Nguồn cung đảm bảo giá thịt lợn không tăng đột biến

  • 21/01/2021 11:50:35
  • Vân Hồng
  • Kinh tế
  • 0

Liên quan đến giá thịt lợn đang có xu hướng tăng, Bộ NN&PTNT khẳng định: Nguồn cung thịt lợn cho Tết Tân Sửu sẽ đảm bảo dồi dào, giá cả ở mức hợp lý cho người chăn nuôi và người tiêu dùng, không có sự tăng giá đột biến.

 

Giá thịt lợn tăng theo quy luật cung cầu

Những ngày gần đây giá lợn hơi trên cả nước tăng cao, cụ thể: giá lợn hơi tại miền Bắc đã tăng lên mức 82.000 - 85.000 đồng/kg; tại miền Trung ở mức 78.000 - 82.000 đồng/kg; trong khi miền Nam giá cũng tăng lên mốc 76.000 - 80.000 đồng/kg. Giá lợn hơi xuất chuồng tăng dẫn đến giá thịt lợn tại các chợ dân sinh cũng như trong siêu thị tăng 10.000 - 15.000 đồng/kg. Tại Hà Nội ghi nhận tăng lên mức 130.000 - 180.000 đồng/kg tùy loại.

Diễn biến thị trường khiến người tiêu dùng không khỏi lo lắng bởi giá lợn tăng trái chiều với thông tin dự báo được đưa ra trước đó là cuối quý III/2020, đầu quý IV/2020 giá lợn hơi sẽ giảm xuống,

Lý giải nguyên nhân, ông Nguyễn Văn Trọng, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT) cho hay, theo quy luật thì dịp cận Tết, thường là cuối tháng 11 đầu tháng 12 âm lịch nhu cầu thịt lợn phục vụ chế biến sâu như giò, chả, xúc xích… cao nhất trong năm dẫn đến giá tăng lên, chứ nguồn cung vẫn đang đảm bảo.

Ông Trọng phân tích, đàn lợn cung cấp ra thị trường đợt này được người dân tái đàn đúng vào thời điểm giá lợn giống đang tăng cao, lên đến 3 - 3,5 triệu đồng/con. Do chi phí giống quá cao nên giá thành chăn nuôi lợn của người dân đã ở mức 70.000 đồng/kg, vì vậy, giá lợn hơi hiện nay mới đảm bảo dân có lãi.

Cục Chăn nuôi đã cập nhật thông tin tại các địa bàn, có nơi giá lợn hơi ở mức 83.000 - 85.000 đồng/kg nhưng đó là giá đã qua đại lý cấp 1, cấp 2, còn giá lợn hơi chung ở cả 3 miền Bắc, Trung, Nam dao động ở mức 78.000 - 82.000 đồng/kg. Cũng theo lãnh đạo Cục Chăn nuôi, giá lợn hơi hiện nay đảm bảo lợi ích hài hòa giữa sản xuất, lưu thông và tiêu dùng.

Lãnh đạo Cục Chăn nuôi khẳng định, chắc chắn giá thịt lợn dịp Tết này không tăng đột biến như Tết Canh Tý 2020 vì hiện tại chúng ta có thể chủ động được thực phẩm cho dịp cuối năm.

Nguồn cung thịt lợn dịp Tết sẽ đảm bảo dồi dào, không có sự tăng giá đột biến. Ảnh: Hà Nguyên

Thông tin về tình hình nguồn cung nông sản thực phẩm chất lượng an toàn phục vụ Tết Tân Sửu 2021, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến cho biết, so với năm 2019, năm 2020 sản lượng thịt các loại đạt khoảng 5,37 triệu tấn, tăng 3,5%; sữa tươi đạt trên 1,1 triệu tấn, tăng 12,9%; trứng đạt 14,15 tỷ quả, tăng 6,6%.

