Năm 2021, dệt may phấn đấu xuất khẩu đạt 39 tỷ USD

  • 14/01/2021 03:12:38
  • Ánh Phương
  • Kinh tế
  • 0

Năm 2021, xuất khẩu dệt may tiếp tục gặp khó khăn. Song với quyết tâm cao, ứng phó linh hoạt, ngành dệt may đặt mục tiêu xuất khẩu đạt 39 tỷ USD.

 

Năm 2020 tăng trưởng âm 10,5%

Theo báo cáo của McKinsey ngày 4/12/2020, lợi nhuận ngành thời trang toàn cầu đã giảm 93%, hơn 10 thương hiệu chuỗi cung ứng và thương hiệu thời trang lớn phá sản. Khoảng 200.000 lao động trong các chuỗi cung ứng thời trang tại Mỹ đã mất việc làm. Trong khi đó, nhờ không bị gián đoạn sản xuất, nên thị phần của hàng dệt may Việt Nam vẫn tăng trưởng, lần đầu đạt 20% tại thị trường Mỹ, trong đó nhiều tháng đứng ở vị trí số 1 về thị phần. Song năm 2020 là năm đầu tiên sau 25 năm, xuất khẩu dệt may của Việt Nam tăng trưởng âm 10,5%, chỉ đạt 35 tỷ USD so với 39 tỷ USD năm 2019. Tuy nhiên, trong bối cảnh tổng cầu thế giới giảm trên 22%, từ 740 tỷ USD giảm xuống 600 tỷ USD, các quốc gia cạnh tranh đều có mức giảm 15-20%, thậm chí gần 30% nếu bị cách ly dài thì thị phần của hàng dệt may Việt Nam tiếp tục tăng trưởng. Các hiệp định thương mại tuy không thể bù đắp được sự sụt giảm về kim ngạch nhưng đã có tác dụng đáng kể trong việc giảm thiểu thiếu hụt đơn hàng.

Ngành dệt may phải tự thoát khỏi suy nghĩ dựa dẫm vào các nguồn cứu trợ từ bên ngoài để sáng tạo, lớn lên.

Lý giải về nguyên nhân sụt giảm trên, ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas) cho rằng,do đại dịch diễn ra quá đột ngột, khiến thế giới không kiểm soát được và điều này ảnh hưởng đến sức mua toàn cầu. Người dân ưu tiên việc mua nhu yếu phẩm, thực phẩm hơn là quần áo. Veston, sơ mi cao cấp của nam nữ vốn được xem là mặt hàng chiến lược, có giá trị cao nay bị “thay đổi 180 độ” khi sức tiêu thụ giảm tới 80%. Nhiều doanh nghiệp không có đơn hàng hoặc giảm 80% đơn hàng. Để tồn tại, nhiều doanh nghiệp phải chuyển sang sản xuất đồ bảo hộ lao động, đồ mặc nhà, đồ thể thao, khẩu trang vải... Đi kèm với việc chuyển đổi chính là thay đổi công nghệ và phải đào tạo lại lao động, tốn kém chi phí của doanh nghiệp trong khi tình hình kinh doanh gặp nhiều khó khăn.

Ứng phó linh hoạt, vượt qua thách thức

Ông Lê Tiến Trường, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn dệt may Việt Nam Vinatex, cho biết, theo các dự báo của thế giới, thị trường dệt may phục hồi cầu về mức 2019 sớm nhất là quý 2/2022, chậm nhất là quý 4/2023. Chính vì vậy, năm 2021 thị trường tiếp tục khó khăn, bất định, phụ thuộc vào tình hình dịch bệnh trên thế giới. Nhiều đặc điểm mới của chuỗi cung ứng sẽ được thiết lập. Trước tình hình đó, ngành dệt may đã chủ động từ đầu năm khi chuỗi cung ứng nguyên liệu bị gián đoạn bằng nhiều giải pháp tổng hợp, dịch chuyển nguồn cung. Ngay từ đầu tháng 2/2021 sản xuất các sản phẩm PPE phục vụ phòng dịch trong nước, đảm bảo nhu cầu, bình ổn giá, và từ tháng 3 đến tháng 6 thì đây là mặt hàng xuất khẩu chủ yếu, đảm bảo việc làm và thu nhập cho người lao động. Ngành đã xác định ngay từ đầu tháng 2, tài sản quan trọng nhất phải quyết tâm bảo vệ là lực lượng lao động lành nghề và vị trí trong chuỗi cung ứng toàn cầu, với mục tiêu phải đủ năng lực phục hồi ngay khi thị trường có dấu hiệu ấm lại. Chính với quan điểm đó, nên ngành dệt may đã cơ bản đảm bảo việc làm cho một lực lượng lao động rất lớn, lên đến hơn 4 triệu người, dù việc làm ít đi, thu nhập ít đi nhưng vẫn trên mức tối thiểu và không làm mất việc của người lao động, góp phần đảm bảo trật tự, an toàn xã hội.Xác định rõ các thách thức, ngành dệt may đã đặt mục tiêu cao cho năm 2021 là xuất khẩu 39 tỷ USD, mục tiêu trung bình là 38 tỷ USD.

Phát biểu tại Hội nghị tổng kết công tác Đảng và hoạt động sản xuất kinh doanh năm 2020; Triển khai kế hoạch, giải pháp cho năm 2021 của ngành dệt may, ông Lê Song Lai, Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty đầu tư và kinh doanh vốn Nhà nước tại doanh nghiệp cho rằng, thời gian tới, dệt may cần thực hiện chiến lược phát triển bền vững, đi đầu trong xu hướng xanh hóa ngành dệt may, phát triển theo chiều sâu, gia tăng sản phẩm có giá trị cao, cải tiến công tác quản trị, tái cấu trúc các DN, tạo chuỗi cung ứng nội khối, và hệ sinh thái dệt may tiên tiến, tận dụng các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, tham gia sâu chuỗi cung ứng dệt may toàn cầu, phát triển dòng thương hiệu của Vinatex…

Để hỗ trợ hiệu quả và gỡ bỏ vướng mắc, rào cản cho doanh nghiệp ngành dệt may trong thời gian tới, Vinatex kiến nghị Chính phủ sớm phê duyệt chiến lược phát triển ngành đến năm 2030 tầm nhìn 2035, chỉ đạo hình thành các khu công nghiệp dệt may lớn có xử lý nước thải tập trung để thu hút các dự án đầu tư vào khâu dệt nhuộm nhằm đáp ứng yêu cầu xuất xứ của các hiệp định thương mại thế hệ mới, nhất là EVFTA, CPTPP; tiếp tục duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, tỷ giá, lãi suất, tiếp tục giảm lãi suất vay dài hạn. “Bên cạnh đó, ngành dệt may phải ứng phó linh hoạt, tự thoát ra khỏi ý nghĩ dựa dẫm vào các nguồn cứu trợ từ bên ngoài, biết sử dụng khủng hoảng để sáng tạo, để lớn lên không ngừng, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ”, ông Lê Tiến Trường,Chủ tịch HĐQT Tập đoàn dệt may Việt Nam Vinatex, nhấn mạnh./.

Để tận dụng hiệu quả FTA, doanh nghiệp dệt may cần nghiên cứu kỹ cam kết, lộ trình cắt giảm và xóa bỏ thuế quan đối với hàng dệt may. Sau đó, chủ động có kế hoạch đáp ứng quy tắc xuất xứ và nâng cao chất lượng hàng hóa, đáp ứng được yêu cầu của các thị trường nhập khẩu.

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận