Quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng: Tránh bê tông hóa, điều chỉnh quy hoạch tùy tiện

Phát triển thành phố ven sông phải là những công trình hiện đại, hài hòa, thuận thiên; một đô thị xanh đáng sống, vẹn nguyên các đặc trưng văn hóa sông Hồng...

 

Phát triển thành phố ven sông phải là những công trình hiện đại, hài hòa, thuận thiên; một đô thị xanh đáng sống, vẹn nguyên các đặc trưng văn hóa sông Hồng. Tránh bê tông hóa, điều chỉnh quy hoạch tùy tiện.

Quản lý địa bàn ngoài đê sông Hồng có dân cư sinh sống sớm nhất (những năm 60 của thế kỷ trước) của thành phố Hà Nội, ông Phạm Tuấn Long, Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm khẳng định, quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng sẽ là động lực mới để quận trung tâm như Hoàn Kiếm phát triển mạnh mẽ. Những công trình kém chất lượng, hạ tầng xã hội không đáp ứng sẽ được thay thế, nâng cấp.

Người đứng đầu chính quyền quận Hoàn Kiếm cũng cho rằng, khi đồ án quy hoạch phân khu được phê duyệt, điều quan trọng nhất là việc triển khai quy hoạch như thế nào để thật sự chất lượng, bền vững. Theo ông Long, việc triển khai quy hoạch không chỉ phụ thuộc vào các cơ quan quản lý nhà nước mà cần sự tham gia của các nhà khoa học, chuyên gia cũng như người dân.

“Chúng tôi cũng đang tiếp tục điều tra và lập hồ sơ hiện trạng để phục vụ cho công tác hoàn chỉnh hồ sơ thiết kế để lập quy hoạch. Và căn cứ vào các chỉ tiêu về quy hoạch như cân đối dân cư, cân đối về hạ tầng kỹ thuật rồi quy hoạch về phát triển không gian từ đó sẽ quyết định số lượng dân cư ở từng khu vực, từng quận, huyện phù hợp với quy hoạch chung của thành phố” - ông Phạm Tuấn Long nói.

(Ảnh minh họa: KT)

Trước đề án quy hoạch mang tính lịch sử liên quan đến sông Hồng, nhiều chuyên gia trong lĩnh vực kiến trúc đô thị, môi trường cho rằng, vấn đề cần quan tâm nhất là quy hoạch chỉnh trị, ổn định dòng chảy và hành lang thoát lũ sông Hồng. Lựa chọn dòng chảy ổn định thì việc đánh giá hiện trạng đất bãi, mặt nước mới có cơ sở, từ đó chọn các giải pháp quy hoạch phù hợp.

TS Đào Trọng Tứ - Trưởng ban điều hành Mạng lưới sông ngòi Việt Nam (Trung tâm Phát triển bền vững tài nguyên nước và thích nghi biến đổi khí hậu) khẳng định, quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng là một vấn đề lớn đối với đô thị Hà Nội ở nhiều khía cạnh. Trong đó có vấn đề thiên tai - thoát lũ, môi trường sinh thái... Vì vậy, việc xây dựng đồ án quy hoạch phải được nhìn nhận một cách thật sự cẩn thận, thấu đáo. Không đơn giản là câu chuyện đặt lên trên hai bờ sông Hồng những dự án, công trình kiến trúc.

Theo PGS.TS Đào Trọng Tứ, trước hết phải tập trung đánh giá quy hoạch phòng, chống lũ cho lưu vực sông Hồng, với những tình huống kịch bản cụ thể trong tương lai, kể cả các sự cố. Điều đó có nghĩa là, quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng phải gắn chặt và tuân thủ một cách tuyệt đối quy hoạch thoát lũ, bảo vệ môi trường.

