Công ty Cổ phần Thực phẩm Vĩnh Thành Đạt ở Quận 12, chuyên sản xuất trứng và các sản phẩm trứng. Mỗi ngày, công ty có khoảng 30 chuyến xe chở hàng hóa cung cấp cho các tỉnh phía Nam. Việc giao hàng đến các địa phương, doanh nghiệp đều yêu cầu nhân viên phải thực hiện nghiêm quy định 5K về phòng chống dịch. Với tài xế khi giao hàng không được vào khu sản xuất, xe ra vào xưởng đều sát trùng, nhân viên khi giao hàng mặc đồ bảo hộ y tế, sát khuẩn...
Tuy nhiên, khoảng 1 tuần nay, việc lưu thông hàng hóa của công ty gặp khó khăn do quy định về phòng, chống dịch mỗi nơi một kiểu. Đã có chuyến hàng tươi sống của Công ty Cổ phần Thực phẩm Vĩnh Thành Đạt đi xuống thành phố Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận phải quay đầu trở lại vì ở đây quy định nhân viên, tài xế xe chở hàng hóa thực phẩm của doanh nghiệp từ TP.HCM đến phải có giấy xét nghiệm âm tính với SARS CoV-2 thì mới được vào thành phố giao hàng.
Ông Trương Chí Thiện, Giám đốc điều hành Công ty Cổ phần Thực phẩm Vĩnh Thành Đạt cho biết: “Không lẽ mỗi lần chúng tôi đi giao hàng phải đi xét nghiệm lại. Hiện nay, chúng tôi tìm nơi dịch vụ làm xét nghiệm cũng không dễ vì ở thành phố cũng đang quá tải. Quy định này gây cho chúng tôi khó khăn rất nhiều, vì ngoài tăng chi phí do xét nghiệm, còn ảnh hưởng thời gian giao hàng, có nơi chúng tôi thiếu hàng, chính vì những quy định định cục bộ mỗi nơi này chúng tôi rất bị động”.
Cũng như thành phố Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận, tỉnh An Giang và Bạc Liêu quy định xe từ TP.HCM đi qua địa bàn phải có giấy xét nghiệm âm tính với SARS CoV-2. Xe không được dừng lại tại hai tỉnh này giao hàng. Riêng tỉnh Bạc Liêu nếu xe dừng lại thì tài xế phải cách ly 21 ngày.
Trước quy định của địa phương, một doanh nghiệp chở thực phẩm vào tỉnh này phải dừng xe ở nơi giáp ranh với tỉnh Bạc Liêu và thuê xe, người ở đây bốc hàng sang xe khác chuyển vào. Trong khi, hàng hóa của doanh nghiệp này có sản phẩm thịt tươi sống phải được chở bằng xe lạnh nên việc bốc hàng chuyển qua xe khác rất bất tiện, tốn kém và giảm chất lượng.
Ông Phan Văn Dũng, Phó Tổng giám đốc, Công ty Cổ phần xúc sản Việt Nam (VISSAN) kiến nghị: “Ở góc độ doanh nghiệp chúng tôi kiến nghị cơ quan quản lý nhà nước, các địa phương linh hoạt thực hiện theo chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ không "ngăn sông cấm chợ" tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp cung cấp hàng thực phẩm đến người dân trong đợt dịch này để người dân tiếp cận được hàng hóa đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm".
Còn ông Nguyễn Đặng Hiến, Tổng Giám đốc Công ty Tân Quang Minh (Bidrico), Phó Chủ tịch Hội Lương thực, Thực phẩm TP.HCM cho biết, ở Bạc Liêu và An Giang đang tồn tại tình trạng mỗi nơi công nhận thời hạn giấy xét nghiệm SARS CoV-2 một kiểu khác nhau. Điều này đang gây khó khăn cho doanh nghiệp TP.HCM khi vận chuyển hàng hóa đến những nơi này.
Công tác phòng, chống dịch là rất quan trọng, tuy nhiên mỗi địa phương quy định một kiểu đang làm cho việc lưu thông hàng hóa, nhất là hàng tiêu dùng thiết yếu trở nên khó khăn. Việc gián đoạn, hoặc đứt gãy nguồn cung thực phẩm không chỉ ảnh hưởng đến người tiêu dùng, doanh nghiệp sản xuất kinh doanh mà còn ảnh hưởng đến việc tiêu thụ nông sản của nông dân. Bởi vậy, các địa phương cần có những quy định phù hợp để đảm bảo công tác “vừa chống dịch vừa phát triển kinh tế”./.
Theo VOV.VN