Tuy nhiên, chuyên gia cho rằng nên "thả nổi" để tăng cạnh tranh.
Cục Hàng không Việt Nam vừa đề xuất bỏ trần giá vé máy bay trên chặng có từ ba hãng cùng khai thác trở lên, trên cơ sở thị trường trong nước có sự tham gia của ngày càng nhiều hãng và "đã có tính cạnh tranh rất cao".
Với đề xuất bỏ trần giá vé máy bay, đại diện các hãng hàng không cho rằng đó là điều cần thiết để tạo ra môi trường cạnh tranh bằng chất lượng dịch vụ, phù hợp nhu cầu của nhiều đối tượng khách hàng và theo đúng hướng kinh tế thị trường.
Hành khách lo giá vé dịp cao điểm đắt hơn khi không có mức trần, nhưng chuyên gia cho rằng thị trường đang có 6 hãng là cơ hội để "thả nổi", tăng cạnh tranh.
“Thượng đế” lo ngại hãng bay “bắt tay” tăng giá vé
Sau khi có đề xuất bỏ trần giá vé máy bay trên chặng có từ ba hãng cùng khai thác trở lên, lo ngại lớn nhất của khách hàng là vé máy bay có thể đắt hơn vào những dịp cao điểm như hè, ngày lễ, Tết nếu không còn khung giá tối đa - công cụ để bảo vệ người tiêu dùng.
Một số khác cho rằng, hãng hàng không có thể bắt tay nhau cùng tăng giá, khiến người dân khó tiếp cận vé giá rẻ.
"Nếu không còn giá trần, giá vé máy bay phổ thông dịp Tết mua sát ngày như chặng TP HCM - Hà Nội có thể tăng lên hơn chục triệu đồng khứ hồi. Mức giá phổ thông cao nhất cho chặng này dịp Tết hơn 8 triệu những dịp Tết trước đây là do bị kiểm soát bởi khung giá trần. Đồng thời, giá vé mua sát ngày hoặc giờ bay cũng có thể đắt hơn khi không còn giá trần”, chị Hà Loan, quận Thanh Xuân, Hà Nội cho biết.
Tuy nhiên, một số người hay đi lại bằng máy bay cho rằng, không quan tâm giá trần hay giá sàn mà chỉ quan tâm giá đó có vừa túi tiền của mình hay không, bởi hàng không nội địa đang là cuộc cạnh tranh quyết liệt giữa các doanh nghiệp.
“Để các hãng nâng cao chất lượng dịch vụ, cơ quan quản lý có thể gỡ bỏ trần vé với hạng thương gia nhưng giữ nguyên công cụ quản lý giá này với hạng phổ thông. Điều này là để bảo vệ quyền lợi của phần lớn hành khách trong bối cảnh nhiều loại hàng hóa cũng đang tăng giá chóng mặt”, anh Nguyễn Quang, ở Đống Đa, Hà Nội nói.
Cũng có ý kiến cho rằng, ở Việt Nam hiện cũng có nhiều hãng bay, nên cũng có nhiều lựa chọn, Vietnam Airlines, Pacific Airlines, Vietjet Air, Bamboo Airways...
“Có người muốn dịch vụ tốt và sẵn sàng trả giá cao song cũng có người chỉ cần bay đến nơi, dịch vụ tối thiểu để giảm tối đa chi phí. Cơ chế thị trường rồi thì để thị trường điều tiết”, anh Lê Mạnh Hà, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội bày tỏ.
Bỏ giá trần để các hãng phải nâng cao chất lượng dịch vụ
Nói về đề xuất bỏ trần giá vé máy bay, Cục Hàng không Việt Nam cho rằng, thị trường hàng không Việt Nam ngày càng có nhiều các hãng bay, thị trường vận chuyển nội địa đã có tính cạnh tranh rất cao về giá vé, các hãng hàng không luôn xây dựng dải giá linh hoạt với nhiều mức giá (khoảng 10-15 mức giá), tương ứng với các điều kiện, thời điểm mua khác nhau.
“Việc áp dụng giá trần sẽ hạn chế việc nâng cao chất lượng dịch vụ nhằm phục vụ đối tượng khách sẵn sàng chi trả cao hơn mức giá trần, ảnh hưởng đến khả năng cạnh tranh bằng chất lượng dịch vụ - yếu tố quan trọng trong phát triển bền vững của các hãng hàng không và theo đúng hướng kinh tế thị trường,” lãnh đạo Cục Hàng không nhận định.