Dự kiến, từ nay đến hết Tết Nguyên đán 2021, nhu cầu tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi, nhất là thịt, trứng sẽ tăng lên từ 5 - 10% so với bình quân. Nhu cầu thịt các loại khoảng 250.000 - 350.000 tấn/tháng, khoảng 1 - 1,1 tỷ quả trứng gia cầm...

Tuy nhiên, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến khẳng định: “Với việc duy trì ổn định đàn gia súc, gia cầm, tình hình tái đàn lợn đạt kết quả tốt và tình hình dịch bệnh được kiểm soát chặt chẽ, về cơ bản thị trường sẽ ổn định, cân đối cung cầu đảm bảo không bị thiếu hụt thực phẩm”.

Tái đàn đạt hiệu quả cao

Theo thông tin từ Cục Chăn nuôi, tình hình tái đàn, tăng đàn lợn tại các tỉnh thành trên cả nước diễn ra rất tốt, trong đó có 16 tỉnh có tỷ lệ tái đàn và tăng đàn đạt trên 100%. Cụ thể, đến thời điểm này, tổng đàn lợn cả nước có 27,3 triệu con, đạt 88% so với trước khi xảy ra dịch tả lợn châu Phi, tăng 22% so với tháng 1/2020. Tổng sản lượng thịt năm 2020 đạt trên 5,37 triệu tấn, trong đó thịt lợn đạt 3,8 triệu tấn.

Đặc biệt các doanh nghiệp lớn có tốc độ tái đàn lợn rất mạnh. Tổng đàn lợn thịt của 16 doanh nghiệp chăn nuôi lớn trên cả nước hiện có 5,5 triệu con, tăng 175% so với hồi đầu năm.

Theo Thứ trưởng Phùng Đức Tiến, điều đáng ghi nhận là vấn đề kiểm soát chất lượng, an toàn thực phẩm ngày càng được các địa phương coi trọng. Đến nay, đã có 816 trang trại và 1.249 hộ chăn nuôi được chứng nhận VietGAP, tương đương với sản lượng 608.144 tấn thịt và 315.034 triệu quả trứng; đã phát triển được 1.644 chuỗi cung cấp thực phẩm nông, lâm thủy sản an toàn trên toàn quốc, tăng 130 chuỗi so với cuối năm 2019; tỷ lệ cơ sở sản xuất kinh doanh sản phẩm nông lâm thủy sản được xếp loại A/B đạt 98%; đã ngăn chặn triệt để việc sử dụng chất cấm Salbutamol trong chăn nuôi, tỷ lệ mẫu thịt gia súc, gia cầm tại cơ sở giết mổ và kinh doanh nhiễm hóa chất, kháng sinh chỉ chiếm 0,32%.

Bên cạnh đó, theo số liệu cáo cáo của Cục Thú y, năm 2020, Việt Nam nhập khẩu gần 226.000 tấn thịt lợn các loại, tăng 260% so với năm 2019. Thị trường nhập chủ yếu là từ các nước Nga, Ba Lan, Brazil, Canada, Mỹ, Đức, Tây Ban Nha. Từ đầu tháng 1/2021 đến nay, chúng ta tiếp tục nhập khẩu 600 tấn thịt lợn để bổ sung nguồn cung cho thị trường Tết. Riêng về nhập khẩu lợn sống từ Thái Lan, thống kê của Cục Thú y cho thấy, từ giữa tháng 6/2020 đến ngày 13/1/2021 đã có hơn 503.000 con lợn được nhập về Việt Nam để giết mổ làm thực phẩm.

“Thực tế tốc độ tăng đàn, tái đàn tại các địa phương rất tốt. Sắp tới lại có vaccine phòng dịch tả lợn châu Phi nên chúng ta sẽ sớm đảm bảo nguồn cung thịt lợn trong nước. Khi đó, Bộ NN&PTNT sẽ phối hợp với các bộ, ngành liên quan đánh giá nhu cầu tiêu dùng trong nước, tốc độ tái đàn, khả năng cung ứng để xem xét đóng cửa nhập lợn sống vào thời điểm nào” - Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nhấn mạnh./.

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận