“Lính mới” tung hoành sàn chứng khoán
Kết thúc phiên giao dịch ngày 15/1, chỉ số VN-Index đạt 1.194,2 điểm, tăng 6,8 điểm (+0,57%) với thanh khoản 16.318 tỷ đồng. Thị trường đóng cửa tăng điểm tích cực, thanh khoản duy trì và cao hơn so với phiên liền trước. Chốt phiên toàn thị trường thiên về sắc xanh với 320 mã tăng điểm, 40 mã đứng giá và 134 mã giảm điểm.
Về thanh khoản, tính từ đầu năm 2021 đến nay, chỉ riêng sàn HoSE đã có hơn 122 triệu tỷ đồng được khớp lệnh, tương ứng mức bình quân trên 15.000 tỷ đồng/phiên, cao hơn hẳn so với mức bình quân 11.000 tỷ đồng trong tháng 12/2020.
Theo một số nhà đầu tư chứng khoán ở Hà Nội, từ tháng 11/2020 đến nay, đa số mã chứng khoán trên thị trường tăng mạnh.
Trong nhiều năm tôi chơi chứng khoán, chưa khi nào dòng tiền đổ vào thị trường nhiều như hiện nay. Chúng tôi vẫn đùa với nhau ‘cứ mua là có lời, có hàng bán ra là mất’, muốn mua vào thì phải chấp nhận mua giá cao hơn”, anh Hoàng Mạnh Thắng, nhà đầu tư chứng khoán nói.
Nhiều người cho rằng, chính "đội quân lính mới" (nhà đầu tư F0 - những người lần đầu mở tài khoản chứng khoán) đã giúp thị trường chứng khoán liên tục tăng điểm. Theo Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam (VSD), chỉ trong tháng 12/2020 đã có đến 63.243 tài khoản trong nước được mở mới, tăng 53% so với tháng trước và cao nhất từ trước đến nay. Lũy kế cả năm 2020, có tới 393.659 tài khoản giao dịch chứng khoán của nhà đầu tư trong nước được mở mới, trong đó, nhà đầu tư cá nhân chiếm tới 392.527 tài khoản (99,7%). Đây cũng là số lượng tài khoản lớn nhất được nhà đầu tư cá nhân trong nước mở chỉ trong một năm, cao nhất trong vòng 20 năm trở lại đây.
Tính đến cuối năm 2020, có hơn 2,77 triệu tài khoản giao dịch chứng khoán của nhà đầu tư trong và ngoài nước. Trong đó, số tài khoản trong nước chiếm gần 99%, với 2,74 triệu tài khoản (tương đương 2,8% dân số Việt Nam), bao gồm 2,73 triệu tài khoản của nhà đầu tư cá nhân.
"Cơn sốt" chứng khoán tăng nóng, ngay cả các lớp học chứng khoán cũng trở nên sôi động. Trên các mạng xã hội Facebook, Zalo nở rộ lớp học đầu tư chứng khoán miễn phí. Hệ thống môi giới chứng khoán liên tiếp chào mời, lôi kéo người chơi với lời hứa hẹn mức lợi nhuận “trong mơ”. Tuần đầu tiên của năm 2021, tại nhiều công ty chứng khoán có tình trạng nhà đầu tư F0, trong đó có cả sinh viên, người cao tuổi… xếp hàng mở tài khoản.
Rủi ro “đu dây điện”
Chia sẻ tại Diễn đàn Kịch bản kinh tế Việt Nam 2021, Tiến sĩ Quách Mạnh Hào – giảng viên trường Đại học Lincoln (Anh) cho rằng, chất xúc tác cho sự tăng trưởng kinh tế trong năm qua là chính sách tiền tệ và tài khoá thông qua lãi suất thấp, tín dụng ưu đãi, chi tiêu công và hỗ trợ doanh nghiệp. Tuy nhiên, nhiều khả năng năm nay chính sách sẽ thận trọng hơn bởi cơ quan điều hành có thể nhìn nhận lãi suất quá thấp đã kích thích các hoạt động đầu cơ ngoài sản xuất, làm tăng bong bóng tài sản.
“Chính sách nới lỏng tiền tệ hiện tại không thực sự bao trùm nền kinh tế mà chỉ giúp cho đối tượng là DN lớn. Còn DN nhỏ và người nghèo vẫn khó khăn do mất việc làm. Sự tăng trưởng của thị trường chứng khoán thời gian gần đây không thực sự phản ánh sự thịnh vượng của nền kinh tế. Điều này tiềm ẩn rủi ro về nợ xấu gia tăng trong những năm tiếp theo trong hệ thống ngân hàng”, ông Hào lo ngại.
Theo ông Phan Dũng Khánh, Giám đốc Tư vấn đầu tư - Công ty chứng khoán Maybank Kim Eng, năm 2020, kinh tế Việt Nam đã đạt được kết quả rất tốt khi vẫn duy trì được mức tăng trưởng dương 2,91%, nhưng tốc độ tăng của chứng khoán đã lớn gấp nhiều lần so với tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế. Cụ thể, VN-Index đã tăng 70% và HNX-Index thậm chí còn tăng tới 120% (tính từ đáy năm 2020). Theo đó, nhiều cổ phiếu trên sàn đã được định giá ở mức rất cao.
“Bối cảnh kinh tế hiện tại cũng đang tiềm ẩn nhiều khó khăn khi số lượng doanh nghiệp (DN) giải thể, ngừng hoạt động đang ở mức cao nhất trong nhiều năm. Trong khi tăng trưởng của thị trường lại chủ yếu dựa vào dòng tiền của nhà đầu tư cá nhân. Điều này cho thấy nguy cơ bong bóng tài sản đang đến rất gần”, ông Phan Dũng Khánh nhận định.
Ông Khánh cho rằng, hiện các nhà đầu tư cá nhân trên thị trường hầu như chỉ lướt sóng. Số lượng nhà đầu tư mới quá nhiều nên kiến thức, kinh nghiệm đầu tư còn hạn chế. Do đó, rủi ro “đu dây điện”, thua lỗ là rất cao.
Bày tỏ sự lo ngại về sự hưng phấn trên thị trường chứng khoán trong thời gian gần đây, TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia tài chính-ngân hàng cảnh báo, cơ quan quản lý cần lưu ý đối với tình trạng dòng tiền đang ồ ạt đổ vào chứng khoán trong bối cảnh lãi suất giảm, số lượng tài khoản F0 nhà đầu tư mở mới cao kỷ lục.
“Bài toán đặt ra cho Việt Nam là mức lãi suất điều hành như thế nào cho phù hợp. Thấp quá chưa chắc tốt mà cần đảm bảo hài hòa cho các bên, cả người gửi tiền, người vay tiền và vấn đề điều hành vĩ mô. Nếu không sẽ dẫn tới hệ lụy bong bóng tài sản”, ông Lực nêu quan điểm./.
Cẩm Tú/VOV.VN