Sẽ xử lý nghiêm việc đầu cơ thao túng giá các mặt hàng nguyên liệu đầu vào phục vụ SX

Bộ Công Thương đã lý giải và đưa ra các giải pháp cho nhiều vấn đề 'nóng' tại buổi họp báo thường kỳ của Bộ Công Thương diễn ra vào chiều 17/6.

 

Giá phân bón được dự báo sẽ giữ ở mức cao

Liên quan đến hiện tượng tăng giá phân bón diễn ra mạnh và đồng loạt bắt đầu từ đầu năm 2021, ông Lê Triệu Dũng, Cục trưởng Cục Phòng vệ thương mại (PVTM - Bộ Công Thương) cho biết, giá phân bón tăng đợt này này chủ yếu do các yếu tố như nguyên liệu sản xuất tăng, chi phí vận tải tăng. Cụ thể, nguyên liệu cho sản xuất phân DAP và MAP là lưu huỳnh đã tăng 2 lần, giá ammoniac tăng khoảng 30%, giá vận chuyển tăng 5 lần... Bộ Công Thương nhận thấy năng lực sản xuất phân bón trong nước hoàn toàn đủ để cung ứng nhu cầu trong nước. Từ khi có lượng sản xuất trong nước làm đối trọng với hàng nhập khẩu, mức tăng của phân bón DAP và MAP sản xuất trong nước thấp hơn so với mức tăng của hàng nhập khẩu (giảm còn 8 - 10 triệu/tấn so với 14 - 15 triệu/tấn) chính là đối trọng kìm hãm sự tăng giá phân bón, giúp bình ổn thị trường.

Còn theo lý giải của đại diện Cục Hóa chất, nguyên nhân chủ yếu khiến giá phân bón tăng là do hiện giá cước vận chuyển container đã tăng 5 lần so với năm trước, khi phân bón DAP và MAP và Ure hầu hết được vận chuyển bằng container. Thêm vào đó, nguồn cung phân bón trong khu vực Đông Nam Á sụt giảm do nhiều nhà máy bước vào giai đoạn bảo dưỡng, sửa chữa khiến giá phân bón tăng… là những yếu tố khiến giá phân bón trong nước tăng theo. Dự báo của Cục Hóa chất cũng cho biết, phân bón đang bước vào chu kỳ tăng nên từ nay đến hết năm, giá phân bón sẽ tiếp tục giữ ở mức cao.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải phát biểu tại buổi họp báo. Ảnh: Ngọc Vũ

Giảm giá điện

Sau khi được Chính phủ xem xét thông qua phương án giảm giá điện, giảm tiền điện đợt 3, Bộ Công Thương đã ban hành văn bản hướng dẫn EVN, các Tổng công ty Điện lực và các Sở Công Thương các tỉnh, thành phố để thực hiện ngay việc hỗ trợ việc giảm giá điện, giảm tiền điện đợt 3 trong 7 tháng (kể từ kỳ hóa đơn tiền điện tháng 6/2021 đến hết kỳ hóa đơn tiền điện tháng 12/2021). Cụ thể, giảm giá điện cho các cơ sở lưu trú du lịch từ mức giá bán lẻ điện áp dụng cho kinh doanh xuống bằng mức giá bán lẻ điện áp dụng cho các ngành sản xuất.

Ngoài ra, giảm 100% tiền điện cho các cơ sở đang thực hiện làm nơi cách ly, khám bệnh tập trung bệnh nhân nghi nhiễm, đã nhiễm COVID-19 không thu phí và giảm 20% tiền điện cho các cơ sở y tế đang được dùng để khám, xét nghiệm, điều trị bệnh nhân nghi nhiễm, đã nhiễm COVID-19…

Tại buổi họp báo, ông Trần Tuệ Quang, Phó Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực thông tin: Ước tính tổng số tiền hỗ trợ giảm giá điện, giảm tiền điện của đợt 3 vào khoảng 1.200 - 1.300 tỷ đồng.

Xây dựng kịch bản xúc tiến tiêu thụ nông sản

Năm 2021, ngành Công Thương đã và đang nỗ lực, tích cực trong sản xuất công nghiệp, kết nối cung cầu thị trường trong nước, đảm bảo cung cầu, hàng hóa thiết yếu cho người dân. Đồng thời đảm bảo duy trì sản xuất ngay tại các địa phương có dịch như Bắc Giang, Bắc Ninh, TP.HCM, tránh để gián đoạn, đứt gãy chuỗi sản xuất, cung ứng không chỉ của Việt Nam mà của các chuỗi cung ứng toàn cầu.

Về vấn đề xúc tiến tiêu thụ nông sản, ông Hoàng Minh Chiến - Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại khẳng định: “Việc hỗ trợ địa phương tiêu thụ nông sản đến mùa vụ không phải việc năm nay mới làm mà Bộ Công Thương hàng năm đều triển khai và phối hợp triển khai tổng thể”.

