Quy mô doanh nghiệp FDI giảm dần theo thời gian
Theo Báo cáo Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) 2020, vài năm gần đây đã cảnh báo về dấu hiệu quy mô doanh nghiệp đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) giảm dần theo thời gian. Trong khi số lượng doanh nghiệp FDI tiếp tục tăng lên, quy mô vốn đầu tư và lao động trung bình của khối này đang có xu hướng thu nhỏ dần.
Trên thực tế, một số chuyên gia khác cũng đã cảnh báo về việc xuất hiện nhiều doanh nghiệp FDI quy mô nhỏ vào Việt Nam với vai trò vệ tinh – cung ứng cho các dự án FDI lớn. Các doanh nghiệp này có thể chiếm mất thị phần của các nhà cung ứng trong nước và cản trở các doanh nghiệp Việt Nam hội nhập các chuỗi cung ứng toàn cầu.
Trong báo cáo PCI 2019, đã có một số tín hiệu ban đầu về hiện tượng chững lại của xu hướng giảm quy mô nói trên. Tuy nhiên, dưới các tác động của Covid-19, xu hướng này có dấu hiệu quay trở lại trong năm 2020.
“Lần đầu tiên trong 11 năm điều tra PCI-FDI, tỷ lệ doanh nghiệp có dưới 5 lao động đã vượt quá 10%, chính xác là 10,8% so với mức 9,1% của năm 2019. Tỷ lệ doanh nghiệp có từ 5-9 lao động cũng tăng từ 10,6 lên 11,3%”, ông Đậu Anh Tuấn, Giám đốc Dự án PCI cho hay.
Dấu hiệu đảo ngược này cũng diễn ra với quy mô vốn chủ sở hữu. Năm 2019, tỷ lệ doanh nghiệp có số vốn dưới 0,5 tỷ đồng chỉ là 9,8%. Một năm sau, con số này tăng lên mức cao kỷ lục 13,1%. Với nhóm doanh nghiệp lớn, chỉ có 3,7% doanh nghiệp FDI có số vốn chủ sở hữu từ 200 đến 500 tỷ đồng, và chỉ 4,6% doanh nghiệp có số vốn trên 500 tỷ đồng (so với con số tương ứng 5,0 và 5,1% năm 2019).
“Cũng như ở các nước khác, dường như doanh nghiệp FDI tại Việt Nam đã buộc phải cắt giảm quy mô lao động và ngừng đầu tư để ứng phó với tình hình kinh tế khó khăn”, ông Đậu Anh Tuấn cho biết.
Môi trường kinh doanh có nhiều cải thiện
Tuy nhiên, một điều đáng mừng là kết quả điều tra PCI 2020 cho thấy, các doanh nghiệp FDI vẫn tiếp tục coi Việt Nam là điểm đến đầu tư hấp dẫn với lợi thế chính trị ổn định, thủ tục hành chính dần thông thoáng, thanh, kiểm tra và chi phí không chính thức đã giảm bớt.
Ông Daniel J. Kritenbrink, Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam cho rằng, giá trị và sản phẩm quan trọng nhất của PCI không phải là bảng xếp hạng thứ bậc của các địa phương mà chính là những bài học kinh nghiệm, những mô hình và công nghệ cải cách được lan tỏa và chia sẻ. Chỉ số PCI 16 năm qua có vai trò quan trọng thúc đẩy tính minh bạch, trách nhiệm giải trình trong công tác điều hành kinh tế cấp tỉnh tại Việt Nam, tạo thuận lợi cho phát triển kinh tế tư nhân, qua đó thúc đẩy năng lực cạnh tranh của Việt Nam trên trường quốc tế.
“Những năm qua, các loại phí không chính thức tiếp tục giảm. Đây là kết quả to lớn đạt được từ cuộc chiến chống tham nhũng. PCI chương cuối định hướng ra con đường phát triển Việt Nam trong thời gian tới. Các nhà đầu tư trong nước và nước ngoài đang áp dụng những công nghệ có quy trình hiện đại để xây dựng một nền kinh tế xanh hơn, ổn định hơn”, Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam nói.
Theo ông Daniel, Việt Nam đã đạt được những thành tích tích cực nhờ cải thiện về thủ tục hành chính, điển hình như thủ tục về hải quan. Ngoài ra, thành công trong công cuộc chống dịch Covid-19 đã tác động tích cực đến các doanh nghiệp trong thời gian vừa qua.
Mặc dù tỷ lệ cao các doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi Covid-19 trong năm 2020, song các doanh nghiệp Việt Nam vẫn tiếp tục duy trì hoạt động. Nhìn chung, PCI đã chứng tỏ những thành công trong chiến lược của Việt Nam trong việc phát triển kinh tế trên cơ sở thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài và phát triển khu vực tư nhân trong nước.
Bên cạnh những kết quả đáng ghi nhận, vẫn có một số khía cạnh còn đáng quan ngại, đó là kiểm soát tham nhũng, hệ thống thủ tục, quy định, cơ sở hạ tầng và chất lượng dịch vụ công. Dù những lĩnh vực này đã có cải thiện rõ nét nhưng năm 2020, chỉ có 27% doanh nghiệp FDI đánh giá mức độ tham nhũng ở Việt Nam ít phổ biến hơn ở Trung Quốc, Thái Lan, Singapore, Indonesia và Malaysia.
Bên cạnh đó, chỉ có 32% doanh nghiệp FDI cho rằng hệ thống thủ tục, quy định hoặc cơ sở hạ tầng của Việt Nam tốt hơn các nước này, trong khi khoảng 42% doanh nghiệp FDI nhận định chất lượng cung cấp dịch vụ công ở Việt Nam tốt hơn. Các con số này phù hợp với nhận định của Phòng Thương mại Hàn Quốc tại Việt Nam (KORCHAM) rằng cơ sở hạ tầng và hệ thống quy định là hai lĩnh vực Việt Nam cần cải thiện hơn nữa để thu hút các nhà đầu tư mới.
Các nhà đầu tư nước ngoài cũng đặt kỳ vọng, Việt Nam tiếp tục kiểm soát tham nhũng, cải thiện chất lượng cung cấp dịch vụ công, hoàn thiện thủ tục, nâng cấp mạnh mẽ chất lượng cơ sở hạ tầng./.
Theo VOV.VN