Thanh Hóa: Doanh nghiệp du lịch 'gồng mình' vượt bão Covid-19

  • 27/05/2021 09:35:20
  • Minh Hiền
  • Kinh tế
  • 0

Cơn bão mang tên Covid-19 đã và đang gây ra hậu quả nặng nề đối với ngành du lịch. Nhiều doanh nghiệp trong lĩnh vực này buộc phải 'chia tay' với nghề, hoặc như đang'ngồi trên đống lửa'. Doanh nghiệp du lịch Thanh Hóa không nằm ngoài tình trạng đó và đang 'gồng mình' vượt bão Covid-19.

 

Bức tranh màu xám

Năm 2020, doanh nghiệp kinh doanh du lịch Việt Nam nói chung và tỉnh Thanh Hóa nói riêng đã phải “ngủ dài” hoặc “thức” trong thấp thỏm, lo âu. Những tháng đầu năm 2021, khi dịch bệnh trong nước được kiểm soát tốt, chính quyền, doanh nghiệp và nhân dân tỉnh Thanh Hóa cùng nhau xây dựng kế hoạch vực dậy ngành du lịch. Song “niềm vui ngắn chẳng tày gang”, làn sóng dịch bệnh Covid-19 mới bùng nổ khiến kế hoạch du lịch của tỉnh, doanh nghiệp và nhân dân đành gác lại.

Sầm Sơn - điểm du lịch nổi tiếng nhất của Thanh Hóa vào những ngày chính hạ - lặng thinh như chốn không người. Ngoài một số khách sạn đã rao bán, chuyển nhượng bởi không thể trụ nổi, vẫn còn những ông chủ cầm cự trong cảnh “tiến thoái lưỡng nan”.

                      Sầm Sơn vắng khách trong những ngày chính hạ.                                Ảnh: KT

Ông Lê Văn Tạo, người thầu lại khách sạn Sông Gianh hơn 100 phòng (thuộc Công ty Sông Gianh) để kinh doanh du lịch từ tháng 10 năm 2020 đang như “ngồi trên đống lửa”. 3 năm thầu lại khách sạn mất 12 tỷ đồng, một phần không nhỏ phải vay ngân hàng. Thế nhưng 2 mùa du lịch gặp "đại hạn". Mùa du lịch năm 2020, khách sạn kinh doanh được khoảng 20 ngày, không thấm vào đâu. Khoản nợ ngân hàng không có nguồn thu nào để trả lãi, cứ “giật gấu vá vai” xoay sở từng tháng một. Hơn nữa, sau khi thuê lại, mỗi năm bỏ ra mấy trăm triệu tu sửa lại một số hạng mục. Ông Tạo băn khoăn: “Năm ngoái mặc dù thất bại nhưng còn đỡ lo, năm nay lo lắm. Chuẩn bị hết cả rồi dịch bùng phát lại phải hủy. Bước chân vào kinh doanh du lịch chưa được gì, giờ tôi còn nghĩ đến chuyện mất nhà. Làm nghề du lịch thời đại dịch thật "đau tim”. Bây giờ từ bỏ cũng chết mà tiếp tục cố gắng sẽ không biết đi về đâu".

Doanh nghiệp kinh doanh du lịch, thương mại chiếm một lượng lớn trong cộng đồng doanh nghiệp xứ Thanh. Những doanh nghiệp này đang bị thiệt hại quá tầm kiểm soát trong mùa dịch bệnh. Tình hình này kéo dài thì doanh nghiệp kinh doanh du lịch có nguy cơ không "chết" vì dịch bệnh cũng "chết" vì đói.

Trong “nguy” có “cơ”

Trước những tổn thất nặng nề du lịch đang gánh chịu do đại dịch, các doanh nghiệp buộc phải thay đổi, sáng tạo để thích nghi. Việc chuyển hướng sang kinh doanh khẩu trang được kỳ vọng sẽ duy trì việc làm cho nhiều doanh nghiệp trong khi du lịch đang phải “ngủ đông”. Trong lúc gần như “chết đuối”, Công ty TNHH Thương mại Du lịch Eagle (TP Thanh Hóa) đã tự tìm đến phao cứu sinh với hi vọng cải thiện tình hình kinh doanh vốn đang rất bi đát. Điều này đòi hỏi sự nhạy bén rất lớn của chủ doanh nghiệp để biết “tìm cơ trong nguy”.

Công ty TNHH Thương mại Du lịch Eagle (TP Thanh Hóa chuyển sang sản xuất khẩu trang y tế khi dịch Covid-19 bùng phát tại Việt Nam.Trong hoàn cảnh không thể khác được, vị nữ giám đốc đầy nghị lực Phạm Hoài Thương, người vốn rất đam mê kinh doanh du lịch đã phải chuyển đổi ngành nghề. Vẫn mang trong mình bầu nhiệt huyết kinh doanh cũng như quyết tâm đảm bảo thu nhập cho nhân viên Công ty du lịch, bà Thương thử sức với một ngành nghề mới, đầu tư 12 tỷ mua 2 chiếc máy làm khẩu trang y tế để làm cùng với cơ sở của một người bạn. Ngoài ra công ty cũng mới mở rộng thêm ngành nghề mới như đấu giá, thẩm định giá, tài sản cho doanh nghiệp bạn. Là một người làm du lịch, giờ đây bà Hoài Thương lại đang tất bật với công việc kinh doanh mới, tìm thêm cơ hội.

Ngoài sự nỗ lực của mỗi doanh nghiệp kinh doanh du lịch, tỉnh Thanh Hóa đã và đang cùng với doanh nghiệp “kết bè” vượt bão Covid19. Trao đổi với phóng viên, bà Vương Thị Hải Yến, Phó giám đốc sở Văn hóa - Thể thao - Du lịch tỉnh Thanh Hóa cho biết: Mặc dù gặp nhiều khó khăn, song không thể để doanh nghiệp du lịch “chết”, hoặc tiếp tục “ngủ đông”, chính quyền, các sở ban ngành chuyên môn tỉnh Thanh Hóa đã có những hỗ trợ cụ thể, thiết thực để từng bước vực dậy ngành “công nghiệp không khói” này.

Trong thời điểm dịch bệnh được khống chế, Thanh Hóa đã hỗ trợ các doanh nghiệp tổ chức quảng bá, giới thiệu các gói kích cầu du lịch và đã mang lại những kết quả khả quan. Thanh Hóa cũng đang tập trung đẩy mạnh các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp ứng dụng chuyển đổi số và phát triển du lịch thông minh trong việc tuyên truyền, quảng bá và quản trị doanh nghiệp. “Sau khi dịch bệch được khống chế, muốn vực lại nhanh ngành du lịch, bên cạnh chính sách kích cầu của nhà nước, sự nỗ lực của doanh nghiệp thì rất cần sự vào cuộc của toàn xã hội” - Bà Yến nhấn mạnh.

 

Bình luận

    Chưa có bình luận