Bắt giữ nhiều vụ hàng lậu, hàng giả
Những ngày giáp tết, tình trạng buôn bán, vận chuyển hàng lậu, hàng giả ngày càng gia tăng. Lực lượng Quản lý thị trường (QLTT) cả nước đã tổ chức kiểm tra, phát hiện, xử lý hàng nghìn vụ buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả.
Tại Hà Nội, theo Ban Chỉ đạo chống buôn lậu, gian lận thương mại (BCĐ 389), trong tháng 11/2020, lực lượng chức năng đã phát hiện, xử lý gần 3.300 vụ buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả. Tháng 1/2021 có thêm nhiều vụ hàng lậu hàng giả tiếp tục bị lưc lượng chức năng bắt giữ. Cụ thể, ngày 18/1, Đội QLTT số 14 phối hợp với Phòng 7, Cục Cảnh sát môi trường C05 (Bộ Công an) thu giữ hàng trăm chai rượu thành phẩm đã được dán nhãn với ngôn ngữ nước ngoài cùng hàng nghìn vỏ chai hình các con vật và các vật dụng khác như can, phễu, máy khò, nắp chai, màng co nilon tại cơ sở kinh doanh thuộc Công ty Cổ phần Âu Việt Phát. Tiến hành kiểm tra, Đoàn đã phát hiện có 433 chai rượu thành phẩm hình các con vật như chuột, trâu, hổ báo, chuột túi, cá. Ngoài ra có 2.954 vỏ chai hình con chuột và con trâu, 960 nhãn hàng hóa có chữ nước ngoài; 1.260 tem hàng hóa dùng dán vào nắp chai rượu, 320 chiếc nắp chai; 5.200 màng co nilon cùng hàng chục vỏ can nhựa, bình nhựa, cốc, phễu, máy khò nóng. Toàn bộ số hàng trên có nhãn trên nhãn ghi bằng tiếng nước ngoài, không có công bố tiêu chuẩn áp dụng, chủ cơ sở chưa xuất trình được giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh và các giấy tờ khác liên quan đến nguồn gốc xuất xứ của sản phẩm.
Trước đó, Đội QLTT số 1 (Cục QLTT Hà Nội) kiểm tra cơ sở sản xuất, gia công quần áo tại C14 Vinh Quang (Khu công nghiệp Ninh Hiệp, xã Ninh Hiệp), đã phát hiện cơ sở này sản xuất quần, áo giả mạo nhãn hiệu Adidas, Chanel, Burberry, Gucci với số lượng lên đến gần 130 nghìn chiếc quần, áo thành phẩm…
Ở các tỉnh vùng biên như Lào Cai, Lạng Sơn… tình trạng hàng giả, hàng lậu cũng gia tăng. Tháng 12/2020, lực lượng QLTT tỉnh Lạng Sơn đã phát hiện, thu giữ 700 hộp phấn mắt 16 màu hiệu Tutu Kaqi Color Palette và hàng nghìn sản phẩm nhập lậu không có hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc hợp pháp đang được vận chuyển trên hai xe ôtô 16 chỗ đi tiêu thụ trong nước. Ngày 19/01, Đội QLTT số 3 Lạng Sơn đã phối hợp với PC03 - Công an tỉnh Lạng Sơn kiểm tra phát hiện 9.000 chiếc chân gà (300kg), thành phẩm đã qua tẩm ướp gia vị, hút chân không, có nhãn hàng hóa bằng tiếng Trung Quốc. Toàn bộ số hàng hóa trên không có hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc xuất xứ.
Tương tự, tại Lào Cai, Đội QLTT số 5 phối hợp với phòng Cảnh sát kinh tế - Công an tỉnh Lào Cai và Đội kiểm soát liên ngành chống buôn lậu ngày 16/1 tạm giữ 1080 lọ rượu trái cây nhập lậu. Toàn bộ vỏ hộp ghi chữ nước ngoài, không có hóa đơn, chứng từ; ngày 19/1 phát hiện 2.038 đôi giầy dép do nước ngoài sản xuất không xuất trình được các giấy tờ chứng minh nguồn gốc hợp pháp của lô hàng.
Tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường
Đánh giá về tình hình buôn bán hàng giả, hàng lậu, ông Chu Xuân Kiên - Cục trưởng Cục QLTT - Hà Nội cho biết, tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại diễn biến phức tạp với nhiều thủ đoạn tinh vi. Đáng chú ý là tình hình kinh doanh, vận chuyển hàng lậu, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ qua đường bưu điện, chuyển phát nhanh gia tăng, diễn biến phức tạp.
Để trốn tránh lực lượng chức năng, các đối tượng buôn lậu thường tập kết hàng hóa ở ven Hà Nội, xé lẻ đưa vào thành phố theo nhiều cung đường, địa điểm, thời gian khác nhau. Trong quá trình vận chuyển, các đối tượng thường trà trộn hàng lậu với hàng hóa có nguồn gốc xuất xứ, thường xuyên thay đổi phương thức, thủ đoạn và có sự tham gia của các đối tượng nước ngoài; câu kết từ khâu sản xuất đến khâu phân phối, sử dụng phương tiện công nghệ, kỹ thuật cao để đối phó với cơ quan QLTT. Đặc biệt, một số thủ đoạn mới đang xuất hiện trên nền tảng thương mại điện tử tập trung vào nhóm hàng hóa có giá trị cao, những mặt hàng do nước ngoài sản xuất.
Năm 2020, lực lượng QLTT phát hiện, xử lý trên 66 nghìn vụ vi phạm; thu nộp ngân sách nhà nước trên 352,15 tỷ đồng; trị giá hàng tịch thu chưa bán (ước tính) trên 136 tỷ đồng, trị giá hàng hoá vi phạm (ước tính) trên 392 tỷ đồng. Trong đó, đã chuyển cơ quan điều tra, xem xét trách nhiệm hình sự 157 vụ; đã xử lý 26 vụ; đang xem xét 81; 50 vụ được chuyển trả để xử lý vi phạm hành chính. |
Theo ông Trần Hữu Linh, Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường, Bộ Công Thương, hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong năm 2021 sẽ còn diễn biến phức tạp với nhiều phương thức, thủ đoạn. Tổng Cục QLTT đã ban hành kế hoạch cao điểm kiểm tra, kiểm soát thị trường dịp Tết Tân Sửu. Theo đó, Cục QLTT các tỉnh, thành phố tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường, xử lý nghiêm hành vi vi phạm pháp luật, chú trọng các mặt hàng có nhu cầu cao trong phòng, chống dịch Covid-19; mặt hàng thiết yếu được tiêu dùng nhiều trong dịp Tết Dương lịch và Tết Tân Sửu 2021.