Tăng cường quản lý chất lượng thuỷ sản xuất khẩu

  • 25/03/2021 15:56:51
  • Vân Hồng
  • Kinh tế
  • 0

Để đạt mục tiêu xuất khẩu thủy sản năm 2021 đạt trên 8,7 tỷ USD, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xác định việc giám sát tốt dịch bệnh, quản lý chất lượng thủy sản là nhiệm vụ quan trọng.

 

Tồn tại còn nhiều

Giá trị xuất khẩu thủy sản tháng 2 năm 2021 ước đạt 400 triệu USD, đưa giá trị xuất khẩu thủy sản 2 tháng đầu năm 2021 đạt 1,01 tỷ USD, tăng 0,7% so với cùng kỳ năm 2020. Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) dự báo, con số này sẽ tăng mạnh từ tháng 3/2021 dự kiến đạt khoảng 640 triệu USD, tăng 1,5% so với cùng kỳ năm trước.

Tuy nhiên, ngành thuỷ sản còn nhiều rào cản cần sớm khắc phục. Cụ thể là theo báo cáo của Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Bộ NN& PTNT), từ đầu năm đến nay, số lượng lô hàng thủy sản vi phạm chất lượng an toàn thực phẩm bị trả về tăng đột biến. Thị trường Trung Quốc có đến 15/40 lô vi phạm bị trả về, trong khi cả năm 2020 số lượng lô vi phạm bị trả về chỉ là 6/14 lô.

Ông Ngô Hồng Phong - Phó Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản (NAFIQAD) - cho biết: “Gần đây phía Trung Quốc cảnh báo một số lô hàng tôm đông lạnh, tôm đã xử lý nhiệt của Việt Nam bị phát hiện dương tính với bệnh hoại tử dưới vỏ và cơ quan tạo máu (IHHNV), virus đốm trắng (WSSV). NAFIQAD đã có văn bản gửi cơ quan kiểm dịch Trung Quốc đề nghị cấp cơ sở khoa học, cơ sở pháp lý cảnh báo bệnh IHHNV, WSSV đối với sản phẩm tôm đã xử lý nhiệt và bằng chứng về đánh giá rủi ro bóc vỏ, bỏ đầu”.

Ông Phong cho biết thêm, các thị trường nhập khẩu thủy sản của Việt Nam liên tục có thay đổi trong quy định chứng nhận an toàn thực phẩm. Thị trường Hàn Quốc bổ sung 5 chỉ tiêu bệnh (DIV1, TiLV, NHP, SAV, AHPND) đối với một số loài/dạng sản phẩm thủy sản. Theo đó, từ ngày 1/8/2021, các lô hàng xuất khẩu vào Hàn Quốc phải kèm theo chứng thư chứng nhận kiểm dịch đối với 5 bệnh này. Đối với sản phẩm tôm nấu chín, nước này quy định thời gian xử lý nhiệt dài, gây ảnh hưởng đến cảm quan về màu sắc, mùi vị của sản phẩm. Đối với thị trường Australia, sản phẩm tôm chưa nấu chín xuất khẩu sang nước này cần đảm bảo các yêu cầu: được kiểm tra, phân hạng tại cơ sở chế biến được cơ quan thẩm quyền nước xuất khẩu chứng nhận và kiểm soát không có các dấu hiệu mắc bệnh; mỗi lô tôm sau chế biến được lấy mẫu xét nghiệm âm tính đối với virus đốm trắng, đầu vàng...

Giá trị sản xuất thủy sản của Việt Nam 2 tháng đầu năm 2021 tăng 0,7%.

Về tình hình dịch bệnh, ông Nguyễn Văn Long, Phó cục trưởng Cục Thú y cho biết, năm 2020, tổng diện tích nuôi trồng thủy sản bị thiệt hại là 46.217ha, gấp 1,9 lần so với cùng kỳ năm 2019. Năm 2021 tính đến ngày 15/3, tổng diện tích nuôi trồng thủy sản bị thiệt hại là hơn 1.897ha, giảm 61% so với cùng kỳ năm 2020. Tuy nhiên, việc giảm diện tích thiệt hại một phần do diện tích thả nuôi tôm chưa nhiều, mới đạt gần 60% diện tích nuôi.

Xây dựng vùng, chuỗi sản xuất an toàn dịch bệnh

Để hạn chế những lô hàng thủy sản bị trả về, giảm thiểu thiệt hại nuôi trồng thuỷ sản, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến nhấn mạnh: “Việc cần làm ngay là giám sát tốt an toàn dịch bệnh để đáp ứng các yêu cầu thị trường. Các địa phương, doanh nghiệp cần xây dựng vùng, chuỗi cơ sở sản xuất thủy sản an toàn dịch bệnh. Yếu tố quan trọng nhất quyết định cho phòng chống dịch bệnh thủy sản là nuôi trồng an toàn sinh học”.

Cũng theo Thứ trưởng Phùng Đức Tiến, để nuôi trồng thủy sản an toàn cũng cần đảm bảo các yếu tố khác như giống, thức ăn, quy trình nuôi, chế phẩm sinh học… Đặc biệt là chế phẩm sinh học đang được sử dụng trong nuôi trồng thủy sản khá nhiều nên Bộ NN&PTNT sẽ chỉ đạo Tổng cục Thủy sản rà soát lại các chế phẩm sinh học, không để người nuôi trồng sử dụng các sản phẩm không hiệu quả mà làm tăng giá thành sản phẩm, các chỉ tiêu không đạt khiến hiệu quả giảm, kéo theo sức cạnh tranh của sản phẩm giảm.

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cũng cho biết, Bộ NN&PTNT đang xây dựng để trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Kế hoạch quốc gia phòng chống một số bệnh nguy hiểm, dịch bệnh thủy sản nuôi giai đoạn 2021-2025. Đây sẽ là căn cứ pháp lý để các tỉnh, thành phố bố trí ngân sách, nguồn lực để triển khai.

VASEP đưa ra giải pháp, các doanh nghiệp thủy sản cần thiết lập và thực hiện hiệu quả hệ thống truy xuất nguồn gốc từ khâu nguyên liệu đến thành phẩm trước khi tiêu thụ ra thị trường; nghiêm túc tuân thủ các quy tắc về xuất xứ, nghĩa vụ thuế theo quy định của thị trường để tránh các điều tra về thuế và xuất xứ sản phẩm; đồng thời chủ động thiết lập kênh thông tin với nhà nhập khẩu và cơ quan quản lý để kịp thời xử lý các vấn đề liên quan đến chất lượng thủy sản cũng như khó khăn vướng mắc về thủ tục …

Cục Thú y đề nghị các địa phương và người nuôi trồng thủy sản chủ động giám sát dịch bệnh, xử lý môi trường trước khi thả nuôi, sử dụng nguồn nước đảm bảo, sử dụng con giống, chế phẩm sinh học có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, chất lượng; cần thả nuôi với mật độ hợp lý, tránh thả nuôi dày, góp phần giảm thiểu nguy cơ dịch bệnh phát sinh đối với thủy sản./.

 

Bình luận

    Chưa có bình luận