“Tác động môi trường thì rất rõ rồi. Vì khi đặt hệ thống một khu đô thị lớn rõ ràng luôn đi đôi với vấn đề môi trường. Tại vì từ trước đến nay câu chuyện ấy chúng ta cẩn thận. Sông Hồng hiện nay thì mức độ ô nhiễm chưa lớn, vẫn còn khả năng pha loãng. Nhưng mà trong tương lai nếu là vấn đề khi chúng ta phát triển ồ ạt và các khu đô thị lên thì sức chịu tải của các dòng sông nó không chịu tải nổi, tác động môi trường rất lớn” - PGS.TS Đào Trọng Tứ nói

Hiến kế để đồ án phân khu đô thị hai bờ sông Hồng là một bản quy hoạch chất lượng, kiến trúc sư Trần Ngọc Chính - Chủ tịch Hội Quy hoạch và Phát triển đô thị Việt Nam nhấn mạnh, vấn đề cốt lõi là hình thành được bố cục, cảnh quan và tạo điều kiện tốt nhất cho người dân có thể tiếp cận sông Hồng. Con sông mang đậm những giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc, trong đó nổ bật là văn hóa Thăng Long, biểu tượng nền văn minh lúa nước - vùng đồng bằng Bắc Bộ phải trở thành địa điểm văn hóa, trung tâm vui chơi giải trí lớn không chỉ của cư dân Thủ đô mà mọi du khách khi đến với Hà Nội.

Cùng với việc hạn chế nhà cao tầng, cần tập trung vào những đồ án phía sau của phân khu là đồ án quy hoạch chi tiết, dự án đầu tư, tổ chức thi tuyển ý tưởng những khu chức năng như: giữa sông, hai bên bờ, trên đê... để sông Hồng thực sự trở thành một trục cảnh quan thiên nhiên và dòng chảy lịch sử tạo nên dấu ấn của nền văn hóa Thăng Long. Điều đó rất cần tầm nhìn và quyết tâm cao của lãnh đạo thành phố.

“Hà Nội nên thành lập một ban quản lý về các đô thị sông Hồng ngay từ bây giờ. Ban này phải có trách nhiệm làm việc với tinh thần rất cao là có quy chế quản lý, tổ chức và phải có một kiến trúc sư trưởng hàng đầu ở đấy để cùng với các sở, ban, ngành quản lý toàn bộ sự phát triển ở đấy. Bởi vì sau đấy là còn điện nước này, vấn đề thoát nước bẩn, về trồng cây xanh rồi hệ thống trồng cây xanh cho sông Hồng cũng là công việc lớn” - kiến trúc sư Trần Ngọc Chính nói.

Vui mừng về một thành phố hai bên bờ sông Hồng đang dần trở thành hiện thực, ông Trần Hồng Phong, trú tại phường Bạch Đằng (một trong 2 phường có diện tích đất ngoài đê của quận Hai Bà Trưng) cho rằng, thành phố cần ưu tiên quỹ đất cho giao thông, các công trình văn hóa, khuôn viên cây xanh. Cùng với đó là quản lý tốt quy hoạch, tránh bê tông hóa, điều chỉnh quy hoạch tùy tiện.

“Để đô thị hai bên bờ sông Hồng thật sự đẹp, tôi đề nghị cùng với việc hạn chế tối đa nhà cao tầng thì thành phố phải chú trọng công tác quản lý quy hoạch. Quy hoạch có tốt mà quản lý quy hoạch không tốt thì đô thị cũng bị méo mó. Thực tế nhiều khu đô thị trên địa bàn thành phố đã bị điều chỉnh quy hoạch, làm biến dạng, chẳng hạn như khu đô thị Linh Đàm” - ông Trần Hồng Phong nói.

Tiên lượng được vấn đề này, để đảm bảo tuân thủ quy hoạch, ngày 22/3 vừa qua, Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội đã có kết luận về chủ trương chỉ đạo đối với đồ án quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng. Trong đó nhấn mạnh, việc tăng cường công tác quản lý quy hoạch, quản lý đất đai, trật tự xây dựng, tuyệt đối không để xảy ra tình trạng lợi dụng quy hoạch để có các hành vi vi phạm, trục lợi chính sách về đất đai./.

Huy Nam/VOV1

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận