Lên kịch bản kiểm soát lạm phát
Năm 2021, theo Nghị quyết Quốc hội quyết định tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng khoảng 4%. Đại diện Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) nhận định, trong năm nay, bên cạnh tác động từ diễn biến trên thị trường thế giới, áp lực tăng giá trong nước còn đến từ việc tiếp tục điều chỉnh giá một số dịch vụ công theo lộ trình thị trường. Một số mặt hàng có yếu tố chi phí đầu vào tăng nhiều nhưng không xem xét tăng giá trong năm 2020.
Ở chiều ngược lại, trong bối cảnh còn nhiều yếu tố bất định liên quan đến dịch bệnh, tổng cầu của nền kinh tế khó có khả năng phục hồi mạnh trở lại như giai đoạn trước dịch. Đặc biệt tình hình kinh doanh một số lĩnh vực như lưu trú, du lịch, giải trí, hàng không... dự báo gặp nhiều khó khăn, nên nhìn chung mặt bằng giá cả mặt hàng thiết yếu dự kiến không có biến động.
Ông Nguyễn Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Quản lý giá cho biết, hiện đơn vị đã xây dựng và lên kịch bản điều hành giá trong năm 2021, bám sát mục tiêu kiểm soát lạm phát dưới 4% Quốc hội đề ra. Dự báo giá cả một số mặt hàng trong năm 2021 rất khó đoán định, do đó, thời gian tới, Cục Quản lý giá sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, địa phương triển khai quyết liệt, hiệu quả công tác quản lý, điều hành, bình ổn giá theo cơ chế thị trường để kiểm soát lạm phát theo mục tiêu đề ra. Đồng thời, sẽ tiếp tục thực hiện lộ trình giá thị trường đối với các dịch vụ công và hàng hóa quan trọng thiết yếu.
Cục Quản lý giá cũng sẽ tiếp tục làm tốt vai trò cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo điều hành giá của Thủ tướng Chính phủ; theo dõi sát diễn biến giá cả thị trường, đặc biệt là hàng hóa, dịch vụ thiết yếu để kịp thời đề xuất giải pháp bảo đảm cân đối cung - cầu, nhất là mặt hàng có nguồn cung bị thiếu hụt cục bộ do ảnh hưởng thiên tai, dịch bệnh và hàng hóa có nhu cầu cao dịp trước, trong và sau tết.
Lãnh đạo Cục Quản lý giá cũng khẳng định, trong năm 2021 sẽ chủ động công tác dự báo, tính toán, xây dựng kịch bản điều hành giá các mặt hàng thiết yếu theo lộ trình thị trường nhằm đảm bảo kiểm soát lạm phát theo mục tiêu đề ra; tăng cường thanh kiểm tra; đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền, công khai minh bạch thông tin về giá, để kiểm soát lạm phát kỳ vọng; hạn chế thông tin thất thiệt gây hoang mang cho người tiêu dùng gây bất ổn thị trường.
Áp lực gia tăng
Theo TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế, năm 2021 có một số yếu tố có thể đẩy áp lực lạm phát lên đáng kể. Trước tiên là khả năng phục hồi mạnh của kinh tế toàn cầu nói chung, của Việt Nam nói riêng trên nền tăng trưởng thấp của năm nay. Khi kinh tế phục hồi thì nhu cầu về hàng hóa, dịch vụ tăng, từ đó sẽ đẩy mặt bằng giá cả lên.
Bên cạnh đó, lượng tiền mà các nước, các ngân hàng trung ương bơm ra để phòng chống dịch, hỗ trợ phục hồi kinh tế lớn, hay các động thái tiếp tục nới lỏng tiền tệ, giảm lãi suất… trong thời gian qua sẽ có tác động mạnh hơn trong năm tới, khiến lạm phát trên toàn cầu dự báo có thể tăng tương đối. Ngoài ra, các dự báo đều cho thấy giá các hàng hóa cơ bản, trong đó có giá dầu vẫn tiếp tục xu hướng tăng trở lại, dù mức tăng không lớn nhưng cũng tạo thêm sức ép. Trong khi đó ở trong nước, lộ trình tăng giá một số hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước quản lý cũng sẽ ảnh hưởng tới chỉ số giá tiêu dùng.
“Áp lực lạm phát sẽ cao hơn đáng kể trong năm 2021. Tuy nhiên, chúng tôi dự báo lạm phát vẫn sẽ trong tầm kiểm soát ở mức dưới 4%, cụ thể dự báo tăng trong khoảng 3,7-3,9%, tức là chúng ta cũng không lo ngại sẽ xảy ra tình trạng lạm phát bùng phát trở lại”, TS. Cấn Văn Lực nhận định.
Trong bối cảnh nhu cầu yếu và chưa thể phục hồi mạnh, hầu hết các dự báo đều cho rằng áp lực với lạm phát hiện nay cũng như trong năm tới là không lớn. Hơn nữa, với những kinh nghiệm điều hành đã có thì chắc chắn lạm phát sẽ kiểm soát được. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, vẫn không thể lơ là, chủ quan trong kiểm soát lạm phát.
TS. Cấn Văn Lực khuyến nghị, cần phối hợp giữa chính sách tài khóa và tiền tệ, trong đó có việc kiểm soát về giá cả. Bên cạnh đó, cần cân nhắc lùi lộ trình tăng giá một số mặt hàng do Nhà nước quản lý nếu áp lực lạm phát lớn hơn. Trong ngắn hạn, để giữ cho giá cả thị trường không xảy ra những biến động tăng mạnh trong tháng 1/2021 – tháng cao điểm cận Tết Nguyên đán, cần sự vào cuộc mạnh mẽ của các bộ, ngành, địa phương trong quản lý, điều hành, bình ổn giá, nhất là các mặt hàng thiết yếu./.
Cẩm Tú/VOV.VN