hình thành được nhiều vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng CNC; chưa thu hút được nguồn nhân lực, lao động có trình độ, tay nghề cao.

Sản xuất nông nghiệp ứng dụng CNC trên địa bàn huyện mới tập trung chủ yếu vào việc ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật về giống cây trồng, vật nuôi và thủy sản. Việc ứng dụng công nghệ sinh học, tự động hóa, các quy trình canh tác tiên tiến (ICM, VietGAP)... trong sản xuất nông nghiệp để sản xuất ra các sản phẩm nông sản chất lượng, an toàn thực phẩm còn ít; hình thức liên kết sản xuất, bao tiêu sản phẩm mới bước đầu hình thành.

Bên cạnh đó, số lượng trang trại ứng dụng CNC trong sản xuất, chế biến bảo quản còn hạn chế. Lao động của các trang trại chủ yếu là lao động gia đình. Chủ trang trại đa phần chưa được đào tạo chuyên môn về quản lý, kinh tế nên hạn chế về khả năng quản lý sản xuất, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật.

Đặc biệt, thủ tục thuê, chuyển nhượng, góp đất trong sản xuất còn nhiều bất cập. Thời hạn thuê đất ngắn chỉ 5 năm nên các chủ trang chưa yên tâm đầu tư, mở rộng quy mô sản xuất. Anh Trịnh Ngọc Tới chia sẻ: “Diện tích đất tôi đang thuê với thời hạn tối đa chỉ 5 năm nên tôi mong muốn các cấp có thẩm quyền chuyển đổi cho thuê đất với thời gian nhiều hơn, để tôi có thể yên tâm mở rộng mô hình sản xuất, cũng căn cứ vào đó, các tổ chức tín dụng có thể cho vay vốn để mở rộng sản xuất, chăn nuôi”.

Ông Nguyễn Hữu Dũng, Phó Chủ tịch UBND huyện Thọ Xuân thực địa  mô hình công nghệ cao  tại thị trấn Thọ Xuân

Nhằm tháo gỡ “nút thắt”, ông Nguyễn Hữu Dũng đưa ra giải pháp: Tập trung nghiên cứu, lập, thẩm định và trình cấp có thẩm quyền phê duyệt Dự án Xây dựng hệ sinh thái đất nông nghiệp, làng nghề huyện Thọ Xuân và Quy hoạch sử dụng đất huyện Thọ Xuân giai đoạn 2021 - 2030. Nghiên cứu, tiếp thu và ứng dụng các công nghệ hiện đại như công nghệ sinh học, công nghệ tưới, cơ giới hóa,... để đầu tư phát triển sản xuất nông nghiệp theo quy trình ứng dụng CNC phù hợp với điều kiện sản xuất của từng vùng. Tăng cường hợp tác với các viện, trung tâm nghiên cứu khoa học thử nghiệm, các trường đại học, cao đẳng ứng dụng và chuyển giao công nghệ tiên tiến vào sản xuất trồng trọt, chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản…

Hỗ trợ, khuyến khích các HTX, Tổ hợp tác xây dựng các trang website quảng bá sản phẩm, tiếp nhận thông tin phản hồi của người tiêu dùng, liên kết với trang thông tin điện tử của huyện,.. để tạo thế cạnh tranh. Người sản xuất cần xây dựng thương hiệu cho sản phẩm, kết hợp với tổ chức giới thiệu rộng rãi sản phẩm, xây dựng các phóng sự truyền hình, các clip giới thiệu kỹ thuật sản xuất và các sản phẩm rau trên địa bàn huyện, đồng thời phát sóng thường xuyên trên các kênh truyền hình của tỉnh, kênh chuyên trang nhằm giới thiệu đến người tiêu dùng.

Tạo điều kiện để các HTX, Tổ hợp tác, các hộ sản xuất xây dựng mối liên doanh, liên kết, nhất là mối liên doanh, liên kết với các doanh nghiệp, các cửa hàng, siêu thị, trường học bán trú trên địa bàn huyện và mở rộng trên thành phố, các bếp ăn tập thể nhằm thực hiện tốt việc cung ứng các dịch vụ đầu vào cho sản xuất, đầu ra các loại nông sản, thực phẩm. Đẩy mạnh xúc tiến thương mại nông sản hàng hóa thông qua triển lãm, hội chợ, các trung tâm giới thiệu sản phẩm nông sản hàng hóa trong và ngoài tỉnh.

 

Bình luận

    Chưa có bình luận