Tuy nhiên, về dài hạn, cần có những sắc thuế phù hợp với thực tiễn để có thể đảm bảo tăng trưởng kinh tế một cách bền vững, ổn định.
Đã gia hạn 21.000 tỷ đồng tiền thuế, tiền thuê đất
Nhằm hỗ trợ, giảm khó khăn cho doanh nghiệp, người dân và thực hiện quy định của pháp luật phí, lệ phí, ngay trong năm 2020, Bộ Tài chính đã chủ trì phối hợp với các bộ, cơ quan ngang bộ rà soát để ban hành 21 Thông tư điều chỉnh giảm 29 khoản phí, lệ phí.
Trong đó, có nhiều mức phí, lệ phí giảm cao như giảm 70% các mức thu lệ phí đăng ký doanh nghiệp; giảm 67% mức thu phí công bố thông tin doanh nghiệp; giảm từ 50 - 70% mức thu phí thẩm định cấp sửa đổi, bổ sung giấy phép hoạt động bưu chính; giảm 50% mức thu phí cấp giấy phép hoạt động của tổ chức tín dụng, phí thẩm định dự án đầu tư xây dựng và 20/22 khoản phí, lệ phí trong lĩnh vực chứng khoán... Các thông tư giảm phí, lệ phí có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký đến hết ngày 31/12/2020.
Để tiếp tục hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho đối tượng chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19, Bộ Tài chính vừa có Công văn số 5377/BTC-CST xin ý kiến các bộ, cơ quan có liên quan về kéo dài thời gian giảm các khoản phí, lệ phí đã được quy định tại Thông tư số 112/2020/TT-BTC đến hết ngày 31/12/2021.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, trong những tháng đầu năm, công tác điều hành chính sách tài khóa chủ động, tích cực tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, người dân ứng phó với đại dịch Covid-19. Theo đó, đã cho phép tính vào chi phí các khoản chi ủng hộ, tài trợ cho phòng, chống dịch Covid-19 khi xác định thu nhập chịu thuế của doanh nghiệp; tiếp tục gia hạn nộp thuế, tiền thuê đất trong năm 2021; giảm 30% mức thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu bay đến hết năm 2021; miễn giảm nhiều loại phí, lệ phí trong năm 2021.
“Kết quả thực hiện 5 tháng, đã gia hạn 21.000 tỷ đồng tiền thuế, tiền thuê đất; miễn, giảm 2.460 tỷ đồng thuế, phí, lệ phí; qua đó, giúp doanh nghiệp, người dân giảm bớt khó khăn, tiếp tục duy trì các hoạt động sản xuất kinh doanh”, đại diện Bộ Tài chính cho biết.
Theo PGS. TS. Ngô Trí Long, chuyên gia kinh tế, việc kéo dài thời gian giảm các khoản phí, lệ phí sẽ ảnh hưởng đến ngân sách nhà nước với ước tính số tiền giảm đợt này khoảng 1.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay, khi doanh nghiệp đang “đói vốn”, gặp nhiều khó khăn trong việc sản xuất, kinh doanh thì đề xuất này của Bộ Tài chính là rất đáng mừng.
“Thuế, phí là một lĩnh vực hết sức nhạy cảm đối với sản xuất, đời sống kinh tế - xã hội, có tác động rất lớn đến năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, của doanh nghiệp và tác động tới sự ổn định kinh tế vĩ mô (tăng trưởng, lạm phát, công ăn việc làm…). Do đó, những chính sách liên quan đến thuế, phí phù hợp với thực tiễn sẽ góp phần giúp doanh nghiệp ổn định để còn yên tâm làm ăn, phục hồi sau dịch Covid-19”, PGS. TS. Ngô Trí Long cho hay.
Ông Long cho biết, thực tế đã chứng minh, việc giảm các loại phí, lệ phí trong thời gian qua có tác động khá tích cực đến hoạt động của doanh nghiệp. Đặc biệt là việc giảm mạnh các phí liên quan thành lập, công bố thông tin doanh nghiệp, thẩm định sửa đổi, bổ sung giấy phép hoạt động…
Hiện dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp. Ông Long cho rằng, trước mắt, Chính phủ, trực tiếp là Bộ Tài chính cần tiếp tục rà soát, kiến nghị miễn, giảm thuế, phí và lệ phí mà trước hết là trên các ngành, lĩnh vực chịu ảnh hưởng nhiều bởi dịch bệnh.
“Về dài hạn, cần có những sắc thuế phù hợp với thực tiễn để có thể đảm bảo tăng trưởng kinh tế một cách bền vững, ổn định, theo chiều sâu. Cải cách chính sách thuế này phải theo hướng nuôi dưỡng nguồn thu, tạo sự công bằng, bình đẳng; tạo điều kiện, khuyến khích các doanh nghiệp phát triển, làm ăn có lãi”, PGS. TS. Ngô Trí Long khuyến nghị.
Tạo điều kiện cho các doanh nghiệp mở rộng thị trường
Đồng quan điểm, PGS. TS. Đinh Trọng Thịnh, giảng viên cao cấp Học viện Tài chính cho rằng, việc kéo dài thời gian giảm các khoản phí, lệ phí đã góp phần tạo động lực cho người dân, doanh nghiệp vực dậy sản xuất và tiêu dùng, đóng góp tích cực trong việc phục hồi nền kinh tế do ảnh hưởng của dịch bệnh. Tuy nhiên, ông Thịnh cho rằng, doanh nghiệp cũng rất cần một môi trường ổn định với những chính sách dài hơi, đặc biệt các chính sách liên quan đến thuế.
"Covid-19 đã kéo dài sang năm thứ 2. Rõ ràng, việc xây dựng các luật, đặc biệt luật về thuế phải cẩn trọng tỉ mỉ, vừa cụ thể thận trọng, vừa phù hợp thực tiễn. Chú trọng lấy ý kiến của các đối tượng chịu tác động. Đây là những vấn đề mang tính lâu dài cho hoạt động sản xuất kinh doanh, phù hợp với Việt Nam và thông lệ quốc tế. Cũng cần xây dựng trên nền tảng áp dụng trong thời gian lâu dài nhưng có khả năng dự báo trước sự thay đổi", ông Thịnh nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, hoạt động sản xuất kinh doanh của nội tại doanh nghiệp cần phải thay đổi, trong đó có tự tái cấu trúc hướng đến tiết kiệm mọi chi phí.
“Trong điều kiện hiện nay, các đơn vị có thể chuyển đổi sang số hóa vừa giúp giảm chi phí, vừa tận dụng được tốt nhất các cơ hội tiêu thụ hàng hóa trong nước, mở rộng nguồn cung đầu vào, xuất khẩu ra thị trường nước ngoài để chiếm lĩnh thị trường quốc tế, đẩy mạnh xuất khẩu”, PGS. TS. Đinh Trọng Thịnh khuyến cáo.
Ông Thịnh cũng cho rằng, cần có các chính sách nhằm tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp mở rộng thị trường, nhập khẩu nguyên, nhiên vật liệu, thị trường xuất khẩu thông qua các thương vụ từ đại sứ quán.
“Để các doanh nghiệp tự ra nước ngoài vào thời điểm này sẽ rất khó. Vậy nên cần nhờ vào các thương vụ của đại sứ quán nhằm kết nối với khách hàng, từ đó ký kết, xuất khẩu hàng hóa, nhập khẩu nguyên vật liệu sẽ là cơ sở để chúng ta đạt được mức tăng trưởng mục tiêu trên 6,5%”, PGS. TS. Đinh Trọng Thịnh nêu ý kiến./.
Diệp Diệp/VOV.VN