Theo PGS, TS Nguyễn Thiện Tống, nguyên Chủ nhiệm bộ môn Kỹ thuật Hàng không, Đại học Bách Khoa TP HCM, ông ủng hộ đề xuất bỏ trần giá vé máy bay. Có hãng đưa giá cao, thì cũng có hãng sẵn sàng đưa giá thấp hơn để lôi kéo khách. Hiện tại, nhiều khách hàng cũng sẵn sàng chọn hãng giá cao hơn với chất lượng phục vụ tốt hơn.
TS Nguyễn Thiện Tống cho rằng, nên có lộ trình, không nên đột ngột bỏ. Vì bỏ giá sàn ngay có thể gây ra biến động, ảnh hưởng tới khách hàng, nhất là với những hãng lữ hành đã tính toán để đưa ra giá tour cho khách.
Cùng quan điểm, TS Bùi Doãn Nề, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp Hàng Không Việt Nam cho rằng, đề xuất này phù hợp với không chỉ thị trường hàng không trong nước mà cả quốc tế. Bỏ giá trần giúp các hãng chủ động hơn trong việc triển khai giá vé. Khi doanh nghiệp xây dựng giá, họ sẽ dựa vào quan hệ cung cầu.
Theo ông Nề, thị trường sẽ quyết định cơ cấu giá. Đây cũng là một công cụ cạnh tranh thu hút khách của doanh nghiệp, cùng với đó thị trường có nhiều nhà cung ứng hơn và khách hàng cũng sẽ được hưởng lợi hơn.
Thị trường sẽ cạnh tranh sòng phẳng hơn, người hưởng lợi là hành khác?
Về ý kiến e ngại việc bỏ giá trần có thể dẫn đến tình trạng các hãng hàng không "bắt tay" nhau đẩy giá, hành khách sẽ chịu thiệt, ông Đặng Anh Tuấn, Trưởng ban Truyền thông Vietnam Airlines cho rằng, thị trường sẽ cạnh tranh hơn và theo đúng hướng kinh tế thị trường.
"Ở bất kỳ loại hình dịch vụ nào, khi có hơn một nhà cung cấp thì không nên áp giá trần. Việt Nam đang có 6 hãng nên việc áp giá trần là không cần và không còn phù hợp với thực tế, cũng như thông lệ thị trường hàng không thế giới khi chỉ còn vài nước ở Đông Nam Á như Indonesia, Thái Lan quy định giá trần", ông Tuấn cho hay.
Theo ông Tuấn, Nhà nước chỉ nên can thiệp khi có sự cạnh tranh không lành mạnh, phá giá, vi phạm luật cạnh tranh. Còn các hãng sẽ cạnh tranh bằng chất lượng dịch vụ, tiêu chuẩn an toàn, phù hợp nhu cầu của khách hàng nhất. Khi đó, khách hàng sẽ được hưởng lợi.
Ông Tuấn lý giải, quy định giá trần không còn phù hợp bởi kết cấu dịch vụ các hãng đưa tới khách hàng khác nhau. Ví dụ, Vietnam Airlines ngoài chỗ trên máy bay hãng cung cấp cả suất ăn, đồ uống, hành lý...trong khi các hãng giá rẻ thì không bao gồm những dịch vụ trên.
Hơn nữa, mỗi hãng hàng không có định hướng phát triển khác nhau nên việc đồng loạt tăng giá là không khả thi. Với việc bỏ giá trần, các hãng sẽ chủ động cân đối chi phí để áp dụng dịch vụ phù hợp với mô hình mà hãng theo đuổi (trong khi hàng không truyền thống hướng với dịch vụ đi kèm giá cao thì hàng không giá rẻ sẽ tập trung vào giá thấp).
“Việc các hãng “bắt tay” nhau để đồng loạt tăng giá là khó xảy ra trước bối cảnh cạnh tranh ở thị trường nội địa hiện nay, khi các hãng đều cố gắng cải thiện cả về chất lượng dịch vụ và giá để giành thị phần”, đại diện Vietnam Airlines khẳng định.
Nhìn nhận ngành hàng không có tính chất đặc thù theo mùa vụ, một chuyên gia trong ngành hàng không cho biết nếu khống chế giá trần thì các hãng hàng không khó cân đối được hiệu quả khai thác của đường bay và không muốn mở đường bay mới; không muốn tăng tần suất để đáp ứng nhu cầu đi lại hoặc giảm chất lượng dịch vụ để giảm chi phí khai thác.
“Việc điều chỉnh giá trần còn giúp các hãng hàng không chủ động cân đối hoạt động sản xuất kinh doanh trong trường hợp các yếu tố đầu vào thay đổi về chi phí như giá nhiên liệu, tỷ giá, nhân công. Chi phí tăng nhưng giá không đổi dẫn đến các hãng bay sẽ khó cân đối sản xuất kinh doanh, phải giảm quy mô hoặc giảm dịch vụ”, vị chuyên gia này phân tích thêm./.
Theo VOV.VN