Liên quan đến vụ Nghịch lý “bến tàu du lịch” lại bị cấm “hoạt động du lịch”?, Công ty CP Vũng Tàu Marina còn bị Ban quản lý các KCN tố không sản xuất tàu thuyền và kiến nghị Ủy ban nhân dân tỉnh thu hồi giấy phép đầu tư.
Theo thông báo nội dung cuộc họp xem xét vướng mắc dự án Bến thuyền du lịch giữa Ban quản lý các khu công nghiệp tỉnh với doanh nghiệp thì kể từ năm 2012 đến nay doanh nghiệp này đã trải qua 7 lần bị thanh tra, kiểm tra và kết quả đều ghi nhận là Công ty Vũng Tàu Marina không thực hiện mục tiêu “sản xuất cano, tàu thuyền bằng công nghệ mới và thân thiện với môi trường” tại địa điểm thực hiện dự án. Và đây chính là lý do mà BIZA cho là công ty đã không thực hiện đúng mục tiêu dự án nên đề nghị UBND tỉnh rút giấy phép đầu tư.
Dự án Bến thuyền du lịch có hai mục tiêu: Xây dựng bến thuyền du lịch và các công trình phụ trợ, sản xuất cano, tàu thuyền bằng công nghệ mới và thân thiện với môi trường. Cơ quan quản lý thừa nhận mục tiêu Bến thuyền du lịch doanh nghiệp đã thực hiện xong nhưng lại không cho hoạt động du lịch. Mục tiêu thứ hai – sản xuất tàu thuyền thân thiện môi trường, doanh nghiệp nói có làm còn cơ quan quản lý KCN thì nói doanh nghiệp không thực hiện?
Tại sao một doanh nghiệp khoa học công nghệ ứng dụng công nghệ vật liệu mới thân thiện môi trường PPC (Polypropylen) vào sản xuất tàu thuyền từ năm 2012 vượt qua bao gian khó để cho ra đời hàng trăm chiếc tàu thuyền mà vẫn bị cơ quan quản lý cáo buộc không làm tàu thuyền?
Không chỉ sản xuất tàu thuyền cho lực lượng vũ trang, Vũng Tàu Marina còn sản xuất tàu thuyền phục vụ du lịch, đặc biệt là sản phẩm thuyền buồm hai thân Catamaran làm nên nét đặc chưng ở Bến du thuyền Vũng Tàu Marina mà không nơi nào có được.
Công ty CP Vũng Tàu Marina tiền thân là công ty Việt Séc thành lập ngày 6/4/2012 và được công nhận là doanh nghiệp khoa học công nghệ ngày 15/10/2012 chuyên về sản xuất tàu thuyền công nghệ vật liệu mới PPC (Polypropylen copolymer). Chặng đường phát triển tàu thuyền PPC doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn do Cục đăng kiểm Việt Nam không đăng kiểm, cho tới khi đại biểu Quốc hội chất vấn tại phiên họp Quốc hội tháng 6/2015 và ngay sau đó Bộ trưởng giao thông vận tải đã vào cuộc chỉ đạo Cục đăng kiểm Việt Nam tháo gỡ khó khăn đăng kiểm tàu cho doanh nghiệp thì con tàu PPC mới chính thức được đưa vào lưu hành.
Niềm vui cho doanh nghiệp chưa được bao lâu thì Cục đăng kiểm Việt Nam lại tham mưu cho Bộ giao thông vận tải ban hành quy chuẩn giới hạn sức chở của tàu thuyền PPC không quá 12 người. Quy chuẩn phân cấp đóng tàu vật liệu PPC, QCVN 95:2016/BGTVT có hiệu lực từ 28/7/2017 với việc giới hạn sức chở mọi phương tiện tối đa 12 người. Quy chuẩn này một lần nữa đẩy doanh nghiệp, người lao động vào khó khăn, hợp đồng đóng tàu bị phá vỡ, công ty phải bồi thường, người lao động thiếu việc làm.
