Vì sao giải ngân vốn đầu tư công năm 2020 đạt tỷ lệ cao kỷ lục?

  • 04/01/2021 09:00:00
  • Trần Ngọc
  • Kinh tế
  • 0

Giải ngân vốn đầu tư công năm 2020 cao kỷ lục là nhờ sự chỉ đạo quyết liệt từ Chính phủ, áp lực "chạy nước rút" khi Luật Đầu tư công 2019 có hiệu lực.

 

Đầu tư công đã trở thành cú hích đối với tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong năm 2020, và được đánh giá là "cửa" sáng nhất trong các "mũi giáp công" mà Thủ tướng Chính phủ nêu ra để hồi phục nền kinh tế theo mô hình chữ V sau đại dịch Covid-19.

Nếu năm 2016, các bộ, ngành và địa phương giải ngân được hơn 231.000 tỷ đồng, thì tính từ đầu năm đến đầu tháng 12/2020, lũy kế giải ngân vốn đầu tư công đạt hơn 356.000 tỷ đồng. Kết quả giải ngân này cao hơn 12,4% so với cùng kỳ năm 2019 và cao nhất trong 5 năm (2016-2020).

Năm 2020, giải ngân đầu tư công không chỉ tăng về vốn, mà công tác đầu tư cũng đã đi vào thực chất hơn. Các dự án đầu tư công bước đầu đã mang lại những hiệu quả nhất định, tạo nên sức bật mới cho kinh tế địa phương, vùng và quốc gia, trở thành một động lực để nền kinh tế chống đỡ với khó khăn, thách thức do Covid-19 gây ra.

Trong năm vừa qua, công tác giải ngân vốn đầu tư công đã khắc phục được tình trạng đọng vốn, tình trạng có tiền mà không tiêu được. Con số thống kê cho thấy, giải ngân vốn đầu tư công đến 31/12/2020 là 389.982,80 tỷ đồng, đạt 82,8% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao. Đối với số vốn kéo dài các năm trước sang năm 2020, thực hiện giải ngân 11 tháng đạt 63,8% kế hoạch; ước giải ngân 12 tháng đạt 75% kế hoạch.

Năm 2020 vừa qua được đánh giá là năm của giải ngân vốn đầu tư công khi tỷ lệ đạt cao nhất trong cả giai đoạn 2016 - 2020. (Ảnh minh họa)

Rút ngắn khoảng cách thừa-thiếu giữa kế hoạch và thực tế

Trao đổi với phóng viên VOV.VN về giải ngân vốn đầu tư công trong năm 2020, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) Trần Quốc Phương cho biết: Năm vừa qua, đại dịch Covid-19 tác động tiêu cực đến mọi hoạt động của nền kinh tế, cụ thể sản xuất công nghiệp, nông nghiệp và đặc biệt là dịch vụ đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng, khiến nguồn vốn trong các khu vực tư nhân và đầu tư nước ngoài đều sụt giảm. Trong bối cảnh đó, Chính phủ đã chú trọng, tập trung đẩy nhanh vốn đầu tư công, nhằm tạo tác động lan tỏa kích cầu đầu tư, thúc đẩy sản xuất nội địa, tạo việc làm và duy trì đà tăng trưởng kinh tế.

Ông Trần Quốc Phương nhấn mạnh: Chưa bao giờ có một công tác chỉ đạo về giải ngân quyết liệt như năm nay (kể từ năm 2016 trở lại đây) với sự vào cuộc của Chính phủ từ các công tác chỉ đạo, điều hành và những phiên họp trực tuyến với các địa phương. Nhờ đó, kết quả giải ngân vốn từ nguồn ngân sách Nhà nước đạt 91,1% kế hoạch năm 2020 và tăng 34,5% so với năm 2019, đạt mức cao nhất trong giai đoạn 2011-2020. Với sự lan tỏa, nhiều ngành, lĩnh vực của nền kinh tế-xã hội đã được hưởng lợi từ việc tăng vốn đầu tư công cho nền kinh tế, như ngành xây dựng (cơ sở hạ tầng, công trình phúc lợi công cộng, dự án kinh tế…), các ngành công nghiệp sản xuất phục vụ xây dựng (xi măng, sắt thép, gạch ngói, gốm sứ xây dựng), điều này giúp khối doanh nghiệp nói chung và người lao động có thêm thu nhập để đầu tư và tái sản xuất.