Ông Hoàng Minh Chiến - Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại, Bộ Công Thương. Ảnh: KT

Năm nay, ngay trong giai đoạn dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, Bộ Công Thương đã có Chỉ thị số 08/CT-BCT ngày 25/5 về việc tạo điều kiện thuận lợi trong lưu thông và tăng cường hỗ trợ tiêu thụ tại thị trường trong nước các sản phẩm nông sản của các địa phương. Căn cứ Chỉ thị này, Cục Xúc tiến thương mại đã phối hợp với các địa phương tổng hợp số liệu, số lượng nông sản mùa vụ, nhu cầu hỗ trợ xúc tiến thương mại, sau đó có kế hoạch tổng thể để hỗ trợ tiêu thụ. Việc này cũng cần sự vào cuộc của nhiều cục vụ khác như Tổng cục Quản lý thị trường, Vụ Thị trường trong nước, Văn phòng Bộ, Cục Thương mại điện tử và kinh tế số… cũng như các bộ ngành liên quan và địa phương.

Bên cạnh đó, việc hỗ trợ tiêu thụ đã được triển khai qua nhiều kênh khác nhau như các kênh truyền thống như siêu thị, các nhà phân phối lớn, các sàn thương mại điện tử… Vải thiều của Hải Dương và Bắc Giang trong năm nay cũng lần đầu tiên được thí điểm áp dụng ứng dụng truy xuất nguồn gốc và nhận được phản hồi tích cực từ địa phương, doanh nghiệp thu mua, thị trường nước ngoài. Bằng nhiều giải pháp tổng thể, cùng với tiêu thụ nội địa, đến nay, vải thiều đã xuất khẩu thành công sang nhiều thị trường như Nhật Bản, Pháp...

Thời gian tới, Cục Xúc tiến thương mại sẽ tiếp tục phối hợp với các địa phương khác để kết nối tiêu thụ sản phẩm nông sản. Cụ thể như sắp tới sẽ kết nối với Hưng Yên để tiêu thụ nhãn và nông sản; kết nối với Bình Thuận để hỗ trợ tiêu thụ thanh long.

Người tiêu dùng cần thận trọng khi mua hàng

Liên quan đến tình hình buôn bán hàng lậu, hàng giả, ông Trần Hữu Linh - Tổng Cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường (QLTT) cho biết, từ khi dịch bùng phát vào năm 2020, những mặt hàng liên quan đến thiết bị y tế, khẩu trang, nước rửa tay… khan hiếm nên năm 2020, gian lận thương mại liên quan đến mặt hàng này rất nhiều. Đến năm 2021, khi dịch bùng phát lần thứ 4, gian lận thương mại tinh vi hơn, mặt hàng đa dạng hơn. Đặc biệt, trong tháng 6, qua kiểm tra, kiểm soát, Tổng cục phát hiện một số lượng các bộ kit test nhanh Covid-19 được nhập lậu vào Việt Nam.

Ông Trần Hữu Linh - Tổng Cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường, Bộ Công Thương.

Vừa qua, lực lượng QLTT Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh đã kiểm tra, thu giữ vài nghìn bộ kit test nhanh Covid-19 và hầu hết là không có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng. Hiện nay, bộ kit test nhanh Covid-19 có một công ty ở Việt Nam được Bộ Y tế cấp phép để sản xuất. “Do vậy, đề nghị người tiêu dùng hết sức lưu ý khi mua sản phẩm này, phải kiểm tra rõ ràng thông tin nguồn gốc sản phẩm và phải được cấp phép của Bộ Y tế ”- ông Trần Hữu Linh khuyến cáo.

Đối với mặt hàng khẩu trang chống dịch, hiện nay, trên thị trường đã xuất hiện quảng cáo loại khẩu trang có khả năng chống virus Corona đến mức được 99%. Ông Trần Hữu Linh lưu ý, người dân khi mua khẩu trang cần phải xem nguồn gốc xuất xứ và có được cấp phép đạt tiêu chuẩn hay không.

Từ đầu đến nay, gian lận thương mại trên môi trường thương mại điện tử rất cao, chủ yếu qua các sàn giao dịch thương mại điện tử và mạng xã hội như facebook và zalo. Lực lượng QLTT vẫn đang phối hợp với các cơ quan chức năng để “tấn công”, cũng như có phương án điều tra, xác minh và xử lý các hành vi vi phạm.

Trước diễn biến phức tạp của dịch covid-19 cũng như giá cả một số mặt hàng tăng đột biến, ông Đỗ Thắng Hải, Thứ trưởng Bộ Công Thương khẳng định: Bộ Công Thương cũng sẽ bám sát tình hình sản xuất công nghiệp trên địa bàn toàn quốc, trong các khu cụm công nghiệp để hướng dẫn thực hiện các giải pháp, nhằm thực hiện các biện pháp phòng chống dịch Covid-19 hiệu quả, vừa đảm bảo phát triển sản xuất kinh doanh và chống dịch Covid-19. Từ nay đến cuối năm chúng tôi cũng sẽ tiếp tục bảo đảm cung cầu hàng hóa thiết yếu, ổn định giá cả thị trường, thúc đẩy tiêu thụ nông sản và đẩy mạnh quảng bá sản phẩm nông sản trên tất cả các kênh thương mại điện tử. Chúng tôi cũng sẽ tăng cường kiểm tra, giám sát và có biện pháp mạnh mẽ để chống đầu cơ, găm hàng, tích trữ, lũng đoạn thị trường đối với các mặt hàng nguyên phụ liệu sản xuất trong nước, hỗ trợ doanh nghiệp, và kiên quyết xử lý nghiêm các hành vi đầu cơ thao túng giá các mặt hàng thiết yếu phục vụ cho đời sống của người dân”./.

Vũ Ngọc

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận