Huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam là một trong 62 huyện nghèo được hỗ trợ theo Nghị quyết 30a của Chính phủ về Chương trình hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững. 5 năm qua, các cấp ủy Đảng ở huyện miền núi Nam Trà My (tỉnh Quảng Nam) phân công cán bộ, đảng viên giúp đỡ hộ nghèo thông qua những hình thức như tuyên truyền, vận động, hướng dẫn cách làm ăn và đồng hành vượt khó với các hộ nghèo. Nhờ đó, tỷ lệ hộ nghèo ở huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam giảm nhanh, từ 71% vào năm 2015 đến nay chỉ còn hơn 30%.
Vợ chồng anh Hồ Văn Thước còn trẻ, đông con nên đời sống kinh tế thuộc diện khó khăn nhất nhì ở xã Trà Mai, huyện miền núi cao Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam. Cách đây 3 năm, vợ chồng anh Thước chỉ biết bám vào nương rẫy, rồi làm nghề phụ hồ kiếm thêm vài đồng trang trải cuộc sống. Năm mưa thuận, gió hòa thì gia đình anh có cái ăn, cái mặc; năm nào thời tiết khắc nghiệt thì cái đói lại ập đến rất nhanh.
Năm 2017, vợ chồng anh Thước được đảng viên trong thôn tới nhà hướng dẫn cách làm ăn. Gia đình anh Thước được vay vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội, anh Thước đầu tư chăn nuôi lợn nái, bò, kết hợp trồng quế, nấu rượu đem bán. Bây giờ, gia đình anh Hồ Văn Thước đã có của ăn của để.
“Nhờ có sự giúp đỡ của cán bộ trong thôn mà giờ tôi có cuộc sống ổn định hơn. Gia đình cũng dành một số vốn để nuôi lợn, nấu rượu. Giờ hiện tại nhà cũng có được 6, 7 con lợn nái để bán, có thể nói là làm ra tiền, có đồng ra đồng vào rồi, cuộc sống cũng ổn” - anh Thước chia sẻ.
Với kinh nghiệm vận động, giúp đỡ các hộ dân nghèo, chị Đặng Thị Man, cán bộ xã Trà Leng, huyện Nam Trà My đã giúp 8 hộ thoát nghèo bền vững. Chị Man cho biết, mình thường xuyên đến từng nhà dân để tìm hiểu hoàn cảnh, tâm tư rồi vận động bà con tìm cách thoát nghèo. Dựa vào điều kiện sản xuất từng hộ, chị đã tư vấn cho bà con chuyển sang trồng cây gì, nuôi con gì cho phù hợp. Chị Man cũng hỗ trợ bà con cách làm thủ tục vay vốn, phát triển các mô hình kinh tế.
“Tôi tuyên truyền vận động bà con nhất là hộ nào cảm thấy có đủ nhân lực, vợ chồng trẻ có đủ điều kiện để thoát nghèo thì chúng tôi vận động họ đăng ký thoát nghèo, tiếp cận các chế độ chính sách của nhà nước. Chúng tôi giúp họ bằng cách tiếp cận nguồn vốn vay để phát triển kinh tế một là trồng quế, hay phát triển chăn nuôi” chị Đặng Thị Man nói.
Mô hình đảng viên giúp dân thoát nghèo được Đảng bộ huyện miền núi cao Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam thực hiện từ năm 2015. Cách làm này đã và đang mang lại hiệu quả thiết thực, góp phần nâng cao vai trò, uy tín của các đảng viên. Mỗi cơ quan, đơn vị trên địa bàn huyện đều phân công 3 cán bộ, đảng viên giúp đỡ một hộ nghèo. Nhóm cán bộ, đảng viên này thường xuyên hướng dẫn, tư vấn hộ nghèo tiếp cận nguồn vốn ưu đãi, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Điều quan trọng là hướng dẫn chứ không làm thay, từng bước thay đổi cách nghĩ, cách làm của người dân.
Ông Châu Minh Nghĩa, Chủ tịch UBND xã Trà Mai, huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam cho biết, từ công tác tuyên truyền, vận động, đến nay nhiều hộ dân đã thay đổi nhận thức, một số hộ còn biết buôn bán, kinh doanh.
“Tất cả các đồng chí được giao nhiệm vụ giúp người dân thoát nghèo đều là những người ở gần với dân. Họ là hàng xóm với nhau, quan tâm, vận động dễ hơn. Đồng thời, tổ hướng dẫn người dân thoát nghèo phải thường xuyên họp để họ báo cáo tình hình của các hộ” - ông Châu Minh Nghĩa nói.
Thời gian gần đây, Đảng bộ huyện miền núi Nam Trà My đã đẩy mạnh công cuộc xóa đói giảm nghèo. Việc phân công từng cán bộ, đảng viên đến nhà giúp dân thoát nghèo bền vững mang lại nhiều kết quả đáng mừng. Nếu như năm 2015, tỷ lệ hộ nghèo ở huyện Nam Trà My chiếm 71% tổng số hộ trong huyện thì đến nay tỷ lệ này giảm xuống còn hơn 30%, bình quân mỗi năm giảm hơn 7%.
Ông Trần Duy Dũng, Chủ tịch UBND huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam cho biết, mô hình phân công đảng viên giúp các hộ thoát nghèo bền vững thể hiện sự chia sẻ trách nhiệm đối với người dân.
“Chủ trương này đem lại hiệu quả rất cao vì các cơ quan, đơn vị, cán bộ, công chức được giao giúp các hộ nghèo sẽ xây dựng kế hoạch giúp phát triển sản xuất, trong đó kể cả việc giúp họ vay vốn từ ngân hàng chính sách. Ngoài ra, thời gian qua huyện cũng có nguồn của Chính phủ trong chương trình mục tiêu dự án nhân rộng mô hình giảm nghèo. Hiện nay, huyện đang triển khai vài chục dự án như vậy, giúp người dân cải thiện được đời sống, có thu nhập, thoát nghèo” - ông Trần Duy Dũng cho biết.
Nhiều năm qua, tỉnh Quảng Nam thực hiện nhiều mô hình, chính sách hỗ trợ giảm nghèo rất hiệu quả. Theo đó, cuộc sống của nhiều hộ nghèo từng bước được nâng cao./.
Phương Cúc/VOV-miền Trung