Thấy được khó khăn của doanh nghiệp, Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh, các Đại biểu Quốc hội, sở ngành của tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đã cùng vào cuộc kiến nghị bộ, ngành tháo gỡ khó khăn đăng kiểm tàu thuyền cho doanh nghiệp nhưng từ đó đến nay khó khăn đăng kiểm tàu thuyền vẫn đeo đẳng doanh nghiệp.
Trao đổi với phóng viên, người đứng đầu doanh nghiệp rất buồn lòng khi những nỗ lực vượt khó của doanh nghiệp không được Ban quản lý khu công nghiệp ghi nhận và chia sẻ mà lại qui chụp doanh nghiệp không thực hiện mục tiêu sản xuất tàu thuyền.
Thực tế thì tất cả tàu thuyền trên bến hiện nay, kể cả 9 chiếc thuyền buồm tặng cho các địa phương sản xuất năm 2019 là do doanh nghiệp làm ra, vậy do đâu mà BIZA lại cho rằng doanh nghiệp không sản xuất tàu?
Theo các văn bản thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp và báo cáo của BIZA với Ủy ban nhân dân tỉnh thì lý do doanh nghiệp chưa thực hiện đúng mục tiêu sản xuất tàu thuyền ghi trong giấy chứng nhận đầu tư là doanh nghiệp không sản xuất ở một nơi dự án mà đang sản xuất tàu thuyền tại hai nơi trong khu công nghiệp.
Trao đổi với phóng viên, luật sư Hoàng Thị Vui cho rằng việc sản xuất sản phẩm không nhất thiết phải sản xuất tại một nơi, do nhiều điều kiện hoàn cảnh khác nhau doanh nghiệp có thể sản xuất sản phẩm ở nhiều nơi khác nhau trong khu công nghiệp thậm chí cả ngoài khu công nghiệp và ở nước ngoài, kết quả cuối cùng miễn là doanh nghiệp đã làm ra sản phẩm. Viêc cơ quan quản lý quy kết doanh nghiệp không thực hiện mục tiêu sản xuất tàu thuyền chỉ vì doanh nghiệp làm hai nơi trong khu công nghiệp là quá máy móc và chưa thực sự hiểu và chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp.
Ngay trong giấy chứng nhận đầu tư cấp cho doanh nghiệp thì địa điểm thực hiện dự án là khu công nghiệp chứ không chỉ ra tọa độ nhà máy? Chưa kể đất cấp cho doanh nghiệp chỉ có 2.400 m2 trong khi nhà máy công ty đang sản xuất lên tới hơn 5.000 m2. Về mặt thực tế công ty Vũng Tàu Marina đang có các hoạt động sản xuất tàu thuyền thì không thể nói công ty không thực hiện mục tiêu sản xuất tàu thuyền. Được biết đây là một doanh nghiệp khoa học công nghệ của tỉnh rất tâm huyết với việc phát triển tàu thuyền công nghệ mới thân thiện môi trường, đã từng được các đại biểu Quốc hội tỉnh, Tỉnh ủy, Ủy ban nhân tỉnh và sở ngành cùng tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, vậy tại sao Ban quản lý các KCN lại không nhìn thấy và chia sẻ, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp?
Trao đổi với phóng viên, người điều hành doanh nghiệp cho biết, doanh nghiệp cũng muốn thu gọn về một chỗ nhưng mặt bằng không đảm bảo, điều kiện kinh tế chưa cho phép nên doanh nghiệp mới phải làm hai nơi. Khu vực dự án Bến thuyền du lịch là nơi dùng để neo đậu, chạy thử, kiểm tra và hoàn thiện tàu thuyền trước khi bàn giao cho khách hàng, đây cũng là một công đoạn của quá trình sản xuất.
Không có quy định nào của pháp luật bắt doanh nghiệp chỉ được sản xuất ở một nơi mà không làm ở nhiều nơi. Mục tiêu của dự án là xây dựng Bến thuyền du lịch cũng là để doanh nghiệp quảng bá sản phẩm đến với khách hàng, thúc đẩy cho mục tiêu sản xuất tàu thuyền phát triển, do đó doanh nghiệp đang thực hiện đúng cả hai mục tiêu của dự án đầu tư./.
PV/VOV.VN