Thời gian gần đây, giá bất động sản (BĐS) tăng đột biến, nhất là ở những khu vực có thông tin quy hoạch như nội đô Hà Nội, phân khu hai bên sông Hồng, hay những nơi được các địa phương dự kiến xây sân bay, sân golf…
Ví dụ như khu đất bãi giữa sông Hồng vốn hoang hóa, sau khi một số người dân “nhảy dù” lấn chiếm, cách đây 3 năm được giao dịch với giá khoảng 150 triệu đồng thì nay đã lên tới hơn 2 tỷ đồng/sào (360m2), khi nghe phong thanh nơi đây sẽ là trục lõi của “phân khu hai bên sông Hồng”. Không chỉ “sốt cục bộ” ở những khu vực có thông tin quy hoạch, thị trường BĐS đang thiết lập một mặt bằng giá mới. Phân khúc nhà ở đô thị gần như mất hẳn mức giá dưới 20 triệu đồng/m2 - là mức giá có tính thanh khoản cao do đáp ứng được nhu cầu của người muốn mua nhà ở thực sự.
Giá BĐS tăng lên do thông tin về quy hoạch. Tuy nhiên, không phải ai cũng hiểu quy hoạch đang ở mức độ nào thì còn phải chờ thông tin chính thức từ các cơ quan có thẩm quyền. Nếu vội vàng mua bán, người dân rất dễ vướng phải những khu đất không được đền bù hoặc giá trị đền bù thấp. Ở đây có trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước khi chưa công bố đầy đủ thông tin quy hoạch theo mục 3 Luật Quy hoạch năm 2017, hoặc thông tin công bố không đến được với người dân. Nhưng chính những người đang lao theo cơn sốt đất đã và đang đẩy giá lên khi “tranh mua, tranh bán” làm mất đi cơ hội của những người có nhu cầu nhà ở thực sự. Bởi vậy, rất cần xây dựng một hệ thống cơ sở dữ liệu về giá đất và quy hoạch đất đai thống nhất toàn quốc, và những thông tin này phải được công khai, minh bạch và dễ tiếp cận để người dân có cơ sở phân tích.
Quá trình đô thị hóa cũng là một tác nhân không nhỏ dẫn đến giá BĐS tăng, bởi theo bảng giá đất do UBND các tỉnh, thành phố đưa ra thì giá đất giữa một phường và một xã giáp ranh với nhau có mức chênh lệch khá lớn. Mức chênh lệch đó khi chuyển sang giá đất thị trường sẽ cao gấp nhiều lần.
Một thông tin đáng e ngại: Nhiều ngân hàng đang triển khai các gói cho vay mua BĐS, với lãi suất ưu đãi chỉ từ 5,9%/năm đến 7,6%/năm tùy theo kỳ hạn và sau khi hết ưu đãi, lãi suất cũng chỉ khoảng 9 - 10%, giảm 1 - 2%/năm so với trước. Theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước, hơn 19% tổng dư nợ tín dụng toàn nền kinh tế chảy vào kênh BĐS. Dư nợ BĐS tại TP.HCM đang chiếm 13,8% tổng dư nợ, tăng 1% so với con số ước 12,8% cuối năm ngoái và đạt 2,6 triệu tỷ đồng.
Giá nhà đất cứ tăng nhưng rất ít người mua để sử dụng, trong khi tiền từ ngân hàng chảy vào kênh BĐS tăng, có nghĩa là người không có nhu cầu, không mua BĐS cũng phải trả tiền cho lợi nhuận chảy vào túi những người đầu cơ BĐS. Ngân hàng Nhà nước cho biết sẽ theo dõi chặt chẽ tình hình cấp tín dụng đối với BĐS và tăng cường thanh tra, giám sát với tín dụng đầu tư, kinh doanh BĐS...
Khi tiền đổ mạnh vào BĐS, giá sẽ còn tăng, đồng tiền thực tế sẽ mất giá. Giấc mơ an cư ngày càng trở nên xa vời đối với người có thu nhập trung bình và thấp. Còn những người đã an cư, không có nhu cầu mua bán BĐS cũng bị giảm mức sống, cho dù vẫn giữ mức chi tiêu như trước./.