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư lý giải, sở dĩ tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công năm 2020 đạt tỷ lệ cao nhất trong 5 năm qua là do hai yếu tố cơ bản. Một là công tác chỉ đạo quyết liệt từ Chính phủ nhằm vượt qua khó khăn do dịch Covid-19. Lượng vốn giải ngân càng nhiều thì càng hỗ trợ tốt cho tăng trưởng. Hai là, 2020 là năm cuối cùng thực hiện Luật Đầu tư công 2014 (Luật số 49), chuẩn bị triển khai Luật Đầu tư công 2019 (Luật số 39) - bắt buộc các địa phương và bộ, ngành phải giải ngân tốt hơn, nếu không sẽ bị trừ tiền vào kế hoạch trung hạn.

Ông Trần Quốc Phương cũng chia sẻ thêm, dù tỷ lệ giải ngân cao trong năm vừa qua nhưng không vì thế mà chất lượng dự án đầu tư công giảm đi. Nếu các đơn vị thực hiện nghiêm túc thì không ảnh hưởng đến chất lượng dự án đầu tư công, song nếu vội vàng thì chất lượng sẽ không tốt. "Điều này phụ thuộc rất lớn vào đơn vị quản lý dự án, chủ đầu tư dự án", Thứ trưởng Trần Quốc Phương khẳng định.

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư thông tin, sang năm 2021, Luật Đầu tư công mới quy định bắt buộc các bộ, ngành và địa phương phải giải ngân hết trong năm và yếu tố xử lý việc giải ngân vốn đầu tư công thấp là vấn đề thị trường, cụ thể đánh thẳng vào "túi tiền" của các bộ, ngành, địa phương.

"Một địa phương, một bộ, ngành giải ngân thấp đồng nghĩa với việc cuối năm số tiền không giải ngân được sẽ bị trừ vào kế hoạch trung hạn và đó là điều thiệt thòi của địa phương, bộ, ngành đó. Nghị định 40/2020/NĐ-CP hướng dẫn Luật Đầu tư công cũng thể hiện rõ điều này, vì vậy công tác xây dựng kế hoạch đầu tư của địa phương, bộ, ngành sẽ phải chính xác hơn", Thứ trưởng Trần Quốc Phương nêu rõ.

Như trước đây, khi làm kế hoạch vốn đầu tư công ai cũng muốn được càng nhiều tiền càng tốt, nhưng câu chuyện bây giờ "nhiều" chưa chắc đã tốt. Bởi, địa phương, bộ, ngành không giải ngân được thì hệ lụy là rất lớn, bên cạnh sự giảm trừ đầu tư công trung hạn còn bị khiển trách. Do đó, các cơ quan tham mưu của bộ, ngành, địa phương sẽ phải hết thận trọng tính toán sao cho khớp nhất, rút ngắn khoảng cách thừa - thiếu giữa kế hoạch và thực tế, nhằm thúc đẩy đầu tư công hiệu quả hơn.

Vốn đầu tư công tập trung chủ yếu cho các công trình kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội trọng điểm nên khi nguồn vốn này được giải phóng sẽ có vai trò như "vốn mồi" thu hút nguồn vốn từ khu vực tư nhân và đầu tư nước ngoài, qua đó góp phần tăng tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội và duy trì tăng trưởng kinh tế ở mức hợp lý./.

Trần Ngọc/VOV.VN

 

Bình luận

    Chưa có bình luận